Home > Contend > Trang văn > Tản văn > Ám ảnh mùa thi THPT năm 2018

Ám ảnh mùa thi THPT năm 2018

Lại một mùa thi nữa đi qua, một mùa thi với bao dấu ấn cùng những ái ố, hỉ nộ của cuộc vượt vũ môn quan trọng in đậm trong ký ức hàng triệu thí sinh cùng với gia đình, thu hút sự chú ý của tất cả cộng đồng xã hội. Có lẽ mùa thi 2 trong 1 năm 2018 là một kỳ thi đầy chạm khắc và ám ảnh nhất từ trước tới nay.

Một mùa thi mà cả miền Bắc chìm trong mưa lũ, trên thượng ngàn lũ rừng càn quét, núi nở, đất long, hàng ngàn ngôi nhà biến mất trong phút chốc, với mấy chục người bị lũ cuốn, bị chôn vùi trong bùn đất. Mẹ thiên nhiên nổi giận cuốn phăng tất cả, trên rẻo cao cảnh các em đội mưa lũ giông gió vượt núi băng rừng qua các dòng thác cuồn cuộn chảy tới điểm thi, hình ảnh những chiến sĩ biên phòng ngoài việc dầm mình giúp dân chống lũ thì còn giúp các sĩ tử vượt lũ đến điểm thi an toàn mới thấy hết sự gian khổ dành cho mùa thi cử của các em độ khó khăn lên tới tột cùng.
Mọi người nín thở hy vọng những điều tốt đẹp, những sự diệu kỳ sẽ đến với các em, sau thi dư luận bàn tán không dứt bởi đề thi toán trắc nghiệm năm nay quá khó, nó khó tới mức mà ngay cả giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư Toán ở Đại học Toulouse (cộng hòa Pháp), người từng giành huy chương vàng Toán quốc tế (IMO) khi mới 15 tuổi, cho hay ông không thể hoàn thành 50 câu đề thi Toán trong 90 phút. Nhiều thầy giáo nổi tiếng dạy toán phải bật khóc. Thầy Trần Mạnh Tùng trường Lương Thế Vinh tâm sự “Tôi đã khóc khi làm đề thi toán” Dư luận trái chiều nhau, người nói khó, người nói dễ và biết bao tiên lượng rằng năm nay để ẵm được điểm 10 của các môn thi chắc hẳn là thần đồng chẳng khác gì hái sao trên trời, người thì nói biết đâu đấy có khi các thầy giải theo truyền thống còn các em giải theo cách của đám trẻ và rồi rồi nín thở hồi hộp chờ đợi.

hg4w

Bộ đội biên phòng giúp các em thí sinh vùng lũ tới điểm thi

Nhưng tất cả dường như nổ tung khi bộ GDĐT công bố kết quả thi của các tỉnh trên toàn quốc, cái quái quỷ gì xảy ra thế này, khi mà kết quả trái ngược hoàn toàn với các nhà tiên tri dự đoán mồm. Hàng loạt thí sinh đạt điểm tối đa, những tỉnh mà cái sự học tập vô cùng gian nan khó khăn cõng chữ và không có truyền thống học tập cao như Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Komtum, Bạc Liêu… được xếp vào tốp cao nhất. Âu có lẽ trời cũng chiều lòng người mà phù giúp cho các em chăng? Thôi thì cũng mừng cho các em bởi cái sự vượt khó đã được đền đáp xứng đáng, một số ý kiến cho rằng, chắc do khổ quá nên các em đã dồn tất cả tâm lực, trí lực, sức lực dành cho học tập, không như ở thành phố với cuộc sống sung túc và nhiều sự cám dỗ nên kết quả đạt được cũng sêm sêm nhau mà thôi chẳng có gì khó hiểu. Nhưng phần đông thì không tin, làm sao có sự đột biến đến thế, học tập là cả một quá trình với 12 năm được kèm cặp rèn rũa của các thầy cô, sự cố gắng của bản thân và gia đình cùng truyền thống nên có điều mờ ám gì đây?

Chiều ngày 2/7/2018 tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, bộ trưởng GD& ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo về kỳ thi PTTH. Ông Nhạ cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2018 khắc phục được những hạn chế của năm 2017, đặc biệt tính phân hóa của đề thi “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nghiêm túc tại tất cả các điểm thi trên toàn quốc, đến nay kỳ thi đạt được mục tiêu đề ra, an toàn, nghiêm túc, khách quan và đặc biệt nhẹ nhàng, được nhân dân ở các địa phương đặc biệt ủng hộ. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá thành công tốt đẹp”
Nhưng điều thành công tốt đẹp mà ông Nhạ nói chưa kịp dứt lời thì quả bom tấn Hà Giang Phát nổ khiến cả nước bàng hoàng không tin vào tai mình. 114 thí sinh được nâng điểm với hơn 300 bài thi có thí sinh được phù phép tăng hơn 30 điểm, nhiều bài thi 1,2 điểm chỉ sau 5 giây biến thành 10, dư luận dậy sóng làm sao một kỳ thi “nghiêm túc, khách quan, trặt trẽ và nhẹ nhàng” như lời ông Bộ trưởng bộ chủ quản nói lại để xảy ra một vụ “xì – căng – đan” lớn và gây sốc dư luận đến thế, biết bao bài báo, bao giấy mực khiến các anh hùng bàn phím cũng dựng tóc gáy nổi da gà không thể ngồi im, đâu đâu cũng nói về gian lận thi cử, cả nước dồn về Hà Giang. Người ta đặt ra hàng vạn câu hỏi, tại sao lại thế? “Tính nghiêm túc, tính khách quan, tính trặt trẽ” nó biến đi đâu mà bỏ rơi bỏ vãi cái sự “nhẹ nhàng” ở lại, nhẹ nhàng nhất là điểm thi vô cùng thấp chỉ qua vài thao tác đã lên mây thành điểm 9, điểm 10, mà trong số 114 thí sinh ấy thì hầu hết là con em các vị lãnh đạo của tỉnh, con gái của bí thư Tỉnh Ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng nằm trong số ấy. Ông bí thư ra sức phản ứng trước công luận rằng ông không hề biết việc này, ông thấy buồn khi con ông được nâng điểm, rồi là người ta cố tình đưa ông vào bẫy, ông trách sở GD&ĐT tỉnh, ông trách bộ GD&ĐT, ông còn ra hẳn một công văn ngày 18/7/2018 gửi tất cả các ban ngành của tỉnh, yêu cầu ban tuyên giáo tỉnh ủy nắm tình hình, kịp thời định hướng các cơ quan thông tấn báo chí của tỉnh trong việc thông tin về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2018…không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền sai lệch, trái chiều ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh và nhân dân. Dư luận phẫn nộ, có bao nhiêu lời hay ý đẹp ca ngợi cái gia đình danh gia vọng tộc họ Triệu tưởng được chôn sâu nay lại được khai quật lên, họ bảo ông không nói không ai bảo ông câm, nếu ông ông gian tà, ông trong sáng cần gì ông phải nói, cần gì ông phải định hướng báo chí bằng cả một công văn khẩn nhằm bóp mồm dư luận, ai là đối tượng xấu? ai là các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền? Việc vào cuộc của cơ quan điều tra dưới sự chỉ đạo của bộ công an đã bắt những kẻ gian dối đưa ra truy tố là có thật, việc hơn 300 bài thi được nâng điểm cũng là có thật, có nhiều tiếng chửi rủa cho dành cho Hà Giang họ mỉa mai là Hà Gian, còn có bài hát chế lại bài ca ngợi Hà Giang nơi linh thiêng địa đầu tổ quốc thành một bài hát với những lời thật khó nghe “Ai về thăm quê hương tôi, veri hot nhất Việt Nam, với bài thi trên mây một tấc lên giời, chỉ Hà Giang, chỉ Hà Giang mới có thôi, muốn điểm cao thực ra rất là dễ, muốn điểm tốt để ta lên đại học, khó khăn gì đưa lên đây money, gặp anh Lương thế là xong…” Tôi không dám nghe hết bởi nó đau, nó sốc cho tất cả những người có lòng tự trọng. Cá nhân không thể cản được dư luận bởi mỗi người một suy nghĩ xong 114 thí sinh kia có em nào là con nhà nghèo được lọt vào danh sách. Đồng bào các dân tộc sống cheo leo trên các vách đá cao vượt qua muôn trùng gian khó, những cô giáo miền xuôi gò lưng cõng chữ lên mây cho trẻ em họ không xứng đáng được nhận và được nghe những điều đó, bởi sự gian trá chỉ nằm trong số ít những kẻ có chức có quyền cầm cân công lý. Cái đáng sợ nhất đó là sự dối trá, lừa đảo, biết bao em học sinh cùng gia đình nhỏ mồ hôi, máu và cả mạng sống của mình để cuối cùng cái mà họ nhận được là trượt, con em họ bị gạt ra bên ngoài nhường chỗ cho những kẻ ngồi không ăn sẵn, ăn trên ngồi chóc, lớp cha anh của chúng ngoài sự bòn rút, bè cánh đục ruỗng quê hương còn man trá sắp xếp cho chúng cái bệ phóng tốt nhất để sau này trở thành thế hệ tương lai thay thế bố mẹ anh chị chúng. Thật là nguy hiểm.

37394717102115594303305737915724047646720000n-1532057445610940256007

Khởi tố bắt tạm giam ông Vũ Trọng Lương phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang người trực tiếp sửa điểm

Chưa dừng lại ở Hà Giang, dư luận tiếp tục sôi lên bởi sự gian lận điểm thi ở nhiều tỉnh được phanh phui bùng phát như một đại dịch, cơ quan điều tra vào cuộc, chấn động một Sơn La toàn bộ dữ liệu thi gốc bị mất tích, Lạng sơn 8 thí sinh bị giảm điểm thi sau chấm thẩm định. Hòa Bình, Bạc Liêu điểm cao bất thường, Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao, 8900 thí sinh dự thi môn toán thì có tới 27 thí sinh đạt điểm 9 trở lên chiếm tỷ lệ 0,3% cao gấp 5 lần tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%. Ở Hà Nội là 0,1%, TPHCM là 0,04%. Bạc liêu cũng khiến dư luận đầy hoài nghi kết quả thi bất ngờ vượt lên vị trí thứ 7/63 tỉnh thành về điểm trung bình quốc gia…

Điều đáng nói nhất sau hàng loạt các bê bối gian lận thi cử được phanh phui, đáng lý bộ GD&ĐT phải quyết liệt vào cuộc thì bộ lại giao cho các địa phương tự rà soát kết quả thi rồi báo cáo bộ, điều này khác nào bộ phủi tay để các tỉnh tiếp tục hợp pháp hóa sự gian dối của mình. Dư luận cần một câu xin lỗi từ bộ chủ quản, dư luận cần một sự vào cuộc quyết liệt của bộ chủ quản cùng cả hệ thống chính trị bởi đây không phải trò đùa, trò ma thuật, đây là tương lai, vận mệnh của đất nước, sẽ thế nào khi những thí sinh ngày đêm dùi mài kinh sử học giỏi thực sự bị loại ra khỏi cuộc chơi nhường chỗ cho những kẻ gian dối, lừa lọc và ngu dốt. Nhưng dư luận đã thất vọng, bởi sự lên tiếng muộn mằn không đúng của ông Bộ trưởng bộ GD&ĐT phát trên truyền hình về trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và sử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm, ông khẳng đình quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện nhưng có hoàn thiện đến mấy mà con người vận hành không trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm có tính chủ đích. Như vậy là lỗi của cấp dưới, còn đâu bộ vô can, nó ngược hoàn toàn những điều mà ông từng hào sảng phát biểu sau kỳ thi. Công luận dậy sóng không chấp nhận những lời giải thích nhẹ nhàng đến vậy, cái họ cần là sự quyết liệt công tâm, cái họ cần là một lời xin lỗi từ người đứng đầu bởi để xảy ra những bê bối lớn như vậy không thể đổ hết lỗi cho cơ sở, nếu bộ nghiên cứu kỹ lưỡng, không phó thác hết cho các địa phương thì sao các địa phương có thể nảy nòi ra sự gian dối, tính nghiêm minh, tính công bằng ở đâu bởi căn bệnh thành tích, cục bộ, địa phương đã ăn sâu bén rễ bao năm nay. Tệ tham nhũng đã trở thành giặc nôi xâm, thì sự gian dối này còn nguy hiểm hơn bởi nó chính là sự lan tỏa dây truyền trong tương lai, những kẻ tha hóa đạo đức biến những đứa trẻ mới lớn ngu dốt không có chút kiến thức trong đầu thành một thế hệ kế thừa của đất nước thì thực là một đại họa cho dân tộc.

Nguyễn Đình Vinh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *