Home > Uncategorized > Vùng mắt bão Chương XVII

Vùng mắt bão Chương XVII

Vùng mắt bão

 

 

 

Nguyễn Đình Vinh và Thương Huyền

 

 

 

Chương XVII

 

 

 

Mặt trời vừa đội đất nhô lên qua những lùm cây lúp xúp ngoài rìa làng. những quầng mây màu cam đang dần thoát ra khỏi vòng tròn như cái nong con vừa vây quanh vầng sáng chói loà ấy. Hương chủ Đức Đại Đặng Duy Khoả cùng hương quản, và hơn chục cụ trong ban tranh đấu khăn đóng, áo the đĩnh đạc lên đồn. Hôm nay, các cụ cùng hương chủ hương quản lên, không cần sự kêu gọi của tên sếp bốt. Cụ Bùi Quang Đẩu đi đầu. Ngoài bảy mươi, nhưng cái dáng quắc thước gồ ghề của con người từng trải ấy vẫn khiến làng trên xóm dưới phải nể phục. Hương chủ  Hoàn và hương quản Tùng sải bước sau cụ một hàng. Họ lặng lẽ đi. Lá đơn trình đồn nằm gọn ghẽ trong tay hương chủ Hoàn. Những dòng, những chữ trong đơn đã được Lân cùng những người trực tiếp chỉ đạo cuộc tranh đấu soạn khá kỹ càng. 

 

– Mon chef militaire! (Báo cáo xếp) – Cụ Đẩu đứng thẳng lưng, nói với tên sếp bốt bằng tiếng Pháp – Viên sếp bốt ngớ người. Hắn không tin vào những gì tai hắn vừa nghe được. Cái thứ tiếng mẹ đẻ của hắn lại được chính ông già quắc thước, áo the khăn xếp chính hiệu Việt kia phát âm bằng giọng khá chuẩn ư? Hắn đảo mắt nhìn. Cả một tốp hàng chục người vừa đàn ông, vừa đàn bà, dáng vẻ nhẫn nhục, sợ sệt hàng ngày của dân bản xứ biến đâu mất. Thay vào đó, hắn thấy ai cũng có vẻ rất đường hoàng, đĩnh đạc. 

 

– Chúng nó đến đây làm gì? Đã giục dân chuẩn bị dọn làng đi chưa? – Viên sếp bốt cũng không vừa. Thấy cụ Đẩu nói bằng tiếng Pháp, nó quay qua nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ…

 

– Thưa sếp! Hôm nay, chúng tôi đại diện cho dân Đức Đại lên đây, xin được có nhời với quan sếp – Cụ Đẩu tiếp tục – Việc dân Đức Đại chúng tôi bỏ nơi tản cư về lại nhờ sự bảo hộ che trở của chính phủ quốc gia, chắc ngài đã rõ. Dân chúng tôi cũng đã nhận được lệnh của quan lớn đuổi làng tôi rồi. Nhưng thưa quan lớn, mong ngài cho dân chún tôi ở lại làm ăn tại nơi quê cha đất tổ. Nếu bây giờ các quan đuổi dân đi thì dân biết đi đâu? Chúng tôi biết làm ăn thế nào để mà sinh sống? . Dân làng đang sống với quốc gia, không làm gì sai trái với ý đồn, sao đồn lại bắt dân làng phải rời bỏ quê hương ra đi…”

 

– Bẩm quan lớn – Hương chủ Hoàn lên tiếng – lần trước tôi với hương quản của làng cũng đã thưa bẩm với ngài – Dân Đức Đại là dân hay lam hay làm, chỉ cui cút làm ăn, không biết gì đến chính trị quốc gia, xin quan lớn thương tình, đừng bắt dân dọn nhà, dời làng… 

 

– Bẩm báo gì – tên đồn trưởng bỗng  đổi giọng. Nó thét lên – Chúng mày cũng một duộc cả, đều là loại ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản. Cui cút cái gì chúng mày. Chúng mày đã chứa chấp Việt Minh đánh lại quan trên, nên quan trên mới ra lệnh đuổi hết làng mày đi nơi khác. Hạn sau năm ngày nữa, chúng mày không dọn đi thì quan trên sẽ cho bắn đại bác về. Chúng mày nhớ đấy. Đúng năm ngày nữa… 

 

Hắn tuôn một tràng rồi hằm hằm lao vào phía trong, chỉ còn cái gáy đỏ như da gấc chín thấp thô rồi cũng khuất dạng. 

 

**

 

*

 

– Đồng chí Lân chịu trách nhiệm chính lãnh đạo cuộc tranh đấu này, đồng chí tính thế nào thì tính đi…

 

Hương chủ  Hoàn vừa tháo cái áo the vắt lên tay vịn cái tràng kỷ tre đã lên nước bóng loáng, vừa thở phù phù. Với ấm nước dưới gầm thồi, hương chủ ngửa cổ tu ừng ực. Vòi ấm quệt ngang má, để lại một vết nhọ nồi đen ánh như mực tàu. 

 

– Nó nói ấm ớ mà gia hạn thế là nhất định nó găng đấy. Không đùa được đâu. 

 

– Thì tôi có bảo đùa cợt gì với chúng nó đâu. Tôi đã thống nhất với mọi đảng viên của tổ đảng rồi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Không phải mình tránh nó, mà phải tìm cách tự bảo vệ mình. Nhất định nó sẽ câu đại bác vào làng. Mình phải tìm cách ổn định tinh thần cho bà con. Đó là vấn đề quan trọng trước nhất. Ban tranh đấu đã nhất trí đến từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con đào hầm tránh đại bác trong nhà. Vừa làm, họ vừa động viên nhân dân giữ vững tinh thần, đấu tranh với lính đồn. 

 

Đang sấp ngửa lao đến nhà cụ Đẩu, Lân giật mình bởi tiếng gọi giật giọng vọng qua hàng rào găng trước mặt:

 

– Lân! Lân! Mái đầu bù lên như cái nơm nhỏ nhô lên – Tình hình lên đồn thế nào rồi? Nó có nhượng bộ cho mình ở lại làng không?

 

– À, chú. Cháu cứ tưởng ai. Làm gì có. Mình lên là việc của mình, chú lạ gì, đời nào nó lại nhượng bộ mình nhanh thế… Lân rẽ một lối nhỏ bên hàng rào, chui đầu sang.

 

– Mẹ nó – Tuyển co chân đá đá vào gốc rào găng – Tao đã bảo rồi mà. Với lũ đầu đất ấy, nói làm gì cho nó phí nhời. Cứ ở lại, nó đến là choảng. Có thế thôi!

 

– Chú chả phải đe. Nó hạn cho dân mình trong năm ngày nữa không dọn đi là nó nã đại bác về. Dân chết thì đừng có kêu than… Cháu đang bù hết đầu…

 

– Thế à? Thế thì gay đấy. Mày định thế nào? 

 

– Thế nào nữa… Ban tranh đấu đã cùng với tổ đảng vận động bà con làng mình đào hầm tránh đại bác trong nhà rồi. Nhà nào ít người thì đào một hầm. Nhà nào đông người phải đào hai ba cái… Dân mình cũng mệt. Có ít thanh niên trai tráng phần đi thoát ly vào bộ đội chủ lực, phần bán thoát ly du kích, phần lại bị chúng nó bắt lính.. gay quá! À, hay chú cho anh em du kích về đào giúp cho bà con… Đỡ được ít nào hay ít ấy…

 

– Ừ, tao cũng đang định thế. Đêm nay, anh em sẽ về…

 

– Thế thì hay rồi. Chú đưa anh em về vừa đào hầm giúp bà con, hướng dẫn bà con cách ẩn nấp, vừa để bà con thấy bên cạnh họ còn có lực lượng du kích chiến đấu… Gì chứ, có cánh quân chiến đấu bên cạnh, tinh thần bà con phấn khởi, yên tâm lên nhiều…

 

– Yên chí. Đêm nay chúng tao sẽ về. Giờ mày đi đâu thì đi đi, nhớ…

 

Tuyển nói rồi vọt đi. Lân rẽ rào, qua nhà cụ Đẩu. 

 

Mấy đêm liền, Tuyển dẫn anh em du kích bán thoát ly của thôn Đức Đại về giúp đỡ nhân dân đào hầm. Cứ tìm những chỗ thật an toàn. Mé sân, cạnh bếp, bên bờ tre, bụi chuối,… Không khí cả làng nóng dần lên. Khẩn trương! Căng thẳng!

 

Trời đã tối. Bóng đêm mờ mờ lẫn trong ánh sao. Chỉ thi thoảng có ánh đèn chập chờn thoát ra từ những chiếc chụp che, nhoáng nhoàng rọi một vệt sáng như len qua khe cửa hẹp rồi tắt lịm. Những bóng người lầm lũi trong bóng tối. Những tiếng cuốc chắc nịch xoáy vào không gian. Đêm tĩnh lặng đến không ngờ càng khiến tiếng cuốc đào hầm như tiếng ruột gan người Đức Đại nện sâu vào đất. Âm thanh ấy như khoan vào màn đêm, nó như lời hứa sẽ kiên gan bền chí với mảnh đất này. Những gì chắc chắn nhất còn sót lại trên mảnh đất nghèo này đều được người dân Đức Đại đem ra chống hầm, quyết một phen sống mái với địch. 

 

– Này, nhà Lân! Hầm hố bên ấy thế nào rồi? Thấy bóng Khứu thấp thô ngoài đầu thềm, từ bên này rào, Tuyển hỏi với sang

 

– Nhà cháu cũng tươm tươm rồi ông ạ. Chỉ thương mấy bà con bên kia, nhà neo người quá, hầm hố chưa đâu vào với đâu cả, lát mấy chị em cháu bên chỗ phụ nữ cũng phải chạy sang đó giúp bà con một lúc đây. 

 

– Ờ, bấn bận quá, cũng không sao nghĩ ra được nữa. Để tao cho mấy đứa trong tổ du kích sang giúp họ mới được. Nhà Lân về chưa? 

 

– Nhà cháu vừa nhảo về. Đang tụt tạt nhai mấy miếng khoai trong nhà. Mà hình như nhà cháu đang đợi chú thì phải…

 

– ờ, ờ… Để tao nhảo ra ngoài chỗ mấy đứa rồi quay lại. Cứ để nó nuốt thêm vài miếng nữa. Khổ, vì làng vì nước đến cơm cũng chả kịp nuốt nói gì đến nhìn mặt vợ… Mày cũng rõ khổ!

 

Chờ Tuyển chia nhỏ tổ du kích về từng nhà giúp dân, Lân kéo ông chú đích thân đi đôn đốc việc chuẩn bị hầm hố. Trước mắt họ, màn đêm như sẫm lại. Con sông ngoài xa đang mùa nước nổi. Tiếng bìm bịp kêu báo nước ròng khắc khoải. Gió từ ngoài đồng lại cuộn về. Đến chỗ rẽ, Lân giật áo Tuyển:

 

– Nhà ông Tâm chỗ này đây chú, nhà chỉ có hai ông cháu. Vợ chồng anh Tâm đều chết cả rồi. Không biết hầm hố thế nào rồi, mình tạt qua xem…

 

– Ờ. ờ… 

 

Trong bóng đêm mờ mờ, ông Tâm đang lụ khụ kéo từng gầu đất. Giữa đêm tối, Lân vẫn nhận ra khuôn ngực lép kẹp của ông lão phập phồng khiến hơi thở thoát ra khò khè, khó nhọc. Thấy hai chú cháu Lân bước vào, ông Tâm dừng tay kéo đất, cười khọt khẹt trong hơi thở gấp:

 

– Hai chú cháu anh Lân sao lại vẫn mò mẫm với chúng tôi thế này. Hay lại không an lòng hả. Yên chí đi. Có chết cũng còn phải nói lời giã biệt quê cha đất tổ đã chứ. Rồi ông lão ngâm nga “Quê hương nghĩa nặng tình sâu…”. 

 

– Thôi được rồi cụ ạ. Để chú cháu tôi giúp cụ một tay – Lân nói rồi cầm lấy cuốc. Anh nhảy xuống cái hầm đang đào dở, chỉ một lát, tiếng cuốc đã thình thịch khoét vào ruột đất. 

 

Những gia đình neo người trong thôn được mọi người xúm vào giúp sức. Chỉ trong khoảng ba ngày, mỗi nhà đã chuẩn bị đủ cho mình chỗ trú ẩn, dẫu chưa thật an toàn nhưng cũng khiến lòng người dân đằm lại trước bão táp quân thù khi họ biết chắc chắn, nó sẽ trút xuống đầu mình. 

 

 

 

**

 

*

 

Những tiếng đại bác gầm rít trong không gian, nổ chát chúa, khoét những cái hố sâu hoắm đầu tiên trên mảnh Đức Đại. Đạn đại bác từ bốt Giỗ bay vào làng ù ù như trời trở bão. Những mái nhà bị lật tung, ném lên không trung, bốc cháy đùng đùng. Đã quá hạn năm ngày đồn Phương Điếm gia hạn cho nhân dân Đức Đại. Ngôi làng ấy vẫn im lìm không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ người dân ở đây sẽ dời làng như lệnh đồn đã đuổi. Và những quả đạn đại bác đỏ lừ, bay vun vút trong không trung, lao đến từ cái bốt Giỗ gớm ghiếc như con quỷ, nổ chát chúa trên đầu, cả ba bề, bốn bên không nằm ngoài sức tưởng tượng của người dân mảnh đất này. 

 

– Xuống hầm, xuống hầm mau – Tiếng hét thất thanh chạy dài theo các đường ngõ vòng vèo như ruột gà trong làng. Lân đôn đáo khắp nơi nhắc nhở bà con ẩn nấp. Ruột gan Khứu như thắt lại theo mỗi bước đi của chồng. 

 

Do có sự chuẩn bị trước, nhân dân xuống hầm ẩn nấp rất nhanh, loáng cái chẳng thấy bóng dáng ai trên mặt đất, ngoại trừ mấy con chó, mèo xổng chân chạy nháo nhác. Nhiều loạt đại bác từ đồn Phương Điếm rơi xuống khắp làng Đức Đại. Nhà cửa bị thiêu rụi rất nhiều. Lửa đã bốc lên. Hơi nóng phả ra bỏng rát. Không gian mù mịt khói bụi. 

 

Chiều muộn. Khoảng không gian phía Tây hừng hực một màu đỏ máu. Địch đã ngừng bắn, không còn thấy vãi đạn sang làng. Chưa thấy dấu hiệu gì là quân địch từ bốt Giỗ sẽ càn làng ngay. Đại bác vừa ngừng, Lân đã tập hợp anh em trong tổ đảng Đức Đại.

 

– Quân này ác ôn thật –  Tỳ vừa đập đập hai bàn chân vào nhau, xoay người ngồi xuống bên thềm hè. Bà giáo Thuận bưng ra một rổ con khoai luộc, thẩy đến trước mặt mấy anh em:

 

– Thì làm gì có ai nghĩ là nó không ác. Giống quỷ làm sao hành động như người. Mấy anh em tranh thủ, vừa bàn bạc, vừa nhai lấy vài miếng. Cuộc này xem ra còn là phải lâu dài đấy, không thể nhanh chóng đấu với chúng nó được đâu. Cậu cháu, anh em là cứ phải bảo nhau cẩn thận.

 

 Tỳ đẩy rá khoai về phía bà giáo: 

 

– Bá cất đi đi. Chúng em đang rối hết cả ruột, lòng dạ nào mà nhai nuốt lúc này. Lân! Mày tập hợp tình hình các xóm thế nào?

 

– Cháu vừa đảo một lượt rồi. Nhà cửa nó thiêu cháy không ít, còn người thì chết mất hai. 

 

– Nhà nào thế? Tao ở mãi tít cuối làng, hết tiếng nổ là bổ  nhào về đây, chửa biết đầu cua tai nheo thế nào…Tỳ nhổm hẳn người về phía Lân.

 

– Chết anh Vận ở xóm ngoài và bà Phễu. Cả hai đều bị đại bác khoan trúng hầm. Cháu cũng vừa ở đấy, đã cùng gia đình họ moi được xác lên rồi. Nhưng cháu đang nghĩ, không thể bỏ qua cho bọn bốt Giỗ chuyện này. Nếu mình không tranh thủ ngay mà vận động dân đấu tranh với chúng nó khiến chúng chùn tay là chúng nó sẽ làm tới. Rồi thì không chỉ là hai người đâu. Mình không đấu tranh là chúng sẽ giết dân mình không ghê tay đấy.  Nhà anh Vận, bà Phễu cháu cũng đã làm công tác tư tưởng rồi. Hai người chết đã được làm những thủ tục sơ sơ. Họ cũng đã chuẩn bị cáng để người làng khênh xác người nhà họ lên đồn đấu tranh. Việc này phải tổ đảng lãnh đạo, các cụ trong ban tranh đấu cũng đã sẵn sàng, không thể để bọn bên đồn kiếm cớ đàn áp lại dân mình được.

 

– Vậy phải làm thế nào? Có khi mình phải vạch sẵn xem nói những câu gì, nói thế nào chứ không u minh ù cạc được đâu.

 

– Mọi người đã nắm chắc vị trí mình phải chỉ đạo rồi. Việc trước mắt là anh em làm thế nào vận động bà con tập hợp thành đoàn đấu tranh thật nhanh. Mình sẽ cho người cáng xác anh Vận, bà Phễu sang đồn đấu lý với chúng nó. Liệu khoảng mấy giờ thì mọi người hoàn thành công tác vận động của mình? 

 

– Làm gì mà phải mấy tiếng. Chúng tôi làm ngay bây giờ. Gì chứ dân mình cũng đang sẵn lòng căm bốt Giỗ. Gọi là họ đi ngay thôi.

 

– Không chủ quan được đâu. Căm thì căm nhưng cũng không phải là không sợ. Vì thế, mình phải rất khôn khéo trong việc vận động bà con. Phải để bà con an lòng mà thấy, lẽ phải thuộc về mình mà cứng cỏi đấu tranh với chúng nó… Thôi, bây giờ anh em ai vào việc ấy, một tiếng nữa, chúng ta gặp lại, thống nhất cách thức cụ thể.

 

 

 

**

 

*

 

 

 

– Cậu Lân, cậu Lân ơi!  Lân giật thót người bởi tiếng gọi thất thanh từ ngoài cổng vọng vào. Ai như tiếng chị Sự. Khứu hối hả đứng dậy:

 

– Chị Sự à. Chuyện thế nào rồi chị?

 

– Cậu ấy đâu?  Chị Sự lao vào, mặt căng thẳng, âu lo. 

 

– Em đây, đang định nhảo ra ngoài mấy gia đình có người chết đây! Lân từ trong nhà bước ra, vừa đi vừa lấy hai bàn tay xoa mặt. Mắt anh đỏ khé. Đôi mắt của người mất ngủ quá nhiều.

 

– Ờ, ra ngay đi. Mấy nhà ngoài rìa làng, cạnh nhà bà Phễu đang chuẩn bị thu dọn đồ đạc, đi sơ tán hết cả rồi. 

 

– Thật không chị? Em vừa ở đấy về, có thấy gì khác thường đâu? Trán Lân nhíu lại… Thế này thì không được rồi…

 

– Sao lại còn thật với giả gì nữa. Họ đang gói ghém kia kìa. Người ra người vào bàn tán đông lắm. Chả là mọi người tập trung bên nhà bà Phễu để lo hậu sự mà. Cậu phải ra ngay xem thế nào, chứ một hai nhà đi được thì những nhà khác nghĩ sao…

 

– Để em ra – Lân với tay lên cây cột nhà, nhấc cái áo cánh đang treo trên cây đinh cột. 

 

– Này – bà giáo Thuận đứng dậy – Con ra đấy luôn đi, để u qua nhà cụ Đẩu rồi sẽ ra sau. Cứ bình tĩnh, con nhá…

 

– Vâng. Lân tất tả chạy theo chị Sự. Khứu hối hả chạy theo chồng. Vừa chạy, cô vừa quài tay về phía gáy búi lại bối tóc vừa vướng cành tre gai ngang cổng tuột xuống, sổ tung ra.  

 

*

 

Những gói to bọc nhỏ ngổn ngang trên nền nhà bà cả Tốt. Nồi niêu, ấm tách, chén bát… Tất tật cho vào những tay nải, bị cói, bao tải… Bà cả Tốt mặt tái mét cắt không còn giọt máu, vừa nhìn thấy Lân đã mếu máo:

 

– Thôi, phải tội với chú, với làng tôi đành chịu. Cảnh nhà mẹ goá con côi, tôi kinh lắm rồi. Chết chết, vừa mới ùng oàng bên tai, đánh nhoàng cái nhìn sang bên nhà chú Vận đã thấy lửa cháy đùng đùng, giời đất cứ gọi là mù mịt rồi là khét lèn lẹt. Đấy, nói dại, sáng ngày mà quả đại bác ấy rơi trúng nhà tôi thì giờ tôi cũng ruồi bu đặc rồi chứ còn ngồi đây mà thở than được với chú hay sao? Thôi, chú bắt tội thế nào tôi cũng chịu, nhưng tôi không ở lại được nữa rồi… Mẹ goá con côi, ông ấy khuất, tôi chỉ còn mỗi mình thằng cu Tít. Nó có mệnh hệ nào thì nhà chồng tôi mất giống tiệt nòi… Chú tha tội cho …

 

Nhìn gương mặt bệu bạo đầy nước mắt của người đàn bà goá bụa, Lân giấu tiếng thở dài. Anh nhẹ nhàng:

 

– Bác có tội gì đâu. Chúng bắn giết như thế, con người ta ai cũng lần da đến thịt, ai chẳng sợ hả bác… 

 

– Ối giời cao đất dày ơi, chú thấu được cho mẹ con tôi như thế, tôi ơn chú lắm. Tôi đang không biết ăn nói thế nào với chú đây… Bà cả Tốt quơ hai tay lên trời như người chết đuối quờ tìm vật bám víu cuối cùng. 

 

– Tôi cũng biết việc đi hay ở không ai bắt được bác cả. Bác nghĩ thế nào thì làm thế ấy. Làng mình không phải ai cũng hiểu được cho ước nguyện của chúng tôi. Giữ làng, giữ đất cũng có phải giữ riêng cho một mình nhà nào… Nếu không ai định giữ thì mình tôi có chết cũng không làm gì được. Thân tôi cũng vậy thôi. Ai chẳng sợ chết… Nhưng vì mảnh đất hương hỏa, vì mồ mả tổ tiên, bà con làng mình ở lại cả. Nhưng bác muốn đi cháu có giữ cũng đâu được… Giữ người ở, ai giữ được người đi… 

 

Bà cả Tốt ngừng thu dọn, ngẩng lên nhìn Lân chằm chằm. Vừa lúc ấy, cụ Đẩu trưởng ban tranh đấu của thôn cùng bà giáo Thuận bước vào. Mái tóc bạc như cước của cụ Đẩu rung rung…

 

– Cậu Lân nó nói phải đấy. Giữ người ở ai giữ được người đi. Nhà bác muốn đi thì tuỳ bác. nhưng bây giờ hai mẹ con bác chạy đi đâu? bác có ai thân quen ở những làng khác không? Khổ, những lần trước tản cư còn có làng xóm láng giềng, dẫu không nhà không cửa cũng còn có bà con tối lửa tắt đèn. Lần này, mẹ con bác đi, thân cô thế độc, chỉ có một mình, liệu mà toan tính… 

 

 – Thế các cụ già thế cũng ở lại sao? Bà cả Tốt ngước đôi mắt chi chít vết rạn chân chim, ầng ậc nước nhìn cụ Đẩu

 

– Đằng nào chả một lần chết. Bà thấy con người ta cũng có ai sống mãi được đâu. Chết nơi quê cha đất tổ, có bà con xóm láng chả hơn chán vạn chết không đất chôn nơi xứ người hay sao… Thời buổi hòn tên mũi đạn mù trời này, chỗ nào chẳng như chỗ nào, làm gì có nơi nào không có tên rơi đạn lạc. Chả cứ tôi, ngay đến nhà bà Vận kia, con trai vừa bị đại bác bắn chết chiều nay đấy, tịnh có thấy bà ấy nói gì đến chuyện dọn đi đâu đau. Nó vừa hù doạ thế, mình đã cun cút cuốn gói, chẳng thà mình thua nó hay sao. Ai đi cứ đi, những ai ở lại sẽ cùng chúng tôi đấu với chúng nó đến cùng thì thôi. Có chết cũng phải chết cho đàng hoàng. 

 

– Đúng đấy bà ạ. Thôi, cụ Đẩu có đi sang bên nhà chị Phễu tí không? Tôi sang bên ấy xem thế nào… Bà cứ tính toán cho kỹ đi ạ, kẻo đi thì dễ mà đến lúc muốn quay về với bà con lại khó…

 

– Thì ta sang bên đó xem thế nào? Tội thật. Mà cái nhà anh chồng chị Phễu cũng đến là gan. Vợ bị thế mà cấm có hé răng than khổ hay muốn dọn đi. Mà thằng Lân đâu nhỉ? Đây rồi. Mày xem tập hợp bà con, nhất định không bỏ qua cho bọn bốt Phương Điếm vụ này. 

 

– Bà con tập trung bên ấy đủ rồi đấy cụ ạ – Lân chỉ tay sang nhà chị Phễu. Đám đông người lố nhố trên mảnh sân đất ngay bên cạnh cái nền nhà bị cháy đen rụi chỉ còn hai cái cột cái đổ xiêu đổ vẹo và cái hố đạn đại bác toang hoác ngay trên nền cái bếp cũ – Cháu đã thống nhất với tổ đảng rồi. Mình phải tổ chức bà con khênh ngay hai người bị chúng bắn chết hôm nay lên đồn. Nhất định đòi chúng đền mạng. 

 

– Hẳn thế. Không thể lơ mơ để chúng tự tung tự tác muốn hoành hành thế nào cũng được thế. Đi!

 

Cụ Đẩu khoát tay. Mọi người kéo nhau sang cả bên nhà chị Phễu chỉ còn trơ lại hai mẹ con bà cả Tốt. Cu Tít thấy vậy, đùng đùng đá chân vào cái bị cói đựng mấy cái nồi bẹp, vùng vằng:

 

– Làng chả có ai đi mà bu đòi đi. Con không đi đâu. Con ở lại đây, vào tổ thiếu niên quân báo với bọn thằng Tiềm, thằng Trừ… 

 

 Nó nói rồi co cẳng chạy theo mọi người. Còn mình bà cả Tốt ngồi chưng hửng giữa mớ đồ đạc ngổn ngang. Rồi bà lầm lũi đặt từng thứ một vào chỗ cũ. 

 

**

 

*

 

Chiếc đèn quang treo lơ lửng giữa nhà. Căn nhà nhỏ vốn đã thấp càng thêm lụp sụp bởi thứ ánh sáng mờ mờ. Lân ngồi bất động. Hai tay chống cằm. Một con thạch sùng từ trong hốc vách bò ra, bám chặt trên chiếc xà ngang. Nó ngóc đầu, nghiêng ngó xung quanh. Cái ức trắng như trứng nhện phập phồng. Phía cuối thanh xà, một con chuồn chuồn tương đang chấp chới đôi cánh mỏng. Lại có một cuộc chiến sắp xảy ra. Lân chợt nghĩ. Dân Đức Đại hiện giờ không khác gì con chuồn chuồn đang xập xè vỗ cánh kia và quân địch trong bốt Giỗ cũng không khác con thạch sùng đang rình mồi kia là mấy. Nếu chuồn chuồn mất cảnh giác, không đề phòng, nhất định sẽ chết bởi thạch sùng. Anh và những đồng chí trong tổ đảng nhất định không thể để tình trạng ấy xảy đến với người dân Đức Đại. Họ sẽ phải chiến đấu đến cùng. 

 

Cụ Đẩu từ ngoài sân bước vào. Theo sau cụ, mấy người trong ban tranh đấu cùng tcác đảng viên trong tổ đảng Đức Đại cũng kíp tới. Lân triển khai nhanh:

 

– Việc này không thể chậm trễ được nữa. Các đồng chí báo cáo tình hình vận động bà con đi đấu tranh xem đến đâu rồi?

 

– Tất cả các xóm chúng tôi đã hoàn tất. Tinh thần của bà con lên rất cao. Bà con không ngại gì khó khăn, không sợ nguy hiểm. ít nhất là mỗi nhà cũng có một người…

 

– Vậy là ổn rồi. Bây giờ ta chuẩn bị sẵn những điều phải lên đấu với chúng nó. Các đồng chí cần nắm thật chắc, ở đây, mình chủ yếu đấu tranh theo hình thức chính trị là chính, tránh gây đổ máu. Càng bớt căng thẳng càng tốt, chủ yếu phải đạt được mục đích trước mắt của mình là chúng nó không được bắn đại bác vào làng giết hại dân nữa. Tôi phân công thế này…

 

– Trước khi anh Lân tổ trưởng tổ đảng, người chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo dân làng đấu tranh chống dồn dân đuổi làng phân công nhiệm vụ, tôi có ý kiến – Cụ Đẩu đứng dậy… – Như các anh, các chị đã biết. Việc đấu tranh này đảng chưa công khai. Chính vì vậy, những đồng chí trực tiếp lãnh đạo như đồng chí Lân nhất nhất không thể xuất đầu lộ diện. Vì vậy, mọi việc đấu lý với chúng, ban tranh đấu thôn chúng tôi sẽ trực tiếp đứng ra. Các đồng chí chỉ đạo từ xa là được rồi. 

 

– Nhất trí như vậy – Những người dự họp đồng tình. Không thể các đồng chí lãnh đạo xuất hiện trực tiếp được. Nếu không, địch sẽ nắm được mọi đầu mối của ta ngay. Tổ thiếu niên quân báo sẽ làm nhiệm vụ liên lạc, nhận báo cáo từ ban tranh đấu chuyển đến ban lãnh đạo và chuyển lệnh của lãnh đạo tới ban tranh đấu. Chúng ta phải phối hợp thật nhịp nhàng. 

 

– Tỉnh uỷ Hải Dương, huyện uỷ Gia Lộc và chi uỷ Nghĩa hưng cũng đã thống nhất kế hoạch chỉ đạo như vậy. Chúng tôi sẽ triệt để thực hiện kế hoạch này – Lân nhắc lại – Bây giờ chúng ta vào việc chính. Toàn bộ mảng đấu lý với bọn trên bốt Giỗ sẽ do cụ Đẩu đảm nhiệm chính. Những người làm nòng cốt trong ban tranh đấu sẽ cùng phối hợp với cụ Đẩu thực hiện nhiệm vụ này. Việc khiêng cáng sẽ do phụ nữ đảm nhiệm. Tổ phụ lão cứu quốc đảm nhận phần khích lệ, động viên tinh thần những người đi đấu tranh. Bây giờ, chúng ta tản ra cùng với gia đình anh Vận và chị Phễu chuẩn bị võng, cáng đòn khiêng. Để đánh lạc hướng địch, tôi đề nghị thế này, tất cả những người tham gia vào cuộc đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng này đều phải thắt khăn trắng trên đầu. Điều này có nghĩa là gia đình đòi bồi thường mạng, không mang ý nghĩa chính trị gì với bọn địch ở đây để chúng không thể có cớ nói là dân nghe Việt Minh xúi giục. Các đồng chí thấy thế nào?

 

– Sáng kiến đấy. Chúng tôi nhất trí. 

 

– Vậy có ai còn ý kiến gì thêm không?

 

– Làm thôi chứ còn kiến cò gì nữa… Cậu Lân đưa ra kế sách ấy là hợp lý quá rồi. Nhất trí thôi. 

 

Mọi người toả ra các ngõ. 

 

Chỉ một lát, đoàn người tập hợp tại đình làng đã đông như kiến cỏ. Cụ đẩu cùng ban tranh đấu thôn sẵn sàng. Vẫn dáng diệu quắc thước, chậm rãi vốn có, cụ cất giọng:  

 

– Thắt hết khăn trắng lên đầu đi bà con – Tiếng cụ Đẩu sang sảng – Nhà ai có khăn trắng cũng cứ bỏ ra thắt hết lên, chả cần phân biệt họ hàng hay không… càng đông người thắt khăn trắng càng tốt. Đám thanh niên, phụ nữ chuẩn bị xong chưa? 

 

– Chúng cháu xong cả đây rồi cụ ạ. Anh Lân đang chọn người khiêng cáng. 

 

Lân cùng mọi người đặt xác anh Vận và bà Phễu lên hai chiếc võng. Mỗi đầu một người khiêng. Khăn trắng rợp trên những mái đầu xanh nhìn từ xa như đàn cò bồng nhau tìm lại về chốn cũ. Đoàn người khăn tang trắng trên đầu lũ lượt kéo nhau hướng sang phía bốt Phương Điếm. 

 

 

 

 

 

**

 

*

 

– Ối giời cao đất giầy ơi, sao nhà khổ thế nhà ơi. 

 

– Ối chị ơi là chị ơi! SAo chị chết oan chết uổng thế này. Chị sống hiền lành, có làm gì ai đâu mà giời nỡ đầy đoạ chị thế này chị ơi. 

 

Tiếng khóc than rồng rắn theo hai chiếc cáng mỗi lúc một thảm thiết. Người ta khóc, người ta kể lể. tất cả hợp thành một bản hợp âm thật não nề. Đoàn người càng đi càng đông. Dân hai bên đường nghe tiếng than khóc nháo nhào đổ ra. 

 

– Ối giời ơi. Tưởng về với chính phủ quốc gia thì êm cửa êm nhà, ai ngờ nên cơ nên sự thế này, ối em ơi, là em ơi! 

 

– Ông Đội ơi là ông Đội ơi, dân tình làm gì nên tội mà ông cho pháo bắn giết thế này… 

 

Dòng người kéo theo tiếng khóc than diễu qua. Bà con ngoài phố nhìn nhau, chỉ trỏ:

 

– Khốn nạn thật! Bốt Giỗ cho quân giội đại bác vào Đức Đại, người chết, nhà cháy. Sao mà tang thương thế kia… Bọn này ác quá. Làm sao chúng nó có thể ức hiếp dân mình quá như thế được. Đi nào bà con. Đi lên xem quan đồn giả nhời việc này thế nào nào… 

 

Người này gọi người khác. người ta kéo nhau nhập vào. Đoàn đấu tranh ngày một đông. Họ nối thành một khối dài, kéo nhau rẽ vào đầu phố Giỗ.

 

Hai chiếc cáng tiến đến cổng đồn. Mấy tên lính gác hò nhau đóng cổng đồn lại. Dòng người ứ lại như thuỷ triều lên gặp con đê chắn lũ. Tiếng khóc than ngày càng não ruột. 

 

Đoàn người kéo đến bốt Giỗ, hai cánh cổng sắt khép im ỉm, chỉ thấy bên trong cánh cổng vài tên lính canh đứng đấy, tịnh chẳng thấy thằng quan tây nào.

 

– Mấy chú lính ơi! Cho chúng tôi vào gặp sếp bốt một lát thôi – Cụ Đẩu tiến lại gần mấy tên lính gác, giọng nhẹ nhàng. Phía sau cụ, đoàn người vẫn rùng rùng tiến đến ngày một đông. Không khéo chỉ một cú hích tay, hai cánh cổng kia bật ra chưa biết chừng. 

 

– Quan đồn đi vắng. Các ông muốn gặp quan đồn có việc gì? Một tên lính hằm hằm bước tới trước mặt cụ Đẩu. Nó hất hàm vẻ trịch thượng.

 

– Đấy, các chú xem. Bà con dân làng nào ai làm gì đồn mà đồn cho đại bác bắn vào. Các chú thấy không, những người đàn ông, đàn bà hiền lành kia thì họ làm gì nên tội nào. Họ có gì khiến cho đồn tức giận đâu? Vậy mà tại sao họ lại chết tang thương thế kia?

 

– Ối em ơi là em ơi! Sao em lại chết khổ, chết sở thế này, các chú ơi! Bà chị gái bà Phễu lao đến, túm chặt lấy một bên cánh tay của tên lính gác cổng mà kêu khóc. Tên lính hoảng hốt lùi lại. Nó sợ hãi chĩa súng bắn mấy phát lên trời để thị uy. 

 

– Lùi lại. Lùi lại không bắn chết bây giờ – Mấy tên lính lên đạn rôm rốp. Nhưng cũng có những tên lẩn vào sau lưng đồng bọn, thoáng thấy cặp mắt chúng đỏ hoe. 

 

– Sao lại khổ thế này hả ông đồn ơi! Tiếng khóc, tiếng la hét, kể lể  lại ầm ĩ cả cổng bốt. Dòng người sáp lại càng lúc càng đông thêm. Giữa tiếng khóc than, người ta đã thấy cả không khí hừng hực của lửa căm thù. 

 

– Quan đồn ơi! Chị tôi, em tôi không làm gì nên tội, đồn bắn chết thế này, giờ lấy ai nuôi mẹ già, con dại cho chị, cho em tôi đây. Quan đồn trả lại mẹ, trả lại chị, trả lại em cho chúng tôi đi, ối quan đồn ơi là quan đồn ơi! 

 

Hai cái cáng khiêng xác người chết vẫn lắc lư trước cổng đồn. Cụ Đẩu lại tiến lại gần mấy tên lính canh:

 

– Các chú làm ơn, làm phúc cho chúng tôi vào gặp quan đồn một lúc. Tôi cậy nhờ các chú đấy. Cái mạng già này của tôi thì làm gì được ai mà các chú phải ngại. 

 

– Không được. Lùi lại. Ông già lùi lại! – Cụ Đẩu cùng mấy người trong ban tranh đấu vẫn tiến lại gần. Đám lính đồn càng co cụm lại. Không thể để dân cứ tràn lên, dồn lên như nước lũ mùa tháng tám trước cổng đồn như thế, một tên lính lách mình qua cái khe hẹp giữa hai cánh cổng, chạy vào trong bốt. Một lát, nó chạy trở ra, thì thầm vào tai thằng đứng cạnh rồi hóng mắt nhìn vào phía trong. Thằng Tây sếp đồn không biết chui vào xó xỉnh nào mất. Nó cho mấy tên cai người Việt ra. 

 

Hai cái chân khuỳnh khuỳnh như hai chân vịt bơi đỡ cái thân hình béo lùn nhìn như cái nấm di động, tên cai Động hếch bộ mặt lưỡi cày, chi chít vết rỗ hoa, chắc do di chứng của bệnh đậu mùa còn sót lại, hắn chỉ tay vào đám đông, quát thị uy: 

 

– Chúng mày dám đến tận cổng đồn làm loạn cơ à? Dân Đức Đại quả là to gan nhớn mật. Để chúng tao xem lá gan chúng mày to bằng ngần nào… – Cai Động rút khẩu súng lục giắt bên hông, quay mấy vòng loang loáng – Đứa nào xui chúng mày làm chuyện này?

 

– Dạ bẩm ông cai. Ông nói vậy thì oan cho dân chúng tôi quá. Ông thấy đấy, dân chúng tôi không một tấc sắt trong tay, có gì đâu mà bảo là làm loạn – Cụ Đẩu tiến lên một bước, đứng đối diện với cai Động – Mà cũng chả ai xúi bẩy gì chúng tôi đâu. Mong ông Cai rộng lòng soi sét, đừng nói vậy mà tội cho dân. Ông nhìn đây – Cụ kéo hai chiếc cáng khiêng xác người chết lại gần. Hai bộ mặt bị đạn đại bác thâm đen biến dạng, mùi tử khí bắt đầu bốc lên, lành lạnh. Cai Động đột nhiên lùi lại, đôi mắt đỏ ngầu màu máu đảo như mắt cú. 

 

– Nhìn ngó gì, kéo nhau đàn đàn lũ lũ lên kêu khóc om sòm ngoài cổng đồn không là làm loạn còn là cái gì? Cứ nghe bọn Việt Minh xui bẩy, chống lại quan đồn thì chỉ có thiệt thân, còn kêu ca gì? Cai Động vớt vát. 

 

– Xin ông cai đừng nói vậy, tội cho dân lành. Dân chúng tôi đang sinh sống làm ăn yên lành, cơn cớ gì các ông nã đại bác vào làng tôi, đốt nhà, giết người dân vô tội. Cha mẹ, vợ con các ông ở nhà nếu cũng bị thế này, không biết các ông có ngồi yên được không? – Bà giáo Thuận bước lên, bàn tay cầm cái nón cũ lá nón đã ngảu màu thâm lại.

 

– Ơ, ơ… Tên cai Động ngắc ngứ như gà mắc tóc. Nó lùi dần vào phía trong đẩy một thằng khác ra.  

 

– Xin các ông. Mong các ông mời sếp bốt ra đây. Dân chúng tôi hôm nay sang đây chỉ muốn hỏi quan sếp bốt xem, cơn cớ gì lại giết dân vô tội?

 

Phụ hoạ với lời nói của cụ Đẩu, tiếng khóc lại rộ lên. Những tiếng than vãn não nề vọng ra khiến người yếu bóng vía phải rùng mình. 

 

– Ối chị ơi là chị ơi. Chị chết oan chết ức thế này. Chị có làm gì nên tội mà họ giết chị. Chị sống khôn chết thiêng về vật cổ, mổ mắt những kẻ đã gây nên cái chết của chị, chị ơi!  

 

– Thôi, thôi. Viên cai dáng dong dỏng, mặt mũi có vẻ thư sinh vừa ra thay cai Động xua xua tay – Các quan hôm nay đều đi vắng rồi. Bà con có yêu cầu gì cứ nói, chúng tôi về sẽ bẩm báo lại –  Hắn có vẻ nhã nhặn nói với bà con.

 

– Cảm ơn ông Cai – Cụ Đẩu chắp hai tay vào nhau, lại chỉ tay vào xác chết đang nằm trên cáng. Viên cai lùi lại, hắn đưa tay bịt mũi, mặt tái dần khi nhìn thấy đôi chân người chết lòi ra từ manh chiếu đắp hờ, trắng bợt bạt – Dân chúng tôi chẳng yêu cầu gì nhiều. Việc lùng bắn ai là việc của các ông, dân lành chúng tôi không dám quan tâm. Nay chúng tôi hồi cư là muốn được sự che trở của chính phủ quốc gia. Nay quan đồn vô cớ bắn đại bác đốt nhà, giết người, chúng tôi sang đây chỉ yêu cầu quan đồn bồi thường thiệt hại nhà cửa, tính mạng cho dân. Dân chúng tôi vô tội, quan đồn vô cớ cho lính bắn phá, đốt nhà, giết người thì phải bồi thường. Nếu không, chúng tôi nhất định không rời khỏi đây. 

 

Thấy cụ Đẩu nói cứng, thằng cai mặt rỗ tổ ong bầu lại lao ra, trợn mắt:

 

– Chúng mày không về, ông cho lính bắn sạch bây giờ…

 

– Sao ông cai lại nói vậy. Cùng dòng máu đỏ da vàng, ông không thấy dân chúng tôi quá khốn khổ rồi ư?

 

Phía sau cụ Đẩu dòng người lại cồn lên, dềnh lên như sóng cuộn. Tiếng khóc, tiếng la, tiếng kêu ngày một lớn. Cả khối người đang đứng trước cổng đồn sôi sùng sục như một chảo dầu. 

 

Viên cai có dáng dấp thư sinh lại chạy ra. Hắn khoát tay phân bua với bà con:

 

– Mong bà con bình tĩnh. Sự việc xảy ra là do các quan lớn trên tỉnh ra lệnh. Nay các quan lớn đều không có ở đồn. Bà con có yêu cầu thế, nhất định chúng tôi về sẽ bẩm báo lại. Còn bây giờ, đề nghị bà con cứ về nhà…

 

– Thôi, thế này là hôm nay nhất định quan lớn trong đồn không tiếp kiến bà con đâu. Chúng tôi bảo thật, bà con cứ về nhà chuẩn bị cẩn thận thêm đi, nhất định quan đồn sẽ còn cho bắn đại bác nữa đấy – Một người lính vóc dáng nhỏ thó ghé tai chị Sự nói nhỏ. Chị Sự gật đầu, lẩn vào đám đông tìm Tiềm trong tổ thiếu niên quân báo. 

 

Tiềm tách đoàn người, chạy đi. Không biết  gặp Lân ở chỗ nào, và anh đã thay mặt tổ đảng chỉ đạo những gì, chỉ thấy một lát sau, Tiềm chạy lại, mặt đỏ gay. Tháng bảy heo may mà mồ hôi đầm đìa trên mặt. Chị Sự tiến lại gần cụ Đẩu. Phía trước mặt, viên cai mặt thư sinh đang toát mồ hôi:

 

– Bà con cứ về đi. Nhất định tôi sẽ bẩm lại với quan đồn những gì bà con yêu cầu hôm nay. Giờ bà con có ở đây chờ cũng không biết khi nào quan lớn sẽ về. Nhất định tôi sẽ bẩm lại. 

 

 Nghe vậy. cụ Đẩu khoát tay, quay lại dân chúng:

 

– Ông cai đã có nhời như vậy, chúng ta không gây khó dễ với các ông ấy nữa. Nhưng ông nhất định phải về bẩm lại với quan đồn. Nếu không, nhất chết chúng tôi cũng sẽ chết tại sân đồn này rồi tố lên quan tỉnh. Dân chúng tôi cần  yêu cầu quan đồn không được bắn đại bác tuỳ tiện giết hại dân lành. Bây giờ, gia đình tôi sẽ mang xác hai người nhà chúng tôi về. Chỉ mong đồn giữ nhời với dân. 

 

Đoàn tranh đấu đòi đồn Phương Điếm phải bồi thường thiệt hại rời cổng đồn. Tiếng khóc theo chân những người xấu số về lại làng Đức Đại. 

 

Không phải Lân không muốn cho dân đấu tranh đến cùng. Anh nhận thấy lần đầu tiên giáp mặt với quân địch, việc đấu tranh của nhân dân với chúng như thế là tạm đủ. Chỉ nhìn hình ảnh mấy viên sếp Tây trốn biệt đẩy mấy tên cai người Việt chạy ra chạy vào, cun cút như chó cụt đuôi để bẩm báo phân bua là đã đủ lắm rồi. Nếu mình cố găng sẽ bất lợi. Anh chỉ đạo mọi người đem xác anh Vận, bà Phễu về nhà an táng. Một phần xúm lại lo tang ma cho hai người xấu số. Phần dân còn lại xúm tay dựng lại nhà cho những gia đình bị cháy. Đội du kích thôn cũng về  giúp bà con khắc phục hậu quả trận đại bác này. 

 

**

 

*

 

Ngày thứ hai sau cuộc đấu tranh. 

 

Cái nắng tháng tám ong ong như vãi trấu trên đầu. Trời xanh ngắt không một gợn mây. Đã gần nửa tháng nay, bầu trời cứ vòi vọi, oi nồng như thế. Những mái nhà bị cháy, đổ sập trong trận đại bác vừa rồi đã được dựng lại. Mùi bùn vách trát còn nồng nồng như vừa được móc từ đáy ao lên, chỗ trắng, chỗ thâm loang lổ như tấm da báo. Những mái rạ lợp vội, nhìn như tấm áo của người cẩu thả mặc xong chưa kịp vuốt nếp. Lân đang chờ mấy người trong tổ đảng đến để kéo sang nhà cụ Đẩu hội ý rút kinh nghiệm. Giữa cái ngột ngạt oi nồng, anh bỗng thấy thèm một trận mưa rào đến lạ. Nghĩ tới mưa, tự nhiên, những đường gân thớ thịt trong người anh nhão ra. Lân có cảm giác hàng nghìn, hàng vạn giọt nước li ti đang chảy trong huyết quản, đang lan ra, bò dần suốt những mạch máu trong người. Anh thấy như mặt mình dịu lại. 

 

Ngày thứ ba. 

 

Mới từ sáng sớm. Những tiếng đại bác lại gầm rít lại nhằm mảnh đất Đức Đại cày xới. Địch lại tiếp tục nã đại bác sang làng. Những viên đại bác rời nòng, đỏ rực cày ủi tất cả những gì vướng víu trên đường đi của chúng. Những cây chuối  phạt ngang thân, lá cháy xém như bị hơ lửa. Cành xoan, phi lao, bạch đàn bay lả tả trong không trung. Những mái rạ chưa kịp hoàn hồn từ trận đại bác ba ngày trước giờ lại quật lên, bay tứ tán giữa trời. Khói đạn mù mịt lẫn trong bụi đất cát. Mảnh đạn găm vào tường nhà phầm phập. Lân ngồi trong hầm. Mặt đất rung lên từng chập. Trần hầm chuyển động. Những viên đất vụn rơi lả tả trên đầu anh. Đại bác nổ rít trên không, xoáy vào tưởng long màng nhĩ. Những người ngồi trong căn hầm đưa hai tay lên bịt chặt tai lại. Cùi tay họ ép chặt vào ngực để chống lại sức ép của những viên đại bác giũi xuống lòng đất. 

 

Hết trận đại bác thứ nhất. Lân xô nắp hầm, nhảy lên. Việc đầu tiên anh làm là chạy vọt ra ngoài ngõ. Bốn bề vẫn im lìm. Dường như mặt đất trở nên câm nín trước trận cuồng phong của đạn thù. Rồi những mái đầu nhô lên khỏi chỗ ẩn nấp. Tiếng gọi, tiếng hỏi nháo nhào giữa khói đạn vẫn chưa kịp tan hết. 

 

Như vừa qua một trận bão lớn, quang cảnh Đức Đại bỗng chốc trở nên tơi tả. Đạn địch cày xới khắp mọi nơi. Như có tính toán từ trước, bọn bốt Giỗ nhằm vào những chỗ có đông dân nhất của Đức Đại để nã đạn vào. Mấy chục nóc nhà bốc cháy. Cây cối đổ ngổn ngang. Có những thân cây bị đạn giặc tiện ngang, đổ gục xuống nhưng phần bị đứt chưa lìa hẳn khỏi cành, cứ lắt lẻo như người bị thương đang quằn quại. Từ chỗ bị tiện gãy, nhựa ứa ra, bầm lại như máu. 

 

Lại đã cuối thu, chớm vào mùa đông. Những cơn gió heo may cuối cùng đang dập rình rút đi nhường chỗ lại cho mưa phùn gió bấc. Người dân Đức Đại lại nghiến răng thu dọn những gì còn sót lại trên mặt đất sau những trận đạn giặc cày xới. 

 

Đại bác lại nổ. Giờ thì những âm thanh ghê rợn ấy không thể doạ nạt được ai trong làng Đức Đại được nữa. Đã là trận đại bác thứ ba hay thứ tư gì đó rồi kể từ hôm bọn lính bên bốt Giỗ ra lệnh đuổi dồn dân, đuổi làng. Đã thành phản xạ, cứ hễ nghe tiếng kim khí rít lên lọng óc bên ngoài, người ta lại nhanh chóng xuống hầm. Nhiều người gan cóc tía, đang làm ngoài ruộng, nghe tiếng đạn rít chỉ ngửa mặt lên, nhìn theo vết đi của viên đạn rồi lại cắm cúi với công việc của mình.

 

Tháng mười! Mưa! Một cơn mưa bất chợt, kéo dài… tưởng không bao giờ dứt. Chị Yển kéo Khứu chạy vội lên một cái bờ thửa. Xóc cua vừa bắt được lóc nhóc bên hông. 

 

– Gớm! Dạo này, cua cá cũng kiệt. Mò mẫm mãi cũng chưa nổi bữa canh. Chị Yển vừa kéo cái khăn bịt mặt vừa thở hắt ra – Đã vậy lại còn mưa với gió nữa chứ. Ẩm giời thế này, không biết bọn bốt Giỗ có để yên cho mình không?

 

– Thì chị bảo súng đạn đì đoàng thế, con gì sống nổi – Khứu lau nước mưa đang bám đầy trên mặt – Nhà em cũng lâu lắm rồi chả được bát canh tử tế. Còn cái bọn bốt Giỗ thì kệ nó. Nó bắn thì bắn, đấy là việc của nó. Bắn thì mình tránh, chứ cứ sợ nó bắn mà không dám làm ăn gì thì nó chưa giết mình mình cũng đã chết mất ngáp rồi. 

 

– Này! Hai con mẹ kia! Ông Tỳ đi ngang, thấy hai người thấp thô trên bờ thửa, gọi với – Không về đi, mưa gió thế này còn mò mẫm ở đấy làm gì. Rồi bọn bốt Giỗ nổi điên lên, nó táng mấy quả thì biết chui chỗ nào? 

 

– Cậu cứ về trước đi – Khứu nghển cổ – Mò thêm vài con nữa cho đủ nồi canh rồi chúng cháu về. Nó bắn kệ nó cậu ạ!

 

Khứu chưa dứt lời, phía trên kia, ông Tỳ chưa đi được vài bước, đã thấy tiếng đại bác rít lên, xé màn mưa lao tới. Tăng… xình! Tăng… Xình! ình ình.. ình! 

 

Yển kéo Khứu thụp xuống đoạn bờ thửa cao quá đầu. Nghển cổ nhìn ra màn mưa vào làng, Khứu vùng đứng dậy. 

 

– Nó lại bắn rồi. Không biết u em ở nhà có xuống hầm kịp không. Trận đại bác kéo dài tới gần nửa canh giờ. Đất đai tưởng vụn nhão ra. 

 

Hai chị em đội mưa chạy về. Vừa tới nơi đã thấy người làng xúm đông xúm đỏ. Chị Hả vợ anh Đại đang có thai và chị Khuây vợ anh Đố đã bị đại bác bắn chết. Khứu rẽ vòng người đang vây chặt xung quanh hai người đàn bà xấu số, len vào bên trong. Cô đã thấy Lân đang đứng ngay bên cạnh anh Đại. Cả làng hầu như nhà nào cũng có mặt. Cũng không lạ gì điều ấy khi mà những mối quan hệ dây mơ rễ má ở trong làn cứ như những sợi dây thiên lý, dây bìm bìm đang leo chằng chịt trên giàn cao, nhìn thấy quấn quýt bò ngang lan dọc mà đố ai gỡ được để lần ra đâu là gốc. 

 

Anh Đại chồng chị Hả đang ngồi bệt ngay bên xác vợ mình. Đôi mắt anh đỏ sọng, ráo hoảnh nhìn trân trân vào một điểm vô định bên ngoài. Tịnh không thấy anh cất một tiếng nào. Bàn tay sần sùi, vụng về của người đàn ông cứ vuốt mãi trên mái tóc của người vợ đã tả tơi vì đạn giặc, máu lẫn đất bắt đầu khô bết lại. Cả khoảng bụng chị Hả đang mang thai đứa con cứ lùm lùm, vun cao dần lên trong đôi mắt của anh. Cũng như bao người dân Đức Đại, anh cũng không nghĩ mình lại thành người trắng tay nhanh như thế. Từ một người có vợ con, nhà cửa, chỉ trong mấy ngày, bốt Giỗ biến anh thành người không nhà cửa, goá vợ, thành kẻ mất con. Nhà anh cũng đã bị đại bác bắn cháy rồi. Bỗng bàn tay anh  rời mái tóc, xoa mái trên cái bụng đang lùm lùm của chị. Rồi Anh từ từ đứng dậy, ngửa mặt lên trời, thét lên: 

 

– Mình…ơi!

 

Tiếng kêu chới với, đầy tuyệt vọng của anh giống tiếng gầm của con hổ khi bị rơi từ trên cao xuống hố sâu thăm thẳm. Những người đứng quanh bật khóc. Họ lẳng lặng lấy võng, cáng chị Hả, chị Khuây theo con đường cũ sang bốt Giỗ. 

 

Không ầm ĩ, không ồn ào, đoàn người dắt díu nhau bước. Lân biết, những người dân này sẽ khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Cũng vẫn là cụ Đẩu dẫn đầu đoàn người. Tiếng khóc lúc rấm rứt, khi ồ ồ như nước chảy cứ lan dài như tiếng còi tàu trong đêm tối mịt mùng. Nhưng tiếng khóc của những người cáng xác sang đấu tranh với bốt Giỗ lần này không khiến người ta mềm ra, nhão ra mà ngược lại tiếng khóc của họ khiến bao người dân Đức Đại rắn rỏi, cứng rắn thêm. Trong họ, khẳng khái một ý chí kiên định trước quân thù. 

 

**

 

*

 

– Mấy chú lính ơi! Lần này là bà Tuần Ngột cất tiếng gọi khi đoàn người dừng lại trước hai cánh cổng đóng kín mít của bốt Giỗ – Mấy chú làm ơn mở cổng bốt cho chúng tôi vào gặp quan đồn, chúng tôi có chuyện muốn bẩm…

 

– Lại dân Đức Đại! Chả có bẩm báo gì hết. Không ở nhà, kéo nhau, định sang đây ăn vạ cái gì? Về mau! Tên lính nguỵ mặt choắt như cái lưỡi cày vác khẩu tiên liên, nghênh ngang bước tới, đứng trong cánh cổng sắt, nói vọng ra.

 

– Chú lính ơi, sao chú lại nói thế, lưỡi không xương cũng cần uốn vài lần mới cất tiếng cơ mà. Chúng tôi già cả thế này, có phải trẻ con chưa ráo máu đầu đâu mà các chú lại bảo đến ăn vạ?

 

– Không ăn vạ thì kéo nhau đến đây làm gì? Mà cái gì thế kia? Hắn hẩy hẩy nòng súng về phía hai chiếc cáng  – lại xác chết à? Giời ạ! Sao các người động chết lại lễ mễ khênh nhau sang đây làm gì? 

 

-Ai chết chả muốn mồ yên mả đẹp hả chú, làm gì có ai muốn lôi thôi khổ sở thế này. Chú thấy đấy. Con mất mẹ, cha mất con, xót xa không chú… Mà bảo ốm đau chết đã đành, đang yên đang lành, đồn bắn vào làng, chết oan chết ức…Lắm chú ơi! 

 

– Bà già này, dẻo lưỡi nhỉ. Quan đồn không có nhà, cũng không cho phép ai được vào đồn. Mọi người đừng nằm lì, ăn vạ ở đây nữa. Về đi!

 

– Các chú nói gì lạ vậy. Quan đồn không nguyên cớ gì, bắn đạn sang khiến chết người, mạng phải đền chứ… Nhất định quan đồn phải bồi hoàn nhân mạng cho chúng tôi – Cụ Đẩu bước tới, giọng rắn rỏi.

 

Khác với những lần trước, tên đội Gầy trốn biệt tăm, đẩy những tên cai người Việt ra nghe dân đấu lý, nhưng lần này, cả những viên cai người Việt cũng trốn biệt. Chỉ còn mấy tên lính tép riu đứng ra phân trần với bà con. Thấy bà con phản ứng nhiều quá, không chịu được, thằng lính gác cổng hét lên:

 

– Bà con nói bây giờ chỉ mấy thằng lính quèn chúng tôi nghe. Mà chúng tôi chỉ thực thi lệnh của cấp trên. Nếu dân làng mà muốn ở lại làng thì phải lên dinh tỉnh trưởng mà kêu chứ kêu ở đây được tích sự gì…

 

– Cấp trên của mấy chú là đâu? – Bà giáo Thuận bước lên – Nói thực với mấy chú, cơm gạo các chú ăn hàng ngày cũng đều từ những người dân lam lũ chúng tôi khó nhọc hai sương một nắng mà ra. Cha mẹ, anh chị, vợ con các chú ở nhà cũng chả khác gì chúng tôi bây giờ. Liệu các chú có dám chắc, ở làng mình, nhà các chú không bị đốt, làng các chú không bị đại bác, ô bi bắn phá không? Thế nên các chú cũng nên nhìn đến tình cảnh đồng bào với chứ? 

 

– Bà con biết đấy, chúng tôi chỉ như Thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy. Đại bác thì cũng phải các binh lính người Pháp mới được động vào… Thôi, bà con đừng làm khó dễ cho chúng tôi, bắn vào đâu, bắn lúc nào là do lệnh của cấp trên, của ngài tỉnh trưởng… Chúng tôi thì biết giời nào mà lần…

 

– Thôi được rồi, các chú đã nói thế thì chúng tôi cũng chả làm khó cho các chú làm gì, chúng tôi sẽ lên Tỉnh trưởng xin ngay. Chỉ mong trong thời gian tới, đồn không bắn vào làng chúng tôi nữa. 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *