NVTPHCM- Văn Thuỳ tự họa về mình thế. Âu cũng là một kiểu thơ điên, gần với Trung niên thi sĩ Bùi Giáng.
Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn gọi Nguyễn Duy là Thi sĩ thảo dân, thì tôi có thể gọi Văn Thuỳ là thi sĩ bụi.
Bụi ở đây là bụi người nhân gian, từ cái cách ăn vận cái cách làm thơ đến cả cái cách đưa sản phẩm thơ ra Hà Nội…Rồi cách ngồi quán cỏ bia hơi thuốc lào… Gã đích thị là “Trung niên Thi sĩ” của xứ Bắc Kỳ. Không vạ vật đường phố, không điên điên như Bùi Giáng nhưng Văn Thùy đích thị là “Trung niên thi sĩ” xứ Bắc. Thân thì bụi bặm thế nhưng thơ thì tình và tinh và không cỏ rác tí nào. Đó là Văn Thùy.
Có một “Trung niên thi sĩ”xứ Bắc
Một chút phá cách của Bùi Giáng khi Thùy viết: “Vừa ban thông điệp yêu đương…”, nhưng không giống kiểu điên tài hoa Bùi Giáng. Thùy tự giễu:”Bây giờ tôi chẳng giống tôi/ Ngày đi săn nắng đêm ngồi bẫy trăng“. Một chút Nguyễn Bính, nhưng đã phai mất mấy phần chân quê, một chút Nguyễn Duy nhưng không đáo để, tỉnh táo như Nguyễn Duy. Thế mới là Văn Thùy!
Quê quán xưa nghe nói ở Hà Nội, gốc Vạn Phúc đất Thập Tam Trại cổ nay hình như là phường Cống Vị – Đội Cấn, Ba Đình, nhưng không hiểu sao lại theo một ả nạ dòng về ở tận Ân Thi dưới Hưng Yên. Nhà thì cho có gọi là nhà, chứ gã bảo nó là lều…
Tôi gặp Văn Thùy lần đầu tiên ở ngày Hội thơ VN lần thứ nhất, nguyên tiêu năm 2005. Một người đàn ông nhỏ gày tóc búi tó, áo quần bụi bụi, da và hàm răng không đen, không nâu, không vàng. Gã đi theo tôi sau lưng bỗng dưng dúi vào tay tôi một cuốn vở. “Tặng ông tập thơ cỏ của tôi”. Tôi ngờ gã gàn dở nào đây. Giở thử, thấy hơi giống ý nghĩ ấy: “Hợp tác xã thơ Hồn Rơm. Chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch”. Choáng! Tôi cầm cuốn sách chép tay và không quên cám ơn tác giả rồi nghĩ đây có lẽ là một… “Bùi Giáng”, một “Trung niên thi sĩ Bắc Kỳ”.
Năm sau, hội thơ tiếp theo thấy ông ngồi ở sân thơ cho… chữ. Thư pháp Việt đề thơ. Cái búi tóc bạc muối tiêu vắt sau lưng. Cái đầu cúi ghì xuống giấy… đích thị là một dị nhân. Nhưng hình như tôi linh cảm gì đó rất lạ về ông mà chưa biết gọi tên. Vốn sông hồ lê la quen nhiều dị nhân, lãng tử tôi phát hiện trong cái bất bình thường ấy, một bình thường của dị nhân kiêm thi nhân. Không thi nhân, không thể viết nổi những câu thơ chắt từ đáy tim thế này: Chẳng làm con sáo sang sông/Chị thành một giọt người trong biển người hoặc Từ ngày đốc chứng làm thơ/ Khôn ngoan vốn mỏng ngẩn ngơ thêm dày…
Người viết thế tức là không ngẩn ngơ chút nào. Đúng như Thùy viết:Dăm bài dở mếu dở cười/Nội soi chữ thấy nhiễm lời thằng khôn…Đêm ấy đọc thơ gã, tôi muốn choáng bởi gã thi sĩ bụi, chủ nhiệm HTX thơ Hồn Rơm này thơ hay hơn khối nhà thơ chuyên nghiệp.
Có tí tình tang ghẹo người ghẹo đời. Lại có lúc tỉnh táo triết lý như thần, hãy nghe Thùy bàn đến cái sự thấp cao: “Tròn trưa ai biết bóng nào dài hơn”. Rút được một câu như vậy, thực chẳng dễ đâu, dẫu qua dằng dặc kiếp người đen đỏ… Thơ được in không đủ tặng, Văn Thùy đem thơ chép tay đi photocoppy chua thêm xuất xứ kiểu:
Chuyên chế tạo ca dao/Sản xuất thơ sạch/Nguyên liệu cổ truyền/Ngôn ngữ dân gian/Bền cùng trí nhớ/Kiểu dáng độc nhất/Chữ nghĩa gì nhất/Giọng điệu ấy nhất/Độc giả lạ nhất/Giá bất đồng nhất.
Rồi tự nhân bản, tự đi quảng bá thơ mình, rồi tiếp thị, tự phát hành bằng cách cho và… bán rong. Một cách chơi tốn kém công của! Thời đại công nghệ bây giờ mà tẩm thế, hẳn Văn Thùy này phải là một dị nhân đích thực! Ngày thơ Việt Nam, trong khi các tác giả ôm theo thơ gửi vào các quầy sách gửi bán, các NXB tổ chức quầy sách, thì riêng ông, một mình một cõi thơ bày ra mẹt, viết trực tiếp ra giấy khổ A4 bằng thứ chữ Việt cỏ rả (thảo thư) mà bán còn đắt hơn tôm tươi. Cái cách chơi thế mới sang chứ. Đem cái bút tích mình, viết thơ mình ra giấy bán tiền tươi thóc thật… Mấy ai được như ông.
Chỉ có kẻ điên điên hoặc là tên ngộ chữ, hay là thi nhân đích thực dấn thân vào thi ca để vợ con nheo nhóc mới có thơ lạy vợ như Văn Thùy:
Quay về tầm mắt em thôi/Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh/Xin em hết sức lượng tình/Cho tôi tìm lại chính mình hôm qua/Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa/Cũng bay về phía thật thà ngày xưa (Thi khúc lạy vợ)
Thì ra gã không ngất, không “nghiêng” như người ta vẫn nghĩ. Gã tử tế ít nhất là với vợ mình sau khi Nửa đời bám gió leo mây/ Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu.
Tửng từng tưng và đùa cợt với đời thế, nhưng có những khúc buồn lắng đọng tâm tư, Thùy cũng da diết vô cùng. Viết về tóc mẹ, Văn Thùy làm ta thổn thức:
Sợi đen năm cũ cũ rồi
Còn phơ phơ lại tơi bời gió sương
Lang thang tóc lạc gậm giường
Bơ vơ như một đoạn trường đã qua
Bao nhiêu tài tình Thùy dâng hết cho nàng thơ hồn Việt, nên cái phần thân xác mới có vẻ ngẩn ngơ vậy. Gã còn lo đến… hậu vận mình nữa chứ: Mai sau về cõi hư vô/ Đốt câu lục bát gió mưa gọi hồn.Tôi dám chắc rằng ai đó xem thường cái thân xác cỏ rác ấy mà không đọc thơ ông thì tận cùng trong ý nghĩ vẫn cho gã là người điên. Nhưng một khi đã chịu khó đọc, rồi cười, rồi khóc với Văn Thùy, chợt tỉnh ra thấy một thi nhân hóa thân thành kẻ hành khất chữ nghĩa giời đày.
Dạ thưa em chỉ nói toàn điệu quê
Câu ấy là của Văn Thùy. Ông tự nhận mình là nhà sản xuất ca dao, nhưng thú thật ông đã làm không ít nhà thơ chuyên nghiệp giật mình. Mải say sưa với chữ tôi giật mình lần nữa. Toàn lục bát, kinh niên lục bát. Gã hình như bị lục bát bỏ bùa rồi.
Tôi dám cả quyết rằng lục bát đã ăn vào tim óc, căn cốt thế nào mới ra nông nỗi này: Mặc người chữ nghĩa xênh xang/ Ta khênh lục bát giữa làng đọc chơi…Cũng chẳng để chơi. Thơ ông đầy nỗi người cùng trần thế cõi người:Anh nằm đâu ở góc trời/Chị tôi đứng vậy suốt đời khói nhang… Lại có lúc đưa lục bát về lại dân gian: Đam mê là tội giời đày/Càng béo chữ nghĩa càng gầy niêu cơm…
Trong cái giọng lục bát Văn Thùy có chất bi hài, có cái ngậm ngùi lại có cả kiểu giễu cợt bông đùa mà phi lục bát, khó chuyển tải nổi ý tình tác giả. Cái lọc lõi, đáo để của Văn Thùy là mượn chất lục bát, nương cái dân gian để dễ bề tung hoành, để làm mưa làm gió với chữ nghĩa… Không lục bát, làm sao Văn Thùy dám ỡm ờ với gái một con: Sao đành làm gái một con/ Để cho phỗng đá liếc mòn con ngươi… Rồi lục bát còn là cái cớ để gã thỏa cái ý tưởng trăng hoa trong mơ tưởng kiểu thi nhân, dầu là nơi cửa Phật: Cổng chùa xin tiểu lỏng then/Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa/Cái gì mà chẳng hư vô/Sao em tìm mõ trốn mùa trầu cau?
Nhiều người làm thơ lục bát, nhưng cái giọng điệu, cái thi pháp của lục bát Văn Thùy là một cái gì đầy ấn tượng. Đâu đó hơi hướng của dân gian hay ám ảnh giọng điệu của những cây lục bát khác, nhưng hình như vẫn lồ lộ một kiểu lục bát Văn Thùy. Hồn và cốt ấy của Văn Thùy riêng kiểu. Chả thế mà gã thi sĩ cỏ rả đã và đang đem cái chân quê sản xuất bởi HTX Hồn Rơm ra thị thành quảng bá ngang ngạo giữa đời. Cái tài của Văn Thùy là dám phá ca dao ra để cấy thêm cái ẩm ương, cái phá cách hiện đại vào thành ra lục bát của mình.
Kể từ tập thơ đầu Điệu ru của mẹ NXB QĐND năm 2008 hay tập Ru dọc hai màu lá NXB Văn học 2011, thi sĩ bụi này đã có hai tập thơ in đẹp, sang trọng. Thế cũng đã là một an ủi với lãng sĩ thi nhân. Nhưng Thùy tuyên bố còn nhiều thơ lắm. Gã chìa ra tặng tôi tập mới nhất chưa đâu in tuyền hai câu, chữ thư pháp kiểu Việt thảo tiêu đề Thơ nghiêng 45O. Lại choáng! Ngót trăm trang toàn thơ hai câu, thơ lục bát một cặp. Mà cặp nào liếc qua cũng khiến ta giật mình. Đâu chỉ có Hồn Rơm với “chế tạo ca dao” như ông vẫn tự nhận, thơ Văn Thùy có những bài, những câu xốn xang lòng người.
Những câu thơ bất chợt đẹp nao lòng: Chỉ còn em đám mây xa hững hờ.Trong bài Hay dở, Thùy bộc bạch: Dở từ phai bóng cố hương/Hay từ còn một chút tương tư làng, thế thì đích thị gã còn tử tế. Thi nhân xưa nay tử tế phần nhiều. Tử tế và tinh tế: Hương sen ướp ngát ao chùa/ Tăm con cá bống dưới hồ cũng thơm.
Tân Linh