Chưa từng là hội viên Hội VHNT cấp tỉnh, thành phố nào, cũng không hề làm việc cho một cơ quan thông tấn báo chí nào, thế nhưng đi đến đâu Đăng Hạ cũng tự xưng mình là “nhà thơ – nhà báo”.
Gã tự động lập ra các câu lạc bộ văn thơ để kết nạp hội viên và cấp thẻ giống như các Hội VHNT các tỉnh, thành phố và trung ương để thu tiền hội phí và các khoản tiền khác.
“Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam” do Đăng Hạ “sáng lập”, nhiều người nghe qua đã nhầm lẫn với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong các thẻ hội viên CLB sáng tác VHNT Việt Nam và các kỉ niệm chương, giấy giới thiệu, bằng khen, quyết định thành lập chi nhánh, quyết định khen thưởng, kỉ luật… anh ta đều kí tên với danh xưng là: “Nhà thơ – nhà báo” Đăng Hạ!?Nhiều năm liền lừa gạt người yêu thơ
Đăng Hạ tên thật là Ngô Văn Khích, sinh năm 1984, tại hiện đang ngụ tại Số 1, ngõ 31/2, đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển, Hà Nội. Năm 2009, Ngô Văn Khích lấy danh nghĩa Công ty Thành Phát để ra quyết định thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam và một số câu lạc bộ Văn chương khác. Hạ dùng căn nhà đang ở làm trụ sở hoạt động cho câu lạc bộ và một số công ty do gã thành lập.
Câu lạc bộ sáng tác VHNT Việt Nam do Hạ làm chủ tịch và bầu ra Ban Chấp hành, Ban thi đua khen thưởng, Ban thư kí… Tổ chức hoạt động của CLB này nghe qua giống hệt như một tổ chức xã hội nghề nghiệp thuộc nhà nước quản lý.
Mục đích của Hạ là thành lập nhiều chi nhánh để kết nạp hội viên, chỉ cần nộp vài câu thơ theo dạng văn vần, hò vè gửi về CLB và đóng phí nhập hội, Người yêu thơ sẽ được Hạ cấp thẻ hội viên và trở thành “nhà thơ” ngay lập tức. Nhiều người còn ngỡ mình vừa được kết nạp vào Hội văn học trung ương. Hằng năm ngoài thu phí, gã còn kêu gọi các hội viên tài trợ kinh phí để tổ chức hội nghị, họp hành, in thơ… nhằm trục lợi.
Hạ còn tìm cách bày ra các trò, kí tặng giấy khen, bằng khen, giải thưởng. in thơ, sách và đặt ra giải thưởng này, giải thưởng nọ để lừa bịp, thu tiền hội viên, vét túi các cụ già và những người ở vùng sâu vùng xa yêu thơ chân thật. Trong các “tác phẩm đoạt giải thưởng” gã xét theo tiêu chí ai đóng góp nhiều tiền thì được giải, nhiều người ham giải mắc bẫy của Hạ.
Với quy chế kết nạp hội viên bằng cách nộp tiền không cần quan tâm đến chất lượng bài vở, tác phẩm, điều kiện kết nạp hết sức dễ dàng, nên chỉ trong một hai năm “CLB sáng tác VHNT Việt Nam” đã có hàng chục chi nhánh ở các tỉnh thành và có hơn 5.000 “nhà thơ” mà đa phần là các “bô lão”, có nhiều cụ hơn 90 tuổi là hội viên của gã.
“Thơ nào cũng được in…”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để moi tiền người yêu thơ, Hạ thường đặt tên cho các tuyển tập thơ rất “vĩ mô” như: “Thơ tình VN thế kỷ 20”, “Thơ hay ba miền”, “999 nhà thơ đương đại”, “Chân dung và phong cách”… Ai muốn có thơ đăng trong các tuyển tập này đều phải nộp tiền với giá bạc triệu. Chưa hết, sau khi tập thơ được in xong, những người có thơ trong tuyển tập phải mua lại của gã với giá rất cao, có người mua hàng trăm cuốn mất cả chục triệu đồng để tặng bạn bè, bà con, lối xóm. Hạ thu lợi hàng trăm triệu đồng cho mỗi đầu sách.
Trang điện tử báo Người Cao Tuổi viết: “Bề ngoài “CLB sáng tác VHNT Việt Nam” hoạt động ra vẻ “phong trào”, nhưng bên trong Đăng Hạ làm nghề kinh doanh thơ phú. Các hội viên của Hạ muốn in thơ đều phải qua “nhà in” này. Đăng Hạ vừa biên tập, viết lời giới thiệu tán tụng vừa lo giấy phép. Tất cả các khâu này ông ta “ăn” đậm, “chém” đau các cụ. Chém các cụ như thế chưa “đã”, Đăng Hạ còn “chém” bằng các thủ tục hành chính, thi đua, khen thưởng. Mỗi Kỉ niệm chương Hạ thu 150.000 đồng, một Bằng khen 500.000 đồng, một con dấu cấp cho các chi nhánh thu 460.000 đồng, thẻ hội viên thu 100.000 đồng, Hội phí mỗi năm 50.000 đồng/người…”
Trong vai là người mới tập tọ làm thơ, muốn gia nhập CLB để được kết nạp hội viên và in thơ, chúng tôi điện thoại cho Hạ, Hạ “nhiệt tình” hướng dẫn: “Muốn gia nhập CLB anh viết đơn xin gia nhập và gửi về địa chỉ: hộp thư 11, bưu điện Hai Bà Trưng, 811 đường Giải Phóng, Hà Nội kèm theo 150.000đ, chúng tôi sẽ kết nạp hội viên và cấp thẻ hội viên, phù hiệu cho anh” Tôi hỏi: “Bọn em có thơ muốn đăng thì sao? Giá bao nhiêu một bài vậy anh?”. Hạ đáp: “Hiện nay sắp in tập “Chân dung và phong cách”, muốn được in chung thì phải gửi bài xem ngắn hay dài thì mới báo giá cụ thể. Anh gửi nhanh kẻo không kịp” Sau vài phút trò chuyện, chúng tôi ngỏ ý muốn thành lập chi nhánh CLB, thuộc “CLB sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam” ở một tỉnh phía nam theo quy chế CLB, kèm theo lời hứa sẽ lo các khoản phí, chi phí thành lập và chi phí đi lại cho Ban Chấp hành từ Hà Nội bay vào. Hạ đồng ý ngay và hứa sẽ lo thủ tục, vào tận nơi trao quyết định và thành lập Ban Chấp hành lâm thời cho CLB do tôi đứng đầu mà không cần biết tôi là ai, nghề nghiệp, công việc cũng như tác phẩm và trình độ văn chương ở cấp độ nào. Hạ còn khoe mình có nhiều hội viên và chi nhánh ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… và thường vào công tác nơi đây.
Nhà thơ Trần Quang Qúy, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam nói về “Nhà thơ – nhà báo” Đăng Hạ: “Tôi cho rằng kiểu cách làm của cậu này như một người buôn thơ, có dấu hiệu lừa đảo. Việc ép mua sách, tặng Bằng khen, Kỉ niệm chương để thu tiền là những trò mánh mung, lừa bịp để kiếm tiền. Với việc hoạt động có bổ nhiệm, thu chi, con dấu thì đây gần như là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. CLB sáng tác VHNT Việt Nam phải trực thuộc, chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Về tính hợp pháp của CLB này là phải được sự cho phép của Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ ở các tỉnh nơi có chi nhánh CLB. Còn về hoạt động chuyên môn phải chịu sự quản lý của ngành văn hóa. “Cậu này đã lợi dụng nhu cầu của người làm thơ hiện nay, đặc biệt là những người làm thơ ở các CLB. Chỉ là những hò vè, những câu ca, câu văn có vần, có điệu, các cụ làm cho vui, như là một giải pháp về tinh thần. Họ thể hiện tâm hồn của mình bằng con chữ và muốn in sách để làm kỉ niệm. Tôi biết có nhiều người già nghèo, vì yêu thơ nên nhịn ăn tiết kiệm tiền để được in một tập thơ. Bản thân họ không có lỗi gì vì họ làm thơ không phạm về chính trị. Họ làm thơ không phải để bán. Nhưng trong số đó cũng có không ít người háo danh do được phong là nhà thơ nên đã trở thành nạn nhân của anh này mà không biết”.
Tuy có nhiều bài viết vạch trần các chiêu trò bịp bợm của Hạ và Cơ quan An ninh vào cuộc. Tháng 2.2013, Công an tỉnh Phú Thọ có công văn số 33/CAT-ANCTNB gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Nội vụ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ yêu cầu CLB sáng tác VHNT Phú Thọ (Chi nhánh của Hạ) phải ngừng hoạt động và thu hồi con dấu. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, từ 5.2.2013 CLB sáng tác VHNT Việt Nam phải ngừng hoạt động. Đăng Hạ phải tự giải tán, có trách nhiệm thông báo cho 15 chi nhánh, thế nhưng Hạ không thực hiện. Ngày 7.7.2013 Hạ cho họp BCH mở rộng và lập danh sách BCH mới.
Hiện nay, hằng ngày Hạ vẫn tiếp tục “chiêu dụ” những người thiếu hiểu biết để kết nạp hội viên, gạ gẫm nhiều người yêu thơ thành lập chi nhánh CLB và in thơ để để trục lợi . Mới đây ngày 01.10, Hạ lại tiếp tục tung giấy mời dự lễ ra mắt “CLB sáng tác Văn học nghệ thuật Việt Nam – Chi nhánh huyện Đức Cơ” ở Gia Lai để lừa bịp mọi người, nhưng vụ việc sau đó được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Việc Đăng Hạ tự phong “nhà báo – nhà thơ” để lừa bịp, trục lợi hàng tỷ đồng từ những người yêu thơ, trong đó đa số là cụ già cao tuổi sống bằng những đồng lương hưu ít ỏi, nhưng vẫn cố dành dụm để in thơ, mua sách từ “nhà in” của Hạ đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý và giải tán CLB có dấu hiệu lừa đảo này.
PHÙNG HIỆU