Theo điều tra mới đây của RED Communication có tới 96% phóng viên trả lời rằng từng bị cản trở trong quá trình tác nghiệp.
Sáng nay, 20/6/2016, tại Hà Nội, trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển, RED Communication đã tổ chức hội thảo tham vấn về cản trở tác nghiệp báo chí ở Việt Nam giai đoạn 2011-2016.
Nhà báo ngày càng gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia RED cho biết theo khảo sát tháng 5/2016 của tổ chức này về vấn đề cản trở tác nghiệp của phóng viên cho thấy xu hướng đang ngày càng xấu đi, khi có tới 96% người trả lời rằng đã từng bị cản trở, so với mức 88% trong khảo sát năm 2011 cũng của tổ chức này.Ông Đồng cũng cho biết thêm, theo số liệu thống kê của RED, số lượng cản trở ở mức độ nghiêm trọng (đe dọa, hành hung nhà báo) ghi nhận được từ năm 2011 không có chiều hướng gia tăng, ( khoảng 40 vụ việc mỗi năm). Tuy nhiên các vụ việc điển hình cho thấy mức độ va chạm giữa các khu vực doanh nghiệp và báo chí đã tăng lên, là căn nguyên chính của những vụ tấn công nhà báo nổi cộm nhất. Đáng lo ngại là trong nhiều vụ tấn công, có những nguyên nhân xuất phát từ sai sót nghiệp vụ, từ lỗi tác nghiệp không chính đáng của phóng viên.
Nhà báo bị cản trở do đâu?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều vụ việc đe dọa và hành hung nhà báo nghiêm trọng đã không được xử lý đến cùng, cũng như thông tin rộng rãi. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt cho hoạt động bảo vệ an toàn tác nghiệp của nhà báo.
Theo ông Đồng, mặc dù hiện nay vấn đề bị cản trở trực tiếp, đe dọa hay hành hung, đánh giá về thực hiện quyền thông tin từ cả hai khía cạnh tiếp cận và công bố thông tin của những người làm báo có xu hướng kém tích cực. Bên cạnh những khó khăn đã được biết đến trước đây, việc thực hiện quyền thông tin, đặc biệt là công bố thông tin đang gặp những thách thức đáng lo ngại từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó ông Đồng cũng quan ngại về rủi ro pháp lý trong quá trình tác nghiệp của nhà báo ở những lĩnh vực rủi ro cao (ví dụ điều tra, nội chính, hay tài nguyên môi trường). Rủi ro này đến từ hai phía. Một mặt do phóng viên chưa ý thức được đầy đủ các rủi ro, thiếu hụt về mặt kiến thức pháp lý, cũng như chưa nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ toàn soạn. Mặt khác, những rủi ro ngầm thách thức phóng viên còn đến từ môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, các vùng hạn chế thông tin, và tình trạng dấu mật tràn lan từ cac cơ quan nhà nước.
Nói về vấn đề này, ông Phan Hữu Minh Ủy viên Thường Vụ Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Đối với nhóm nhà báo tác nghiệp ở các lĩnh vực rủi ro cao- vốn là lĩnh vực đáp ứng nhu cầu thông tin có giá trị lớn nhất cho độc giả ( như nhà báo điều tra, nhà báo theo mảng nội chính) có sự quan ngại đáng kể về rủi ro pháp lý gia tăng và ảnh hưởng đến tâm lý, động lực làm việc và kết quả công việc của nhóm này. Các báo thiếu một bộ nguyên tắc ứng xử và gần như không tham vấn chuyên gia pháp lý khi tham gia sâu vào các vụ việc điều tra có thể mang lại rủi ro cao”.
Đặc biệt, ông Minh cho rằng: “Nhà báo bị cản trở hoặc hành hung, quyền và lợi ích hợp pháp là báo với cơ quan, cơ quan báo với Hội nhà báo và thông tin truyền thông, thậm chí công an, chính quyền. Tuy vậy, không ít vụ không báo, tôi nghĩ có lý do của nó. Mà có mấy khả năng như ngại to chuyện, thiếu hụt những điều kiện trong tác nghiệp, và một số lý do khác”.
Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề phóng viên bị cản trở tác nghiệp do thiếu những kỹ năng, kiến thức căn bản để tác nghiệp an toàn, đặc biệt là những phóng viên trẻ mới vào nghề.
“Chất lượng chương trình đào tạo đào phóng viên từ các trường báo chí chính quy chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn nghề nghiệp đối với những người hành nghề báo chí. Còn nặng về mặt lý thuyết. Sự thiếu hụt nghiêm trọng kỹ năng làm báo của những người tốt nghiệp, cộng thêm việc các tòa soạn, đặc biệt là tòa soạn ở các báo quy mô nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực/ không có đủ quan tâm cần thiết cho việc đào tạo phóng viên, để lại những hệ quả là phóng viên trẻ không có đủ kỹ năng, năng lực cần thiết để tác nghiệp. Kết quả là phóng viên rơi vào “bẫy kép” – tác nghiệp dưới chuẩn và gia tăng nguy cơ bị cản trở, bị tấn công”, ông Nguyễn Quang Đồng lo ngại.
Theo khảo sát, cho thấy, để có được kỹ năng tác nghiệp, phần lớn, phóng viên thường thu thập qua các kênh thông tin chính như tự học, qua bạn bè, đồng nghiệp và tự học./.
Nguyễn Trang