Vở “Chuông ngân rừng trúc” của tác giả Trần Đình Ngôn, Nhà hát chèo “Hai” Hải Dương trình diễn, bất ngờ là một trong ba vở diễn giành huy chương vàng gồm: “Vương nữ Mê Linh” của tác giả Nhật Linh, đạo diễn Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Thúy Mùi, Nhà hát chèo Hà Nội trình diễn; “Người thầy của muôn đời,” tác giả Nguyễn Hiếu, đạo diễn nghệ sỹ Nhân dân Doãn Hoàng Giang do Nhà hát chèo Quân đội trình diễn và “Chuông ngân rừng trúc” của tác giả Trần Đình Ngôn, Nhà hát chèo “Hai” Hải Dương trình diễn.
Sự bất ngờ thể hiện ở nhiều vấn, đề xin mạn phép được đưa ra nhận xét chủ quan theo ngu ý một khán giả:
Thứ nhất: Nhà hát đặt nhiều hy vọng vào vở diễn: “Huyền Quang Tôn Giả” một vở diễn được chính nghệ sĩ nhân dân Bùi Đắc Sừ dày công chau chuốt đạo diễn dàn dựng. Với một dàn diễn viên gạo cội tài danh như nam NSUT Mạnh Thắng trong vai Huyền Quang, nữ nghệ sĩ Hồng Tươi trong vai nàng Điểm Bích, đây là một vở diễn mà nhà hát mới dựng rất công phu để đem đi hội diễn.
Thứ hai: Vở chuông ngân rừng trúc là vở diễn nhà hát đã dựng năm 2012 với các diễn viên tài danh đã được tập nhuần nhuyễn vở đã được đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên VTV. Nên để tham gia hội diễn năm nay đoàn đã phải thay toàn bộ các nhân vật của Chuông ngân rừng trúc bằng dàn diễn viên khác vì thể lệ hội diễn, một diễn viên không thể tham gia vai hai vở. Do đó nhà hát phải phân vai lại và tôi được biết các diễn viên diễn “Chuông ngân rừng trúc” Hầu như chưa được đánh giá cao tại nhà hát bởi từ trước đến giờ những vai diễn của họ tham gia thường là những nhân vật có thể được coi như “Đậu rán lướt ván” hay nói một cách khác họ thường vào các vai phụ, chạy cờ như con sen, thằng hầu, lính gác, hề mồi hề gậy, có người may mắn thì được lên sân khấu nói vài ba câu, còn có người bao năm nín lặng, năm nay cầm giáo đứng hầu sang năm lại cầm giáo đứng hầu, vở này đóng thế và vở sau cũng vẫn đóng thế.
Thứ ba: Cả hai vở diễn “Chuông ngân rừng trúc và Huyền Quang tôn giả” Đề tài khai thác tích cổ không mang hơi thở của cuộc sống hiện tại, nội dung vở diễn phản ánh chưa xứng với tầm vóc của các nhân vật lịch sử nổi tiếng và tính kịch không cao.
Cũng bởi yêu chèo mà tôi tìm đến với các nghệ sĩ và bộc bạch tâm sự của mình một độc giả được xem đoàn diễn, nhưng khi vừa mở lời nói về kịch bản đã được một PGĐ nhà hát phản ứng, cho rằng biết gì mà phán xét, người ta đã có cả một hội đồng bảy giám khảo, nào là nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, nào là nhà văn nổi tiếng Chu Lai…Một tác phẩm nghệ thuật khi đang tập là của tác giả nhưng khi đã đem ra diễn là của công chúng, việc khen chê hay dở tùy vào suy nghĩ mỗi người, công chúng có quyền phán xét, không nên vì sự góp ý mà phản ứng lại khán giả.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì suốt từ năm 1980 đến nay nhà hát chèo Hải Dương chưa có một tấm huy chương vàng toàn đoàn nào, nhưng thật bất ngờ vở Chuông ngân rừng trúc do các diễn viên chưa mấy nổi, chưa từng được đảm nhiệm những vai chính nặng nề lại mang về cho nhà hát cơn mưa huy chương vàng bạc đồng và đặc biệt là tấm huy chương vàng toàn đoàn. Đây cũng là niềm vui chung nhưng cũng là một câu hỏi khó tại sao lại thế?….có phải do may mắn? Sao đoàn chèo I với dàn diễn viên tài danh được sự quan tâm đặc biệt và sự nhào nặn của một đạo diễn tên tuổi thì tại sao qua bao mùa hội diễn vẫn chưa mang về tấm huy chương toàn đoàn nào. Vậy mà với một dàn diễn viên bình thường chỉ được tập tành trong một thời gian rất ngắn và ít được chỉ dẫn mà lại làm nên cơm cháo để rồi giật phăng tấm huy chương vàng toàn đoàn của ban tổ chức tấm huy chương mà 33 năm qua nhà hát ao ước.
Một tác phẩm nghệ thuật hay phải là tác phẩm hội tụ được các yếu tố:
-Phải có một kịch bản hay, hay không những cả nội dung, ca từ mà còn phải truyền tải được hơi thở của thời đại tác phẩm đó không chỉ dành cho một vài vị giám khảo chuyên môn.
– Phải có những diễn viên tâm huyết yêu nghề và có tài sắc vẹn toàn biết hóa thân vui buồn cùng nhân vật.
– Phải có một đạo diễn giỏi biết khai thác điểm mạnh điểm yếu của tác phẩm và biết chọn lựa diễn viên phù hợp với nhân vật kịch bản.
– Phải có các yếu tố tốt nhất về âm thanh, ánh sáng, cảnh trí, trang phục và các nhạc công tài hoa cùng sự sáng suốt của lãnh đạo nhà hát kịp thời nắm bắt những tâm tư tình cảm của diễn viên mà có định hướng đúng đắn cho tác phẩm đặc biệt không tự ái không giấu dốt biết lắng nghe sự góp ý của mọi người.
– Và một yếu tố vô cùng quan trọng tác phẩm đó là tác phẩm dành cho quảng đại công chúng được công chúng đón nhận và yêu quý có như vậy tác phẩm nghệ thuật mới tồn tại được với thời gian.
Xin phép tản mạn về vấn đề thứ nhất. Nếu ai từng nghiên cứu về Phật Hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc lâm thì có thể thấy đức phật hoàng là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự. (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và thứ 3. Trần Nhân Tông là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam. Việc ông truyền ngôi cho con trai là Trần Anh Tông để đi tu rồi sau này được cung kính là “Phật Hoàng” Chỉ một việc này thôi cũng có nhiều ý kiến trái chiều về ông, có người đặt ra câu hỏi tại sao một vị Vua anh minh và từng là linh hồn của dân tộc trong hai cuộc kháng Nguyên. Sau khi đánh thắng một đế quốc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ phải được hưởng những vinh hoa phú quý tột đỉnh của người chiến thắng sao lại bỏ đi tu? Phải chăng ngài chán chường mà lánh xa bụi trần đến nơi rừng thiêng nước độc sống trong am cỏ Bạch Vân ăn chay niệm phật, ngày ngày “sắc sắc không không” khiến một số cung phi trẫm mình suống suối.
Sách “ Thiền Môn” đại ý viết “ Nhân Tông từ thủa nhỏ đã sớm ý thức được đạo Phật, ham chuộng cửa không, chí muốn đi tu không màng vinh hoa phú quý. Thánh Tông phải khuyên bảo: Sứ mệnh giao phó rất nặng nề phải lo gánh vác trước hết, Nước nhà đang gặp buổi khó khăn trước cơn gian nguy do người phương bắc sớm muộn gì cũng sang thôn tính nước ta, bổn phận cứu muôn dân trăm họ là trên hết có được làm nổi thì sau này mới tính đến chuyện tu hành giải thoát bản thân và chúng sinh, ông đã nghe lời cha dạy, lãnh đạo nhân dân Đại Việt đồng tâm đồng lòng đoàn kết bình Bắc định Nam xong yên việc nước nhà mới đi tu đắc đạo và khi ngài viên tịch đã truyền giới thanh văn và bồ tát cho sư Pháp Loa để ngài trở thành vị tổ thứ hai của thiền phái trúc lâm. Sau khi kế thừa sự nghiệp của Phật Hoàng ngài đã phát triển phật giáo lên một tầm cao, là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam và để lại nhiều tác phẩm thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Soạn lại những bài tụng của Điều Ngự lúc ở Thạch thất và biên tập lại dưới tên Thạch thất mị ngữ. Tháng 12 năm 1319 Sư kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5000 quyển. Vua Trần Anh Tông cũng tự chích máu mình viết Đại tạng kinh cỡ nhỏ. Sư chuyên giảng kinh Hoa nghiêm, mỗi lần giảng cả ngàn người nghe. Tiếc rằng về sau kinh này đã bị Trương Phụ thời nhà Minh phá hủy, ngày nay không còn.
Thật tiếc giá như vở diễn nói về ngài khai thác được những công lao to lớn mà ngài đã kế thừa sự nghiệp của Phật Hoàng đưa Phật giáo phát triển rực rỡ trên một tầm cao trở thành quốc giáo, để lại cho muôn đời sau không phải những giá trị về vật chất tầm thường mà là một dòng Phật học mang màu sắc và tinh hoa văn hóa Việt Nam, trở thành di sản phi vật thể niềm tự hào của những người con Việt mỗi khi nói về tổ quốc của mình, chứ không phải việc ngài tham gia đúc vài chục cái chuông đồng chỉ để vang ngân nhân ngày giỗ Phật Hoàng đó không phải việc làm của các bậc trí giả. Hay chuyện đức Huyền Quang tôn giả phải đen tấm thân ngàn vàng bước lên giàn hỏa thiêu chỉ vì muốn minh oan cho mình mà đánh cược may rủi với trời. Giá như tác giả Trần Đình Ngôn đẩy kịch tính đến tột cùng rồi tháo nút bằng sự nghiêm minh của luật pháp, bởi sự anh minh của đức Vua Trần, sự ăn năn của nàng Điểm Bích, sự tài hoa của lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tác giả “ Ngọc tỉnh liên phú” nổi tiếng mà rửa sạch oan ức cho một vị đại thiền quốc sư đệ tam tổ trúc lâm, thì chắc giá trị của hai vở diễn sẽ được nâng cao biết mấy.
Sau rất nhiều năm khán giả gần như quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, nhiều diễn viên yêu nghề cũng không sống nổi với nghề tổ phải bươm trải vật lộn mưu sinh, Phải chăng do khán giả nhận thức quá thấp không hiểu hết những cái hay, cái đẹp trong chèo hiện đại, cách tân đổi mới là xu thế tất yếu của thời đại, nhưng đối mới mà không làm mất đi cái gốc truyền thống với biết bao vở diễn biết bao thân phận nhân vật để đời, như một Lưu Bình Dương lễ với bát cơm hẩm quả cà thâm mà thắm tình huynh đệ, một Châu Long thân gái dặm trường ba năm thay chồng đi giúp bạn vẫn giữ được sự sáng trong, một thị màu lẳng lơ dám xé rách rào cản luật lệ phong kiến hiến thân cho anh Nô, Một Súy Vân giả dại, một anh hề cả sứt dạy em thật hài hước thâm thúy trong Kim Nham, một Việc làng với những phê phán sâu cay trong “Quan âm thị Kính” một hề gậy nổi danh trong Từ Thức Gặp Tiên và còn vô vàn biết bao nghệ sĩ tài danh hóa thân nhân vật đi vào công chúng làm lên một nghệ thuật chèo ăm sâu bén rễ. Công chúng phân minh yêu ghét rạch ròi và vở diễn Chuông ngân rừng trúc tuy còn gợn trong kịch bản nhưng với sự thăng hoa của các diễn viên đã làm lên một cơn mưa vàng cho nhà hát để rồi sau hơn 30 năm tấm huy chương vàng toàn đoàn lại quay về bởi những con người vốn dĩ bình thường.
Theo thiển nghĩ của tôi ngọc quý dù có bị vùi lấp thì mãi vẫn là ngọc sáng. Tây Thi với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành có bị bôi bẩn vẫn không giấu được vẻ đẹp chim xa cá lặn của nàng, Chung Vô Diệm dù có qua ngàn vạn bàn tay hóa trang thì cũng không thể làm cho nàng đẹp lên được, các nghệ sĩ hãy làm cho ngọc đã sáng mãi ngày càng sáng. Tôi yêu hát chèo và mãi vẫn yêu, yêu những gì thuộc về nghệ thuật, một thứ nghệ thuật truyền thống không bị lai căng pha tạp, không bị che lấp bởi bất kể điều gì. Xin chúc mừng tất cả các nghệ sĩ nhà hát chèo Hải Dương và công chúng rất công minh bởi họ mới chính là những vị giám khảo tài ba khó tính nhất hãy biết lắng nghe lời họ góp ý. Có như vậy tôi tin nghệ thuật chèo mãi mãi trường tồn và được công chúng yêu quý đón nhận.
Hải Dương
Mùng 2/11/2013
Nhà thơ Nguyễn Đình Vinh