Home > Contend > Trang văn > Tản văn > Vui buồn về Tết

Vui buồn về Tết

Những cái tết lần lượt đến rồi qua đi. Lại một tết nữa sắp qua đi. Ngoài kia mưa xuân lất phất bay. Trời se lạnh. Ờ nhỉ, trời chẳng bao giờ quên bổn phận làm trời. Hết một vòng quay 365 ngày, rồi tết lại đến. Và rồi lại tiếp tục một vòng quay nữa. Cứ vậy, mãi mãi, không bao giờ ngưng nghỉ…
Với ta vẫn vậy. Có khác chăng là không mãi mãi. Hết một vòng quay của đất trời, cuộc đời ta đã khác rồi.

Ngày còn bé, ta mong tết đến không khác mấy tâm trạng ngồi ngõ ngóng trông buổi chợ trưa của mẹ. Chỉ một miếng bánh nhỏ thôi, mà lòng ta rạo rực. Ta vạch lên tường 30 nét cuối cùng của năm. Rồi cứ vậy sốt sắng, nôn nao xoá dần đi từng gạch. Niềm vui chờ đón tết cứ đến dần, đến dần. Thời gian không dừng lại đâu, có điều nó bò như sên, như ốc.

Rồi tết đã đến. Ta có chiếc áo mới. Ta được ăn cơm no hơn với cá, với thịt. Ta không phải dắt trâu ra đồng trong cái rét da con trẻ. Ta thoả thích, vô tư, hồn nhiên đắm mình trong hạnh phúc của tết. Giá cuộc đời cứ vậy, mãi mãi.

Thế hệ ta, đứa nào chẳng phải qua những cái tết trong chiến tranh. Nhiều đứa đã một thời đón tết ngoài mặt trận. Có lẽ, tết đến thì nhiều, mà đón tết ngoài mặt trận thì ít, nên mấy người giờ này nhớ đến những khoảnh khắc ấy. Tết đến không biết. Nói chẳng ai tin. Có đấy. Khi mà cuộc sống cứ quay cuồng với vất vả, bom đạn, với sốt rét rừng…, làm gì còn nhớ ngày, nhớ tháng. Hết năm, tết dửng dưng đến, rồi lặng lẽ chuồi đi. Ta đã mấy lần như vậy, vô tình với tết. Vô tình nhưng lại nhớ đời.

Tết đến để gia đình sum họp. Cha mẹ, anh em, chú cháu quây quần bên mâm cỗ tết. Vậy mà ta trong một thời gian không ngắn, chẳng được thế. Gần 20 năm ta đón tết xa xứ. Cũng mâm cỗ cúng tổ tiên trên chiếc ban thờ sơ sài đêm 30. Con trẻ thì háo hức, mà người lớn thì đang thả nỗi buồn về chốn quê nhà, vì đã bao nhiêu tết biền biệt đất người.

***

Ta về quê cúng tết. Thẩn thơ đầu làng đến cuối xóm, ta muốn tìm lại hình ảnh tết xưa. Không còn nữa. Tất cả đã trôi vào dĩ vãng. Lũ con trẻ chẳng còn cái sân kho hợp tác để chơi ù, chơi đáo. Không gian tết của chúng giờ đây hình như chật hẹp hơn. Chúng đang chúi đầu vào quán nét kia. Trong đó có nhiều trò chơi hấp dẫn hơn trăm vạn lần trò chơi ngày ta còn bé. Trong túi chúng rỉnh rang tiền lì xì, đủ để chúng ngồi thâu đêm trong bảy ngày không đến trường.

Thú chơi tết của đám thanh niên cũng khác xưa rồi. Tết đến có đủ đầy bia rượu, có đủ đầy mồi ngon để cầm chân họ. Tôi vào, họ như càng bốc hơn, tưởng sẽ có thêm người “gánh” hộ.

Cái no đủ đến hầu hết với mọi nhà. Bếp lửa không còn đỏ rực suốt ba ngày tết. Khách đến nhà không còn mâm cao cỗ đầy. Cụng nhau li rượu chúc xuân, có khi lời chúc còn dang dở đã vội vã ra đi. Phải đi, để làm sao trong buổi, trong ngày khắp lượt hết làng trên, xóm dưới.

Điều làm ta thấy ấm lòng, đấy là nhìn những cây nêu sáng rực trước mỗi căn nhà. Cây nêu cao vút, sặc sỡ sắc màu. Mười nhà trồng nêu, có chăng chỉ một biết là trồng theo tục xưa. Còn nữa, dựng cây nêu như sắm bức tranh tết. Biết hay không biết tục dựng nêu ngày tết, không sao. Chỉ biết rằng, nhìn vào xóm, vào làng ta thấy đẹp hơn, ấm cúng hơn, và cả sang trọng hơn, vậy là lòng ta ấm áp hơn, và cả lòng người ấm áp hơn.

Tết sắp qua rồi. Những chùm pháo sáng rực trời đêm giao thừa chỉ còn lại trong máy tính của ta. Ngoài kia mưa xuân vẫn lất phất bay. Cảnh người ngược xuôi đi chúc tết tuồng như đã thưa hơn. Mấy cái khớp chân sưng tấy lên, làm ta bó gối. Mưa xuân đẹp với người, nhưng khổ với ta. Thời gian đang níu kéo, buộc ta chùng xuống.

Chẳng bù lại cái thời ta còn trai trẻ. Tết ơi, sao ngươi nỡ dửng dưng với ta, dửng dưng đến lạnh lùng!

 

Lê Văn

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *