Nhạt nhòa và thiếu điểm nhấn, Ngày hội của thi ca 2014 giống một cuộc ‘hội chợ thơ’ với thập cẩm thịt trâu gác bếp, ngô vùng cao…lẫn vào thơ.
Trước khi Ngày thơ Việt Nam 2014 diễn ra, dư luận đã xôn xao vì ‘phố ông đồ’ – một nét văn hóa rất đẹp ngày đầu xuân đã bị ‘xóa sổ’, thay vào đó là việc quy hoạch các ông đồ về khu phía Hồ Văn (trước cửa Văn Miếu).
Do diện tích khu Hồ Văn khá nhỏ bé, chật chội, các ông đồ lại được ngồi trong những ‘ki ốt’ như khu bán hàng, nên Ngày thơ Việt Nam năm nay thiếu vắng hẳn hình ảnh vốn đi sâu vào tiềm thức người dân Việt: ‘Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu, giấy đỏ. Bên phố đông người qua.’
Với chủ đề: Từ Điện Biên tới Trường Sa, ngày hội của thi ca lần thứ 12 là cuộc hội tụ những tác phẩm, tác giả thi ca ca ngợi truyền thống yêu nước và ý chí đấu tranh gìn giữ vẹn toàn lãnh thổ của các thế hệ người Việt – Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu trong lễ khai mạc.
Vẫn với bố cục hai sân thơ chính: Sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ, Ngày thơ Việt Nam 2014 hướng tới chủ đề kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Sân thơ truyền thống với chủ đề chính xuyên suốt trong nhiều năm nay: Mùa xuân đất nước là phần trình diễn của những nhà thơ Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý và phần giao lưu với các văn nghệ sỹ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử như nhà văn Lê Kim, Hồ Phương, nhạc sỹ Hoàng Vân…
Còn nhớ Ngày thơ Việt Nam 2013, nhóm 9 nhà thơ trẻ mang tên Link hương cửu kiếm đã khuấy động sân thơ trẻ thì năm nay, sân thơ trẻ dàn dựng theo kịch bản kết nối với sự tham gia của các nhà thơ với vai trò ‘hoạt náo viên’.
Với sự góp mặt của các cây bút trẻ: Bình Nguyên Trang, Trương Xuân Thiên (Hà Nội); Nguyễn Minh Cường (Bắc Ninh); Lê Vi Thủy (Gia Lai); Lê Vĩnh Thái (Huế), Lương Thìn (Bắc Ninh), Lò An Dương (Hà Giang); Nguyễn Thế Kiên (Nam Định), đặc biệt là sự trở lại của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến với 2 tác phẩm Bầy chào mào đến đón và Tuổi tôi.
Tuy nhiên, so với những năm trước, Ngày thơ Việt Nam năm nay bị đánh giá là nhạt nhòa, thiếu dấu ấn, thiếu cả sự sáng tạo để đưa thi ca đến gần hơn với độc giả.
Thay cho những ‘cây thơ’ – phần giới thiệu từng tác giả trẻ trong sân thơ trẻ như mọi năm là việc ‘hội chợ hóa’ ngày thơ, với hàng loạt gian trưng bày đặc sản địa phương như thịt trâu gác bếp, ngô Hà Giang, bưởi Đoan Hùng…khiến không gian thơ mất đi ít nhiều giá trị.
Không còn màn rước thơ hoành tráng Rồng rắn lên mây như năm ngoái, Ngày thơ Việt Nam 2014 nhấn vào các hoạt động: Triển lãm các sáng tác, hiện vật của lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và Triển lãm tranh vẽ chân dung các nhà thơ, nhà văn Việt Nam của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen.
Ngoài Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam 2014 có quy mô toàn quốc, các tỉnh, thành phố khác trên khắp mọi miền đất nước cũng tổ chức lễ kỷ niệm bằng nhiều hoạt động thiết thực, tôn vinh những giá trị của thơ ca.