Home > Contend > Trang văn > Truyện ngắn > Tờ di chúc

Tờ di chúc

Ông Sáu Thống sáng sáng vẫn ra đầu hẻm nhâm nhi cà phê với chúng tôi. Trước ông chạy xe ôm, lâu nay không thấy ông làm gì cả.

Bà con lối xóm cho biết, trước năm 1975 ông làm công chức ở sở Mỹ.

Ông có hai người con, một trai một gái, đều đã trưởng thành. Người con trai, học bên Úc, tốt nghiệp, về Việt Nam cưới vợ, rồi cả hai vợ chồng lại kéo nhau sang Úc làm việc. Vài năm anh chị bế cháu nội về thăm ông bà một lần, ở lại cả tháng. Cô con gái, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, nhờ có sắc đẹp lại nhanh nhẹn, tháo vát, bỏ nghề ngoại thương đi làm diễn viên phim truyền hình, rồi lập công ty truyền thông, có village cao đẹp ở Phú Mỹ Hưng.

Gia đình đang yên ổn thì bà đột quỵ qua đời. Nghe đâu người con gái nhiều lần muốn rước ông sang ở với vợ chồng cô, ông từ chối. Tôi ở hẻm này gần năm mươi năm, quen tình làng nghĩa xóm, không muốn rời bà con – ông nói vậy. Từ ngày bà mất, ông sống lủi thủi một mình, tự đi chợ, tự nấu ăn. Niềm vui duy nhất của ông là tuần hai buổi dạy lũ trẻ con trong hẻm. Có lần tôi hỏi thằng cu Teng, cháu ông Nhựt ở cạnh nhà: ông Sáu dạy các con những gì? Cháu cho biết ông chỉ dạy đạo lý làm người, kể chuyện cổ tích, lấy các gương sáng trên báo đọc cho tụi con nghe, chứ ông không dạy chữ. Bữa nào dạy ông cũng mua kẹo bánh cho tụi con, vui lắm ông ơi. Tôi hỏi, ông Sáu có thu học phí không. Cháu bé cười phô hàm răng sún, làm gì có chuyện thu tiền, ông còn cho nhiều đứa con nhà nghèo khi tiền, khi gói mì tôm…

Gần nửa tháng nay không thấy ông Sáu Thống ra uống cà phê, hỏi bà chủ quán mới biết ông đi nằm viện. Bà con trong hẻm lần lượt kéo nhau vào viện thăm ông cho hay là sức khỏe ông đã ổn. Tôi mừng lắm.

Chiều nay, anh Tư Vỹ, ở đối diện nhà ông tìm tôi báo tin dữ: ông Sáu Thống đã qua đời đúng vào giờ ngọ ngày 20 tháng 6. Anh kể trong nước mắt, trước lúc hấp hối ông không gặp mặt được hai người con, anh bên Úc không về kịp, dù buổi sáng chúng tôi đã điện thoại cho anh, anh cho hay sẽ bay về ngay; người con gái cũng đang đi gặp đối tác ngoài Hà Nội, bà con trong hẻm đã gọi điện thoại, cô bảo sẽ bay vào trong đêm nay. Vậy là không có người thân nào chứng kiến ông Sáu trước lúc lâm chung.

Tư Vỹ nắm tay tôi lắc lắc, con kể việc này chú nghe: trước lúc hấp hối, ông thều thào với bà con đứng quanh: Tôi có dành được số tiền hơn một tỷ gửi ở ngân hàng, tiền này phần lớn là của hai đứa con hàng tháng cho tôi từ sau ngày bà ấy qua đời, và số tiền bà nhà tôi buôn bán gom góp được trong mấy chục năm. Tôi có viết di chúc, không phải cho hai đứa con mà là viết dặn lại bà con khu phố 4 và phường. Di chúc tôi để sẵn dưới gối… Nói tới đó, ông Sáu Thống hụt hơi rồi tắt thở. Bà Tư bún bò nói to: Cậu Vỹ lật gối, lấy di chúc xem ông viết gì, còn mọi người tản ra, đi lo hậu sự cho ông Sáu, ai có số điện thoại của hai người con, mau mau báo tin cho tụi nhỏ ngày giờ ông Sáu qua đời. Tội nghiệp hai đứa con hiếu nghĩa!

Kể đến đó Tư Vỹ giàn giụa nước mắt, nước mắt anh truyền qua khuôn mặt nhăn nheo già lão của tôi. Một lúc lâu sau, lau khô nước mắt, Tư Vỹ mới thủ thỉ: “Cảm động lắm chú ơi, ông di chúc lại năm trăm triệu giao lại cho phường để giúp đỡ những hộ nghèo, sau khi làm đám ma, còn lại bao nhiêu gửi đến một tờ báo nào đó đề nghị họ cho vào quỹ từ thiện hay quỹ hiếu học của báo. Còn ngôi nhà hơn sáu mươi mét vuông của ông nhờ Đoàn Thanh niên dọn dẹp sạch sẽ làm thư viện cho khu phố. Chú biết không, nhà ông Sáu, ngoài hai tủ sách cao tận nóc nhà, người bạn cháu vốn là dân làm báo bảo là có giá vài trăm triệu… bây giờ bà con tha hồ đọc”.

Trước lúc ra về, Tư Vỹ thủ thỉ: di chúc của ông Sáu không để lại tài sản cho người máu mủ như luật định, mà cho bà con lối xóm, lại không có công chứng liệu ngân hàng có cho bà con rút tiền ra không?

Tôi rút điện thoại, gọi đến ngân hàng. Đầu dây bên kia báo máy bận. Tôi nói cứng với Tư Vỹ: “Cậu yên tâm, ngân hàng sẽ giải quyết theo đúng nguyện vọng của ông Sáu sau khi đã đối chiếu tự dạng chữ ký trên di chúc và chữ ký trên phiếu gửi tiền”.

Đưa tang ông Sáu Thống hầu như không có nhà nào trong khu phố 4 là không đi theo sau linh cữu.

Một tấm lòng với bà con lối xóm, tôi nghĩ, là của hiếm trên đời.

Theo SGGP

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *