(Toquoc)- Với chủ đề “Mùa xuân đất nước”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội đã diễn ra trong không khí trang trọng, đa sắc màu và nhiều bài thơ khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, biển đảo xa xôi.
Vai trò cá nhân được tiết chế
“Mùa xuân đất nước” từng là chủ đề được Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9. Tuy nhiên, nội dung thì hoàn toàn khác khi lựa chọn điểm nhấn hướng về kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Nếu như ở khu vực Hồ quang tỉnh có triển lãm Nửa thế kỷ thế hệ các nhà thơ chống Mỹ (1964-2014) khiến nhiều người, thậm chí cả truyền thông cho rằng Ngày thơ năm nay tôn vinh các nhà thơ chống Mỹ là chưa thật đầy đủ. Bởi vì, bên cạnh việc tôn vinh các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ bằng triển lãm thì các nhà thơ có tác phẩm viết về Điện Biên Phủ, về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là các nhà thơ của thế hệ chống Pháp, và của nhiều thế hệ thơ hôm nay.
Quang cảnh tại Triển lãm Nửa thế kỷ thế hệ các nhà thơ chống Mỹ (1964-2014)
Chủ đề Mùa xuân đất nước trong Ngày thơ lần thứ 12 khá bao quát khi tôn vinh các thế hệ nhà thơ Việt Nam.
Khác với các năm trước, năm nay sau tiếng trống khai hội, bài thơ Nguyên tiêu được ngâm, song song là việc thể hiện bài thơ dưới dạng thư pháp trên nền vải trắng. Không có lễ rước thơ rình rang. Có thể thấy phần “lễ” trong Ngày thơ lần thứ 12 khá nhanh gọn để nhường chỗ cho thơ, cho nhạc và các tiết mục múa.
Quan sát chung trong Ngày thơ lần thứ 12 thì thấy lễ hội thơ đã tiết chế được khá nhuần nhuyễn giữa vai trò cá nhân và tập thể. Nói một cách khác, bên cạnh việc tôn vinh cá nhân thì việc tôn vinh tập thể cũng được chú trọng. Ngoài triển lãm các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ mang tính cá nhân là hợp lý. Bởi họ đã thực sự trở thành những nhà thơ lớn, được nhiều giải thưởng lớn, có đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam. Trên sân khấu ở sân thơ truyền thống cũng xuất hiện các nhà thơ trong vai trò cá nhân đọc thơ như: Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thanh Phong… Bên cạnh đó còn có các tiết mục thơ ca xen kẽ của các tỉnh, thành tham dự.
Tại sân thơ trẻ cũng tương tự. Tham gia các tiết mục thơ thường là các nhóm có sự hỗ trợ của nhạc cụ, của các loại hình nghệ thuật khác như hát xẩm, chèo… khá đa dạng, có khả năng níu giữ chân người tham gia. Xuất hiện trên sân khấu trong vai trò cá nhân kiểu Nguyễn Vĩnh Tiến hát và đọc thơ cũng không nhiều. Hai bên phải và trái của sân khấu chính vốn được coi là khu trưng bày, giới thiệu các gương mặt thơ, năm nay cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thay vì các gương mặt với tên tuổi cụ thể thì năm nay là những tập thể. Đó là Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, là một số trường đại học. Sự khác biệt này khiến cho người tham dự Ngày thơ không khỏi băn khoăn, rằng việc tôn vinh, giới thiệu các Trường, các Hội là cần thiết nhưng liệu rằng có phải vì mấy năm nay Ban nhà văn trẻ cũng “khó tìm” được những gương mặt mới đủ “đứng riêng” để giới thiệu không?
Nội dung các bài thơ được thể hiện trong Ngày thơ lần thứ 12 khá chọn lọc và đa dạng. Ví dụ như những câu thơ mở đầu chương trình của sân thơ trẻ, khá tinh tế, là lạ… khi viết về tháng giêng, về mùa xuân. Những câu thơ một mạc giản dị phác hoạ cuộc sống của chiến sĩ Trường Sa được nhà thơ Phạm Thanh Phong thể hiện, người nghe có thể thấy cái đời thường, ấm áp… Thế nhưng trong bài thơ “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì người nghe lại thấy biết bao đắng đót, nghẹn ngào, tự hào… dành cho những chiến sĩ đã ngã xuống. Thơ không bí hiểm, đánh đố, có cảm xúc
Tiết chế vai trò cá nhân trong ngày hội thơ ít nhiều khiến cho công chúng cảm thấy gần gũi hơn. Gần gũi mà vẫn sang trọng. Sang trọng cho những ai xứng đáng được tôn vinh. Còn gần gũi vì thơ ca không trở thành một cái chiếu dành riêng cho ai hay quá xa vời mà công chúng khó với tới.
Trình diễn thơ tại Sân thơ Trẻ
Đôi điều còn tiếc
Tham dự Ngày thơ lần thứ 12 nhiều người có cảm giác đường đi từ cổng chính vào sân thơ hơi… xa, và hình như năm nay không đông bằng năm trước. Thực ra là do Ban tổ chức bố trí không gian thơ dành cho các câu lạc bộ nằm ngoài khu vực chính diễn ra hai sân thơ chính. Khu vực của các câu lạc bộ nằm ở chỗ… gửi xe. Những năm trước, các câu lạc bộ được nằm dọc hai bên lối đi dẫn vào sân thơ chính nên cảm giác không khí “hội” ở ngay từ phía cổng. Còn năm nay do khác vị trí nên du khách phải đi một chặng đường dài mới đến sân thơ. Và vì khác vị trí nên lượng người tham dự cũng bị tản mát chứ thực chất Hội thơ năm 2014 không hề vắng so với mọi năm nếu gộp tất cả. Việc bố trí cho các câu lạc bộ tách bạch khiến hội thơ có phần trang trọng nhưng lại làm giảm đi tính hội và cái nhìn toàn cảnh thơ ca của chúng ta. Bởi khi nhìn các câu lạc bộ thơ đông đúc, có phần “hồn nhiên” – hồn nhiên hát, đọc thơ, tặng thơ, mời mua sách, mời trở thành hội viên… ít nhiều người tham dự hiểu được thơ ca quần chúng hiện nay như thế nào. Hơn thế, họ sẽ làm cho không khí hội thơ thêm phần sôi động, làm cho đường đến hội thơ gần hơn. Ở các lễ hội, du khách nhiều khi không cần phải vào hội mà chỉ cần đi qua cũng thấy được không khí lễ hội. Bởi cái “không khí” đó nó tràn ra ngay từ ngoài cổng.
Tại hai sân thơ năm nay có sự trùng các tiết mục của nhau. Và cái sự trùng này cũng khá thú vị không biết đó có phải là ý đồ của Ban tổ chức hay không. Ở sân thơ truyền thống – cách gọi thông thường là sân thơ già có tiết mục Hò kéo pháo do các bạn trẻ của trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật thể hiện. Còn ở sân thơ trẻ cũng tiết mục cùng tên lại do các cụ trong câu lạc bộ người cao tuổi thể hiện. Đành rằng, hai tiết mục cùng tên gọi nhưng múa hát, thể hiện không giống nhau. Và đành rằng cùng hướng chủ đề thơ ca về Điện Biên Phủ thì đây là tiết mục “đinh”, nhưng vừa ở sân thơ này, sang sân thơ kia lại thấy giống nhau thì cảm giác Ban tổ chức chưa duyệt kỹ chương trình hoặc dễ khiến người xem cho rằng, thơ và ca viết về Điện Biên Phủ chưa thật nhiều?
Giao lưu diễn ra tại khu vực các Câu lạc bộ thơ
Biểu diễn trên sân khấu tại Hội thơ không chỉ có các tiết mục dành cho thơ mà còn có các bài hát từng được phổ nhạc từ thơ, múa trên nền thơ nền nhạc v.v… khá phong phú, đa dạng. Nói thế để thấy việc đọc thơ, ngâm thơ, múa hát trên sân khấu Ngày thơ là không lạ và luôn được đánh giá cao, trang phục vừa trang trọng vừa nhã nhặn lại vừa hợp lý. Thế nhưng ở Ngày thơ năm nay, tại sân thơ truyền thống có một tiết mục múa hơi khiếm nhã. Tiết mục của tỉnh Hà Giang, múa trên nền thơ. Một diễn viên nữ và hai diễn viên nam, ăn mặc đúng chất vùng cao, rất đẹp, khoẻ khắn, xinh tươi đã mang đến Ngày thơ một không khí lạ. Thế nhưng, cô gái mặc váy xoè mỗi lần co chân lên rồi duỗi thẳng trên sân khấu, hướng về phía khán giả khiến người xem cứ giật mình thon thót khi nội y của cô bị… lộ. Điều đáng tiếc ở đây là không phải một lần mà cả tiết mục có vài lần như thế. Nếu không có “hạt sạn” này thì đây là tiết mục độc đáo, hay và được đánh giá cao. Việc các tiết mục của các tỉnh thành mang đến Ngày thơ Việt Nam là một sáng kiến đáng hoan nghênh, góp phần làm cho Ngày thơ sinh động, nhưng ban tổ chức cũng cần kiểm duyệt kỹ hơn trước khi thể hiện ở thủ đô. Vì rằng, có thể cũng múa như thế trong khí hội hè vùng cao, trong không khí tìm bạn tình, trong không khí một vòng tròn mà có người qua lại… thì có thể chấp nhận được, chứ trên sân khấu bục cao và có cả ngàn người ngồi ở dưới toàn các văn nhân thì dễ làm người xem đỏ mặt…
Hiền Nguyễn