Home > Tin tức > Bác sĩ đi “kiếm cơm” cho bệnh nhân

Bác sĩ đi “kiếm cơm” cho bệnh nhân

Tại TPHCM, những bác sĩ chưa một lần gặp mặt nhau, tình cờ cùng chung ý tưởng “kiếm cơm” cho bệnh nhân nghèo đã về cùng một đội, thân thiết như anh em. Chung độ bóng đá bằng cơm, hát gây quỹ, bán đấu giá caravat, bán sách…

là những cách có một không hai mà bác sĩ làm để kiếm tiền, quy ra cơm cho bệnh nhân trong hơn 1 năm qua. “Tham vọng của chúng tôi là giúp thân nhân, bệnh nhân cảm thấy cuộc đời còn những mảng màu tươi sáng và có động lực để cố gắng trong cuộc chiến với bệnh tật” – BS Võ Xuân Sơn – thành viên “kiếm cơm” trụ cột của nhóm – chia sẻ.

“Dĩa cơm trên tường”

11 giờ trưa, tại quán cơm Đức Toàn, nằm đối diện Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10, TPHCM), người đàn ông ngoài 30 tuổi gọi một suất cơm sườn mang về. Anh chìa phiếu in viền xanh, chị Vân – nhân viên của quán thấy vậy liền bỏ thêm vài miếng thịt kho tiêu và một bịch cơm thêm cho anh. Người đàn ông cười cảm ơn. Chị Vân cho biết, đó là phiếu “dĩa cơm trên tường” mà hơn 1 năm qua rất nhiều thân nhân, bệnh nhân sử dụng để đổi lấy cơm. Phiếu trị giá 20.000 đồng, tương đương với 1 suất cơm bình thường của quán. Người có phiếu này được đổi lấy cơm mà không phải trả tiền. “Đa phần họ là những người có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ không ngồi ở quán để ăn mà toàn mua mang về cho vợ con ăn cùng. Tôi thấy họ xin cơm thêm là hiểu”.

Các bác sĩ trong đêm nhạc Blouse trắng “Mỗi dĩa cơm là một tấm lòng” nhằm quyên góp hỗ trợ suất ăn cho bệnh nhân. Ảnh: K.Q

Đĩa cơm trên tường – đó là ý tưởng của BS Huỳnh Thanh Hiển đang làm việc tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Ý tưởng này ông “vay mượn” từ tận trời tây. Chuyện kể về một quán nhỏ ở thành phố Venice, đất nước Italia xinh đẹp. Những vị khách đến đây đã gọi cho mình 1 ly càphê và không quên gọi thêm một ly “trên tường”. Người phục vụ sẽ dán lên tường một tờ giấy như là ly càphê ảo. Người khách uống phần của mình và trả tiền cho ly càphê tượng trưng. Sau đó, những người nghèo có thể vào quán và lấy một tờ giấy trên tường, yêu cầu quán phục vụ càphê cho mình mà không phải trả tiền.

Từ câu chuyện “lãng mạn” của thành phố Venice, BS Huỳnh Thanh Hiển muốn đem ý tưởng đó về Sài Gòn. Nhưng để “thực tế” hơn, ly càphê sẽ biến thành “dĩa cơm trên tường”, phục vụ thân nhân, bệnh nhân nghèo đang điều trị ở các bệnh viện. Khi ông chia sẻ ý tưởng này lên trang facebook của mình, nhiều bác sĩ đã ủng hộ nhiệt tình. Trong đó có những người chưa bao giờ gặp mặt BS Hiển ngoài đời như BS Võ Xuân Sơn (Giám đốc Phòng khám quốc tế Exson). Sau này, BS Sơn và BS Hiển trở thành hai thành viên trụ cột của “dĩa cơm trên tường”. BS Sơn phụ trách phân bổ các suất cơm tại các bệnh viện, ông hay nói đùa rằng, mình là người xài tiền. Còn BS Hiển là “người đàn ông của gia đình”, chịu trách nhiệm kiếm tiền, lên kế hoạch gây quỹ.

Tháng 4.2015, “dĩa cơm trên tường” bắt đầu khai sinh ở quán cơm Đức Toàn để phục vụ cho bệnh nhân, thân nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Sau đó vài tháng, dĩa cơm trên tường lại được xuất hiện tại quán cơm Hoàng Vương nằm đối diện cổng chính Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó thêm 2 điểm, một ở canteen Bệnh viện Nhi đồng 2 và mới đây là Bệnh viện Trưng Vương.

“Ngoài phòng công tác xã hội, chúng tôi phải “lạm dụng” mối quan hệ thân thiết để nhờ những điều dưỡng đang làm việc tại 4 bệnh viện này. Các điều dưỡng là người thấu hiểu hoàn cảnh bệnh nhân hơn ai hết. Họ sẽ phát phiếu cho thân nhân nào thực sự cần” – BS Sơn chia sẻ. Trong suốt 1 năm qua, đều đặn, mỗi tuần có khoảng 420 thân nhân sử dụng phiếu để ăn cơm miễn phí.

Bác sĩ chung độ bóng đá bằng cơm

Các bác sĩ trong đêm nhạc Blouse trắng. Ảnh: K.Q
Hơn 400 dĩa cơm mỗi tuần không phải là một con số quá lớn. Thế nhưng, để có thể duy trì một cách đều đặn và lâu dài là cả một vấn đề với các bác sĩ. Ban đầu, tiền mua cơm do BS Sơn và BS Hiển kêu gọi các đồng nghiệp đóng góp. Tuy nhiên, có lúc nguồn quỹ bị “đuối” và dĩa cơm trên tường có nguy cơ “chết yểu”.

BS Huỳnh Thanh Hiển khi ấy mới đưa ra những ý tưởng được đồng nghiệp đánh giá là “bá đạo” để gây quỹ cho “dĩa cơm trên tường”. Mùa Euro, BS Hiển đề xuất bắt độ. Ai thua thì “chung độ” bằng dĩa cơm. Vụ cá độ được rất nhiều đồng nghiệp đến từ nhiều bệnh viện, kể cả bạn bè trên facebook cũng tham gia: “Tui cảm động là vì những người thua độ không ai xù, tự giác chung độ khi thua. Những người tui chưa bao giờ gặp ngoài đời cũng tự động nhắn tin xin số tài khoản quỹ dĩa cơm trên tường để nộp. Và không chỉ người thua chung độ. Những người thắng độ cũng tự nguyện… chung cho vui”. Cuối cùng, qua 3 trận cầu kinh điển, quỹ dĩa cơm trên tường thu về được 5.000 dĩa (hơn 100 triệu đồng).

Ông Lâm Minh Chánh – một doanh nhân thân thiết với nhóm bác sĩ cũng có lần ủng hộ cả tủ caravat của mình. Tất cả những chiếc caravat của ông được đưa lên Fanpage dĩa cơm trên tường để bán đấu giá. Toàn bộ số tiền bán đấu giá đều được quy thành dĩa cơm gửi tặng bệnh nhân. Sau caravat, một bác sĩ cũng xin tặng những chậu sung cảnh anh tự tay chăm sóc để nhóm bác sĩ bán vào mùa tết, kiếm tiền mua cơm cho bệnh nhân. Nhóm bác sĩ còn đưa ra ý tưởng viết sách để bán gây quỹ. Người góp tiền, người góp hiện vật, người góp công sức, tất cả kết quả đều được quy đổi thành cơm.

BS Hiển kể vui: “Mấy hổm rày, bà xã hay cằn nhằn, biểu tui kỳ kỳ. Bà biểu tui làm bệnh viện tâm thần hai mươi mấy năm hổng sao. Giờ làm dĩa cơm trên tường có một thời gian ngắn mà lúc nào cũng lẩm bẩm một mình, cười một mình làm bà xã lo quá. Tui biểu, bà yên tâm, tui hổng có điên đâu, tui lẩm bẩm cái đít cua (discourse) – bài phát biểu, cười là đọc mấy cái còm (comment) trên Fanpage dĩa cơm trên tường. Bà còn biểu tui đợt này keo kiệt. Mua cái gì cũng lẩm bẩm chê mắc không mua. Thiệt tình, tui quy ra đơn vị dĩa cơm thì thấy… mắc thiệt”.

“Có một cây là có rừng”

Mấy hôm nay, BS Hiển, BS Sơn cùng anh Tôn Thất Toàn – giảng viên một trường sân khấu điện ảnh đang dồn sức cho đêm nhạc blouse trắng 2 để tiếp tục gây quỹ cho chương trình “dĩa cơm trên tường”. Hôm tổng kết cá độ bóng đá bằng cơm, anh Tôn Thất Toàn đưa ra ý kiến nên tiếp tục có hình thức quyên góp tiền một cách đều đặn và anh đề xuất ý tưởng tổ chức đêm nhạc Blouse trắng. Đêm nhạc đầu tiên được tổ chức tại một quán càphê Acoustic ở Sài Gòn với sự thành công ngoài mong đợi.

Đêm nhạc có 15 ca sĩ thì có đến 8 ca sĩ mặc áo blouse còn lại 7 ca sĩ mặc áo bông (ca sĩ chuyên nghiệp). Thế nhưng lại được mọi người ủng hộ rất nhiệt tình. Quán càphê chỉ có 50 chỗ ngồi nhưng hôm đầu có đến 70 người đến. Có trường hợp cả gia đình cùng đi, từ bà đến con trai rồi cháu. Có người không biết phải đăng ký, bắt taxi đi từ tỉnh lên. Không có chỗ ngồi, họ ra ngoài ngồi nghe không than trách một lời, cuối buổi, họ bỏ tiền vào thùng ủng hộ bệnh nhân. Một bà cụ 79 tuổi cũng lặn lội đường xa đến với các bác sĩ nghe nhạc và ủng hộ. Đêm nhạc quyên góp được hơn 2.000 dĩa cơm. BS Hiển cho biết, hiện tại, nhóm bác sĩ đang lên kế hoạch mở thêm một điểm dùng phiếu dĩa cơm trên tường cho thân nhân, bệnh nhân ở Bệnh viện Truyền máu huyết học.

“Nhìn thấy anh em bác sĩ ai cũng hào hứng, khán giả đến xem nhiệt tình. Ca sĩ không ai được nhận một đồng cát-xê mà còn bỏ tiền túi đóng góp thêm. Những đồng nghiệp chạy vội từ bệnh viện hay phòng mạch để qua tập duyệt và hát. Hai nhạc công hôm ấy không kịp ăn cơm, phải nhịn đói đến khuya. Tôi rất cảm động vì không ngờ dĩa cơm trên tường lại có sức lan tỏa và được nhiều người ủng hộ đến vậy” – BS Sơn chia sẻ. Trong suốt 1 năm qua, đã có những bác sĩ giấu mặt đều đặn gửi ủng hộ mỗi tháng 100 dĩa cơm cho bệnh nhân.

“Mấy hôm nay, tôi cứ suy nghĩ về sự tử tế. Với dĩa cơm trên tường, chúng tôi mong muốn bệnh nhân của mình cảm thấy cuộc đời còn những mảng màu tươi sáng và động lực để cố gắng trong cuộc chiến bệnh tật. Thế nhưng, là những người thực hiện, tôi lại khá bất ngờ về cái gọi là mảng màu tươi sáng đó. Có vẻ lòng tốt, sự tử tế trong xã hội này nhiều hơn tôi tưởng. Có một cây là có rừng, còn gì hơn là được sống giữa những cánh rừng của những tấm lòng nhân hậu, sẻ chia” – BS Võ Xuân Sơn cảm động chia sẻ.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *