Home > Contend > Trang văn > Vị mặt hoa huyền tử

Vị mặt hoa huyền tử

Truyện ngắn – Châu Hồng Thủy

Ngày mai chàng Bun phải lên đường, để lại quê hương mẹ già và người vợ trẻ.
Khắp bản mường, trai tráng thâu đêm suốt sáng mài gươm, vuốt tên, chuốt nỏ. Những người mẹ, người vợ rậm rịch giã gạo Nếp Tan, chuẩn bị “ninh đồng”, “hay khẩu” để đồ xôi cho người ra trận. Rạo rực, hồi hộp, lo sợ, buồn vui xáo trộn trong lòng mọi người. Những ngày này, giặc Poòng đang lăm le cướp phá bản mường.
Gươm mài đã sắc, tên chuốt đã nhọn, Bun chợt nhớ tới nương lúa chưa làm cỏ. Thương mẹ già tóc bạc, thương người vợ trẻ sớm khuya lủi thủi một mình phát cây trỉa lúa, Bun định sáng nay lên nương làm cỏ cho xong. Chàng rủ vợ cùng đi, cũng là để nhìn lại mảnh nương thân thuộc mà hai vợ chồng chàng đã đổ bao mồ hôi trồng cấy.

Làm cỏ xong rồi, vợ chồng chàng ngồi nghỉ dưới bóng cây Tử Huyền bên suối. Màn đêm buông xuống. Muôn ngàn ánh sao lung linh khắp bầu trời. Nghĩ tới cảnh chia ly, nàng Bua gục đầu vào ngực chồng, trào nước mắt. Bun ôm nàng vào lòng, vỗ về an ủi. Tình yêu của đôi vợ chồng trẻ bùng lên mãnh liệt. Những cánh hoa Tử Huyền trắng li ti hình ngôi sao theo gió vương đầy mái tóc hai người. Bun và Bua nhặt những cánh hoa. Vị ngọt của hoa càng làm họ ngất ngây hạnh phúc.

Những tia nắng đầu tiên của ngày đã toả khắp núi rừng. Tiếng trống, tiếng cồng chiêng gọi trai bản về tụ tập rộn rã âm vang từng vách núi. Bun và Bua kịp vào chào mẹ trước lúc ra quân. Nhận thanh gươm của cha để lại từ tay mẹ, chàng cùng trai bản lên đường.

Bun đi rồi, nàng Bua khắc khoải ngóng tin chồng từng giờ, từng khắc. Chàng ở nơi đâu, còn mất thế nào, thưở ấy núi rừng cách trở, tin tức thường khó biết. Nguồn an ủi lớn nhất của nàng là đứa con sắp ra đời.

Ngày ngày lên nương, nàng lại đến gốc cây bên suối để tìm lại hình bóng của chồng. Thân cây nhẵn bóng bởi bàn tay ve vuốt của nàng. Cây Tử Huyền trở thành người bạn để nàng thổ lộ tâm tình.

Đã hơn một năm kể từ ngày chàng Bun ra trận, đứa con trong bụng mẹ vẫn chưa chịu chào đời. Trong bản ngoài mường ồn lên bao lời to nhỏ. Bà mẹ thương con mỏi mòn, lại thêm đau khổ vì tai tiếng của nàng dâu. Bà cất lời chì chiết.
Không biết làm cách nào để thanh minh, nàng Bua tức tưởi đến gốc cây Tử Huyền ngồi khóc:

– Cây ơi! Mày biết tao đau đớn thế nào không? Tao nhớ thương Bun, chung thuỷ chờ Bun. Tao sẽ nói với chàng ra sao, khi chàng trở về nghe bao lời dị nghị?

Đêm ấy, dưới gốc cây Tử Huyền, nàng Bua trở dạ. Nàng sinh cho đời một đứa con trai kháu khỉnh, giống chàng Bun như hai giọt nước. Sung sướng, nàng bế con trở về nhà. Một bàn tay của đứa bé nắm chặt, bàn tay kia xoè mở. Trong niềm vui rạng rỡ, nàng không để ý điều này.

Mọi người trong bản kéo đén. Người mừng khi thấy thằng bé giống cha. Kẻ dè bỉu không tin vì chàng Bun xa nhà đã hơn một năm rồi. Bà mẹ chồng định mở bàn tay đứa bé, song không thể nào mở nổi. Càng tin rằng con dâu hư hỏng nên Trời phạt, bà đuổi Bua ra khỏi nhà mình.

Bua chẳng biết đi đâu. Cha mẹ nàng không còn. Anh em ruột chẳng có ai. Trong bản ngoài mường khinh rẻ. Nàng bế con về dưới gốc cây Tử Huyền bên suối. Nước mắt nàng thấm sâu vào lòng đất, cây rùng mình ớn lạnh. Vị mặn của nước mắt khiến gốc cây bị xót, nhựa cây khô lại, không thể nào ra hoa nổi.

Nước mắt đã cạn, lòng Bua sắt lại. Ý nàng đã quyết. Đặt con dưới gốc cây, nàng đi tìm lá độc.

– Rì rào, rì rào… Hỡi các loài Hoa Ban, Phong Lan, Lá Ngón ! Hỡi các bạn muôn loài cây cỏ! Nàng Bua thuỷ chung đang tột cùng đau khổ. Nàng muốn tìm cái chết. Chúng ta hãy cứu nàng! Chúng ta đừng gây tội ác!

Lời cây Tử Huyền truyền đi. Cả khu rừng xôn xao tiếng nói các loài cây. Gặp bất cứ cây độc nào, nàng Bua cũng ngắt một nắm để nhai. Càng nhai càng thấy ngọt. Cây Lá Ngón độc nhất cũng không làm nàng chết được. Các loài cây đã hút hết nhựa độc của mình giấu vào trong rễ. Chúng hút vội khí trời và ánh nắng ban mai làm nên chất ngọt. Thân thể võ vàng tiều tuỵ của nàng bỗng hồng hào đầy đặn vì chất ngọt của lá cây. Dòng sữa bỗng tràn căng bầu ngực, thức tỉnh tình mẫu tử của nàng. Chạy vội trở về, nàng cuống quýt ôm lấy đứa con:

-Trời ơi! Suýt nữa thì ta giết con, giọt máu của người mà ta yêu thương nhất. Suýt nữa thì ta mang tội với chàng, mà tiếng nhơ chẳng bao giờ rửa được.

Mười mùa Hoa Ban đã trôi qua. Mẹ con Bua âm thầm sống trong túp lều dưới bóng cây Tử Huyền cằn cỗi không hoa. Đứa bé càng lớn càng khôi ngô tuấn tú, nhưng không hề biết nói.

Giặc Poòng đã tan. Những trai bản trở về trong niềm vui đoàn tụ. Bản mường mở hội mừng chiến thắng. Từng vò rượu cần đầy ắp được mở ra. Trai gái trẻ già ngây ngất trong men rượu cần chua ngọt. Tiếng cồng, tiếng chiêng dội vào vách đá vọng về rồi dội lại, nhân niềm vui lên gấp bội. Ai cũng chao đảo ngả nghiêng trong nhịp Xoè và men rượu. Mải vui, không ai biết chàng Bun lặng lẽ rời bàn tiệc từ lúc nào. Chỉ có chàng là người đau khổ. Mẹ già đã mất. Nghe tin vợ không chung thuỷ, Bun lang thang khắp các cánh rừng, lòng bao cay đắng. Tiếng cồng tiếng chiêng như vô tình đuổi theo chàng, bỡn cợt chàng không dứt. Chàng chỉ muốn đi thật xa, thật xa khỏi bản mường.

Không chủ định mà một ngày kia chân chàng lại bước về phía cây Tử Huyền, kỷ niệm của chàng trước khi rời bản mường.

Đứa bé lần đầu tiên nhìn thấy người lạ ngoài mẹ nó, mừng rỡ vẫy chàng. Nó ú ớ chỉ tay vào góc lều, nơi nàng Bua sắp tàn hơi vì đau khổ, nhớ nhung mong đợi. Những kỷ niệm chợt ùa về. Niềm xót thương dâng đầy ngực chàng Bun. Chàng nâng vợ mình ngồi dậy. Trời ơi! Tấm thân gầy guộc tiều tuỵ này là vợ ta, nàng Bua xinh đẹp của ta thưở trước đây ư ? Nàng Bua ngơ ngác như kẻ mất hồn. Chợt đôi mắt nàng bừng sáng long lanh. Nhận ra chồng, nàng oà lên nức nở.

– Nín đi Bua! Không phải nói điều gì nữa. Anh đã nghe mọi người kể về em. Anh sẽ tha thứ cho em hết mọi lỗi lầm.

– Không!- Bua hét lên – Mười năm qua em chỉ có hình bóng của chàng. Em không có lỗi lầm gì để chàng tha thứ.

Bua nhìn đứa bé. Chàng nhìn thấy bóng dáng của mình qua gương mặt trẻ thơ của nó. Chàng vẫy đứa bé lại gần. Quỳ dưới gốc cây Tử Huyền, chàng chắp tay, ngửa mặt lên trời:

– Hỡi Then Luông! Hỡi cây Tử Huyền và muôn loài cây cỏ! Nếu vợ con là người chung thủy, cầu mong Then và các đấng thần linh làm cho bàn tay đứa bé kia mở được !

Chàng đặt tay mình vào bàn tay đứa trẻ. Bàn tay nó xòe ra, chầm chậm, nhẹ nhàng như bông hoa Tử Huyền đang nở. Lạ chưa, giưã lòng bàn tay ấy in dấu một cánh hoa Tử Huyền bé nhỏ. Đứa bé nhỏen miệng cười:

– Bố !

Cả Bun và Bua bàng hoàng, lặng đi giây lát. Đó là tiếng nói đầu tiên trong đời đứa bé. Bun nhào tới, ôm Bua và đứa con vào lòng trong sự sung sướng như điên dại.
Nàng Bua nở một nụ cười rạng rỡ. Nụ cười đầu tiên sau mười năm héo hắt chờ chồng. Cả ba người ôm nhau khóc tưởng như bất tận.

Cây Tử Huyền bỗng rùng mình. Những dòng nhựa xối xả trào lên từng thớ gỗ. Nước mắt của Niềm Vui, của Tình Yêu Chung Thủy thấm vào lòng đất đã hồi sinh cho nó. Những cánh hoa bừng lên trắng một khoảng trời. Gió ào ào thổi. Từng chùm mưa hoa bay bay khắp cánh rừng. Dòng suối dưới kia cũng ào lên nhảy múa.

Ai đã từng gặp cánh hoa Tử Huyền, sẽ thấy vị mặn của loài hoa. Giữa đêm đông giá lạnh, người đi săn trong rừng nhặt những cành cây Tử Huyền khô nhóm lửa. Trong ánh lửa bập bùng, người thấy ấm lên khi nghe tiếng tí tách của cành khô như muối nổ. Xúm quanh đống lửa, những chàng trai trẻ ngồi nghe sự tích vị mặn của loài hoa. Người ta còn gọi nó là Hoa Muối. Mùa hoa nở, ai đi rừng gặp chùm Hoa Muối nở đầu tiên sẽ là người hạnh phúc.

Có ai đó đã làm ra một bài ca về loài hoa ấy. Bài ca truyền mãi đến giờ. Khi người yêu đi xa, các cô gái thường ngắt một chùm hoa muối tặng người yêu. Chàng trai cầm chùm hoa lên đường, lòng khẽ cất lên tiếng hát:

Hỡi em – bông Hoa Muối của anh
Những cánh hoa trắng tinh bé nhỏ
Hỡi em bông Hoa Muối của anh
Bông hoa của tình yêu-Tim anh thường ấp ủ
Cánh hoa ngọt ngào
Cánh hoa mặn chát
Hỡi em bông Hoa Muối của anh.

Viết tại Hà Nội 09-1989

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *