Home > Âm nhạc & Hội họa > Âm nhạc > Khó “tiêu hóa” như phim hợp tác

Khó “tiêu hóa” như phim hợp tác

Hầu như những tác phẩm điện ảnh mang mác quốc tế có sự tham gia của diễn viên VN và ê kíp sản xuất đến từ trong và ngoài nước, khi ra rạp ở VN đều bị xếp vào hàng “thảm họa”, có khi tệ hơn cả những phim chỉ do ê kíp người Việt thực hiện.

“Dìm hàng” tên tuổi diễn viên

Bộ phim VN gắn mác hợp tác được chờ đợi nhất mùa hè này là Lọ lem Sài Gòn (Meganex Media Company – Hàn Quốc & Hoang Than Tai Media Company – VN hợp tác) ra rạp trên toàn quốc từ ngày 31/5 vừa qua, một lần nữa nối dài sự thất vọng của người xem về những tác phẩm có diễn viên VN tham gia cùng diễn viên nước ngoài. Năm ngoái, khi dự án Lọ lem Sài Gòn được công bố, công chúng đặt nhiều kỳ vọng về sự hợp tác này vì Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Đặc biệt là khi các thành phần quan trọng của phim như đạo diễn, nam diễn viên chính, âm nhạc đều do người Hàn đảm nhiệm. Thế nhưng đến ngày ra mắt, những hy vọng đó của người xem bị dập tắt ngay khi bộ phim còn chưa chiếu hết. Trên nền một mô típ phim quá cũ: tình yêu giữa một cô gái và một chàng trai khác xa nhau về xuất thân, đẳng cấp, vị trí xã hội; kịch bản có quá nhiều chi tiết gượng ép cộng thêm cách kể của đạo diễn HQ Kim Guk Jin vừa không mới vừa lộn xộn, khiến Lọ lem Sài Gòn trở thành một tác phẩm ngô nghê đến khó tin.

Còn nhớ năm ngoái, khi hai bộ phim hành động Ranh giới trắng đen và Truy sát ra rạp, cũng gặp phản ứng tiêu cực từ người xem bởi phim có nhiều tình tiết vô lý. Ranh giới trắng đen được xem là tác phẩm đầu tiên mở ra cơ hội hợp tác lâu dài giữa điện ảnh VN và Indonesia, nhưng cánh cửa này đã không được mở vì phim gặp thất bại. Tương tự, xem phim Truy sát (với sự góp mặt của diễn viên Dustin Nguyễn, BB Phạm cùng với các bạn diễn và ê kíp của Thái Lan) chỉ thấy tiếc cho nỗ lực của diễn viên VN khi đã hết mình trong một kịch bản thiếu chất. Diễn viên Võ Thành Tâm, vai nam chính trong phim Ranh giới trắng đen tâm sự: “Ranh giới trắng đen là phim hợp tác, lại thuộc thể loại hành động – hai yếu tố mà tôi thích nên tôi nỗ lực hết mình khi tham gia. Tuy nhiên, một bộ phim thành công hay không đâu chỉ nhờ vào sự lăn xả của dàn diễn viên mà còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như chi phí đầu tư, kịch bản, kinh nghiệm đạo diễn…”.

Lọ lem Sài Gòn – phim điển hình cho việc hợp tác thất bại

“Chọn mặt gửi vàng” nhầm?

Đi tìm nguyên nhân thất bại của những phim mang danh hợp tác quốc tế này, có lẽ điều đầu tiên người xem nghĩ ngay đến là việc các bên đã “chọn mặt gửi vàng” nhầm. Ranh giới trắng đen được giới thiệu là do một đạo diễn nổi tiếng người Indonesia là Najantolisa (từng làm rất nhiều phim thương mại ăn khách tại thị trường Indonesia) dàn dựng, được chỉ đạo võ thuật bởi một đạo diễn võ thuật nổi tiếng là Lap Fai Sak (từng làm nhiều phim thương mại Hồng Kông). Thế nhưng, các thông tin trên chỉ do bên phía VN cung cấp chứ công chúng trong nước không ai biết gì về những gương mặt này, vì điện ảnh Indonesia vẫn còn xa lạ ở VN. Đến phim Lọ lem Sài Gòn, thậm chí thông tin về đạo diễn, biên kịch, nam diễn viên chính còn không được công bố ngoài những cái tên đậm chất Hàn. Trong khi tên đạo diễn Đỗ Mai Nhất Tuấn – người được cho là đồng đạo diễn với đạo diễn HQ Kim Guk Jin – cũng bị biến mất khỏi poster, phần edit cuối phim lẫn thông cáo báo chí.

Việc hợp tác sản xuất phim với nước ngoài là nhu cầu tất yếu của điện ảnh mỗi nước, vấn đề chính là các bên phải biết “chọn mặt gửi vàng” để có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và làm ra những bộ phim chất lượng. Trong quá khứ, điện ảnh VN cũng có không ít tác phẩm hợp tác được đánh giá cao, như Mùa len trâu, Hà Nội-Hà Nội. Có tìm hiểu kỹ càng đối tác thì những cái bắt tay mới không trở thành vô nghĩa, lãng phí công sức, tiền của của đôi bên. Dù vậy, việc chọn đối tác cẩn thận cũng chưa hẳn là điều kiện đủ đảm bảo thành công cho bộ phim. Còn nhớ tại Liên hoan phim Việt-Hàn lần I diễn ra vào tháng 10/2012, trong buổi gặp gỡ với các nhà làm phim để chia sẻ kinh nghiệm, đạo diễn Choo Chang-min (đạo diễn phim Hoàng đế giả mạo) từng phát biểu về những khó khăn nếu thực hiện một dự án hợp tác Việt-Hàn: “Điện ảnh hai nước tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn có những khác biệt về văn hóa, khó có thể hợp tác ăn ý. Các vấn đề khác như lựa chọn kịch bản, diễn viên cũng phải qua kiểm duyệt khắt khe, chưa kể phải tìm hiểu thị hiếu của cả khán giả hai nước. Do vậy, việc hợp tác trong tương lai còn phải cần một thời gian dài”.

Hương Nhu

(Theo phunuonline.com.vn

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *