Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Tập đoàn bịp thơ … xuyên Việt

Tập đoàn bịp thơ … xuyên Việt


Tự thành lập Câu lạc bộ (CLB) sáng tác Văn học nghệ thuật (VHNT) tầm cỡ quốc gia, tự phong cho mình làm chủ tịch, là nhà thơ, nhà báo – 29 tuổi,

Đăng Hạ đã dựng lên hơn 30 CLB sáng tác VHNT Việt Nam có chi nhánh ở nhiều tỉnh và thành phố, kết nạp hơn 4 nghìn hội viên, thu tiền vô tội vạ.

Phát triển “nhà thơ” theo cách… đa cấp!

Ông Lê Hồng Thiện, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, phó trưởng Ban Thơ Hội VHNT tỉnh Hưng Yên đã phải thốt lên “nhà thơ nhiều như mưa”, khi tại tỉnh này rầm rộ mọc lên các CLB sáng tác VHNT Việt Nam, kết nạp và phong cho gần 100 người thành nhà thơ. Các “nhà thơ” ở đây chủ yếu là những cán bộ hưu trí, người cao tuổi
Nơi ươm mầm cho thi ca?

Ông Bùi Quốc Chiến (SN 1950, Chủ nhiệm CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh huyện Khoái Châu, Hưng Yên) không có dáng dấp của một người nghệ sĩ, nhưng khi nghe ông nói chuyện với chất giọng khàn rè, cứ rít hơi vào, có thể nhận ra ngay ông là một người hay hát chèo. Lúc đầu gặp, hỏi chuyện về CLB, ông tìm cách lảng tránh. Nhưng khi nói đến nghệ thuật chèo, như chạm đúng vào mạch, ông hồ hởi hẳn lên.

Ông khoe, không chỉ biết sáng tác mà còn tự dàn dựng, biểu diễn nhiều tiết mục chèo và đã mang đi biểu diễn ở huyện và tỉnh. Rất tự nhiên, ông hát cho khách một số đoạn chèo, rồi ông tặng cả đĩa quay những tiết mục mà chính ông “tự biên tự diễn”. Tiện thể, ông Chiến cũng đọc luôn cho khách mấy bài thơ mới sáng tác gần đây. Tuy là “thơ tổ hưu”, nhưng khi ông Chiến thiết tha đọc lên cũng thấy có tình, có cảnh.

Ông Chiến thú nhận, suốt hàng chục năm yêu thơ, phải chờ đến tháng 3/2010 – ông mới có cảm giác mình là người làm thơ chuyên nghiệp! Đó là khi “nhà thơ, nhà báo” Đăng Hạ xuất hiện ở tỉnh nhà, thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên theo quyết định anh ta tự ký (số 12/QĐ/CLB). Và người cựu chiến binh Bùi Quốc Chiến là một trong những người đầu tiên gia nhập CLB chi nhánh Hưng Yên.

Lãnh đạo huyện Khoái Châu đến tham dự, chúc mừng CLB được thành lập. Để có con dấu chức danh và con dấu CLB, chúng tôi bỏ ra 460 nghìn đồng nộp cho anh Hạ.

Những ngày đầu ông Chiến và nhiều người khác chưa biết “nhà thơ- nhà báo” Đăng Hạ là người thế nào, chỉ thấy thoắt ẩn, thoắt hiện ở tỉnh rồi lại biến mất. Phương tiện đi lại của người này chủ yếu là xe ôm hoặc taxi. Cảm nhận đầu tiên của mọi người về con người này là lúc nào cũng ăn mặc chỉn chu, khi tiếp xúc thấy ăn nói nhỏ nhẹ. Khi Đăng Hạ mới về Hưng Yên để dựng chi nhánh, mọi người bán tín bán nghi, rụt rè chưa đăng ký tham gia vì thấy anh ta trẻ quá. Rồi bỗng râm ran lên tin đồn anh ta là người nhà của một VIP có cỡ trên Trung ương.

Không những thế, CLB có cái tên rất kêu và sang – “CLB sáng tác VHNT Việt Nam” nghe có gì đó thật…tầm cỡ, kiểu như Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam vậy (?!). Đặc biệt, niềm tin càng trở nên chắc chắn khi Đăng Hạ phát như truyền đơn bản photocopy bài báo trên trang mạng “vietbao.vn” (ngày 3/5/2011) của tác giả có tên là Kiều Vượng viết ca ngợi về CLB với tiêu đề: “CLB sáng tác VHNT Việt Nam- Nơi ươm mầm cho thi ca” và khẳng định đây là một “tổ chức chính trị xã hội”? Điều này đã làm cho ông Chiến và nhiều người khác không còn nghi ngờ và tin tưởng đó là “một tổ chức nghiêm túc dưới lãnh đạo của Đảng và Nhà nước” – lời ông Bùi Quốc Chiến.
Cứ nộp tiền là được trao tặng bằng khen!

Lúc đầu, chi nhánh Hưng Yên chỉ có hơn chục hội viên. Tiêu chuẩn kết nạp là chỉ cần 2 bài thơ, bất kể hay – dở và đóng phí 150 nghìn đồng, sẽ trở thành “nhà thơ” có thẻ hội viên đàng hoàng. Với tiêu chuẩn dễ dãi như vậy, nên chỉ một thời gian sau số lượng hội viên ở Hưng Yên tăng lên vùn vụt. Cả tỉnh có gần 100 “nhà thơ” sinh hoạt ở 4 chi nhánh thành phố và các huyện. Bản thân ông Chiến cũng kêu gọi được nhiều người tham gia nên sau đó ông được Chủ tịch Hạ phê chuẩn vào vị trí Phó chủ tịch kiêm tổ chức CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Hưng Yên.
“Năm 2011, tôi đề xuất thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Khoái Châu và được anh Hạ chấp thuận. Tôi được bầu làm Chủ nhiệm CLB này và được anh Hạ ra quyết định công nhận. Ngày 25/9/2011, tổ chức đại hội thành lập CLB ở huyện, anh Hạ cùng với một số anh ở Trung ương về dự và trao quyết định thành lập, trao con dấu cho chúng tôi để hoạt động. Hôm đó có cả lãnh đạo huyện Khoái Châu đến tham dự, chúc mừng CLB được thành lập. Để có con dấu chức danh và con dấu CLB, chúng tôi bỏ ra 460 nghìn đồng nộp cho anh Hạ” – ông Chiến nói.

Ngay sau khi CLB được thành lập, ông Bùi Quốc Chiến mới ngã ngửa ra khi ông chủ tịch Đăng Hạ cho kết nạp hội viên một cách ồ ạt. “Bản thân tôi đã phải ký quyết định sa thải một số hội viên có tư cách, đạo đức không tốt, bị nhiều quần chúng nhân dân bức xúc phản ánh. Thậm chí có không ít người, một lời văn không tường, một câu thơ không biết, mà lại được CLB sáng tác VHNT Việt Nam phong cho là “nhà thơ”, được cấp bằng khen, kỷ niệm chương văn hóa nghệ thuật”, ông Chiến bức xúc

“Để có được bằng khen hay kỷ niệm chương của anh Hạ đơn giản lắm anh ạ! Chúng tôi ở dưới chỉ cần lập danh sách, có đơn đề nghị của chi nhánh và kèm theo một khoản tiền là trở thành “người có thành tích xuất sắc”. Một trong những tiêu chí để có bằng khen là phải có những tác phẩm hay, được mọi người công nhận, nhưng anh ấy có bao giờ biết chúng tôi có các tác phẩm nào hay. Đấy, anh xem có cả người chưa bao giờ có một tác phẩm tử tế mà cũng được anh ấy tặng bằng khen. Cứ nộp tiền là các anh ấy cấp bằng khen”, một hội viên (xin được giấu tên) cho biết.

CLB Thu dung

Điều ông Bùi Quốc Chiến bức xúc hơn cả là khi những người bị kỷ luật, sa thải, xóa tên khỏi CLB, thì ngay sau đó, ông chủ tịch Đăng Hạ lại cho dựng một CLB khác bao gồm những con người này. “Khi CLB của chúng tôi có một số người có tư cách kém bị sa thải thì anh Đăng Hạ lại ra quyết định thành CLB thứ 2 ở trong huyện dưới một cái tên khác. Các anh ấy lại về cho ra mắt, trao quyết định công nhận ban lãnh đạo CLB là những người vừa bị chi nhánh Khoái Châu sa thải. Một con người tư cách kém, bị sa thải rồi, giờ các anh ấy ở trên về lại quyết định cho thành lập CLB mới, tôi không hiểu văn hóa nghệ thuật kiểu gì đây?”.

Như lời ông Chiến nói, sau khi một số người bị sa thải, tại huyện Khoái Châu, ông chủ tịch Đăng Hạ lại “đẻ” tiếp ra một CLB khác dưới cái tên CLB Nguyễn Thiện Thuật, trực thuộcCLB sáng tác VHNT Việt Nam. “Khôi hài hơn, CLB này vừa thành lập xong, những con người đó vừa bị kỷ luật, sa thải thì lại được anh Hạ tặng bằng khen vì những thành tích cá nhân xuất sắc. Ở đây chúng tôi gọi đùa đó là CLB thu dung…”- ông Chiến chua chát.

Tiếp cận một số hội viên khác ở Hưng Yên, chúng tôi được biết, trước đó tại CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Hưng Yên, một lãnh đạo CLB cũng bị kỷ luật, bãi miễn các chức vụ, bị sa thải khỏi CLB vì mắc một số khuyết điểm. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, người này lại được ông “nhà thơ- nhà báo” Đăng Hạ cho dựng lên một CLB mới và ký quyết định công nhận là lãnh đạo CLB này.

Nghĩ đủ cách để thu tiền khách thơ

Sau 5 năm dựng lên “tập đoàn”- CLB sáng tác VHNT Việt Nam, mở nhiều chi nhánh ở các tỉnh, kết nạp số hội viên (khoảng 4.500 người- nghĩa là gấp hơn 4 lần hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), ông chủ tịch Đăng Hạ cùng các đệ tử thân tín đã nghĩ ra mọi mánh khóe moi tiền của các hội viên.
Mua 3 bài thơ của chính mình giá… 510 nghìn đồng

Ông Nguyễn Mạnh Quang (ở phường Quang Trung, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là lão thành cách mạng, năm nay đã 84 tuổi. Ông Quang có một hoàn cảnh rất đặc biệt. Người con trai duy nhất của ông đã nằm lại ở chiến trường miền Nam, còn người vợ đã mất cách đây nhiều năm. Có cô con gái lấy chồng từ lâu, ở nhà chồng nên ông một mình đơn bóng từ nhiều năm nay. Con cháu cho đồng nào hay đồng ấy, còn lại ông sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp hằng tháng của Nhà nước.

Ở một mình buồn, không biết tự khi nào ông Quang tìm đến thơ ca như một sự giải khuây. Ông sáng tác được nhiều bài thơ để cất tủ, có bạn đến chơi mang ra đọc cho vui, chứ chẳng bao giờ nghĩ thơ mình in thành sách. Ông càng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành…nhà thơ. Trước kia, ông cũng có tham gia vài CLB thơ ở tỉnh để tuổi già có bạn có bè. Tháng 3/2010, CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên được thành lập, ông là một trong những người đầu tiên được mời tham gia CLB và được ông chủ tịch Đăng Hạ “phê chuẩn” làm phó chủ tịch kiêm phong trào CLB thơ chi nhánh Hưng Yên.

“Chúng nó quy định người hơn 70 tuổi như tôi sẽ được miễn lệ phí sinh hoạt hằng năm, nhưng có phải đâu. Mỗi năm trung bình tôi phải đóng ít nhất là một triệu đồng. Chúng nó bịa ra để kê nhiều khoản đóng góp, tôi chẳng nhớ hết, ông Quang cho biết.

Có thơ của mình thì mới lấy chứ. Nếu không, cho không tôi cũng chẳng thèm! .

Ông Quang rất bức xúc chuyện bị ép mua sách do ông chủ tịch Đăng Hạ làm. Để có 3 bài thơ được in trong cuốn “Thơ Việt đương đại” (NXB Văn hóa liên kết với CLB sáng tác VHNT Việt Nam xuất bản năm 2012) và “nhuận bút” là một cuốn sách này, ông đã phải “cắn răng” bỏ ra 510 nghìn đồng nộp cho ông chủ tịch Đăng Hạ. “Có thơ của mình thì mới lấy chứ. Nếu không, cho không tôi cũng chẳng thèm!”.

Không chỉ có ông Quang, hàng trăm “nhà thơ” khác có thơ được in trong cuốn “Thơ Việt đương đại” cũng phải móc những đồng lương hưu ít ỏi ra để nộp lên cho ông chủ tịch. Và không chỉ có cuốn thơ trên, ông Quang và bạn thơ của ông đã phải “nếm quả đắng” với nhiều cuốn khác như: “Thơ trong ngày hội”; “Khoảnh khắc xuân”; “Thơ hay 3 miền”…Có cuốn 200 nghìn đồng/1 cuốn, có cuốn 250 nghìn đồng/1 cuốn. Các cuốn sách này đều được xuất bản dưới dạng liên kết giữa NXB Văn hóa thông tin với CLB sáng tác VHNT Việt Nam.

Phải nộp tiền để được bình thơ

Cuốn “Thơ hay 3 miền” (tập 2, NXB Văn hóa thông tin liên kết với CLB sáng tác VHNT Việt Nam xuất bản năm 2012) dày 1.515 trang, trong đó in thơ của tổng cộng 961 tác giả. Tác giả nào cũng được in ảnh chân dung, trích ngang lý lịch ngay trên những bài thơ do mình sáng tác. Với nhan đề “Thơ hay 3 miền”, chúng tôi cứ nghĩ sẽ có nhiều tác giả nổi tiếng góp mặt, nhưng lần dở từng trang tìm kỹ, không có một tác giả nào có tên tuổi, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Bùi Quốc Chiến, chủ nhiệm CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh Khoái Châu, được in 3 bài trong tập thơ này: “Để có cuốn “Thơ hay 3 miền”, tôi phải bỏ ra 510 nghìn đồng. Mới đây, các anh ấy lại ra thông báo dự định in một cuốn dưới dạng tác giả và tác phẩm. Nếu bài thơ gửi lên mà được in và được các anh ấy có bài bình bên cạnh sẽ thu 660 nghìn đồng/bài/người”.
“Mình bỏ tiền ra mua thơ của mình mà cứ thấy đau đau, như bị lừa. Các ông ấy nắm được tâm lý của hội viên ai cũng muốn thơ mình được in ở một tập sách sang trọng nào đó, nên trước khi in, các ông ấy thông báo nếu không đăng ký mua sách là không được in thơ. Có thơ in sách để làm kỷ niệm hoặc tặng bạn bè cũng hay quá đi chứ! Cho nên ai cũng tặc lưỡi đưa tiền cho các ông ấy. Có người “nghiện”, tập thơ nào cũng thấy có tên nhưng chả có bài nào ra hồn cả”. Hội viên N.V.T nói.

Mấy ngày gần đây, ông Quang, ông N.V.T và một số hội viên khác bắt đầu ngộ dần ra các chiêu móc túi của tổ chức do ông “nhà thơ- nhà báo” Đăng Hạ thống lĩnh. Ông Quang mới xin rút chức phó chủ tịch CLB chi nhánh Hưng Yên. Ông và một số hội viên khác sẽ vẫn làm thơ, nhưng quyết “cắt cơn nghiện” in thơ.

Một bằng khen giá 500 nghìn đồng

CLB sáng tác VHNT Việt Nam chi nhánh tỉnh Phú Thọ được thành lập từ tháng 5/2012. Hôm tổ chức đại hội thành lập CLB, đích thân ông chủ tịch Đăng Hạ mang quyết định và con dấu về trao cho ban lãnh đạo CLB để hoạt động. Ban lãnh đạo CLB chi nhánh Phú Thọ do bà Nguyễn Thị Ánh Thu (SN 1949, ở xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) làm chủ nhiệm, cũng theo quyết định phê chuẩn của chủ tịch Đăng Hạ. Khi bà Thu làm chủ nhiệm CLB, mọi người đều ngỡ ngàng vì từ trước tới giờ không thấy bà có khả năng gì về văn học nghệ thuật. Mọi người chỉ biết bà với tư cách là một giáo viên nghỉ hưu từ nhiều năm nay. Ấy vậy mà, ngay sau khi bà Thu làm chủ nhiệm, số lượng hội viên ở tỉnh lại tăng lên theo cấp số nhân. Ngày đầu thành lập danh sách đăng ký có hơn 10 người, nhưng chỉ vài tháng sau hội viên đã tăng lên tới gần 100 “nhà thơ”.

Tương tự như ở Hưng Yên, ngoài tiền in thơ, các hội viên ở Phú Thọ cũng phải đóng đủ các loại phí. Ngay khi mới gia nhập, các hội viên phải đóng 150 đồng/người để làm thẻ hội viên và phù hiệu. Sau khi đã vào CLB sinh hoạt, mỗi hội viên phải đóng hội phí mỗi năm 500 nghìn đồng. Một con dấu cấp cho chi nhánh thu 460 nghìn đồng…Nếu hội viên muốn nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp sáng tác VHNT Việt Nam thì mỗi người phải đóng 150 nghìn đồng/cái. Còn làm Bằng khen có hộp vuông thì phải đóng 500 nghìn đồng/cái. Các quyết định trao Kỷ niệm chương, Bằng khen đều có chữ ký của chủ tịch Đăng Hạ và dấu tròn đỏ “CLB sáng tác VHNT Việt Nam” đóng lên.

Chưa hết, ngày 1/4/2012, ông chủ tịch Đăng Hạ ra Thông báo (số 85/TB/TTS, có ký tên, đóng dấu) về việc xuất bản kỷ yếu CLB dưới tiêu đề “Tác giả và tác phẩm văn học”. Nội dung có đoạn viết: “Tháng 5/2012- CLB sáng tác VHNT Việt Nam vừa tròn 4 năm hoạt động trên lĩnh vực VHNT. Điều rất mừng, trong những năm qua CLB luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhận được sự đồng tình của lớp lớp các thế hệ người Việt…CLB sáng tác VHNT Việt Nam đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu sáng tạo tác phẩm có giá trị, vì thế đã tạo được chỗ đứng và làm nên dấu ấn cho những người đam mê sáng tạo VHNT”.

Ngay dưới những lời trên, ông chủ tịch Đăng Hạ quyết định thu (có tính chất bắt buộc) của mỗi hội viên 150 nghìn đồng tiền hỗ trợ xuất bản. Những ai đặt mua sẽ bán giá 200 nghìn đồng/1 cuốn. Ông chủ tịch này còn lưu ý hội viên gửi tiền bằng phiếu chuyển tiền của bưu điện.

“Vừa qua chúng tôi đã kiểm tra hoạt động của chi nhánh ở Phú Thọ, phát hiện CLB này có nhiều vi phạm pháp luật. CLB hoạt động không được sự cho phép của cơ quan chức năng. Ngay cả việc khắc, sử dụng con dấu, tổ chức trao Bằng khen, Kỷ niệm chương, tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm thơ đều trái phép. Chúng tôi đã làm việc với những người đứng đầu CLB, đề nghị giải tán, chấm dứt hoạt động. Chúng tôi cũng đề nghị thu lại con dấu, nhưng sau đó bà Thu cứ lẩn tránh nói là đã đánh mất”, thượng tá Nguyễn Gia Đường, phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an tỉnh Phú Thọ cho biết.

Thượng tá Đường cho hay, với nhiều hoạt động trái pháp luật, có dấu hiệu trục lợi, Công an tỉnh Phú Thọ đã làm việc với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an về hoạt động của CLB sáng tác VHNT Việt Nam.

Tập đoàn bịp thơ… xuyên Việt: Chân dung ‘trùm thơ’

Đi sâu vào tìm hiểu hoạt động của CLB sáng tác VHNT Việt Nam, phóng viên phát hiện ông “trùm thơ” này còn “qua mặt” một loạt cơ quan chức năng. Vậy ông chủ tịch- nhà thơ- nhà báo Đăng Hạ là ai?
“Đại bản doanh” không biển hiệu

Căn nhà số 9/31 nằm khuất sâu phía trong so với mặt đường Phan Trọng Tuệ, nơi có rất ít người qua lại. Nằm trên diện tích mặt bằng khoảng 50 m2, căn nhà được xây 3 tầng. Phía trước căn nhà không có bất cứ một biển hiệu gì. Ai đi qua đây cũng chỉ nghĩ rằng đó là nơi ở bình thường của cư dân nào đó. Hỏi thêm một số người dân sinh sống trong ngõ, ai cũng biết Hạ, mặc dù người này rất ít khi tiếp xúc, giao lưu với họ. Họ biết Hạ về ngõ thuê nhà, sinh sống từ năm 2007. Một thời gian sau, Hạ mua được nhà tại đây để ở, rồi cưới vợ. Họ cũng biết có anh Hạ và vợ thuê người làm, tổ chức in sách thơ cho người già tại nhà từ nhiều năm nay. Nhưng nhiều người dân ở đây không hề biết có một nhà thơ- nhà báo hay ông chủ tịch CLB sáng tác VHNT Việt Nam mang tên Đăng Hạ.

Trong vai là người đang có nhu cầu in tập thơ, chúng tôi bước vào phía trong căn nhà số 9. Phòng phía ngoài tầng 1 được chia làm hai dãy bàn vi tính, ngồi quay lưng vào tường, có 3 cô gái và 1 thanh niên đang cắm cúi đánh máy, sửa bản thảo. Được một cô gái dẫn vào mời ngồi ở chiếc bàn ăn phía trong bếp để đợi Huyền (người chuyên làm giá in thơ với khách), chúng tôi quan sát kĩ thấy một đống thẻ hội viên CLB sáng tác VHNT Việt Nam vứt chỏng trơ trên bàn, bên cạnh đống vỏ nhãn. Phía dưới chếch phía bàn ăn, chúng tôi còn thấy cả một thùng to đựng những cuốn thơ in chung dày cộp, nằm bên cạnh những chiếc nồi, chảo đen xì. Một loạt cuốn thơ được nhắc đến ở những số báo trước cũng được xếp dưới thùng. Đang lật dở cuốn “Thơ Việt đương đại”, Huyền xuất hiện. Trong CLB, Huyền có chức danh là Thư ký
“Hôm nay anh Hạ nhà em đi vắng, có gì anh cứ trao đổi với em. Nếu anh muốn in thơ thì phải cho em xem bản thảo, số lượng bài. Lúc đó bọn em mới tính được giá cả. Bọn em cũng phải xin giấy phép xuất bản nữa. Nó cũng không khó lắm đâu!”. Huyền không nói rõ sẽ xin giấy phép ở Nhà xuất bản nào, in ở đâu. Thấy chúng tôi còn trẻ, Huyền tỏ ra nghi ngờ gặng hỏi ai giới thiệu đến. Huyền còn hỏi chúng tôi tên tuổi, nơi ở và có là hội viên của CLB hay không?

Từng bị Nhà xuất bản từ chối cấp giấy phép

“Cậu Đăng Hạ này không có tên tuổi trong giới văn chương nghệ thuật. Tôi có tiếp xúc với cậu này vài lần, láu cá lắm! Cậu này trước kia hay đi làm sách cho các CLB và đến Nhà xuất bản xin giấy phép làm sách. Cách đây một thời gian, tôi có xem một cuốn do cậu ấy làm, đọc mà thấy giật mình. Hình như tập thơ tình Việt Nam thế kỉ 20, bên trong thì toàn các cụ về hưu, cao tuổi làm thơ theo kiểu phong trào. Sau đó cậu ấy có đến xin làm nhiều cuốn khác dưới dạng tương tự như cuốn thơ trên và có dấu hiệu vụ lợi nên đã bị Nhà xuất bản từ chối. Tôi cho rằng kiểu cách làm của cậu này như một người buôn thơ, có dấu hiệu lừa đảo”, nhà thơ Trần Quang Quý, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cho biết.
Nhà thơ Trần Quang Quý còn là Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho rằng việc ép mua sách, tặng Bằng khen, Kỉ niệm chương để thu tiền là những trò mánh mung, lừa bịp để kiếm tiền. Với việc hoạt động có bổ nhiệm, thu chi, con dấu thì đây gần như là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. CLB sáng tác VHNT Việt Nam phải trực thuộc, chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Về tính hợp pháp của CLB này là phải được sự cho phép của Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ ở các tỉnh nơi có chi nhánh CLB. Còn về hoạt động chuyên môn phải chịu sự quản lý của ngành văn hóa. “Cậu này đã lợi dụng nhu cầu của người làm thơ hiện nay, đặc biệt là những người làm thơ ở các CLB. Chỉ là những hò vè, những câu ca, câu văn có vần, có điệu, các cụ làm cho vui, như là một giải pháp về tinh thần. Họ thể hiện tâm hồn của mình bằng con chữ và muốn in sách để làm kỉ niệm. Tôi biết có nhiều người già nghèo, vì yêu thơ nên nhịn ăn tiết kiệm tiền để được in một tập thơ. Bản thân họ không có lỗi gì vì họ làm thơ không phạm về chính trị. Họ làm thơ không phải để bán. Nhưng trong số đó cũng có không ít người háo danh do được phong là nhà thơ nên đã trở thành nạn nhân của anh này mà không biết”, ông Quý nói.

Giả danh nhà báo

“Khi thuyền đã cập được bến bờ/Ngoảnh lại mới thấy mình…thương quá/Phận trắng đen chẳng ai làm rõ/Nên suốt đời quanh quẩn với hư không/Tôi tìm lại một khoảng mênh mông/Soi tìm lẫn vào quá khứ/Rụt rè lắm nên đành do dự/Thảng thốt giật mình mới biết xa em”- Đó là bài “Do dự” của chính “nhà thơ- nhà báo” Đăng Hạ in ở trang 1.512 trong tập “Thơ hay 3 miền”. Tập thơ này do chính Đăng Hạ là “nhà sản xuất”.

Mang bài thơ trên nhờ một số nhà thơ chuyên nghiệp bình thì họ đều có chung một nhận xét “chỉ là thơ phong trào”, không thể đại diện cho thơ hay ba miền như tên của tập thơ. Phía trên bài thơ này, Đăng Hạ cho đăng ảnh chân dung mình, phần trích ngang lý lịch, những tác phẩm của mình rất hoành tráng. Đăng Hạ liệt kê một loạt chức danh: Hội viên ảnh, báo chí- Hội Nhà báo Việt Nam; Hội VHNT các dân tộc Việt Nam; CLB Thơ Việt Nam; CLB thơ Đường UNESCO; Chủ tịch CLB sáng tác VHNT Việt Nam. Hạ cũng liệt kê 2 tác phẩm thơ đã xuất bản (Hoa ban trắng; Tóc vương mùa) và một cuốn tiểu thuyết sắp xuất bản có tên “Số phận”. Trên trang web cá nhân của Đăng Hạ, khi chúng tôi lần tìm ra còn có chức danh Giám đốc Cty CP Hỗ trợ phát triển truyền thông.

“Tên thật của Đăng Hạ là Ngô Văn Khích, sinh năm 1984, quê quán ở Thanh Hóa, có hộ khẩu thường trú ở thị trấn Văn Điển, Hà Nội”, thượng tá Nguyễn Gia Đường (Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Phú Thọ), đơn vị đã làm việc và đề nghị Đăng Hạ giải tán CLB chi nhánh ở Phú Thọ và ở nhiều địa phương khác, cho biết. Theo thượng tá Đường, từ năm 2008, Ngô Văn Khích thành lập một số Cty tư nhân (như Cty Cổ phần Hỗ trợ phát triển Truyền thông thương hiệu Việt; Cty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát). Sau đó, Khích đổi tên Cty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát thành Cty Cổ phần Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát và lấy danh nghĩa của chính Cty này để ra quyết định thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam. Từ ngày 20/6/2013, CLB đi vào hoạt động, Khích lấy địa chỉ nơi ở làm trụ sở hoạt động và đăng ký hòm thư tại Bưu điện Hai Bà Trưng (ở 811, đường Giải Phóng, Hà Nội), để nhận thư từ, tài liệu. Với tiêu chí kết nạp hội viên lỏng lẻo, nên chỉ trong vòng khoảng 5 năm, số hội viên của CLB lên tới 4.500 người, trong khi đó hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện có khoảng 1.000 người.

Cũng xin nói thêm, trong các quyết định có chữ ký và ghi tên“nhà thơ- nhà báo Đăng Hạ”, qua xác minh tại Cục Báo chí (Bộ Thông tin truyền thông) và các cơ quan báo chí, Ngô Văn Khích không làm việc cho bất cứ một cơ quan báo chí nào. Cả hai cái tên trên đều không có trong danh sách những người được cấp Thẻ nhà báo. Do vậy Khích không thể tự phong cho mình là: Nhà báo Đăng Hạ.

“Qua mặt” một loạt cơ quan chức năng

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ra ngày 21/4/2010, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trước khi thành lập CLB, Ngô Văn Khích phải được sự cho phép của Bộ Nội vụ, vì CLB có phạm vi hoạt động cả nước. Khi làm con dấu tròn cho CLB, Khích phải đăng ký xin phép cơ quan công an. Khi tổ chức in, trao Bằng khen, Kỉ niệm chương thì phải căn cứ vào Luật Thi đua- Khen thưởng. Tuy nhiên, qua xác minh các cơ quan chức năng, CLB của Khích đã hoạt động trái luật. Một câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trong một thời gian dài, Ngô Văn Khích cùng CLB của mình hoạt động mà không bị kiểm tra, ngăn chặn? Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc đề nghị CLB chấm dứt hoạt động.

Khiết Giang

Nguồn : Tiền phong
Hình trên :“Trùm thơ” Ngô Văn KhíchĐĂNG HẠ (ngoài cùng bên trái) trao bằng khen cho các hội viên

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *