Phàm cái gì đã thành phong trào, thành nhu cầu lớn tất sinh các dịch vụ. Các nhà xuất bản “Mậu dịch quốc doanh” thường khó mần ăn vì cơ chế, vì thiếu năng động, và ngay cả những cuốn sách hót, chỉ sau vài ngày ra thị trường là đã có sách nhái, sách lậu với giá rẻ hơn sách thật tới 40 – 50%.
Nạn sách lậu đã kêu nhiều năm nhưng thật lạ, nó cứ sống nhơn nhởn. Các nhà xuất bản chỉ biết kêu ồi ồi…
Đã nói về thơ phong trào thì không nên quá ke hay dở, bởi với ngay cả các nhà thơ chuyên nghiệp, để có thơ hay cũng đã là việc chẳng dễ dàng, huống gì. Làm thơ, in thơ đối với nhiều “nhà thơ phong trào” thực chất là dịp để lưu niệm, để giao lưu, kết bạn, kết duyên, kết nghĩa với câu lạc bộ khác, các địa phương khác… với tiêu chí “vui là chính”. Có bạn để ngâm vịnh, để “khoe” tác phẩm, thế là thích rồi; thỉnh thoảng góp tiền, hoặc có một thi hữu đại gia bao, đánh một chuyến xe rầm rộ sang tỉnh bạn “sinh hoạt” văn nghệ, nó tăng phần vui sống, nó lương thiện hơn chán vạn trò khác. Tuy nhiên, đằng sau niềm yêu thích chính đáng này, đã có những người lợi dụng nó để kiếm tiền, làm nhiều điều khuất tất…
Nhiều cụ về hưu, sau nhiều năm bươn chải mưu sinh, đây là lúc rảnh việc, được tự do giãi bày lòng mình, niềm trắc ẩn tâm hồn mình, dù dăm ba câu lục bát, có khi “không thèm” vần, hoặc mấy thi phẩm thơ Đường, tức thơ Tàu đã Việt hóa thành thơ ta, lại có cả câu lạc bộ UNESCO thơ Đường hẳn hoi. Rất nhiều cụ lần đầu in sách, đã tâm sự mong muốn giản dị của mình như vậy. Vì thế, trong vòng hơn một thập niên qua, chưa bao giờ các câu lạc bộ thơ lại nở rộ từ thành thị về tận nông thôn như thế.
Thôi thì, đủ cấp độ. Có câu lạc bộ cao cấp, có cả các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn, hay nhà thơ “triển vọng” hội viên tham gia, như Câu lạc bộ thơ Hồ Gươm, Thăng Long thi xã, Thi đàn thứ bảy, Câu lạc bộ thơ Công nhân… Đại trà hơn, rầm rộ hơn, tên to đùng như Câu lạc bộ thơ Việt Nam. Lại có loại trá hình, tự mọc, tự phong, lợi dụng để mánh mung, lừa bịp các cụ – đã bị báo chí phanh phui, vạch trần – kiểu như Liên hiệp các câu lạc bộ thơ Việt Nam, Câu lạc bộ sáng tác văn học – nghệ thuật Việt Nam của “chủ tịch” Đăng Hạ (tên cúng cơm là Ngô Văn Khích), Trung tâm sáng tác VHNT Việt Nam tỉnh B, khu vực N…
Phong trào thì phải đại chúng. Khổ nỗi, nghề văn thơ nó hay huyễn hoặc người ta. Có cụ, sau một thời gian hoạt động câu lạc bộ tưởng mình đã thành thi sĩ, muốn vào câu lạc bộ xịn hơn, là vào Hội Nhà văn cấp thành phố, thậm chí vào Hội Nhà văn Việt Nam. Một phần, những người đam mê thơ bị mê dụ, một phần do sự phỉnh của những chủ soái, những chủ tịch câu lạc bộ. Tôi từng nghe một ông chủ soái câu lạc bộ thơ nọ đăng đàn diễn thuyết: “Người làm ruộng thì gọi là nhà nông, giáo viên thì gọi là nhà giáo, còn ta làm thơ thì gọi là nhà thơ…”. Nghe tưởng có… lý. Khổ nỗi, khá nhiều cuộc bi hài, nhiều thi hữu ăn dè buộc túm, thậm chí bán gà bán thóc, vay mượn hàng xóm để in thơ riêng, hoặc góp tiền in các tuyển thơ chung bởi cái danh nhà thơ, thi sĩ nghe ngân nga, thánh thót lắm. Thế nên, nhà thơ Đinh Nam Khương, làm thầy bốc thuốc ở Mỹ Đức, hôm cuối năm ra Hà Nội lấy giấy phép tập thơ mới cứ cầm rầm: “Tôi tưởng huyện Mỹ Đức chỉ có tôi và Đỗ Trung Lai là nhà thơ, sao giờ cứ ra ngõ là gặp nhà thơ. Chả biết “nhà” thuộc câu lạc bộ nào nhưng xóm tôi có mấy ông như vậy, họ cứ phong nhau là nhà thơ nhặng xị ngậu cả lên”.
Hành vi bịp bợm của Đăng Hạ (tên thật Ngô Văn Khích) đã bị một số cơ quan báo chí truyền thông vạch trần. Trong ảnh: Đăng Hạ (ngoài cùng bên trái) trao “bằng khen” cho hội viên một câu lạc bộ thơ do anh ta tự lập ra.
Tôi biết một người rất “nhà” như vậy, đó là một bà quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ, hiện làm nghề bấm huyệt ở Hà Nội. Nghe nói bà có khả năng chữa bệnh bằng nhân điện. Tôi và nhà thơ Quang Hoài, qua giới thiệu có đến thử “nhân điện” một vài buổi. Điện thì chưa thấy có cảm giác nhưng nhìn trên vách phòng bấm huyệt thì như “điện giật”. Tấm bằng vinh danh hội viên của Câu lạc bộ thơ Việt Nam oách lắm, lại với danh xưng “Danh y, nhà thơ…”. Kinh chưa! Tôi nhớ không nhầm thì Việt Nam ta, chỉ Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông mới được tôn vinh là Danh y. Và bây giờ thêm bà “Nhà thơ” nọ được Câu lạc bộ thơ Việt Nam phong cho là “Danh y” thứ ba ở quốc gia, thế mới hãi!
Ngày “Danh y – nhà thơ…” nọ ra mắt tập sách đầu tay, các nhà thơ xịn cứ phải là trố mắt nể. Cuộc ra mắt sách ước tốn đến 100 triệu, vì nghe nói một người chỉ ăn theo một cái video clip đã đút túi hai chục triệu rồi, chưa tính mấy chục mâm cỗ to, còn bộ sậu câu lạc bộ và vị chủ soái, kiêm chủ tọa buổi ra mắt. Vị chủ tọa phát biểu rất trịnh trọng, đại ý: Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đến “Góc sân và khoảng trời” là… hết, Phạm Tiến Duật đến “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” là… hết, còn nhà thơ – danh y của chúng ta đây vẫn tiếp tục ra các tập thơ mới. Biệt thự, nhà lầu rồi cũng hết, chỉ thơ ca là tồn tại mãi mãi…
Thôi thì, có tiền thì cứ ra mắt sách, có ai bảo sao đâu. Chỉ thương cho bà “Danh y – nhà thơ…” nọ quá. Chỉ vì các phù thủy thơ bốc bà lên tận mây xanh nên bà mới lãng đãng ở cõi thiên thai như thế.
Nhà văn Nguyễn Văn Đệ, ở Hội Văn nghệ Thanh Hóa, “chuyên gia” viết ký, đã viết hẳn một bài nhắc đến 3 bi kịch thi nhân quê ông, trong đó có một trường hợp thế này: Ông Lê G, khá nổi danh trước đây, bởi ông vốn là đại gia, người hùn vốn thành lập ngân hàng tư nhân rất to đầu tiên ở Thanh Hóa. Nhưng đột nhiên nảy nòi võ vẽ thơ ca, in mấy tập thơ liền, sao nhãng quản lý, lại được vài nhà thơ có tên ở xứ Thanh viết bài cổ vũ tài thơ… Cuối cùng, nhà thơ Lê G đã lĩnh án vài năm tù vì nghiệp “cầm kỳ thi họa” làm cho ngân hàng của ông khốn đốn, nợ nần.
Phàm cái gì đã thành phong trào, thành nhu cầu lớn tất sinh các dịch vụ. Các nhà xuất bản “Mậu dịch quốc doanh” thường khó mần ăn vì cơ chế, vì thiếu năng động, và ngay cả những cuốn sách hót, chỉ sau vài ngày ra thị trường là đã có sách nhái, sách lậu với giá rẻ hơn sách thật tới 40 – 50%. Nạn sách lậu đã kêu nhiều năm nhưng thật lạ, nó cứ sống nhơn nhởn. Các nhà xuất bản chỉ biết kêu ồi ồi. Vừa rồi, 7 nhà xuất bản hết “nhịn nhời”, đã đệ đơn tấu nguy cơ phá sản vì giá thuê nhà cao, kinh doanh sách đang thời bĩ cực. Bán sách được hay không là nhu cầu của thị trường, nhưng sách phải làm nhiệm vụ chính trị, tư tưởng… thế mới khó. Nạn sách lậu lại hoành hành nữa.
Nhưng phong trào làm thơ, in thơ thì không thể nhịn. “Đã mang lấy nghiệp vào thân…”, cụ Nguyễn Du bảo thế. Vả lại, đó cũng là phong trào đẹp, vì cái đẹp, cái lương thiện. Nhưng lập tức sinh ra những kẻ cơ hội, lợi dụng lòng yêu thơ của các cụ. Những chuyện “ăn vặt” thì nhan nhản, kể cả có tờ báo tuần, muốn in thơ thì đừng mong có nhuận bút, mà còn phải nộp tiền vào để được in… Nhưng vụ lừa người yêu thơ đình đám nhất năm qua, báo chí ì xèo, những người bất bình chờ mong phải xử lý nghiêm, chính là vụ liên quan tới “Nhà báo – nhà thơ” Đăng Hạ. Hàng loạt tít báo nóng được loan: “Khi Đăng Hạ tung các chiêu lừa người yêu thơ” (Báo Người cao tuổi), “Tập đoàn bịp thơ… xuyên Việt” (Tiền phong)…
Đăng Hạ bịp những ai, những tập thể nào, vơ vét hàng tỉ đồng ra sao xin đọc trên các báo in, báo mạng. Nhưng quả thực, Đăng Hạ, tên cúng cơm là Ngô Văn Khích, tuổi Giáp Tý (1984), cũng tài. Tài bịp, tài phỉnh, tài đánh vào tâm lí, thị hiếu của những “nhà thơ phong trào”. Về chuyện này, xem ra các tiến sĩ tâm lí kinh viện còn thua xa Khích. Có thể đặc cách phong Khích là “Tiến sĩ danh dự” của “nền” thơ lừa đại chúng.
Tôi gặp Khích – Đăng Hạ lần đầu vào năm 2009 trong một buổi tiếp của Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn, Phú Thọ. Tôi khá ngạc nhiên về việc Khích đã phỉnh thơ, lấy cả được quảng cáo ở tận ngóc ngách rừng Tân Sơn này. Sau này, thấy những cuốn sách Khích in thơ cho các thi hữu, thường ghi xi nhê: “Liên hiệp các câu lạc bộ thơ Việt Nam”, tôi đã thấy đại bịp. Nghĩa là, cái Liên hiệp của Khích còn bao trùm lên cả Câu lạc bộ thơ Việt Nam, nghe nói có đến 7.000 hội viên?
Năm 2013, việc Khích tự lập Câu lạc bộ sáng tác văn học – nghệ thuật, với các con dấu tự khắc và các chiêu lừa phỉnh bằng việc kết nạp, làm thẻ hội viên, mở rộng các chi nhánh ra khắp nước, cấp bằng khen, cấp kỷ niệm chương, thu hội phí, dịch vụ in sách, “ấn” hành… để “tận thu” tiền trong các hầu bao nghèo của đa số các cụ được lật tẩy, người ta mới thấy tài “lái thơ” của Khích – Đăng Hạ. Giả danh nhà báo, tự phong nhà thơ, chức danh trong tập “Thơ hay 3 miền” do chính Đăng Hạ “sản xuất”, liệt kê một dây chức danh của mình: Hội viên ảnh, báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam; Hội VHNT các dân tộc Việt Nam; CLB Thơ Việt Nam; CLB thơ Đường UNESCO; Chủ tịch CLB sáng tác VHNT Việt Nam. Đăng Hạ còn có chức danh Giám đốc Công ty CP Hỗ trợ phát triển truyền thông, một tổ hợp chức danh với các chiêu mạo danh, lừa phỉnh, có những việc phạm luật hình sự, nhưng gần đây nhất, Khích không chừa mà còn định lừa ra mắt một câu lạc bộ chi nhánh tận một huyện miền núi phía Nam nhưng vỡ lở, bị hủy. Không hiểu vì sao Khích vẫn ung dung phát triển nhân lực câu lạc bộ đại phỉnh, đại lái thơ như thế?
Như ở đầu bài tôi đã nói, việc người yêu thơ, làm thơ, in thơ là nhu cầu chính đáng. Chỉ sợ các cụ “mê” quá mà những kẻ cơ hội lợi dụng buôn thơ, “buôn” luôn các cụ. Việc này thì không thể ai khuyên ai được, ngoài việc các thi hữu tự ngộ mà thôi. Ôi, số phận của thơ vốn đã khốn khó, đã nhiều bi kịch, thế mà còn bị lừa nữa thì xót lắm thay!
Hà Nội, 17/12/2013