Home > Contend > Trang văn > Tản văn > Câu lạc bô niềm tin xanh trở trăn những tấm lòng vàng

Câu lạc bô niềm tin xanh trở trăn những tấm lòng vàng

Không khác gì những ngày chủ nhật khác, như thường lệ tranh thủ ngày nghỉ tôi thường dậy sớm vệ sinh cá nhân xong làm chút thể dục cho thư dãn và như một thói quen vào mạng đọc báo cập nhật những tin tức mới nhất và dạo qua Facebook xem những chia sẻ của bạn bè

Trên trang chủ đập ngay vào mắt là tin mới nhất của Nam Aloha với dòng chữ hẹn nhau đi trao quà cho một bệnh nhân 14 tuổi mắc căn bệnh thế kỷ HIV tại Nam Sách. Từ lâu đã biết Nam là thành viên tích cực của CLB “ Niềm tin xanh Hải Dương” Nhưng do bận bịu công việc và một phần nữa là bản thân chưa đủ dũng cảm vượt qua những định kiến để đến với các em vì biết sơ qua CLB của nam làm những việc mà xã hội cho là khá nhạy cảm.
Nhưng gần đây được biết thêm về Nam và CLB của em qua những buổi cùng các nhà hảo tâm tổ chức phát cháo tự nguyện cho các bệnh nhân mắc bệnh lao phổi tại bệnh viện Lao và phổi tỉnh Hải Dương và những lần đi phát quà cho những người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội ở rất nhiều nơi vùng sâu vùng xa trong tỉnh, dẫu việc làm của CLB trong ánh nhìn nhiều người chỉ là những việc làm bình thường chẳng có gì đặc biệt của những người vô công rồi nghề. Nhưng những hình ảnh và việc làm ấy cứ ám ảnh vắn vít lấy tôi và bất chợt nhận ra rằng con tim mình còn quá nhỏ so với những việc làm tưởng như bình thường mà vô cùng cao cả kia.
Tôi và Nam cũng chỉ gặp nhau ngoài đời có một lần với những câu chuyện không đầu chẳng cuối bởi Nam là người ít nói, em làm nghề bán quần áo tại số 418 đường Điện Biên Phủ thành phố Hải Dương, sau những lần nói chuyên qua Facebook với những câu “Dạ” “ Vâng” của Nam thì cũng không có nhiều để nói, tôi thường là người gợi chuyện và gợi đến đâu Nam nói đến đó, có lẽ em là người sống khép mình.
Thấy đèn tôi sáng Nam vào chào và chúc tôi một buổi sáng chủ nhật vui vẻ và hạnh phúc. Tôi hỏi Nam:
– Sáng nay các em đi Nam Sách phát quà à.
– Dạ vâng sao anh biết, chắc anh đọc trên Facebook của em ạ.
– Ừ anh vào Facebook và thấy vậy, thế các em có mấy người đi
– Dạ năm người
– Nam hay nữ.
– Dạ nữ chỉ có em là nam thôi anh, 8 giờ bọn em tập hợp ở nhà thi đấu tỉnh rồi xuất phát.
– Các em đi xe máy hay ô tô.
– Dạ chúng em đi ô tô, có một chị trong CLB có ô tô.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi bảo Nam:
-Hay anh đi cùng các em biết đâu về lại viết được cái gì.
-Vâng nếu vậy thì tốt quá, anh qua chỗ nhà thi đấu rồi cùng đi.
-Thôi anh qua nhà em rồi cùng đi.
-Thế anh qua đón em nhé.
Tôi thay quần áo và đem theo những dụng cụ tác nghiệp, trong lòng xen lẫn niềm vui, có lẽ đây là lần đầu tiên sau bao năm cầm bút, vẫn thầm hẹn một ngày nào đó có thời gian đi sâu vào mảng đề tài “ Thiện tâm” Này.
Đúng 8 giờ kém 15 chuông điện thoại reo vang, tôi nhấc máy, tiếng của Nam:
–   Anh đến chưa?
–   Anh gần đến nhà em.
–   Vâng em đợi.
Đúng hẹn tôi dừng xe tại 418 Điện Biên Phủ, Nam bảo tôi anh ơi hôm nay chị có xe lại bận bảo cử người đưa chúng em đi, em nói có anh nhà văn đi cùng anh ấy có xe rồi nên chị cứ đi công việc. Bây giờ anh qua đón giúp em 3 người nữa được không? Tôi gật đầu đồng ý, tôi lái xe vào phố Chương Mỹ đón một người mà Nam gọi là U Quang, đến nơi đã có một người phụ nữ trung tuổi đứng chờ, Nam mở cửa xe đón chị, qua giới thiệu của Nam tôi biết chị sinh 1957, nhưng nhìn chị trẻ trung, hoạt bát nhiều so với tuổi, chờ cho chị lên xe Nam buồn buồn thông báo:
–  U ơi sáng nay con điện cho mẹ cháu Huy thì được biết cháu vừa mới mất.
Chị Quang sững sờ trong giây lát không nói thành lời, tôi động viên thôi thì đến viếng cháu cũng là nghĩa tận chị ạ, chị rầu rầu gật đầu.
Đi qua hàng hoa nhìn thấy mấy bó sen trắng tuyệt đẹp tôi dừng xe và bảo hai cô cháu xuống mua mấy bó sen và chút hoa quả đến viếng cháu, Nam và chị Quang xuống xe mua hai bó sen , hai bó hoa ly và quả dưa vàng cho vào cốp xe ô tô, xe chạy qua nhà thi đấu đón một người phụ nữ tên Ngân, Nam kể với tôi sáng em a lô cho chị Mỹ Nhung nói có anh nhà thơ Nguyễn Đình Vinh đi cùng, chị Nhung bảo ơ đấy là anh trai chị, chị làm cùng viện với anh, giờ anh em mình qua phố Quang Trung đón chị ấy nhé.
 
Tôi bảo Nam là viện quá đông nhân viên nên chưa nghe thấy cái tên Mỹ Nhung này bao giờ. Thế rồi xe đỗ lại tại số nhà 81 phố Quang Trung, Nam hạ kính xe gọi với vào trong, chi Nhung, chị Nhung, người phụ nữ tên Nhung quay ra, ôi chao té ra là em Mỹ Hạnh cán bộ phòng đạo tạo chỉ đạo tuyến bệnh viện, Hạnh là cây văn nghệ từng đi hát với tôi một thời, tính tình tốt nhưng hơi nóng tính có gì không nên không phải là bốp chát luôn, tôi cũng góp ý với em nhiều nhưng cũng chưa sửa hết được.
 
Cả đoàn lên xe thằng tiến về thôn Lương Giám xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, con đường vào nhà Huy qua một khu công nghiệp đang thi công với gập nghềnh mấp mô lằn cát, xe chạy vào con đường làng ngoằn nghèo bé tí chỉ vừa hai bánh xe, tôi là người lái xe không giỏi nên cũng cố nín thở để lái, bởi chỉ cần chút là bánh lệch xuống dưới đường bê tông, thấy xa xa thấp thó có cái bạt che mọi người đoán đó là đám ma nhà em, đến cổng tôi dừng xe cho mọi người xuống rồi tìm đường quay đầu, chạy mãi chạy mãi mới tìm được chỗ.
 
Tôi đỗ xe trước cổng, không gian dường như tĩnh lặng, không một tiếng kèn, chẳng một tiếng trống, chỉ có tiếng khóc rấm rứt nho nhỏ của mẹ Huy, tiếng khóc như lọt thỏm vào khoảng không thinh mênh mông tĩnh lặng của chốn quê nghèo. Chợt buồn buồn nghĩ đến câu nói các cụ “ Sống dầu đèn, chết kèn trống” vậy mà cũng là một kiếp người tại sao lại có nhiều người buồn đến vậy, Nam a lô bảo tôi vào mọi người chờ, bước vào sân nhà em, đập vào mắt tôi là cái bàn thờ nho nhỏ có tấm hình, chút hoa quả và hai bó sen trắng mà chúng tôi đem đến, trong sân cũng có vài chục người chắc là họ hàng của Huy và chúng tôi có lẽ là đoàn viếng đầu tiên hình như cũng là duy nhất. Mọi người lặng lẽ thắp hương tiễn biệt em,
 
Âu cũng là một kiếp người. Bố em là Trần Văn Vĩ sinh năm 1979 đi làm ăn xa ở Móng Cái rồi mang căn bệnh thế kỷ truyền cho mẹ em là Nguyễn Thị Thể và rồi ngay từ lúc sinh em đã mang trên mình căn bệnh ác hiểm. Tháng 8 năm 2003 anh Vẻ mất để lại người vợ và đứa con thơ dại gánh trên mình căn bệnh và sự ghẻ lạnh của người đời.
 
Thương con chị Thể đưa Huy đi khắp các bệnh viện để chữa trị, gia sản gần như khánh kiệt, chỉ còn căn nhà hay có thể gọi là túp lều nhỏ là thứ tài sản lớn nhất mà thôi. Viếng em xong họ hàng mời chúng tôi ngồi chơi uống nước mọi người xúc động cám ơn tấm lòng của đoàn thiện nguyện không chút kỳ thị đã nhiều lần xuống tặng quà giúp đỡ mẹ con em.
 
Chúng tôi lặng im chẳng biết nói gì nhiều, chỉ biết chia buồn cùng hai mẹ con, một lúc xin phép mọi người ra về. Trên xe mãi chị Quang mới tâm sự, thật buồn cho cháu, đôi lúc các chị đi làm việc thiện nguyện này nhưng nhiều người cũng không cảm thông, có người còn nói mấy mẹ này muốn làm lãnh đạo, rồi chả biết tiền các nhà hảo tâm đóng góp có đến được với những người khốn khó thật không? Tôi động viên chị và mọi người, thiên hạ vốn dĩ là vậy, suy nghĩ nhiều làm gì chị, miễn sao tâm mình trong sáng không hề vấy bẩn thế là đủ, cần gì phải vướng vào tai những lời của những người vô tri vô giác lãnh cảm với nỗi đau của người đời.
 
Chị và mọi người gật đầu với câu nói của tôi. Lái xe trên đường mà lòng trăm mối ngổn ngang, tôi thầm khâm phục những con người vốn dĩ rất bình thường những cán bộ viên chức, người bán buôn nhỏ, các em sinh viên nghèo…, họ chẳng hề giàu có tiền tài vật chất như biết bao người khác, nhưng tấm lòng họ rộng lớn biết bao, tôi thầm nghĩ giá như xã hội này có thêm nhiều những con người thiện tâm với tấm lòng thảo thơm, xẻ chia với những hoàn cảnh, những mảnh đời khốn khó bất hạnh thì tốt biết bao. Xin được nghiêng mình trước các chị các em những con người có tấm lòng vàng.
Xin mượn mấy câu thơ để kết bài viết như một lời tri ân:Sao đành cũng một kiếp người
Mà mang chi lấy miệng cười thế gian
Phận em dù chót dở dang
Con tằm xe sợi tơ vàng mong manh
Rút ruột ra vẽ mộng lành
Cũng chỉ là một bức tranh cuộc đời.Hải Dương ngày 12/7/2015

Nguyễn Đình Vinh

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *