Hôm nay mới đọc được hết “Lều chõng” của nhà văn Ngô Tất Tố – một tác gia đã nổi tiếng qua rất nhiều tác phẩm hiện thực phê phán.
Theo lời tác giả, “khi xưa, Lều, Chõng được coi là những vật làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta vẫn khoe rằng ‘bốn ngàn năm văn hiến’. Lều chõng với nước Việt Nam không khác một ông tạo vật, đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hoặc vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa, rồi lại chính nó đã đưa nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài đã hiện ra nhiều cảnh tượng kỳ quái, có thể khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rùng rợn hồi hộp.”
Qua tác phẩm, tác giả gửi gắm một Vân Hạc tuổi trẻ tài cao mà lận đận khoa trường. Thi tốt, bài hay, bị đánh trượt vì tuổi còn quá trẻ. Triều đình hứa hẹn năm sau cho đỗ rồi lại đánh trượt vì lỡ lầm 4 chữ giữa mấy chục trang văn. Không kể công lao đèn sách nhiều năm, còn đó suốt tháng trời chèo đèo lội suối từ bắc vào tận kinh Huế, làm bài xong chỉ chờ đến nhận đăng khoa bỗng phải đeo gông ngồi nhà tạm giam. Nghĩ đời khi ấy cơ cực biết chừng nào.
Nghĩ lại cô Ngọc, vợ Vân Hạc, cô gái trẻ xinh đẹp, giỏi giang nuôi chồng thi cử. Chỉ khổ nỗi danh vọng của cô còn nhiều hơn cả chồng. Cứ như mình Vân Hạc, có lẽ chàng bỏ thi, đến đâu thì được đến đó, chọn sống đời thanh tao. Khổ nỗi thấy vợ mong chờ, anh lại phải thêm gắng sức.
Đàn bà hay bảo đàn ông làm khổ họ, nhưng có rất nhiều khi, bởi cái mong cầu quá đáng, mà họ đưa đẩy người thân yêu vào chỗ lao đao. Nghĩ lại, mình cũng thế, đòi hỏi quá nhiều, thích thú quá nhiều, làm nặng gánh người này người khác.
“Ngồi rồi mà trách ông xanh,
Cơn vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.”
Kết truyện, Ngô Tất Tố khéo léo đan xen bài thơ “Nhàn ngâm” của cụ Nguyễn Công Trứ cùng với cảnh vợ chồng Vân Hạc – Ngọc tương đắc tâm hồn, chung đường chí hướng, một lòng muốn bình yên, không mơ màng danh lợi.
Thấy cuộc đời như thế bỗng nhẽ gánh bụi sương, sống thanh nhàn, yên ả đáng cần hơn tất thảy vạn thứ hư danh.
Ngoài ra, cả tác phẩm còn là một kho tàng nghệ thuật ngôn từ đáng quý. Những lời văn đơn giản, dân dã, đôi khi tưởng suồng sã nhưng lại đi vào lòng người kỳ lạ. Nó biểu diễn chân thực nhất cảm xúc từng nhân vật, không hoa mỹ, không khoa trương, từng câu chữ mang lại cảm giác gần gũi, chân thành nhất.
Ngày nay, nhất là những chỗ như facebook, người trẻ hay dùng những điều kiểu cách, lắt léo, đôi khi vắt vẻo để thể hiện suy nghĩ của mình. Người ta hay nghĩ, như thế mới là đáng nể, dễ làm người khác chú ý và có lẽ, theo một cách nào đó, họ sẽ cảm thấy thích thú. Nhưng ta quên mất rằng, cuộc sống quá mệt mỏi rồi, cái ta cần nhất phải là đơn giản giữa người với người. Để sống nhẹ hơn, để được hết lòng hơn, để được là mình hơn.
Sống sao cho nhẹ gánh…
Theo Yume