Xuất hiện và được biết đến từ những “tờ rơi” thơ, Văn Thùy dần chiếm cảm tình của bạn những người tình cờ một lần biết đến thơ ông. Tác giả thơ dân gian giữa thời hiện đại cũng từng bước nhận được sự ghi nhận của văn giới.
Từ những tập thơ được ông viết tay, tự vẽ minh họa, tự trình bày, xuất bản dưới hình thức photo, giờ đây, thơ Văn Thùy đã được một số nhà xuất bản nhận in. Gần đây nhất là tập “Thơ thu gom” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, Công ty Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây phát hành. Một buổi giao lưu giới thiệu sách nhỏ cũng đã được tổ chức tại cà phê Đông Tây chiều 9/5/2014.
Nhà phê bình – TS Chu Văn Sơn và “dị nhân” Văn Thùy tại buổi giao lưu.
Nhà phê bình – TS Chu Văn Sơn là người thuộc giới nghiên cứu phê bình cổ vũ tác giả có nghệ danh “Văn Thùy dã thi” từ rất sớm. Từ việc viết bài giới thiệu đến việc đưa thơ Văn Thùy vào các tuyển tập thơ Việt Nam. Lần giao lưu giới thiệu tác phẩm mới của Văn Thùy này cũng do TS Chu Văn Sơn dẫn dắt.
Nhà phê bình – TS Chu Văn Sơn nói, việc định vị, định dạng và định danh một tác giả là điều những người làm phê bình luôn phải làm. Và với Văn Thùy, ông đã không phải quá băn khoăn. Ông nói rằng, một tác giả có những câu thơ để nhớ không nhiều, có người làm thơ rất lâu, rất nhiều mà chưa đạt được, nhưng có những người xuất hiện rất ít nhưng đã đạt được. Theo Chu Văn Sơn, Văn Thùy có không rất nhiều câu thơ hay, neo được vào tâm trí người đọc. Văn Thùy “xuất thân nghiệp dư nhưng đã đạt được thành tựu như chuyên nghiệp” bởi điều mà Chu Văn Sơn quan tâm là chất lượng chứ không phải số lượng.
Gọi Văn Thùy là “thi sĩ dân gian của thời hiện đại”, Chu Văn Sơn nói, Văn Thùy đã quăng mình vào thơ, kí thác vào thơ, tạo nên khuôn mặt nghệ thuật của mình. Bởi thế, với Văn Thùy, thơ có ý nghĩa nhất. Nhà phê bình – TS Chu Văn Sơn đánh giá cao Văn Thùy ở thể thơ lục bát, “Văn Thùy dựa vào lục bát để sống, và ông cũng nuôi sống lục bát, Văn Thùy đã ném mình vào lục bát và lục bát cũng không phụ Văn Thùy”.
Từ xuất bản thơ thủ công đến xuất bản thơ “chính ngạch” là một bước chuyển của Văn Thùy. Theo nhìn nhận của TS Chu Văn Sơn thì nhờ vậy thơ Văn Thùy sẽ đến với rộng rãi người đọc hơn. Đây là những vần thơ rất cần những sự chia sẻ để lan tỏa.
Tên tập thơ “Thơ thu gom” được Nhà phê bình – TS Chu Văn Sơn rất thích, ông cho rằng đây là một cái tên có thể “sống” được. Bìa tập thơ cũng… rất Văn Thùy.
Mỗi bài thơ ra đời Văn Thùy đều không thấy hài lòng, ông thường chỉnh sửa, hoàn thiện nó, thậm chí có những bài được ông sửa đến hàng chục lần. Đó cũng là sự thuận lợi khi tự xuất bản thơ chép tay. Giờ đây, dù đã được in công nghiệp nhưng tại buổi giao lưu Văn Thùy vẫn dặn những người đọc sách nếu thấy chưa hay ông sẽ sửa vào chính bản in cho hay hơn. “Thơ như là cắt tóc gội đầu vậy, tuần này khác, tuần sau khác”, ông nói.
Viết rất nhiều những câu thơ, bài thơ không phải quá dài nhưng chính Văn Thùy cũng không thuộc hết thơ mình. Ông bảo ông viết ra cho người khác đọc là chính. Như thể nhân gian mượn miệng ông để nhả ra những vần thơ tưng tửng và sâu cay vậy.
Văn Thùy cũng cho biết, tới đây ông sẽ viết các thể thơ khác ngoài lục bát. Ông nói rằng, sang một miền thơ mới nhưng vẫn giữ giọng điệu của riêng mình và không ngại những khen chê của người đọc. Theo ông, sáng tạo là thứ rất khó để hài lòng, và sự toàn vẹn không có đích cuối cùng nào cả.
Cách sống, cách ứng xử với thơ, với đời của Văn Thùy không giống ai, không lẫn vào đâu được. Chẳng có một chốn đi về, chẳng có một xu trong túi ông vẫn sẵn sàng lên đường. Ông chẳng thuộc về đâu, cũng chẳng lưu lại chốn nào quá lâu, bạn bè luôn sẵn lòng tiếp đón, dù thế ông cũng rất hiếm khi làm phiền đến họ. Muốn tìm ông, vào dịp Tết cứ đến Văn Miếu, từ nhiều năm nay ông luôn có một gian ngồi viết thư pháp ở phố ông đồ. Trước đây, trong những tập thơ tự in ông luôn ghi chú hai hình thức “liên hệ bằng chân” và “liên hệ bằng mồm”, nhưng có lẽ chỉ nên liên lạc điện thoại thì tốt hơn cả.
Theo BTV Đặng Thiên Sơn, bản thảo gửi đến Đông Tây được Văn Thùy chỉnh sửa đến… 12 lần mới ưng ý.
Người ta gọi ông là “dị nhân” quả chẳng sai. Những ai mới gặp thì cảm giác Văn Thùy cũng chẳng khác một kẻ… vô gia cư là mấy. Tuy vậy, chỉ cần nghe ông nói đôi câu, chỉ cần đọc đôi vần thơ của ông, sẽ thấy ẩn sau kẻ “vô gia cư” ấy là một kho báu. Văn Thùy là một kẻ “vô gia cư” giàu có.
Văn Thùy sinh năm 1941 tại Làng Vạn Phúc, Hà Nội. Hiện sinh sống tại Ân Thi, Hưng Yên. Tác phẩm của ông được một số đơn vị xuất bản đỡ đầu in ấn gồm: “Điệu ru của mẹ” (Nxb Quân đội nhân dân, 2008); “Ru dọc hai màu lá” (Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống); “Quanh vần thơ cổ thụ” (Nxb Quân đội nhân dân, 2013). “Thơ thu gom” dày hơn 300 trang, gồm gần 400 bài thơ của Văn Thùy do Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây đỡ đầu, khổ 20,5×14,5. Giá bìa 91.000 đồng.
THIỆN NGUYỄN