Home > Uncategorized > Vài chuyện vui về cái nết ăn của Lê Lựu

Vài chuyện vui về cái nết ăn của Lê Lựu

Có một nhà báo viết về Lê Lựu đã phán một câu xanh rờn: “Lê Lựu ăn được tất cả các vật có cánh chỉ trừ… máy bay và ăn tất cả các vật có chân chỉ trừ…

bàn ghế”. Nói thế có phần hơi quá nhưng quả thật, Lê Lựu là người rất xuề xoà trong ăn uống. Anh xơi được mọi thứ, bất kể đó là món gì, nếu có người ăn được là anh xơi tuốt. Lê Lựu là nhà văn đương đại có rất nhiều giai thoại. Những câu chuyện về anh được bè bạn, anh em kể liên tu bất tận trong các cuộc nhậu. Họ bàn về anh với đủ mọi góc độ, từ đi đứng, trang phục cho đến cả việc sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt là cái “nết ăn” của ông nhà văn nổi tiếng đã từng chu du nhiều nước trên thế giới này.
Phi đậu phụ bất thành… Lê Lựu

Món Lê Lựu khoái khẩu nhất phải kể đến đậu phụ luộc hoặc lướt ván chấm mắm tôm. Không hiểu từ đâu và từ bao giờ, trong giới anh em văn chương đã truyền nhau câu “thành ngữ”: “Phi đậu phụ bất thành… Lê Lựu”.

Dù đi ăn ở bất cứ đâu, quán cơm bụi vỉa hè, khách sạn 5 sao hay nhà bè bạn, anh em, Lê Lựu thường chăm chắm vào đĩa đậu phụ. Anh khoái ăn đậu phụ đến mức khi nghi bị tiểu đường, bác sĩ khuyên ăn kiêng và nên ăn nhiều đậu phụ thì anh tủm tỉm: “Tưởng khuyên gì chứ khuyên ăn đậu phụ với tớ là thừa”.

Có lần tôi về quê anh, nơi có món đậu phụ phủ Khoái khá nổi tiếng, anh gắp cho tôi đầy bát khiến tôi nhìn các món khác mà tiếc ngẩn, tiếc ngơ.

Tuy là người dễ ăn nhưng Lê Lựu không thích những món thuộc hàng cao lương mỹ vị, đặc biệt là bơ sữa và các kiểu ăn tây. Một lần tháp tùng Chủ tịch phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đi công tác, được bố trí ở khách sạn 5 sao, ăn ở mấy trăm USD/ngày, Lê Lựu rất chán và… tiếc: “Giá nó cứ cho mình ăn cơm canh cua, đậu phụ rồi… đưa cho ít tiền tiêu vặt thì có phải tốt không. Đằng này…”.

Lần ấy về, anh gầy đi mấy ký. Và vừa về đến Hà Nội, anh đã gọi tôi đi ăn bún mắm tôm, đậu phụ. Anh ăn một cách miệt mài, cần mẫn và say mê. Ăn xong, buông bát, vớ tờ giấy ăn lau xoẹt hai bên mép rồi ngửa mặt kêu lên: “Ngon, ngon thật. Sao bọn khách sạn nó ngu thế, không đưa món này vào thực đơn nhỉ?”.

Gần đây, khi đã là ông Tổng Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân, nghĩa là đã có ô tô riêng, trụ sở riêng và cả đoàn người giúp việc, Lê Lựu vẫn không bỏ được cái cách ăn đã ngấm vào máu thịt.

Một lần đến thăm anh, vẫn thấy trên mặt bàn vị Tổng Giám đốc bát thịt nấu lõm bõm, màu sền sệt vàng nổi lều bều bên trên vài miếng mỡ. Và cạnh đó là một bát mắm tôm chấm dở vẫn còn vương vài sợi bún, mấy hạt chanh, dăm miếng ớt cùng với mấy chiếc lá kinh giới, tía tô.

Nhà văn Lê Lựu qua nét vẽ của Nguyễn Hữu Khoa.

Bữa cơm mắm tép với người đẹp không thành

Lê Lựu rất thích món mắm tép kho khế ớt. Có lần tôi hứng chí định viết một bài về người đẹp T.H. Cái cô Hoa khôi đẹp nghi ngút, cặp đùi như hai chiếc ngà voi vắt nghiêng nghiêng trên ghế làm nhà văn bị hút hồn.

Chẳng biết cái cô Hương trong Thời xa vắng có đẹp được như cô T.H. hoa hậu này không nhưng thấy anh nhìn mê đắm lắm. Để “trả công” cho những cái nhìn “đã mắt”, Lê Lựu quyết định mời người đẹp đi ăn cơm… mắm tép. Khổ, ông nhà văn ơi, người đẹp thế phải sữa bơ, pho mát hoặc nhà hàng sang trọng chứ ai người ta ăn mắm tép ở quán cơm bụi mà mời.

Quả nhiên, người đẹp T.H. từ chối. Thế rồi tôi với Lê Lựu ra cái hàng cơm bụi ở dốc Hoàng Cầu. Cái con dốc vừa nhỏ, vừa gồ ghề ấy tưng bừng là bụi. Bụi bay mù mịt mặt đường. Bụi tràn vào cửa chính, cửa sổ của những căn nhà hai bên phố. Và cái quán cơm ở ngay dưới chân dốc, nồi canh bụi nổi váng lên như váng mỡ.

Hai anh em gọi hai cốc bia cỏ, những hạt tăm to như hạt lạc nổ lép nhép trên miệng cốc. Còn bát mắm tép thì vàng đỏng đảnh như được đổ một lớp phẩm vecni dùng để đánh bóng giường tủ. Thế mà Lê Lựu cứ tức tưởi: “Cái con bé, mắm tép ngon thế mà lại từ chối”.

Rồi ông trầm ngâm triết lý: “Đấy, bi kịch của cuộc đời là thế. Vẻ đẹp bên ngoài bao giờ cũng tỷ lệ nghịch với tri thức. Mắm tép ngon thế mà lại đi từ chối. Dốt. Dốt thật. Thế mà cũng là… hoa hậu?”.

Tôi chợt nhớ khi hỏi chuyện, người đẹp T.H. có tâm sự rằng mình đã từng viết truyện ngắn. May mà em đẹp, em thành hoa hậu suốt ngày được đón rước nơi nọ nơi kia nên em không có thời gian viết lách chứ cái giống văn chương nó kị người đẹp lắm. Hình như chỉ có vài ba người được giời cho cái diễm phúc của nữ sĩ Xuân Quỳnh, người cũng đẹp mà văn cũng đẹp. Còn lại thì, giời ạ!

Hành trình tìm món… nước ngô

Lê Lựu cũng rất thích nước ngô luộc. Trần Đăng Khoa kể rằng, khi sang nước Nga, Lê Lựu đã cất công đem cho anh một cái gói to bự được chằng buộc cẩn thận bằng giấy bóng kính, bên ngoài còn lót thêm một lượt giấy bóng hồng điều… Trần Đăng Khoa chắc mẩm cái hộp đẹp thế kia, lại được mang qua ba vòng trái đất chí ít cũng phải ký mứt sen hay cân chè Thái.

Khi Lê Lựu trịnh trọng đặt lên bàn, Trần Đăng Khoa hồi hộp nhìn những ngón tay mập mạp, đen đúa của Lê Lựu lần mở từng nút lạt giang. Hóa ra mấy bắp ngô luộc to xù như mấy quả lựu đạn. Ngô để lâu ngày, bốc lên cái mùi rất đỗi xa xăm. Lê Lựu đưa lên mũi hít hít rồi quay lại cười rất tươi: “Ngon lắm. Cứ như ý cụ Nam Cao thì ta không nên hoãn sự sung sướng này lại”.

Nói rồi Lê Lựu lấy phích nước sôi dội ào ào lên mấy bắp ngô vứt lỏng chỏng trong cái xô tôn. Ai nấy còn ngần ngại thì Lê Lựu đã túm lấy một bắp, cạp cạp rất ngon lành. Gương mặt hồn nhiên, tươi mởn…

Tôi nghĩ chuyện Khoa kể là có thật. Có lần Lê Lựu bắt tôi chở đi hết 36 phố phường Hà Nội. Trời nắng gay gắt, mặt hai anh em đỏ phừng phừng và nhễ nhại mồ hôi. “Đi đâu thế bác?” Tôi sốt ruột hỏi. “Thì cứ đi”. Lòng vòng mãi, chợt thấy Lê Lựu bấu vào sườn tôi “Đây rồi”.

Chiếc xe đỗ xịch trước một người đàn bà nhà quê gánh đôi quang gánh với lủng củng xô thùng. Tôi thoáng ngạc nhiên, (người nhà anh hay một nguyên mẫu trong tiểu thuyết?) thì đã thấy Lê Lựu hỏi “Còn nước ngô không bác”. “Hết rồi ông ạ”.

Nghe câu trả lời của bà bán nước ngô, mặt Lê Lựu thọng xuống. Tôi không biết vẻ mặt của ông Thượng nghị sĩ John McCain khi thất cử Tổng thống nước Mỹ vừa rồi có buồn bã và thất vọng đến thế không. Có lẽ cũng chỉ đến thế là cùng!

Cuộc ra mắt ngoạn mục của người chồng nổi tiếng

Tôi đọc ở đâu đó một câu chuyện kể rằng, vợ một nhà văn sau khi chồng đã là người nổi tiếng muốn khoe với người yêu cũ về đức lang quân của mình. Trong đó, ẩn chứa một thông điệp “Anh thấy chưa, không lấy anh, tôi không những không ế chồng mà còn lấy người nổi tiếng bằng mười anh ấy chứ”.

Ngày gặp mặt, từ sáng sớm, chị vợ đã dậy lau chùi nhà cửa, là quần áo, đánh xi giày cho chồng. Cái căn nhà mọi khi xin xỉn giờ bóng lộn cả lên. Nhất là ông chồng – bóng loáng và thơm phưng phức. Rồi vị khách xuất hiện. Đức ông chồng bắt tay, chào đón niềm nở và lịch thiệp. Rồi ba cốc nước chanh thơm nức nở cũng được bê ra… Mời, mời, mời… Cười và nhiều, rất nhiều nụ cười. Uống đi chứ. Uống đi. Uống cho mát.
Rồi, như có vẻ ái ngại vì cốc nước của khách đã tan hết đá, đức lang quân bèn… thò hai ngón tay mập mạp, đen đúa vào cốc nước của mình nhón ra hai viên đá… bỏ vào cốc của khách. Bà vợ tái mặt. Ông khách gượng cười. Và câu chuyện bỗng trở nên gượng gạo.

Có người nói chuyện này có nguyên mẫu là nhà văn Lê Lựu. Tôi không tin điều đó. Lê Lựu có thể vô tư dùng đũa của mình gắp thức ăn cho ai đó, vô tư đổ bia từ cốc của mình sang cốc của bạn, vô tư sẻ bát cơm ai đó xới cho mình quá nhiều vào lại nồi chứ câu chuyện trên thì không thể có. Tôi tin là như thế.

Trong cuốn Chân dung và đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa có đoạn tả về thói quen ăn đêm của Lê Lựu rằng trước khi viết, Lê Lựu thường tạt qua một hẻm phố nào đấy để “nạp thêm nhiên liệu cho máy móc vận hành”. Và trong các món ăn đêm ấy, Lê Lựu đặc biệt mê cái món phở “bốc mả”.

Đó là những bát phở cuối cùng trong ngày, nước phở đậm, đặc ngầu những… cấn nồi. Bà chủ quán xem ra đã quá quen với khẩu vị của Lê Lựu, có lẽ nghĩ anh là ông xế lô sau một ngày chở khách mệt nhọc bèn bốc cho anh một đống xương xẩu, cổ cánh đã hầm kỹ không tính tiền rồi đổ ào thùng nước rửa bát ra mặt đường.

Lê Lựu tỏ ra rất khoan khoái, gương mặt nhôm nhoam những râu ria bừng bừng sung mãn như người trúng xổ số”. Theo tôi, những chi tiết này hoàn toàn có thể có thật. Nhiều lần đi quán cùng anh, tôi đã chứng kiến cảnh như vậy hoặc tương tự như vậy. Chỉ có điều, qua ngòi bút duyên dáng của Trần Đăng Khoa, sự việc sống động hơn, “thật” hơn.

Bùi Hoàng Tám (Sức khỏe & Đời sống)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *