Biển và đảo, đó là những thứ tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước chúng ta. Biển và đảo, nơi gắn liền với những kỳ quan của thiên nhiên, của thế giới bởi những vẻ đẹp và những kiến tạo độc đáo.
Đó là món quà tặng vô giá và lâu dài cho cuộc sống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Biển và đảo không chỉ thu hút mỗi người bởi vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn là những dấu mốc gắn liền với những giá trị lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và chiếm giữ cả vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của đất nước.
Khi nói biển và đảo là những vị trí và dấu mốc quan trọng trước lịch sử, bởi chúng luôn được gắn liền với biên giới mỗi Quốc gia nói chung và là nơi khẳng định ranh giới riêng cho lãnh thổ dân tộc Việt Nam, một đất nước có bờ biển trải dài theo hình chữ S. Biển và đảo, nơi ranh giới quan trọng thể hiện chủ quyền dân tộc Việt Nam và là thứ bất khả xâm phạm. Biển và đảo từ ngàn xưa đã luôn gắn liền với truyền thống yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm tự ngàn đời của dân tộc và và là những thứ thiêng liêng của đất nước và con người Việt Nam trước thế giới. Chúng ta tự hào có bờ biển quê hương Việt Nam được trải dài trên 3 ngàn km suốt từ biên giới Trung Quốc cho tới Vịnh Thái Lan với những bãi biển xinh đẹp được mệnh danh là “Kỳ quan thế giới”. Biển và đảo Việt Nam còn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca.
Biển lúc nào cũng ào ạt và mênh mông, với muôn ngàn con sóng “Dữ dội và dịu êm” như lời thơ của thi sỹ Xuân Quỳnh. Bờ biển nối liền giữa mênh mông đại dương với lục địa và dải đất đai quê hương Việt Nam với những bờ bãi ngút ngàn và xanh tươi.
“Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi
Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời…”
Đó là niềm tự hào mỗi khi chúng ta được giới thiệu với bạn bè Quốc tế về đất nước và quê hương Việt Nam.
Còn Đảo ở Việt Nam lại vô cùng phong phú về số lượng và muôn vàn sự độc đáo về hình dáng. Nước ta có đến xấp xỉ ba nghìn hòn đảo lớn nhỏ khác nhau được nằm rải rác khắp lãnh thổ ở những hải đảo và quần đảo. Đảo là nơi mà “núi thò chân xuống biển” như cách ví von đầy hình ảnh của thi sỹ.
Đảo luôn gắn chặt với biển với bằng những ngọn núi đá rêu phong với muôn hình vạn trạng và còn ghi đậm những dấu tích của thời gian. Đó là những nét trầm tích sống động cùng những vẻ đẹp mang tính văn hóa độc đáo và oai hùng mà chúng ta cần gìn giữ. Biển luôn vỗ về chở che cho đảo giống như người mẹ luôn ôm ấp những đứa con. Đảo yêu thương luôn nằm trong lòng biển và biết chắn giữ cho biển, giảm bớt đi những cơn bão tố, cuồng phong. Biển và đảo luôn gắn bó, quấn quýt không rời và đẹp như những mối tình lãng mạn, thủy chung trong những câu thơ rất lạ của Nguyễn Nhật Ánh:
“Ở nơi núi thò chân xuống biển
Khoảng trống nhỏ nhoi là bãi cát ta ngồi.
Em yêu núi còn anh thì thích biển
Tự bao giờ núi và biển sinh đôi?
Biển và đảo cũng là những nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nhân, các thi sỹ, nhạc sỹ, các họa sỹ khi họ say mê sáng tạo ra những tác phẩm văn chương,âm nhạc và hội họa của mình. Cuối ngày khi hoàng hôn buông xuống, biển cả lại được những chân trời nhuộm tím, màu hoàng hôn trộn vào màu biển xanh ngắt cùng những cánh hải âu rập rờn bay liệng tạo nên những bức tranh thiên nhiên đầy lãng mạn và phóng khoáng. Tôi cũng như nhiều nhà thơ khác đã từng bật lên những câu thơ trong bức tranh “Hoàng hôn tím” ấy:
“Cho anh vuốt nhẹ
Chiều thẫm hoàng hôn
Cho bàn chân khẽ
Dịu dàng gót sen”.
Xin được trích ra hai câu thơ rất hay trong bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh:
“Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”
Và chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã biết một ca khúc rất hay mang tên “Biển, nỗi nhớ và em” đã dược nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc bởi những câu thơ này.
Dưới ngòi bút của các nhà thơ, nhà văn, biển và đảo với cuộc sống con người đã sống động trước mắt chúng ta và tạo nên bao sự thiêng liêng và hùng vĩ khôn cùng. Hồ Tịnh Tâm đã viết những câu thơ về núi và biển đảo thật hay:
“Núi tràn xuống biển, núi lừng lững
Biển chạm tận trời, biển mênh mông
Nha Trang cát trắng khoe nho tím
Ta chẳng khoe em dại dột lòng”.
Biển và đảo cũng tạo nên vẻ đẹp thơ mộng mà trầm hùng, yêu thương và rất đỗi tự hào của người lính khi chia tay với người yêu trong những câu thơ tình hiếm hoi của Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày nào:
“Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Anh như con tầu lặng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên…”
Điều ta luôn trân trọng và muốn nhắc đến nhiều hơn là những người lính đảo với tình yêu Tổ Quốc, yêu quê hương. Các anh là những người vẫn đang hàng ngày hàng giờ cầm chắc tay súng nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió để giữ gìn từng tấc đất, từng hòn đảo của Tổ Quốc thân yêu. Giữa nơi xa tít tắp chỉ có trời và nước ấy là những con người dũng cảm phải sống xa đất liền nhưng họ luôn gắn bó yêu thương nhau như ruột thịt. Ở nơi đảo xa và trập trùng sóng nước ấy có biết bao người lính trẻ phải xa nhà vẫn nhưng lạc quan yêu đời và ngày đêm vẫn luôn hướng về đất liền. Chúng ta đã được biết đến họ qua những “Câu hát nơi đảo xa” thật trầm hùng:
Nơi anh đến
Là đảo xa
Nơi anh đến là đảo nhỏ…
Mảnh đất thân thương mang hình bóng quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Nơi bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua…
Biển và đảo là những gắn bó máu thịt của đất nước không thể tách rời. Rất nhiều Nhà thơ, nhà báo đã cảm nhận và chia sẻ những thiếu thốn, gian khổ của đời lính ở Đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió với những điều giản dị nhưng cũng đầy bi tráng như những câu thơ của Nhà báo Nguyễn Việt Chiến:
“Cờ Tổ Quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương”.
Chúng ta hẳn còn nhớ tới cuốn tiểu thuyết “Đảo Chìm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã được anh viết cách đây gần 30 năm mà vẫn được công chúng luôn đón nhận bởi tấm lòng yêu thương với những người lính đảo. Khi Anh viết và cùng trải nghiệm về cuộc sống gian khổ và vui tươi của những người lính đảo với những nhân vật và sự kiện sống động đã làm cho bao người lính và độc giả phải xúc động. Tác phẩm Đảo Chìm của anh đã được dư luận đánh giá cao và nhiều bạn đọc còn cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết đáng đọc và hay nhất bởi tính chân thực và hấp dẫn tại Biển đảo Trường Sa.
Với vị trí chiến lược và giao thông quan trọng, biển và đảo Việt Nam luôn là đối tượng để Trung Quốc và một số nước nhòm ngó và tranh chấp vào khu vực Biển Đông. Lãnh thổ Việt Nam chúng ta bây giờ không chỉ được trải dài từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, mà còn bao gồm cả vùng trời, vùng biển và hải đảo được trải rộng từ Tây Trường Sơn tới Đông Trường Sa. Do đó với mỗi người dân yêu nước và có lòng tự cường dân tộc, ranh giới và lãnh thổ của đất nước ta luôn gắn liền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 2011 khi tình hình Biển đông trở nên nóng bỏng, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã có bài thơ rất xúc động và ý nghĩa về biển đảo mang tên “Tổ Quốc ở Trường Sa”:
“Nếu Tổ Quốc đang bão dông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa.
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”.
Và những câu thơ của anh như thôi thúc, lay động tâm trí và hành động của bao người lính, bao lớp thanh niên với tuổi trẻ sung sức đang vì Tổ Quốc, vì quê hương mà ngày đêm bám biển ngoài đảo xa:
“Biển mùa này sóng giữ phía Hoàng Sa
Các con Mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ Quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt”.
Tôi thầm mơ ước có một ngày nào đó sẽ được ra thăm các chiến sỹ ngoài Trường Sa để được hiểu thêm về cuộc sống gian khó của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ Quốc để thấy:
“Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra”.
Trước kia tôi đã rất may mắn được có dịp tới thăm nhiều Trạm xá Quân Dân Y tại một số vùng biển và hải đảo nơi tiền tiêu cùng với các anh chị Bộ Quốc phòng qua chương trình “Quân dân y kết hợp” của Bộ Y tế nhưng chưa có cơ hội được biết đến Trường Sa. Những kỷ niệm đáng nhớ sau những chuyến đi khi được gặp và chia sẻ, chung vui cùng những người lính ở Côn Đảo Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Bạch Long Vĩ, Cát Bà…cùng nhiều người bạn trong những năm qua đã gắn bó và bồi đắp thêm cho chúng tôi niềm tự hào dân tộc và thêm yêu mến những người lính đảo- những người chiến sỹ đáng yêu và cũng đầy niềm tin và sự lãng mạn trước những vùng biển đảo xanh biếc.
Chiều nay khi được một mình đứng trước biển và ngắm những hòn đảo của Vịnh Hạ Long xinh đẹp, nơi phong cảnh đẹp như tranh vẽ mà chợt thấy nao lòng trước vẻ đẹp thiêng liêng của một Kỳ quan thế giới. Tôi lắng nghe thì thầm những lời biển hát và kể chuyện quê hương:
“Ơi biển ViệtNam, ơi sóng Việt Nam
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng
Biển xanh vẫn hát những lời yêu thương
Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”
Tôi đã nghĩ tới một câu nói của một ai đó rằng nếu bạn muốn hiểu vũ trụ bao la như thế nào, muốn hiểu cả trời nước, biển đảo và những cơn sóng thì hãy đứng trước biển. Biển cả sẽ là những bài học mênh mông và khoáng đạt nhất về tình yêu quê hương Việt Nam, về tình yêu Tổ Quốc, về con người và khi bạn đang ở một nơi xa, quanh những hòn đảo xinh đẹp kia, những con sóng yêu thương vẫn mải miết vỗ mãi không thôi…
(Quảng Ninh tháng 11/2012)
Tác giả bài viết: Phạm Thị Phương Thảo