Hôm nay, đúng ngày Rằm tháng Giêng (tức 14-2), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 chính thức khai mạc với chủ đề “Xuân đất nước – Từ Điện Biên đến Trường Sa”. Ngày thơ năm nay nay vẫn thu hút một lượng không nhỏ người yêu thơ nhưng chủ yếu là những người lớn tuổi. Giới trẻ đến với Ngày thơ Việt Nam không nhiều, kể cả ở sân thơ trẻ cũng thiếu sức hấp dẫn hơn so với những năm trước.
Sân khấu thơ truyền thống
Đến hẹn lại lên, vào Rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức. Năm nay là năm thứ 12 của Ngày thơ Việt Nam vì lẽ đó những sự bất ngờ, mới mẻ cũng không còn như trước. Nếu như ở sân khấu Tại sân thơ truyền thống, ngoài phần trình diễn thơ sẽ có phần giao lưu với các văn nghệ sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên, như: nhà văn Hồ Phương, Chu Phác, Lê Kim và nhạc sĩ Hoàng Vân… vẫn hội tụ được lớp nhà thơ lão thành tham gia thì ở sân thơ trẻ, sự thiếu vắng những tên tuổi như Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh… khiến cho sân thơ trẻ năm nay có phần kém hấp dẫn hơn. Sự trở lại của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến với phần thể hiện 2 tác phẩm “Bầy chào mào đến đón” và “Tuổi tôi” cũng không kéo không khí của sân thơ này tươi mới hơn.
Theo quan sát của phóng viên HNMO, trong buổi sáng khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2014, đối tượng khán giả trẻ đến với Ngày thơ rất ít, kể cả tại sân thơ trẻ vẫn chủ yếu là những bậc trung niên đến xem. Nói về sự thiếu vắng và có phần kém sức hút của Sân thơ trẻ năm nay, nhà thơ Phan Huyền Thư, đạo diễn của sân thơ trẻ năm nay thừa nhận, sân thơ trẻ năm nay không còn giữ được đúng tinh thần sôi nổi như những năm trước. Nhiều nhà thơ trẻ không còn hào hứng tham gia, chưa kể chất lượng các tác phẩm thơ gửi về năm nay không cao.
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến trở lại và tham gia biểu diễn 2 tác phẩm
Theo nhà thơ Phan Huyền Thư, một trong những lý do mà Sân thơ trẻ 2014 không tạo được hấp dẫn cũng bởi, sân khấu thơ giờ đây gần như bị biến thành sân khấu thơ quần chúng đúng hơn là sân khấu dành cho các nhà thơ. “Nhà thơ họ cái cái tôi lớn lắm, kể cả những người trẻ thì họ cũng có sự tự tôn nhất định. Khi mà họ cảm nhận thấy mình không còn được coi trọng thì họ cũng không còn tha thiết tham gia”, nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết. Nhà thơ Phan Huyền Thư của tiết lộ, tiếng là sân thơ trẻ nhưng có rất nhiều nhà thơ tham gia biểu diễn ở sân chơi này đã ở tuổi U50. Họ là những hội viên các CLB thơ các tỉnh giới thiệu đến.
Nếu như trước kia, sân thơ trẻ luôn tạo được sức hấp dẫn riêng bởi ngoài những màn trình diễn lạ và độc, gây sốc kiểu Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh vừa đọc thơ vừa trình diễn nghệ thuật đương đại thì bên lề của sân khấu thơ còn có nhiều hoạt động hấp dẫn của các nhà thơ trẻ như trưng bày cây thơ, triển lãm thơ lục bát, các hoạt động giao lưu của nhà thơ trẻ… Tuy nhiên, hai năm trở lại đây thay vì nhường chỗ cho những hoạt động bên lề ấy, BTC lại dành phần lớn không gian tại Văn Miếu Quốc Tử Giám để các CLB thơ đến từ các tỉnh, trường học trưng bày gian hàng riêng. Hình thức trưng bày gian hàng theo kiểu… hội chợ chủ yếu là khoe những sản vật như ngô, thị gác bếp, hình ảnh qủang bá du lịch của địa phương… mà thiếu hẳn nét đặc trưng của nghệ thuật thơ đã khiến Ngày thơ Việt Nam 2012 dần mất đi bản sắc riêng.
Phần triển lãm ảnh và các hiện vật thời chiến khá sơ sài
Ngoài hai sân khấu được dựng lên để trình diễn thơ mà chủ yếu là đọc và ngâm thơ theo kiểu truyền thống, người đến xem khó có thể cảm nhận được nét đẹp của nghệ thuật thơ Việt Nam cũng như những biến đổi, phát triển của thơ đương đại. Bên cạnh đó, Một số hoạt động khác tại Ngày thơ Việt Nam 2014 như triển lãm ảnh, tiểu sử của các nhà thơ, những hiện vật thời chiến… cũng không thật sự nổi bật và còn khá sơ sài so với những gì BTC giới thiệu trước đó.
Hoàng Lân