Đêm đám cưới miền cao mờ ảo, ma mị nên lạ lẫm. Lần đầu tiên tôi dự một đám cưới ở vùng người Tày. Trung tâm Văn hoá huyện tham gia một đám cưới điểm, hội tụ nét đặc sắc văn hoá cộng đồng người Tày để khôi phục văn hoá ngủ thăm độc đáo.
Tôi cùng Giám đốc đã theo đuổi đề tài này từ lâu, đây cũng là đề tài luận án đoạt thủ khoa của ông năm vừa qua. Ông đang đưa nó trở về chính đời sống vùng này.
Từ một tuần trước đám cưới chúng tôi đã lặng lẽ theo cô dâu trên những lối mòn cô đi trả nghĩa bạn tình. Nhình là cô dâu được chọn làm điểm. Cô không hề biết chúng tôi thực hiện dự án phục dựng phong tục ngủ thăm của dân tộc mình nên hoàn toàn tự nhiên đi trả nghĩa hai người bạn tình ngày trước cô đã yêu. Để theo sát gót cô trong những đêm tâm tình của cô và bạn trai cũ, chúng tôi đã được hỗ trợ thiết bị máy quay hiện đại nhất để ghi lại những hình ảnh và đối thoại của cô một cách thật nhất trong những đêm sâu rừng thẳm.
Tôi có diễm phúc được chứng kiến phong tục đẹp nhất trên miền thượng nguồn sông Cun. Phục dựng phong tục trả nghĩa của những cô gái Tày vùng này là đề tài lớn mà Trung tâm văn hoá huyện thực hiện.
Đêm tháng Giêng đẹp màu núi rừng, Nhình đã lần lượt trả nghĩa hai bạn tình cũ. Những ngày yêu nhau thuở thiếu niên của Nhình được tâm tình bằng những lời hát, câu ví, câu đố về biết bao loài hoa, con thú của rừng Khau Phạ. Những câu đố mà cả Nhình và người yêu cũ đã huy động tâm và tình để đối đáp trong bảy đêm trả nghĩa của một cô dâu.
Trong khi đó, Khún ở nhà sắm lễ đón dâu. Khún yên tâm Nhình sẽ trả đủ ân nghĩa cho bạn tình. Bao nhiêu lễ vật dành cho ngày đón dâu đã hoàn thành xong, giờ chỉ còn mảnh vải “khô ướt” được Khún chăm chút nhờ chị gái dệt trong bảy ngày. Khún còn mong phần vải trắng thật trắng để xứng đáng với tấm lòng trinh trắng của Nhình; phần vải đỏ thật đỏ để xứng đáng với tấm lòng mẹ đã sinh dưỡng Nhình hai mươi năm qua.
Đêm nay, đêm hát mở đường cho Nhình và Khún để trai gái bản Nậm Nìn được hát thâu đêm. Những đôi trai gái mới bén duyên đã đến đêm cưới tô thêm tình yêu trong những câu ướm hỏi trên nhà, dưới sàn, ngoài cổng.
Hai ông mối, bà mối nhà Khún đã dâng những lễ đẹp nhất trước ban thờ nhà Nhình. Gia tộc họ ngoại lòng như hoa Bông trắng mùa dệt vải, lời đậm như hoa Bióoc mạ đầu thung.
Nhóm phục dựng chúng tôi đã bí mật đặt máy quay ở những góc khuất để ghi lại hình ảnh tự nhiên nhất của đám cưới. Giám đốc được thoả lòng với những hình ảnh đẹp đã thu được. Dù đã tham dự nhiều đám cưới ở vùng này, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi không can thiệp gì và đã có những hình ảnh nguyên bản nhất của một đám cưới vùng đầu nguồn sông Cun.
Trong đêm mờ sương tháng Giêng, mặt Giám đốc ngời lên dưới sắc sáng của nàng trăng. Nàng trăng đã toả sáng chứng giám cho Nhình và Khún, cũng chứng giám cho tấm lòng văn hoá của ông đã theo đuổi đề tài này bao năm nay. Tôi thấy thần tượng của mình toả sáng trong đêm trăng và dự cảm rằng mình đã tìm đúng đường cho nghiệp văn hoá mình đã chọn.
*
– Anh nói thật, em đừng giận, có thể em là người bản địa nên ít nhạy cảm. Sắp hết hợp đồng lần hai rồi đấy nhỉ! Anh cũng sắp nghỉ hưu. Lần này em không được vào biên chế thì có lẽ khó mà vào được, em nên thu xếp trước khi anh về hưu.
– Anh cũng cho phép em nói thật! Em đã thu xếp rồi đấy, ngay từ trước khi xin vào đây làm.
– Anh em mình nên nói trắng ra nhé! Đúng là thu xếp rồi, nhưng chưa đủ đâu. Em nghĩ trăm triệu với thời bão giá này là to à. Công ăn việc làm cả đời em thế chưa bõ bèn gì.
– Theo anh thì cần bao nhiêu nữa?
– Cần thì cần nhiều, nhưng anh nghĩ chỉ một cái có thể đổi được.
– Em nghĩ không ra là cái gì.
– Anh biết em đang bắt anh nói ra. Mình làm văn hoá, hiểu vậy là được. Em chiều anh, ngay sáng mai em có quyết định biên chế luôn, được không?
– Như thế em mất cả đời, vậy thì công ăn việc làm có ý nghĩa gì nữa.
– Nói đến vấn đề tình cảm mà em khô quá. Người ta còn có văn hoá ngủ thăm, văn hoá trả nghĩa bạn tình, em lo gì chứ.
Đến đây thì tôi không thể diễn nổi nữa. Cánh cửa bật tung khi tôi xô phải để thoát khỏi những lời vô văn hoá đang bủa vây. Không biết giờ này có ai thấy tôi xông ra từ căn phòng ấy không. Chắc là có. Như nhiều hôm những người cùng tập thể vẫn thấy một bóng người lướt ra từ khe cửa tối om.
Bầu trời của tôi. Màn đêm bao trùm, ôm ấp nước mắt tôi, để giấu đi dấu vết của vở kịch ban nãy, để xoá tan những căng cứng trong từng thớ, từng gân của màn kịch thô tục tôi vừa diễn.
Những buổi tuyên truyền văn hoá chợ đã cho tôi nhiều kinh nghiệm diễn kịch, nhưng không ngờ vở kịch đời mình lại diễn ra như thế. Tôi vẫn nghĩ đời mình không phải diễn, nhưng không ngờ chính mình diễn cho mình xem, mà lại tục tĩu đến vậy. Những vai diễn trên sân khấu chợ tôi luôn giành vai đẹp, vai thiện để bà con dễ hiểu và yêu mến. Vì đơn giản đồng bào tôi yêu cái đẹp và đôi khi chưa thể nhận ra nhân vật xấu là để hướng tới cái đẹp.
Tôi sống giản đơn và thật thà như cuộc sống vốn vậy trên cao nguyên. Nhưng đau đớn thay vở kịch của tôi bị chính tôi lột trần đến độ thô tục nhất về một con người văn hoá của chúng tôi.
Giờ này bố mẹ đang ngủ nhưng không ngon giấc. Trong giấc ngủ còn lo ngày mai làm gì ra tiền để sống tiếp chờ ngày tôi được làm cán bộ chính thức. Hai năm nay tôi làm hợp đồng chỉ được hưởng tám mươi phần trăm lương và không có phụ cấp, mà lương trung cấp thì được bao nhiêu. Ngày mai, bố sẽ làm gì? Rất lâu rồi chưa kiếm được việc làm để có thể mua mỡ tươi và uống rượu với thắng cố một cách thoả thích. Bố mẹ đang chờ, chờ một ngày tôi được là cán bộ chính thức thì sẽ có nhiều lương hơn. Tôi có thể đỡ đần hai em đang ăn học nội trú. Nhưng đã hai năm nay tôi chưa có được cái quyết định sinh mệnh cho cả nhà khi đã phải đánh đổi bằng tài sản lớn nhất của mấy đời để lại.
Chưa bao giờ trong những thăng trầm của bao nhiêu bản làng trên ngút ngàn này lại có điều kinh hãi đến vậy. Nhưng bố đã chấp nhận và âm thầm làm. Họ hàng không biết. Tôi không biết. Bởi nếu họ hàng biết sẽ không chấp nhận cho bố làm thế, không ai có thể tin là có điều đó. Bố mẹ đã vắng nhà một tháng, đi chữa bệnh ở tỉnh. Bệnh nặng lắm, hết nhiều tiền lắm. Nhà không có gì đáng tiền, chỉ có bán nương may ra mới đủ tiền chữa bệnh cho bố.
Một trăm triệu, thời bão giá này ư? Bố đã phải cắn răng bán đi tất cả nương xa nương gần. Bán luôn cả con nghé chưa cai sữa mới gom đủ số tiền người ta đặt giá cho công việc của tôi.
Đến khi hết bản hợp đồng lần một bố phải giao nốt số tiền. Tôi mới biết mình cưỡi trên lưng hổ và phải cưỡi cho chắc để thắng được nó, bắt nó trả lại cho bố tất cả.
Bố tôi có thể nghĩ ra một niềm tin để sống: Nương không có vẫn kiếm được việc làm, giờ quê ta là vùng du lịch rồi, khách nhiều, thoải mái việc. Thế mà niềm tin ấy chỉ được mấy tháng. Thành vùng du lịch rồi thì cái gì cũng phải bảo vệ để làm du lịch. Vì thế những máy xay đá không được làm nữa thì bố cũng hết việc. Giờ thanh niên, người già, con trẻ chỉ có mỗi việc nhìn khách đến du lịch.
Tôi không hiểu lúc ký hợp đồng làm việc lần hai, giám đốc đã bảo: “Khó lắm, khó lắm cháu ạ! Trung cấp văn hoá giờ nhiều quá. Mà cháu lại chỉ có bằng trung bình thì phải thử thách thêm một năm nữa vậy”. Bây giờ, giữa đêm cao nguyên câu nói này thật sáng rõ.
Nhưng rõ rồi thì tôi biết làm thế nào đây? Tôi đang thực hiện mơ ước của dân tộc tôi. Bao nhiêu điều nhân văn đang thu hút khách du lịch. Nhưng cũng chính hôm nay tôi mới biết người có văn hoá lại đem văn hoá biến thành cái thô tục nhất. Ngủ thăm ư? Cả một luận án thạc sỹ được bảo vệ về phong tục đẹp đẽ ấy. Bao nhiều tầng nổi, tầng chìm của nó tôi đã được biết qua ông và đang tuyên truyền cho những nét đẹp ấy. Vậy mà nó đã bị biến tướng để những người vô văn hoá lợi dụng. Để hôm nay tôi mới thật rõ nó bị biến tướng từ đâu ra.
Trăng lặn rồi. Bao nhiêu nghĩ ngợi đã qua một đêm. Sương đang lên. Chỉ chút nữa thôi, chỗ tôi ngồi sẽ ngập sương. Tôi chờ sương lên để tắm mình. Sương lên từ lòng núi thanh sạch sẽ mang hết đi những tục tĩu đã qua. Rồi sương lên trời, hoà thành mây gió tan đi.
Sương trắng là tinh chất của nước. Sương chạy dọc dòng sông, choàng lên bờ vai núi chiếc khăn sang trọng. Sương trôi theo nước. Nước dâng thành sương. Quê núi là vậy, ít nước nhưng lại nhiều sương.
Sớm mai lên. Sương sớm xua tan những u uất trong đầu để tôi lại tinh khiết.
Tôi phải tiếp tục đi trên con đường của mình. Cả nền văn hoá đã sinh ra, cõng tôi đi. Giờ trên lưng tôi còn mẹ cha và hai em trai thì dù thế nào vẫn phải về phòng thay quần áo để đi làm.
Giờ này mọi người đã dậy, nhưng không sao, tôi có đi ra từ phòng ấy như người khác đâu mà sợ.
*
Chị Hoà hình như đã đợi tôi về. Tôi không cần đẩy cửa. Chân mới tới gần, nó đã tự mở ra. Chị đứng ngay đó như chỉ chờ giây phút này mở cửa.
– Em vừa đi ra từ phòng ông Tráng à?
– Không!
– Mắt trũng xuống và thâm thế này mà bảo không à?
– À, vâng! – Chị còn tâm trạng hơn nên tôi lại diễn. Mặc kệ, chị hiểu đúng hay hiểu sai thì giải thích lúc này cũng không làm chị thoả mãn, đành vậy!
– Em còn trẻ, đừng trượt theo sườn núi mà không đến chân núi như chị. Đừng như chị giờ vẫn không dám nghĩ đến hạnh phúc.
– Vâng!
– Hình như em chưa hiểu chị nói gì. Ngồi đây, chị chờ cả đêm qua. Giờ phải nói cho em biết, tối qua thấy em sang đó chị biết ngay những chuyện với chị sẽ lặp lại với em. Nhưng chị không can kịp. Chị biết chuyện gì xảy ra với em đêm qua. Cũng giống chị thôi. Nhưng em phải biết dừng lại, vì em là người bản địa, chuyện đến tai bố mẹ thì cả nhà sẽ không sống nổi vì em. Đừng như chị, gia đình ở xa không biết chị sống thế nào đã đành.
– Chị ơi!
– Đừng can, chị nói, em nghe thì nghe, không nghe bỏ qua cũng được. Vì sao chị phải lên tận vùng cao này em có biết không? Quê chị đã lên phố rồi. Ruộng thành khu công nghiệp, đất không có kẽ, có khe để thở vì bụi nhà máy bóp nghẹt từng tế bào. Mảnh vườn gieo hạt xuống không nảy mầm lên được. Ngày ngày nhìn những hạt bụi đục lờ đờ bay chị không chịu được, học xong trung cấp văn hoá chị phải xin lên đây làm việc mong tìm được cái gốc văn hoá. Nhưng cũng hai năm không được vào chính thức và đã nhận được lời đề nghị “đổi”. Dù không đồng ý nhưng phải chịu. Mọi việc như đêm qua em đã trải qua. Để đến bây giờ, ngoài ba mươi rồi chị không dám nhận lời ai. Nhưng không sống vì mình thì phải sống vì bố mẹ, giờ mẹ chị đang bị ung thư, tiền đền bù đất hết rồi. Lương tháng của chị giờ là cứu cánh của cả nhà nên chị phải sống. Lương chị cũng thế chấp vay tiền ngân hàng rồi. Chị sẽ vay thêm nữa để duy trì sự sống cho mẹ. Chuyện này chỉ kể cho mình em nghe để em rút kinh nghiệm từ đời chị thôi. Gia đình em cũng khổ, nhưng em vẫn có thể dừng lại được, đừng trượt như cơn lũ quét. Giữ lấy cái tinh nhất của nghề văn hoá em ạ!
– Vâng!
– Thôi, chuyện này em còn phải suy nghĩ nhiều. Giờ chuẩn bị đi làm, đời đến thế nào thì vẫn phải sống.
– Nhưng em đang bị lũ cuốn đi. Liệu có bơi được vào bờ?
Và cơn lũ thật chưa cuốn tôi thì đã cuốn mất bản Mỏ Phìn. Chị nháo nhào chạy về: “Đi ngay, đi ngay, vào Mỏ Phìn, lũ quét rồi”.
Qua trung tâm huyện, tất cả mọi người đều ào ào cùng một hướng vào Mỏ Phìn, như thể chúng tôi đang chạy theo lũ. Chiếc xe U oát của trung tâm văn hoá chở được năm người, chúng tôi đã ngồi đến chín người để vào Mỏ Phìn. Ghế trên ngang ghế lái dành cho Thúy và Hiền, vì hai người nhỏ. Ghế sau mấy người chật như nêm. Giám đốc ngồi ngay cạnh tôi. Xe nghiêng ngả, chòng chành chạy đua với bao xe cùng hướng. Cua gấp, đường nghiêng, giám đốc sắp đè tôi đến bẹp. Con người sáng rỡ, đạo mạo hàng ngày sao lúc này phè ra đến vậy. Tự lòng tôi biết rằng vì đường xấu thì ít, vì cố tình va chạm thì nhiều, nhưng biết làm sao được, bề ngoài chúng tôi đang dốc lòng chạy thật nhanh vào Mỏ Phìn, những điều bí mật này không thể để ai biết được.
Dòng người trôi cùng một hướng vào Mỏ Phìn. Tình người lúc này trỗi dậy cao ngang trái núi Tù Sán hòng ngăn dòng lũ quét tràn qua. Chợt thấy rằng những nhỏ nhặt đang bên mình không ý nghĩa gì so với tình người của cả huyện lúc này. Tất cả mọi người cùng đi một hướng, đồng chí đồng lòng lắm.
– Chị à, sao lại lũ quét? Đêm qua không mưa mà.
– Lũ đã ẩn trong lòng núi Cán Chỉ rồi. Em biết quê mình không như nơi khác mà. Có phải cứ mưa mới lũ đâu.
– Vâng. Núi trơ như thế, nước tích dần đến lúc không giữ được nữa thì tuột xuống hết thôi. Lòng ta đôi khi cũng vậy phải không chị?
Đến Ngàm Đươm thì dừng lại tất cả. Lũ đã cuốn hết đường, hết nhà và nhiều người nữa trôi qua đây. Mọi người cùng nhau dò đường trong bùn để vào Mỏ Phìn. Máy xúc bùn chưa vào kịp. Chúng tôi di chuyển trong khó nhọc để tìm nạn nhân bị vùi trong bùn.
Đất đá trên sườn núi Cán Chỉ trôi tuột xuống. Trơ ra chỏm đá trắng xoá, mây giờ mới kéo về choàng một chiếc khăn tang ngang núi. Trời sắp mưa. Lòng núi nhạy cảm hơn mây nên tuột đất đi trước. Cơn mưa này to và mạnh một cách bất thường. Thần núi không chịu được nên đã chạy trước và kéo theo đất.
Trời mưa. Đất lại tuột thêm. Đất, đá, cây cối và nước ầm ầm tuột xuống. Lại đồng loạt chạy, lũ đuổi đằng sau, chạy đến bao giờ.
Chúng tôi cứu được ba người đang bị vùi trong bùn. Anh Vảng còn sống. Bà Chở vẫn thở được. Bé Sinh có thể còn cứu được vì vẫn khóc. Nhưng phía chân núi đã bới được năm người đều không thở nữa rồi.
Không ai khóc được, không đủ sức để khóc lúc này. Nước đổ về như núi ụp xuống. Tất cả chạy lên hai sườn núi bên cạnh. Việc cứu hộ tạm dừng chờ mưa tạnh và nước tràn qua.
Lực lượng cứu hộ không mang được nước và thức ăn vào. Chúng tôi đứng trong mưa nhìn nhau và đói. Chính lúc này mới có thời gian để khóc. Nước mắt không đủ cho bao nhiêu người đang bị lũ cuồn cuộn cuốn đi. Bản Mỏ Phìn có mười lăm hộ, gần một trăm sinh mạng đang nằm dưới lũ.
Người chìm trong mưa bùn. Nhà cửa, lợn gà, trâu bò trôi trong bùn đất. Giọt bùn đầu tiên có lẽ đã trôi đến sông Miện. Liệu có ai trôi đến đó chưa? Có ai may mắn sống? Bao nhiêu câu hỏi cuộn lên trong mắt từng người.
Hai ngày trong mưa. Hai ngày mong chờ. Hai ngày đói rét. Thần núi thương đã dừng lại. Việc cứu hộ được mỗi người dùng hết sức còn lại để làm.
Đồn biên phòng dồn toàn bộ lực lượng vào cứu hộ. Chiến sỹ cùng nhóm với tôi chắc là dân bản này. Người ấy thạo từng chỗ để bới trong bùn. Người ấy không nói. Mặt sắt lại. Trán nhô ra. Môi bặm chặt kìm tiếng khóc. Tôi không dám nói chuyện. Sợ rằng nếu khuôn miệng kia bật ra sẽ là tiếng khóc từ tim vút lên.
– Gió à, kiên cường nhé!
– Báo cáo! Rõ!
Người ấy tên Gió. Ở chính Mỏ Phìn này.
Ba người còn sống được cứu. Năm người đi chơi thoát chết. Ba mươi bảy người theo lũ trôi xuống suối Ngàm Đươm, có cả bố mẹ Gió nữa.
Tôi không nói được lời động viên Gió, cứ sợ rằng nếu Gió khóc, suối Ngàm Đươm sẽ tuột hết tất cả những gì còn lại. Gió cố giữ mình trong kìm nén đớn đau.
*
Mỗi người góp một ngày lương để khắc phục hậu quả lũ quét. Cả nước ủng hộ chúng tôi vượt qua cơn lũ. Một ngày lương của tôi chỉ lo được một ngày ăn cho hai người. Chẳng thấm vào đâu.
– Chú có thể cho cháu xin lại số tiền xin việc được không?
– Cô điên à? Đang lúc nước sôi lửa bỏng, tiền gì lúc này?
– Tiền nhà cháu đưa để xin việc, một trăm triệu ấy.
– Cô bị dở người à? Cả huyện đang dồn sức khắc phục hậu quả cơn lũ. Tôi lấy tiền đâu cho cô bây giờ? Mà cô lấy lại tiền làm gì?
– Cháu sẽ giúp bà Chở dựng lại nhà.
– Điên à?
– Không ạ! Cháu sẽ giúp bà Chở năm mươi triệu, còn lại cháu mua lại nương cho bố. Năm mươi triệu cộng với công mọi người giúp thì sẽ được một nhà, huyện đang tính thế mà.
– Cô định chơi trội à?
– Cháu chỉ làm việc thiết thực thôi.
– Thiết thực cho bà Chở thì cô lấy gì mà ăn? Trẻ người dại nghĩ.
– Cháu sẽ xin lên chính Chéo Phìn để làm cán bộ xã.
– À, giỏi! Biết tìm đường đi đấy. Đã thế thì tôi chỉ trả cô tám mươi triệu thôi, trừ hai mươi triệu tôi đã tạo công ăn việc làm cho cô hai năm nay.
– Ơ, hai năm nay cháu làm là nhà nước trả lương, chứ có phải chú trả đâu.
– Tôi không ký quyết định thì nhà nước nào trả cho cô? Hả?
– Đành vậy! Nhưng chú biết câu: “Làm người ai làm thế” chứ?
– Này, đã thế chả có tiền nào hết nhá!
– Chú bảo trả tám mươi triệu mà.
– Tiền gì mà trả? Cô đưa tôi bao giờ? Có giấy tờ không? Đừng có bố láo!
– Chú!
– Biến ngay, không tôi tống cổ ra bây giờ.
– Thế còn tiền của cháu!
– Không có tiền nào hết! Biến!
*
Hai năm nay tôi đã tránh để không xuống xã làm. Bố mẹ mong tôi được làm cán bộ huyện. Vì đơn giản là nghe có vẻ được hơn cán bộ xã. Và tôi là người đầu tiên trong xã được làm cán bộ huyện. Vậy mà, sau hơn hai năm hãnh diện, tôi phải trở về vạch xuất phát khi mấy mảnh nương truyền đời đã bị bán hết.
Tôi xách ba lô vào Chéo Phìn sau cơn lũ quét. Cuối suối Ngàm Đươm, Gió đang cúng ma bố mẹ. Một lễ cúng ma chỉ có tấm lòng của đứa con bất hạnh. Đáng lẽ phải có thầy cúng, có con bò để cúng cho hồn bố mẹ, nhưng trong tay Gió không còn gì, chỉ còn những lời khấn hứa xin bố mẹ yên lòng, đợi ngày tạo lại nhà mới, bò mới sẽ làm lễ ma khô thật sự cho bố mẹ.
Nhìn tôi, Gió biết ngay tôi đang chọn một con đường mới. Gió bảo tôi làm thế cũng được. Anh ủng hộ quyết định này. Gió bảo chưa nên cho bố mẹ biết. Cứ bước trên con đường mới, đến khi có thành quả hãy nói cũng chưa muộn. Dù con đường mới này ngập ngụa sau lũ quét.
Để bắt đầu, Gió hứa sẽ cho tôi chứng kiến một buổi treo cờ trên cột cờ Lũng Cú.
Đứng dưới chân cột cờ và xem các anh, trong đó có Gió thực hiện lễ treo cờ mọi bất mãn đã tan theo gió. Gió của tôi cũng như gió trên cao nguyên này, ngang tàng, phóng khoáng, mãnh liệt mà rất dịu dàng. Gió có thể xua đi những ngột ngạt, đem về sự thoáng mát và êm ái cho tâm hồn.
Gió vào trong cột cờ rồi trèo lên đỉnh. Lá cờ cũ được đưa xuống. Cờ mới được treo lên. Không một phút nào được phép để cột vắng cờ. Gió cao nguyên lúc nào cũng phần phật như bão lũ, có thể lấy đi mọi thứ, nhưng không lấy được lá cờ trên đỉnh núi Rồng.
Gió của tôi đã nhiều lần thay cờ, nhưng hôm nay có tôi chứng kiến anh như thể lần đầu tiên được làm nhiệm vụ thiêng liêng. Lâu lắm rồi anh mới có được cảm giác hồi hộp như vậy.
Tôi không hồi hộp mà cảm thấy linh thiêng. Lần đầu tiên trong đời, sự linh thiêng miền biên ải làm tôi nhẹ nhàng để bắt đầu lại.
Gió cho tôi niềm riêng để quên đi cơn lũ quét tràn qua trí óc, tràn qua bản làng và dựng lên bản mới đủ vững chãi để đứng vững trước bất kỳ cơn lũ nào.
Gió không thể cho tôi việc làm, sự nghiệp, nhưng anh mang lại niềm tin, nghị lực để vượt qua nghiệt ngã.
Anh không thể buồn, vì anh có niềm tin. Có khi là cả tin. “Cả tin đôi khi thành cố tật”. Nó là một phần trong tâm lý dân tộc đã dìu chúng tôi qua ngàn vạn cơn bão lũ.
Gió bảo, đáng lẽ tôi phải là một chiến sỹ biên phòng như anh. Tôi thật thà đến ngây ngô, cần ở trong môi trường thuần nhất thì sẽ đỡ bị thiệt thòi.
– Ô nhỉ! Nhà mình có một người biên phòng thôi chứ cả hai là biên phòng à?
– Thật à? “Nhà mình có một biên phòng à?”
– Đùa thôi mà.
– Tôi không đùa đâu! Em cho tôi là một chiến sỹ của nhà nhé!
– Không biết đâu mà!
Tôi chưa nghĩ đến chuyện một nhà với Gió. Nhưng có lẽ nhà của tôi cần một chiến sỹ biên phòng. Để tôi vịn vào mỗi lúc lũ quét tràn qua.
Chu Thị Minh Huệ