” Chiều nào, em cũng ra công viên ngắm cảnh bình minh. Mặt trời dần xuống dốc núi…: “Con gà nhà bà em mới đẻ được một con gà con nặng 2kg…”
Vẫn biết trí tưởng tượng của trẻ thơ là vô cùng phong phú, nhưng những bài văn mô tả đến mức này thì quả thật là khiến người đọc cười thắt ruột.Đọc và chấm những “bài văn ấn tượng” ghi được từ các bài thi vào lớp 6, hoặc trong những lần hướng dẫn học trò làm bài, cô giáo Hoàng Thanh (Hà Nội) gọi đây là “những bài văn thiếu mùa hè”.
Dưới đây là những câu văn như thế.
Trên đường đê, em Bùi Tuấn Dương, học sinh lớp 6 trường THCS Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Thọ đen trũi da vì phải dắt bò ăn để nó không phá lúa. Ảnh: Đức Chính
Chim “đớp” bình minh
Đề tuyển sinh vào lớp 6 diễn ra hồi cuối tháng 6 ở một trường THCS tại Hà Nội yêu cầu học sinh tả một buổi bình minh mà em ấn tượng nhất.
Trong các bài viết, các em diễn đạt khá lưu loát, đúng ngữ pháp. Một số câu văn còn miêu tả khá hình ảnh với những từ ngữ sinh động.
Tuy nhiên, sự “hồn nhiên” cũng toát lên rõ nét. Chẳng hạn:
Mở bài:
1. Chiều nào, em cũng ra công viên ngắm cảnh bình minh. Mặt trời dần xuống dốc núi…
2. Em đã đi rất nhiều biển nhưng biển đẹp nhất là Cửa Lò, nơi bà nội em từng chôn rau cắt rốn. Ở đó, em đã từng ngắm một buổi bình minh cực kì đẹp.
3. Hôm nay, em dậy sớm đi thi, ngồi mãi cũng chẳng biết làm gì, em liền quay ra ngắm cảnh bình minh.
Thân bài:
Những tia nắng dịu chiếu xuống hồ, cá nhảy lên tung tăng đớp những giọt sương mai. Từ nơi nào, không biết có bao nhiêu là chim bay đến. Chúng khoái chí đớp những giọt sương cuối cùng đọng lại trên cành cây.
Kết luận:
Em rất vui vì đã khám phá ra một buổi bình minh. Người ta có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đó là câu thơ em vừa nói. Em mong sao, em sẽ khám phá nhiều buổi bình minh mới lạ và bổ ích góp phần vào đất nước thêm rực rỡ”.
Chiến công của chó
Tả con chó, học sinh viết: “Nhà em có nuôi một con chó Béc-giê to. Nó đã lập được một chiến công hiển hách. Một hôm, cả nhà đang ăn cơm, nó lao vọt sang nhà hàng xóm, lúc quay về, đầu nó lắc lư, tai vẫy ra vẻ rất kiêu hãnh. Thì ra, nó đã tha về đặt giữa nhà một thằng trộm.”
Đề bài tả con gà, học sinh viết: “Con gà nhà bà em mới đẻ được một con gà con nặng 2kg.”
Một học sinh khác lại viết: “Con gà nhà em có một chiếc đuôi rất đẹp. Phần cao nhất của đuôi màu nâu sậm, phía dưới lại có màu xanh nước biển, tiếp đó là màu đồng và phần cuối cùng là màu đỏ. Còn mỏ của chú gà to như lá trấu, đôi cánh lại ngắn củn và vàng ruộm.”
Thày giáo phê: “Có vẻ chú gà này một nửa giống gà trong tranh Đông Hồ, một nửa giống gà luộc trên đĩa?”
Với đề bài tả con trâu, có học sinh viết: “Hè vừa qua, em được bố mẹ cho về thăm quê. Em nhìn thấy một bác nông dân đang làm việc trên đồng. Bác nông dân có một khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, miệng tròn xinh. Đặc biệt, làn da của bác trắng hồng rạng rỡ. Bác đang đi sau một con trâu rất béo. Bác quát lớn: Họ… họ… họ… và con trâu nghe lời bác, cứ thoăn thoắt bước đi.”
Không muốn giống sách
Cả lớp làm bài rất say sưa. Cô giáo thấy A.Thơ cứ ngồi nhìn ra sân trường, liền hỏi: “Con đã làm bài xong chưa?”, A.Thơ hồn nhiên trả lời: “Xong rồi ạ!”
Cô giáo nhìn vào bài kiểm tra chỉ thấy một dòng chữ ngắn gọn: “Nhà em ở trong trường nên không có con đường đến trường”.
Với đề bài yêu cầu tả con mèo nhà em, học sinh D.Nam viết: “Con mèo nhà em thân to như một chai lavie nhỏ, đầu to như một chai lavie lớn, hai tai to như hai trái núi, còn mắt mở to như một người trẻ”.
Khi được hỏi “sao con lại viết mắt mèo mở to như một người trẻ?”, Nam trả lời: Trong sách văn mẫu, người ta mô tả con chó nằm sưởi nắng, mắt lim dim như một người già, con không muốn giống sách nên phải viết vậy.”
Hoàng Thanh