Phải nói, từ lâu những ‘’câu thơ’’ như: ‘’Chớ tưởng Xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai’’,
‘’Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/Thịnh suy như giọt sương đầu ngọn cỏ lúc ban mai’’, hay ‘’Thày tu trước đã nên quả Phật/Tiểu tu sau có vị tì khưu’’… đã khắc sâu vào tâm trí người yêu văn chương đến độ người ta cũng không nhớ người viết ra chúng là ai, mà chỉ cần ung dung thưởng thức, chiêm nghiệm những ‘’ý thơ’’ trác việt ấy. Nghĩa là những ‘’câu thơ’’ ấy đã trở thành di sản tinh thần, góp phần làm nên sức mạnh tâm linh của người Việt. Câu chuyện tiếp tục, có lẽ xúc động vì những ‘’tư tưởng thơ’’ quá trác việt đó, nên một loạt những dòng thơ thiền hiện đại (như chủ nhân của các thi phẩm đó thường nói), có hình thức giống như thơ của cổ nhân đã nối nhau ra đời. Việc lấy cảm hứng từ ‘’thơ’’ của Mãn Giác Thiền sư, Tổ Huyền Quang, Thiền Sư Vạn Hạnh… để tự mình làm thơ là điều bình thường. Nhưng gọi bài thơ mình viết ra từ nguồn cảm hứng đó là thơ thiền thì đó sẽ là loại thơ thiền nào?
Thiền…
Ở Việt Nam, trong lịch sử, Phật giáo đã từng là Quốc Giáo. Bởi thế, danh từ ‘’thiền’’ không là xa lạ. Tuy danh từ thì không xa lạ, nhưng do người ta cố gắng tiếp cận bằng tư duy (lý trí) nên Thiền bỗng dưng trở nên xa lạ, khó hiểu, mù mờ như đám sương mù, nhiều trường hợp gây ngộ nhận đến mức buồn cười… Theo nhiều cuốn sách Phật giáo, Thiền chỉ là một phép tu. Có nghĩa Thiền chỉ là một phép phương tiện, mà không bao giờ là cứu cánh (mục tiêu tối hậu đạt tới). Trong phép tu thiền, thì thời gian và lý trí cần phải được phủ nhận. Theo giáo lý nhà Phật, thời gian gây ra sinh tử luân hồi, lý trí là phương tiện có tính giới hạn. Thời gian và lý trí (hay ý thức) luôn níu giữ con người trong thế giới nhị nguyên, cản trở đạt tới nhất nguyên (Niết Bàn). Ác hiểm hơn, thời gian và lý trí còn ‘’sáng tác’’ ra những danh từ như thiền, niết bàn, giải thoát, đạt đạo… rất tinh vi, níu chân người tu đạo mãi ở ‘’bờ bên này’’, không sao hoàn thành quả tu. Nói vậy thì trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có phủ nhận được thời gian và lý trí không? Chắc chắn là không. Bởi vì khi mang xác phàm (do tứ đại – đất nước gió lửa theo duyên mà hợp thành) là ta đang ở thế giới của nhị nguyên. Thế giới của nghị nguyên có các mặt đối lập về hình thức như ngày đêm, nam nữ, mua bán, nhân quả, sinh diệt… Nhị nguyên nên cỗ máy thời gian mới vận hành, và lý trí hữu dụng để điều tiết cỗ máy đó.
Nhân nói về tính nhị nguyên của cõi vô thường, chúng tôi nhớ lại một chi tiết trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Ấy là khi ba thầy trò Đường Tăng vào trước Tòa Sen xin thỉnh kinh. Phật Tổ giao ông A Nan và Ca Diếp mở kho kinh đem bố thí. Ba thầy trò hớn hở lãnh nhận, thì bỗng dưng phát hiện các cuốn kinh không hề có chữ. Đó là kinh vô tự của thế giới nhất nguyên, được truyền cách trực tiếp, không cần thông qua trung gian là ngôn ngữ và lời nói, nên không có tam sao thất bản, không có diễn dịch sai. Nhưng chúng sinh đang mong cầu ánh sáng chân lý thì lại đang tồn tại trong cõi nhị nguyên, họ cần kinh có chữ (kinh hữu tự). Bởi thế, ba thầy trò xin đổi lại. Hai ông A Nan và Ca Diếp vâng lời Phật Tổ cho ba thầy trò đổi kinh. Nhưng hai hành giả đòi ba thầy trò phải đổi lại cái bát tộ bằng vàng do vua Đường ban tặng. Vì sao? Vì nếu anh lấy kinh vô tự, anh sẽ ở thế giới nhất nguyên, nơi không tồn tại các quy luật mua bán, đổi trác.. Nhưng khi đổi lấy kinh hữu tự, anh rơi xuống thế giới nhị nguyên, anh phải thực hiện việc trao đổi. Đó là một chi tiết rất sâu sắc, và có tính biểu tượng cao khi nói về thế giới nhị nguyên vô thường, chứ không phải như cách hiểu kỳ quặc của một số nhà phê bình rằng ông Ngô Thừa Ân viết thế để tố cáo chế độ quan lại nhũng nhiễu đòi hối lộ.
Tu Thiền là một trong nhiều con đường để vượt qua thế giới nhị nguyên. Trên ‘’con đường’’ đó, lý trí đóng vai trò như một ‘’ý hướng’’, một ‘’động cơ’’, một ‘’kỷ luật’’ lúc ban đầu. Vì lý trí bị giới hạn, nên vai trò ‘’của nó’’ bị hạn chế như thế, lý trí không bao giờ nhận thức được cái mênh mông, vô giới hạn. Lý trí tiếp cận thiền chỉ mang tính chất gợi mở ban đầu, nếu định đi xa hơn thì kết quả chỉ là sản sinh ra những khái niệm về ‘’Thiền’’, chỉ là những danh từ mà thôi. Nếu ngộ nhận ‘’danh từ thiền’’ là Thiền thì lý trí giống như một đám sương mù không hơn. Cũng tương tự như việc ngộ nhận Thiền vốn là phương tiện, mà lại thành cứu cánh.
Viết thơ thiền…
Trước hết phải nói rằng viết thơ Thiền không phải là một cứu cánh của người tu Thiền, của các bậc thiện trí thức. Với những người tu hành, việc sử dụng ngôn ngữ, lời nói (bởi tính trung gian nhị nguyên của ngôn ngữ như đã trình bày ở trên) là hết sức hạn chế và tùy duyên mới nói. Chúa Jesus Christ không viết Kinh Tân Ước, và tùy theo hoàn cảnh dân chúng mà rao giảng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chép và không sai ai chép những lời mình nói ra. Thậm chí Ngài còn nói: 40 năm ta đi giảng pháp, mà thực ra ta chẳng nói gì. Nhưng với một số ít bậc chân tu, họ vẫn tùy theo duyên mà để lại văn tự. Ví như Ngài Lục Tổ Huệ Năng có viết bài kệ để đánh thức Ngài Thần Tú khỏi cơn u mê:
Bồ-đề vốn chẳng cây,
Gương sáng cũng chẳng phải là đài
Xưa nay không một vật,
Nơi nào dính bụi trần?
Hay như Ngài Mãn Giác Thiền Sư (thời nhà Lý) để lại bài Cáo Tật Thị Chúng cho học trò:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua – sân trước – một cành mai.
Những trường hợp như Ngài Basho, và một vài người nữa bên Nhật Bản vừa là nhà tu hành, vừa là thi sĩ, để lại nhiều thơ là những trường hợp không nhiều.
Nói chung, thơ thiền (ta tạm gọi như thế) là những văn tự để lại của các nhà tu hành, hay các bậc thiện tri thức. Họ có thể là tu sĩ Phật Giáo, Thiền sư, Phật tử, hay thi sĩ chịu ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo… tùy duyên mà viết ra. Hình thức có thể là một bài kệ truyền đạt nghĩa lý sâu sắc cho học trò, một bài thơ gợi mở cho một công án Thiền, hay một bài thơ mà qua đó tỏ lộ trình độ tâm linh của người viết một cách tự nhiên… Những ‘’bài thơ’’ ấy luôn được viết ra một cách thoải mái, ngôn ngữ luôn tươi mới, không cố gắng, không dụng công, không tu từ… bởi vì các ‘’tác giả’’ ấy không có mục đích làm thơ. Vì những người ấy không làm thơ, và là nhà tu hành theo nhiều phương diện, nên họ ‘’trung thực’’ không thể viết quá những gì bản thân mình chứng ngộ. Những ‘’bài thơ’’ như thế thực sự là những giọt nước trong ngần, dù trong ngần thơm mát đến đâu những giọt nước đó cũng mang tính giới hạn, nhưng lại được chảy ra từ cái mênh mông vô cùng của trí tuệ từ bi.
Đọc thơ thiền…
Có người viết ra thì tất yếu có người đọc. Tùy duyên mà đón nhận. Tùy trình độ giác ngộ mà hiểu. Hoàn toàn tự do tự tại. Nếu dùng lý trí mà đọc, đa phần chúng ta cảm thấy những ‘’bài thơ’’ đó có một điều gì mù mờ, không rõ ràng, thậm chí đa nghĩa. Nhưng phần linh giác trong chúng ta vẫn cảm nhận được phần sâu thẳm đằng sau văn tự. Chúng tôi thử trình bày một cách hiểu của riêng mình với bài thơ sau đây của Thi sĩ – Thiền sư Nhật bản Matsuo Basho.
Nơi im lặng thẳm sâu
Vẳng qua muôn trùng đá
Tiếng ve sầu.
Có thể trên khía cạnh thuần chữ nghĩa, ta thấy bài thơ vẽ nên một cảnh heo hút, vắng lặng với những hiệu quả độc đáo của âm thanh. Có gì mỏng manh hơn tiếng một con ve, tận sâu trong khu rừng vắng! Tiếng kêu ấy bền bỉ, dội qua trùng trùng các vách đá. Sự đối ngược giữa một thứ mỏng manh nhưng mềm mại, có phẩm tính lan toả đã qua được những gì bất động, cứng lạnh là đá núi – bài thơ cho thấy sự huyền nhiệm của sự sống. Nhưng dòng sông âm thanh mang tín hiệu của đời sống ấy chảy ra từ đâu, với những tiếng dội qua trùng trùng vách đá, giác quan của ta (ở đây là thính giác) có biết được chính xác không? Chắc chắn là không, nhưng ta biết có dòng sông đó. Quá trình suy tư tiếp tục. Có thể đến đây, ta ý thức được thuộc tính hữu hạn nơi giác quan thân xác trước dòng sông mênh mông đến vô cùng kia. Vì hữu hạn nên việc đặt câu hỏi rất dễ lầm lẫn, cách duy nhất chỉ là hoà mình vào đó. Làm thế, ta sẽ trôi cùng dòng chảy mà trước kia không hề biết nó từ đâu. Và cuộc đời thật sự phải chăng là thế…Đến lúc này, bản thân bài thơ như biến mất, người đọc đã qua cánh cửa của mười bảy con chữ và trực tiếp nhận những gì tự đời sống mang lại.
Việc đọc thơ thiền thực chất cũng là việc học, và thực hành thiền một cách tự nhiên, ngay lập tức.
Hình thức dễ là một cái bẫy…
Người ta thường nói: Cái áo không làm nên thày tu (dù các bậc chân tu vẫn thường mặc cái áo ấy). Một bài thơ Thiền, và một bài thơ được viết ra dưới ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo sẽ không khác nhau là mấy về mặt văn tự. Cái khác nhau là ở mức độ chứng đạo, là cái nhìn, sự thể nhập vào bản thể đời sống tạo nên sự tự tại, trí tuệ sâu sắc đến đâu… Nói cách khác là người viết đã vượt qua được đám sương mù mơ hồ của lý trí và con đường luân hồi do thời gian vận hành hay chưa. Nếu chưa vượt qua được thì mọi sự sẽ giống như bài thơ của Ngài Thần Tú. Ngài viết đại ý: Tâm như tấm gương sáng/Cần phải gìn giữ hàng ngày để khỏi dính bụi trần… Còn Ngài Huệ Năng thì đối lại, đại ý: Tâm cũng chẳng hề có/Sao phải lo lắng nó bị dính bụi trần? (Như bài kệ đã dẫn ở trên).
Nói như thế thì ta phải đợi đến lúc vượt qua được lý trí, vượt qua được vòng luân hồi của thời gian rồi mới làm thơ, hay thơ thiền chăng? Cũng không hẳn như thế. Ta nhận thức lý trí ta là hữu hạn, nhưng lý trí giống như tên lửa đẩy để đưa con tàu du hành vào không gian vô cùng vô tận. Và ở một quỹ đạo nào đó, tên lửa đẩy sẽ tách ra để con tàu đi tiếp. Ta viết thơ (nếu ta thích), bài thơ ấy sẽ tự tỏ lộ cái nhìn thế giới của chính ta, nếu ta đừng nói quá những gì ta chứng ngộ. Chúng ta đừng thấy Ngài Xá Lợi Phất nói: Tôi không mong sống lâu/ Tôi chẳng cầu chết sớm, mà cũng làm thơ bắt chước ý đó của Ngài. Bởi chúng tôi dám chắc rằng, có vị bác sĩ nào đó bảo bạn đã nhiễm một bệnh nan y nào đó, bạn sẽ hốt hoảng, buồn rầu, âu lo, than thân trách phận… chứ không ung dung tự tại mà nói như Ngài Xá Lợi Phất.
Đừng mắc bẫy của lý trí và thời gian, để rồi viết ra một bài thơ như đám sương mù hư dối. Xin hãy tin tưởng và dày công nhìn xuyên qua đám sương mù đó, để một thời điểm màu nhiệm, một vầng trăng rực rỡ sẽ đột ngột tỏ lộ.
Hàn Giang Thủy