Home > Contend > Trang văn > Tùy bút > Đình làng tôi

Đình làng tôi

 Những tháng năm dạt trôi trên đất lạ xứ người, mỗi khi chạnh lòng nhớ về quê cha đất tổ, thì một trong những hình ảnh thân yêu nhất,

nồng đượm nhất, khắc rõ nét nhất trong trái tim tôi là Đình làng. Mái đình làng tôi vút cong thần mỹ, đứng uy nghi dưới bóng đa cổ thụ và long lanh bên giếng đất đầu làng. Đã bao năm nay, nó làm tôi mong nhớ đến nao lòng.

Đình làng tôi dựa lưng vào khu đất cao, mặt ngoảnh hướng Nam, nhìn ra cánh đồng Diệc bát ngát thẳng cánh cò bay. Tuổi thơ của tôi đã gửi gắm lại nơi này biết bao kỷ niệm êm đềm. Một trưa đi cày về, thấy tôi ngồi hí hoáy vẽ cảnh đình, bác họ tôi – người duy nhất còn lại trong làng biết chữ nho – gọi tôi vào nhà, mang cho xem bản “Sắc Rồng” mà vua đã tặng phong cho “Tứ vị đại vương”- tức Thần Hòang làng tôi.

Chuyện rằng, cái thời mà đất trời của trăm họ Lạc Việt còn đang ở buổi sớm mai mờ mịt, thì nhà Tần bên Trung Quốc, khởi 50 vạn tinh binh sang xâm lược nước ta. Lúc này vua Hùng đã già yếu, được sự đồng lòng của trăm họ, vua đã nhường quyền lãnh đạo kháng chiến cho Thục Phán.Vậy là đất của người Âu Lạc ra đời. Nghe theo lời hiệu triệu cứu nước của vua, dưới sự chỉ huy của tứ Thánh, làng Phó Hoa quê tôi cùng toàn thể nhân dân trong vùng đứng lên chống giặc.

Tứ Thánh, thực ra là bốn người con trai của ông Đinh Công Bách và bà Tô Nương Nghi ở Phó Hoa xã. Khi sinh ra cả bốn ông đã có tướng mạo khác người thường:

“Diện tựa hoa xuân sắc
Nhỡn như Bắc đẩu tinh”

Lớn lên, do khí chất thông minh lại chịu khó học hành, các ông là người thông kim bác cổ – văn võ song toàn, đều là lạc tướng của vua Hùng.

Trước hoạ xâm lăng của giặc Tần, các ông ra lập đàn ở Tây tỉnh (giếng đất phía tây làng Cầu)-nơi đây ngày xưa song thân đã ra cầu tự – họ cắt máu ăn thề, để tỏ tấm lòng trung hiếu của mình trước vận mệnh của đất nước.

Khi quân Tần tới nơi, tướng giặc sai người đem ngọc ngà châu báu, dâng biếu các ông để dụ hàng. Nhưng chúng không thể mua chuộc được tấm lòng son và ý chí sắt đá của bốn vị Lạc tướng. Ngày đêm, họ luyện tập võ nghệ cho các trai tráng và hướng dẫn nhân dân rào làng kháng chiến. Nhưng quân giặc quá đông, chúng tiến quân theo cả đường thuỷ lẫn đường bộ và rất tàn bạo, nên theo lệnh vua, họ phải rút về dãy Sơn Nam để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Người anh cả là Liêm Công và người em út là Bùi Công, chọn một số nghĩa sỹ ở lại bám làng chiến đấu, cản bước tiến của quân thù. Nghĩa quân đã chiến đấu với một tinh thần dũng cảm quên thân. Họ cầm chân giặc được đến ngày hôm sau thì lần lượt hy sinh. Hai anh em nắm tay nhau, nhìn đất mẹ lần cuối, rồi “hoá” ngay ở giếng nước đầu làng.

Quân Tần truy kích tiếp đến cánh đồng Diệc, thì bị nghĩa quân của các ông Vĩnh Công và Dũng Công chặn lại. Một trận huyết chiến không cân sức nữa lại diễn ra vô cùng ác liệt suốt một ngày một đêm. Giặc đông như kiến cỏ, vây hãm quá dày, hai ông và nghĩa quân không thể mở được đường máu về núi. Quyết không chịu sa vào tay giặc, bên dòng suối quê hương, hai ông đã rút dao ngắn bên người ra đâm cổ tự vẫn… Bốn ông hoá xong thì trời vần vũ đổ mưa, sấm chớp tối đen trong ba ngày.

Mười năm sau, khi cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi, trở về làng, dân quê tôi đã rước Bài vị của các ngài về lập bàn thờ. Sau này được vua cấp sắc, phong là linh ứng Đai Vương và nhân dân đã tạc tượng, xây đình để thờ cúng . Cho đến tận ngày nay, các ông vẫn là những người “hộ quốc tỳ dân” trong vùng. Đó là Phúc thần của làng tôi.
* *

Trong cuộc kháng chến chống thực dân Pháp, quê tôi thuộc vùng tề, bốt gác của địch vây hãm dày đặc. Nhưng trước năm 1945, trong nhà ông nội tôi đã nuôi giấu một ông thày dạy võ. Lúc này người Pháp đã ra điều luật: cấm người bản xứ luyện tập võ nghệ. Ông sống trong xưởng gỗ của ông nội tôi dưới danh nghĩa là một thợ mộc đi làm thuê. Nhà ông tôi lúc ấy buôn gỗ và thuê tới mười cặp thợ xẻ. Ông tôi nóng tính, nhưng sống rất khoáng đạt, hào phóng với mọi người. Ông lại giao du rất thân với mấy người Pháp làm ở sở „Đoan“ (Chắc cũng là để trốn thuế nữa). Do vậy xưởng gỗ của ông tôi chưa bao giờ bị kiểm tra hay khám xét. Nhà ông tôi đào một cái hầm bí mật trong buồng, mỗi khi có người lạ vào, thầy dạy võ lại phải xuống đó lánh mặt. Ông này cao lớn, trán rộng, mắt xếch như Quan Công. Nên ông có một cái tên rất “Tam quốc”: Tiểu Vân Trường. Tiểu Vân Trường rất giỏi võ: phi thân lên xuống nhẹ nhàng như chim; gồng mình giáo đâm không thủng; trên đánh “thiết đầu”, dưới quét “tảo địa” nhanh tựa gió giật. Đi đêm về hôm cũng chỉ độc một cái khăn mặt ướt vắt vai, vậy mà ông vẫn lấy được cả dao, kiếm của bọn cướp đường. Mãi tới năm 1946, thấy ông là cán bộ chỉ huy một đội quân Nam tiến, cả tổng mới biết ông nội tôi đã nuôi giấu người hoạt động Cách mạng. Ngày ấy, đình thờ tứ Thánh bên gốc đa đầu làng, đêm đêm vẫn được Tiểu Vân Trường chọn làm nơi dạy võ và tuyên truyền chống Pháp cho tầng lớp thanh niên trong vùng. Mấy anh em trai của cha tôi đã được ông dìu dắt, sau này ra đời đi làm cách mạng, đều phát tiết nhờ tinh hoa từ lò võ sân đình làng tôi.

Tổng khởi nghĩa toàn quốc tháng 8 năm 1945, cũng là ngày cha tôi bắt đầu đi làm cách mạng. Ông đã hăng hái tham gia cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Phú Thọ. Một ngày trở lại nơi này, tôi đã được nghe chuyện về cha mình. Bác dâu tôi tuổi đã 90 nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, bà kể: “Chú Tư ghê lắm, vác cờ đỏ sao vàng Việt Minh, dẫn đầu đoàn người từ trên cầu Trắng kéo xuống thị xã. Bọn lính Nhật dàn hàng ngang, lưỡi lê tuốt trần, giương súng nhắm vào cờ mà không thằng nào dám bắn”. Sau hành động quả cảm ấy, cha tôi được chọn đi học lớp quân chính đầu tiên do khu mở. Lớp này do ông Hùng và ông Thiết Long phụ trách. Vì học ngành quân báo, nên khi ra trường, ông được chuyển qua ty Công an, làm “cảnh sát hình sự” tại các vùng, Chí Chủ, Vũ Ẻn và Ấm Thượng. Trong một lần đi công tác cùng bác ba tôi, khi đang chờ tàu đêm ở ga Phú Thọ, cha tôi bị bọn Việt nam Quốc dân đảng, làm mật thám trong ty liêm phóng nhận được mặt và tổ chức quây bắt. Gặp lúc tình huống hiểm nghèo nhất, bác tôi đã dùng miếng “khăn mặt vắt vai”, đánh văng khẩu Poọc-hoọc của một tên Việt gian, cứu cha tôi thoát chết trong gang tấc. Cha tôi đã chạy thoát còn bác tôi bị chúng lôi về đồn tra khảo. Chú Năm tôi thì hoạt động cách mạng ở quê, xưa nằm trong địa phận phủ Thường Tín. Trong một lần vây ráp, địch bắt được chú tôi dưới hầm bí mật do cụ Nheo- người cùng làng- nuôi dấu. Chúng tra tấn chú tôi rất dã man, rồi đưa ông lên giam giữ trên trại giam Hoà Bình. Sau một thời gian lên kế hoạch, một đêm, cũng nhờ dùng miếng “khăn mặt vắt vai” mà chú tôi đã cướp được súng, trói được tên cai ngục, cùng các đồng chí của mình thoát khỏi nhà tù, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Đặc biệt trong số bạn chiến đấu cùng với chú tôi, xuất thân từ lò võ sân đình thời ấy, còn có ông Nguyễn Hữu Thụ. Sau này ông giữ tới chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sơn Bình.

Năm 1967, làng tôi có bộ đội về. Đó là một trung đội trinh sát thuộc tiểu đoàn 31. Họ còn rất trẻ và cùng đến từ mọi miền đất nước. Sân đình làng tôi lại được các anh chọn làm nơi luyện tập võ thuật và đắp sa bàn. Trên sân đình, sáng nào cũng vậy, khi mà bếp mọi nhà bắt đầu đỏ lửa cho một ngày mới, thì lũ trẻ chúng tôi không hẹn mà gặp, lại kéo nhau ra xem các anh dàn quân theo đội hình 9630. Người chỉ huy gằn giọng: “Mười sáu động tác võ thể dục bắt đầu. Một…hai…” … “giương lê”- đấy là lúc họ tập đánh giáp lá cà. Mỗi lần đâm lê về phía trước, cả trung đội lại đồng thanh hô “giết…giết”… Mấy năm sau, một trong những người lính đó quay lại làng tôi, anh bảo: Sau trận Mậu Thân trung đội đã hy sinh gần hết. Câu nói ấy, làm tôi đau đến tận bây giờ. Nhiều đêm tôi nằm mơ thấy các anh về. Lại xôn xao làng trên xóm dưới. Sáng ra lại vẫn như còn nghe thấy đâu đây âm vang của “sát Thát”, tiếng hô như từ trăm nghìn năm uy vũ Lý -Trần xưa vọng về. Lại ra sân đình, dưới gốc đa cổ thụ, nơi ngày xưa vẫn ngồi xem các anh họp cuối tuần, và tôi như nghe lại được những âm thanh trầm hùng, đang cất lên từ những lồng ngực yêu đời của những người lính trẻ:

“Ta là người trinh sát
Nhẹ bước chân xa vời
Như bầy chim tung cánh
Bay khắp bốn phương trời”

Lúc này, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt trên cả hai miền đất nước. Nó như một con quái vật khổng lồ, cuốn đi theo mình nhiều thế hệ trai làng ra mặt trận. Khi mà trung đội trinh sát từ biệt dân lên đường đi chiến đấu, thì cũng là đến lúc lớp anh em chúng tôi lớn lên. Sứ mệnh bảo vệ và giải phóng Tổ quốc lại tiếp tục được trao vào tay lớp trẻ. Trước khi lên đường chiến đấu dưới lá cờ “vinh quang của Tổ Quốc”, các cụ bô lão đã dẫn những thanh niên nhập ngũ đến làm lễ ở đình làng. Chúng tôi thề sẽ quyết tâm noi theo tấm gương kiên trung, bất khuất của các bậc tiên liệt “dù gian lao khổ hạnh không sờn lòng,vào sống ra chết không nản chí” để xứng đáng với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Trong giây phút thiêng liêng ấy, máu trong người chúng tôi trào dâng rạo rực. Tượng tứ Thánh uy nghi ngồi đó, ánh mắt hiền từ của các ngài toả sáng bao dung trong khói hương trầm mặc. Các bậc tiên liệt ấy như những nhân chứng sống của lịch sử, từ ngàn đời nay nhìn thấy lớp lớp cháu con lên đường ra mặt trận, gìn giữ non sông gấm vóc. Lúc ấy, hồn phách anh hùng hào kiệt, từ thời dựng nước và giữ nước của cha ông tự ngàn xưa như đang hiển linh; tất cả những chiến công oanh liệt của họ, như đang hiện về trước mặt chúng tôi – những người lính hậu duệ của bốn nghìn năm sau.

Năm anh em chúng tôi ra đi ngày ấy, thì có ba người nằm xuống mãi mãi không trở về. Họ đã trung trinh giữ trọn lời thề với Tứ Thánh làng tôi và với cả non sông đất nước.
* * *

Hơn hai mươi năm sống xa Tổ quốc, trên đường về, tôi đã tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt của quê tôi cũng như của đất nước. Nhiều chuyện thần kỳ trước kia, nay đã trở thành xa lạ với lớp trẻ bằng tuổi tôi ngày ấy. Nhưng làng tôi thì vẫn vậy: nó vẫn thiêm thiếp ngủ dưới mái đình cổ kính rêu phong; vẫn là cây đa cổ thụ toả bóng mát trưa hè; vẫn những cô thôn nữ, chiều chiều ra giếng làng lấy nước. Những giây phút thanh bình và nên thơ ấy, tôi không tìm thấy đâu như ở quê mình. Để có được những giá trị cuộc sống như ngày nay mà cháu con đang hưởng, máu của biết bao anh hùng liệt sỹ đã đổ xuống đất này. Đình làng tôi, nơi đây các thế hệ nối tiếp thế hệ con người đã tới dâng hương, rồi lần lượt ra đi, khuất bóng ở nơi xa thẳm. Chỉ còn lại mái đình – mái đình rêu phong cổ kính và những chiến công vang dội núi sông của các bậc thánh nhân là mãi mãi ở lại. Ở lại để khắc sâu truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, trong trái tim và khối óc những người hậu thế; ở lại để nhắn nhủ con cháu Lạc Hồng rằng, hãy nhìn về tương lai của đất nước, đoàn kết một lòng để gữi gìn trọn vẹn núi sông bờ cõi và dìu dắt nhau đi tới ấm no – hạnh phúc cho mỗi gia đình trong dân tộc Việt Nam.

Halle/Saale. BRD. Lập Hạ Đinh Mão(2011)

Nguyễn Công Tiến.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *