Từ hơn nửa thế kỷ nay, biểu tượng của Lễ Vu Lan ở Việt Nam là những bông hồng để cài lên ngực áo mỗi người, như một ngầm ý những ai còn Mẹ còn Cha…
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra…
Tháng 7 âm lịch, chớm thu ngập ngừng heo may gió nhẹ nhàng ngắt từng chiếc lá vàng lác đác lơ lửng bay, những đám mây màu tím xám về cùng những cơn mưa lúc thưa lúc nhặt và có vài khoảnh khắc bầu trời trong màu thủy tinh xanh. Hình như ông Trời đã chọn mùa này để cho cảm xúc như đầy hơn với công Cha nghĩa Mẹ.
Hình như trái tim ai cũng nôn nao khi ngắm ánh trăng mỗi ngày mỗi sáng hơn cho đến ngày rằm, để biết rằng Lễ Vu Lan, ngày hiếu hạnh của những người con kính dâng các bậc sinh thành, dưỡng dục… để được cài một bông hồng lên ngực áo, dù đó là bông hồng đỏ hay trắng và hoài niệm về Mẹ Cha.
Có Cha, có Mẹ chúng ta như có tất cả niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn của một kiếp người.
Từ một phong tục của Phật giáo, Lễ Vu Lan không biết tự bao giờ đã trở thành ngày Lễ chung của người Việt với truyền thống hiếu đạo từ ngàn xưa. Đặc biệt nhất là từ hơn nửa thế kỷ nay, biểu tượng của Lễ Vu Lan ở Việt Nam là những bông hồng đỏ – trắng, để cài lên ngực áo mỗi người, như một ngầm ý những ai còn Mẹ còn Cha…
Người cài hoa sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên công ơn Mẹ Cha. Hình ảnh những bông hồng trở thành một nét đẹp nhân văn cao cả, đầy ý nghĩa đặc biệt của người Việt. Là hoa tặng Mẹ, là hương gửi tặng Cha.
Đạo lý về Mẹ Cha là truyền thống từ lâu đời của con người Việt Nam. Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trưởng thành, những câu tục ngữ, ca dao viết về Mẹ Cha đã thấm trong máu thịt của mỗi người Việt, không ai không ít nhất nhớ đến một câu trong đời.
Mẹ Cha là kiệt tác từ tình yêu nhân gian, là bông hoa đẹp nhất của tạo hóa, là tiếng cười lan tỏa, là những nốt nhạc trầm bổng, cung thanh cung điệu của bản đàn giữa cuộc đời này. Mẹ Cha là bầu trời – mặt đất của mỗi người. Hình ảnh Mẹ Cha luôn là điểm tựa vững chắc cho con bước vào đời.
Từ khi lọt lòng, hai vai đã mang nặng công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ Cha nhiều đời không thể tính được. Công ơn Mẹ Cha, một đạo lý sâu sắc nhất mà mỗi con người chúng ta ai cũng phải nghĩ đến. Nhớ câu tục ngữ “Nước mắt chảy xuôi” để nói về tình Cha nghĩa Mẹ đối với con cái không giới hạn..
Miên man suy tư về chữ “Hiếu” ở thời @. Người xưa có câu: “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên” – Một người không có hiếu đạo thì không xứng đáng làm người. Tri ân báo ân cũng chính là nền tảng xây dựng trật tự đạo đức cho con người, gia đình, xã hội, thế giới hòa bình, hoàn thiện và thánh thiện hơn.
Đôi khi đọc đâu đó trên truyền thông những tin như bi kịch gia đình, con cái bỏ rơi hắt hủi Cha Mẹ, con cháu giết cha mẹ ông bà chỉ vì chút tiền nhỏ thỏa mãn ham muốn tức thời… Phải chăng, xã hội càng văn minh, con người bị cuốn vào những vòng quay của trăm ngàn lối sống, triệu cách nhìn, vạn mối quan tâm mà càng “lạnh”, càng nghĩ về vật chất nhiều hơn tình nghĩa?
Nghĩ xa hơn, một khi chữ “Hiếu” không vẹn tròn, thì có thể nào trọn vẹn trách nhiệm công dân với đất nước, quốc gia, dân tộc? Có thể nào yêu thương chúng sinh nhân loại? Có thể nào là một con người với đúng ý nghĩa là “con người”?
Khi cài một bông hồng lên ngực, thật gần trái tim, cánh hoa mơ hồ rung nhè nhẹ theo nhịp đập, có lẽ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết: Mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi khó có thể có lại. Và Mẹ Cha là tài sản – di sản yêu thương nhất cho mỗi cuộc đời…/.
Hoài Hương