Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > “Chuyện tình viên phó sứ”: Lật lại một nghi án đạo văn

“Chuyện tình viên phó sứ”: Lật lại một nghi án đạo văn

A toujours ma concubine (có người dịch: Mãi mãi là người vợ khônggiá thú của tôi) là cuốn tiểu thuyết đề tên tác giả là người Việt (Trần Thị Hảo),

xuất bản năm 2010, tại Pháp, ngay sau khi ra mắt, đã bị tai tiếng ồn ào vì tác giả thật của cuốn truyện lên tiếng.
Cuốn truyện không biết có gây được nhiều thiện cảm với bạn đọc ở Pháp hay không nhưng bạn đọc Việt Nam thì rất ít người biết. Tình cờ, tôi được xem, và cũng như nhiều bạn đọc khác, tôi rất ngạc nhiên! Đây không phải là một sáng tác mà hẳn hoi là một bản dịch?

Bìa cuốn “A toujours ma concubine”
Người tự nhận là tác giả, đã dịch hẳn một cuốn tiểu thuyết Việt Nam sang tiếng Pháp. Cuốn truyện Việt Nam xuất bản trước đó có nhan đề là “Chuyện tình viên phó sứ,” của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, do Nhà Xuất bản Phụ Nữ in năm 2005, tại Hà Nội, phát hành ở Việt Nam.
Tôi đã cất công đối chiếu cuốn truyện tiếng Pháp này với cuốn truyện tiếng Việt, và tiếp tục ngạc nhiên! Đúng là sách dịch hoàn toàn từ đầu chí cuối. Nhiều đoạn chính xác từng câu, từng chữ. Chỉ có bỏ đi một vài đoạn là lời thơ Kiều, lời hát ca trù, và có bổ sung vài chi tiết khác.
“Chuyện tình viên phó sứ” là truyện có thật của một viên Phó sứ người Pháp với bà Trần Thị Quý. Chuyện xảy ra từ năm 1938. Họ sống với nhau như vợ chồng, đã có được hai con, nhưng chưa dám tuyên bố công khai. Rồi nhiều biến cố xảy ra. Giữa năm 1945, người chồng về Pháp, đem cả con về. Người vợ ở lại Việt Nam, sống rất gian khổ. Ông Phó sứ về Pháp, vẫn trung thành với bà vợ (đang giấu giếm ở Việt Nam) nuôi cho hai đứa con trưởng thành. Mãi sau này, ông Phó sứ cố gắng dò hỏi mới tìm được tung tích, sắp xếp cho vợ sang Pháp và tổ chức được đám cưới – lúc đó họ đã vào khoảng sáu bảy mươi tuổi. Một đám cưới vô cùng đẹp đẽ, một mối tình gần như là vô song. Nay thì người chồng đã mất, người vợ đang còn. Và họ cũng có nhiều đóng góp xây dựng cho quê hương Hưng Yên.
Cảm động về mối tình như thế, Nguyễn Thị Mỹ Dung đã viết thành tiểu thuyết “Chuyện tình viên phó sứ.” Tác giả đã gặp gỡ gia đình này ở Pháp, đã xin phép và chuyển tên một số người thực thành nhân vật tiểu thuyết như: Quý đổi thành Quế, Lý Đức thành Lý Đông, Chánh Lợi thành Chánh Thung, v,v…
Trần Thị Hảo dịch nguyên văn cuốn sách của Nguyễn Thị Mỹ Dung ra tiếng Pháp nhưng lại để nguyên tên thật của các nhân vật. Bản tiếng Việt ra đời năm 2005. Bản tiếng Pháp mãi đến 2010 mới có.

Bìa cuốn “Chuyện tình viên phó sứ” của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung

Cốt truyện là một, các đoạn văn cũng là một, các ý tứ cũng là một. Vậy cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp phải được xem là bản dịch từ tiếng Việt mà ra. Cũng có thể cho là vì quen thân, vì trọng thị nhau, đã có sự thống nhất là hợp tác để ủng hộ, thắt chặt cảm tình, v,v… Nhưng dù có sự thân tình như vậy, thì khi sách được xuất bản, vẫn phải ghi rõ là công trình dịch thuật hay mô phỏng, “thể theo” (adaptation)… Đằng này ta không có những thông tin như thế, thì cuốn sách tiếng Pháp rõ ràng là đã đạo văn cuốn tiếng Việt, không thể nào nói khác.
Đọc lại bản Pháp một lần nữa, tôi lại thấy có dấu hiệu lạ lùng. Nhất là ở mấy trang lời nói đầu (bản tiếng Pháp) của người viết. Tác giả bản tiếng Pháp nói rõ là “mình đã hòa nhập tối đa” với cuộc sống của các nhân vật. Tác giả có những lời cảm phục đối với vợ chồng Michel và Quý, để dụng ý nói rằng mình có thân tình với họ nên mới viết được đầy đủ về họ. Tác giả ghi lời cảm ơn những người viết tựa (có cả người Pháp, người Việt) và những người bạn (cả Pháp, cả Việt) đã cho mình “sự hỗ trợ to lớn ngay từ ban đầu.” Tất nhiên là giấu kín về cuốn tiểu thuyết gốc (ra đời 5 năm trước) của Nguyễn Thị Mỹ Dung. Tất cả chỉ nhằm chứng tỏ cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp này không phải là văn dịch, không phải là đạo văn, mà hoàn toàn là do công lao của bản thân tác giả.
Tôi rất ngạc nhiên về mưu mẹo xử lý này. Hình như không phải và không thể chỉ là chuyện đạo văn, mà là chuyện cố tình biến đen thành trắng, lấy hẳn văn chương, ý tứ và cả hành động người khác, biến thành của mình.

GS Vũ Ngọc Khánh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *