Home > Contend > Phê bình lý luận > Lời khuyên cho nhà văn làm chính trị

Lời khuyên cho nhà văn làm chính trị

Trên Bauxite đang rình rang một tuyên bố khiến nhiều người ngoại đạo (không phải là nhà văn) chột dạ. Người ta hỏi, liệu có là một vụ “Nhân văn- Giai phẩm” tân kỳ?

CUỘC VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP “VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM”

-Hôm 03/3/2014, một nhóm 61 cây bút thuộc các lĩnh vực văn học, thi ca, nghiên cứu, phê bình, kịch tác gia, dịch giả, v.v. là người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã công bố một tuyên bố vận động thành lập “Văn đoàn độc lập Việt Nam”.

Tuyên bố do Trưởng ban vận động, nhà văn Nguyên Ngọc, cùng nhiều cây bút khác là thành viên Ban vận động như Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Trung Quân, Giáng Vân, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Trọng Văn, Võ Thị Hảo, Vũ Thư Hiên, Ý Nhi, v.v. đồng ký tên.

Đây là một biến cố mới, ngoài thông thường. Vì rằng, từ hàng chục năm nay, các nhà văn Việt Nam có một Hội riêng của mình. Hội có Điều lệ và được Bộ Nội vụ công nhận tư cách pháp nhân là một Hội nghề nghiệp nằm trong hệ thống tổ chức chính trị xã hội Việt Nam.

Nay xuất hiện cuộc vận động thành lập hội mới nhưng hầu hết thành viên trong danh sách ban đầu đều là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Vậy hội này là tổ chức trực thuộc Hội nhà văn VN hay là hội độc lập. Có lẽ là hội độc lập vì thấy trong đó có nhiều vị không phải là hội viên Hội nhà văn VN. Để tham gia hội này, liệu họ có phải xin ra khỏi Hội nhà văn VN đã không? Vì rằng chính họ đã biểu quyết cho những quy định trong điều lệ Hội. Và, đã là hội độc lập thì phải tuân thủ luật pháp về thành lập hội, có nghĩa là phải xin phép.

-Tuyên bố cho hay Văn đoàn có ba sứ mạng chính.

Thứ nhất là “đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước.

Thứ hai là “tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ”.

Và thứ ba là “bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.”

Những “sứ mạng” mà họ theo đuổi có phải là tư tưởng mới. Chắc là không, vì rằng những thứ đó cũng đã được xác định trong Điều lệ hội Nhà Văn. Hình như, Điều lệ Hội nhà văn Việt Nam còn cụ thể hơn:

“Điều 7. Những nhiệm vụ cơ bản của Hội Nhà văn Việt Nam

1. Bảo vệ quyền lợi xã hội, nghề nghiệp và quyền tác giả được quy định trong pháp luật nhằm phát huy tự do sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi nhà văn trước sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và quyền lợi của nhân dân.

2. Tạo điều kiện tinh thần và vật chất để hỗ trợ công việc sáng tác, giúp các nhà văn gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt chính trị xã hội của đất nước, với đời sống của nhân dân.

3. Chú trọng, phát hiện và giúp đỡ các tài năng văn học trẻ và văn học các dân tộc thiểu số.

4. Tổ chức tương trợ trong hoạt động, trong sinh hoạt của hội viên. Quan tâm đến đời sống các nhà văn cao tuổi, đau yếu gặp khó khăn và có biện pháp giúp đỡ thích hợp.

5. Đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước những chủ trương, phương hướng phát triển sự nghiệp văn học và các chế độ, chính sách đối với nhà văn.

6. Mở rộng quan hệ hợp tác, tiến hành trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp với các tổ chức văn học và các nhà văn nước ngoài theo quy định của pháp luật.”

Vậy, sinh ra thêm một cái hội mới “Văn đoàn độc lập Việt Nam” để làm gì nhỉ?

Tất cả đã được bộc lộ trong tuyên ngôn. Họ nhận thấy rằng: “văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.”

“Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo.

Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.

Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn.”

Vậy nên, hội của họ sẽ gánh vác sứ mệnh mới. Sứ mệnh chính trị.

Thế là đã rõ, những nhà văn ấy của chúng ta sẽ từ bỏ tất cả những gì hộ đã làm, những gì mà xã hội ưu ái với họ để bảo vệ “sự tồn vong của dân tộc”.

Thật dũng cảm, song cũng xin thật lòng lưu ý các nhà đấu tranh chính trị nên đọc mấy dòng lưu ý của Mõ như sau:

KHI NHÀ VĂN LÀM CHÍNH TRỊ

Sau những năm tháng tập trung công kích “Văn học minh họa”, chê bai những cây đa, cây đề làng văn học mặc nhầm quần nhảy ra làm chính trị khiến văn cũng dở mà chính trị cũng dở, chính họ lại nhảy vào chính trị.

Gần đây, một số nhà văn nói rằng họ đã chán lối viết hư cấu của văn học mà đi vào lĩnh địa mới có tính báo chí, viết tạp văn hoặc viết báo. Nhiều nhà văn có blog, facebook riêng, ở đó, họ tiếp cận với nhiều đọc giả hơn, đọc giả đa dạng hơn. Việc chuyển từ trường phái này sang trường phái khác có vẻ đơn giản vì đó chỉ là ý thích cá nhân chẳng ai ngăn cản và cũng chỉ là vấn đề phương tiện chuyên chở. Tuy nhiên, các nhà văn không ý thức được rằng Văn và Báo tuy có điểm chung là công cụ tư tưởng, song mỗi loại có những đòi hỏi riêng không dung hòa. Nhất là, khi sử dụng nó làm công cụ tư tưởng, nếu không rạch ròi là có thể phạm húy.

Chúng ta đều biết, cức năng cơ bản của văn chương là để giáo dục thẩm mĩ, nuôi dưỡng cái đẹp, bồi đắp, hoàn thiện phẩm chất đạo đức con người. Còn chức năng báo chí là thông tin, là phản biện xã hội, là tạo dư luận xã hội. Khác với văn học, báo chí cung cấp thông tin khách quan cho mọi người, phân tích mổ xẻ hiện thực tìm ra cái đúng cái sai và tạo dư luận nhằm tìm kiếm sự đồng thuận đông đảo để cải biến xã hội, làm cho nó phát triển đi lên.

Tuy đều là sản phẩm viết được chuyển tải qua báo in, báo nói, báo hình, báo mạng nhưng văn chương và báo chí tác động đến nhận thức con người bằng những phương thức khác nhau. Văn chương thì thông qua hình tượng nghệ thuật hư cấu. Còn báo chí thì bằng tả thực, thông tin sự thật. Nhà văn, khi xây dựng tác phẩm văn chương, họ dùng phương pháp điển hình hóa, khái quát hóa, trừu tượng hóa bằng ngôn từ của văn chương đầy tính ẩn dụ, ví von, đa nghĩa. Còn nhà báo khi xây dựng tác phẩm của mình họ chỉ phản ánh một cách trung thực sự việc bằng ngôn ngữ báo chí, hàm xúc, chính xác, nhiều khi trần trụi.

Nhà văn và nhà báo có cách cảm nhận và phản ứng hiện thực khách quan khác nhau. Nhà văn thì cảm nhận bằng cảm tính, bằng linh cảm rất bén nhạy. Đồng thời, tỏ thái độ yêu ghét một cách dứt khoát, gần như tức thì, không cần xem xét nguyên nhân. Nhà báo thì cảm nhận bằng sự nhạy bén phát hiện cái mới, có suy xét cặn kẻ nguyên nhân dẫn đến sự kiện. Vì vậy, họ biểu thị thái độ có tính phê phán, bình luận sự kiện một cách khách quan, không thêm bớt.

Bằng bấy nhiêu thế mạnh và yếu điểm đã nói, nhà văn khi hành nghề sáng tác văn học thì giỏi giang nhưng khi làm báo thường lại dở. Khi làm văn hóa thì giỏi giang nhưng khi làm chính trị lại dở. Bởi vì, họ không thoát ra được cái tính cố hữu, đặc thù văn chương là hay khái quát, nâng tầm hiện thực lên điển hình. Mang tâm thế nhà văn, họ thường lấy suy đoán, liên tưởng, tưởng tượng để đánh giá nhận xét sự kiện. Họ phê phán một cách găy gắt hoặc ca ngợi một cách thái quá thực tiễn cuộc sống mà không mấy khi quan tâm đến nguyên nhân. Họ đem lối viết văn chương vào báo chí, làm cho báo chí thiếu đi sự chính xác của thông tin, làm lệch lạc nhận thức của đọc giả. Họ xây dựng lý tưởng chính trị trên những phỏng đoán, giả định nên không chắc chắn, dễ giao động.

Ngược lại với xu hướng trên, nhà báo khi viết văn thì thiếu đi sức tưởng tượng, hư cấu, điển hình hóa của văn học, mà thường bị lối nghĩ, cách diễn đạt tả thực của báo chí, cách sử dụng ngôn ngữ báo chí vào tác phẩm, khiến cho tác phẩm văn học của họ thiếu đi sự bay bổng, xao động của văn chương. Nhà báo viết văn dường như chỉ thành công nhiều ở thể kí sự văn học.

Những năm gần đây, nhiều nhà báo lập blog, FB để sáng tác văn thơ chia sẻ tâm tư với bạn đọc. Và ngược lại, nhiều nhà văn lập blog, FB để làm báo, chia sẻ thông tin. Ở bình diện nhà báo làm văn thì chẳng có gì rắc rối, vì quyền hư cấu là đặc quyền của văn chương. Nên khi nhà báo có nói quá một chút trong tác phẩm văn chương của họ, thì nó vẫn được bạn đọc thông cảm. Song, ở bình diện khác, nhà văn viết báo, nếu nhà văn nói quá lên theo cách của văn chương trong tác phẩm báo chí của mình thì sẽ bị lên án. Điều này là hợp lẽ, bởi vì báo chí phải lấy sự trung thực, khách quan làm tiêu chí cốt lõi.

Giới blogger xuất thân từ nhà văn ở Việt Nam đã bộc lộ rõ sai lầm, yếu kém khi biến blog, FB của mình thành trang báo, khi viết báo đăng trên các blog, FB. Có thể chỉ ra một loạt nhà văn dạng đó, Nguyên Ngọc, Quang Lập, Trọng Tạo, Xuân Nguyên, Viết Đào, Thùy Linh… Họ vốn là những nhà văn, trong sáng tác họ đã để lại những tác phẩm văn chương được coi là có giá trị, thậm chí là suất sắc. Chẳng hạn như trường hợp Nguyên Ngọc, rất nhiều thế hệ bạn đọc đã và vẫn rất yêu thích văn chương của ông. Tuy nhiên, từ ngày ông tham gia và cổ vũ cho một số những trang mạng đưa thông tin ngụy tạo, bóp méo sự thật, kích động chính trị, ông đã bị bạn đọc coi thường, xa lánh.

Ở lĩnh vực báo chí, các nhà văn luôn là những phóng viên tồi, cách thức làm báo của họ mang màu sắc cải lương. Họ luôn bị tâm thế bênh vực người hèn, kẻ yếu một cách chung chung chi phối. Đứng trước một Phương Uyên liễu yếu đào tơ mà phải chịu cảnh lao tù là họ động lòng trắc ẩn, họ lên án găy gắt chế độ. Nhưng họ không thấy cho rằng, kẻ có vẻ liễu yếu, đào tơ đó đã dám dấn thân làm những việc động trời phản lại lợi ích dân tộc vì những động cơ cá nhân. Trước đây, khi viết văn, sẵn có lối thoát là chẳng pháp luật nào lấy hình tượng văn học để làm chứng cứ bỏ tù nhà văn, họ cứ hung hục sang tác, tung lên sân khấu tư tưởng. Thói quen đó, ngày nay, theo ngòi bút của họ vào sản phẩm báo chí, đôi khi chỉ là sự vô tình. Nhưng luật là luật, trong lĩnh vực báo chí, nếu nói sai là bị chịu trách nhiệm, thậm chí đưa tin, phổ biến tin sai là vi phạm. Thực tế, có nhà văn đã bị bắt vì tội viết báo. Vì sao vậy?

Đấy, là vì họ đã phạm vào những điều tối kị tôi vừa nói ở trên.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *