Home > Contend > Phê bình lý luận > Những vần thơ lạ làm “bẩn” văn đàn Việt

Những vần thơ lạ làm “bẩn” văn đàn Việt

Thơ không chỉ chuyển tải nỗi lòng người viết mà còn chuyển tải nhân tình thế thái, là bộ mặt, là hơi thở của thời đại. Thế nhưng, một số “nhà thơ lập dị”

đã biến thơ thành phương tiện của sự nổi loạn, để chuyển tải những sở thích quái gở, lập dị, phản nhân văn của mình.

“Trường phái thơ lạ”

Nổi lên trong “trường phái thơ lạ” những năm gần đây là các tập thơ “Khoan cắt bê tông”, “Vòng tròn sáu mặt” (nhiều tác giả), “Thơ từ jác jưởi” (Bùi Chát)… Tuy nhiên để hiểu thế nào là “trường phái thơ lạ”, trước hết ta hãy thưởng lãm một số bài thơ của các đại diện kiệt xuất của dòng thơ này:

“Xuyên làn da
tôi hỗn độn chảy sâu
rừng lông dựng đứng mỏ rận”
(Khúc Duy)

“đà khóc đã khóc đách khóc đái khóc đám khóc…”
– “â ă ă â ă â…
0’54”, 0’15, 0’09” ”
(Trần Nguyễn Anh)

“Tôi chống đối tất
cả những gì sinh ra tôi chưa chịu chết” (Bùi Chát)

Đọc thơ Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Anh… người đọc bàng hoàng trước ngôn từ: “Tôi thích cái mông”, “Tới một cái đích, một cái đít”, “Tôi mộng tinh đầu gối”, “tôi thấy em mặc quần lót”…

Khó hiểu hơn nữa là dạng thơ “ nửa nạc nửa mỡ”, nửa tây nửa ta, nửa kí tự nửa con số một cách loạn xí ngầu:
AA’BB”AA’BA”
12345678…
42345678 (hít thở , Nguyễn Anh)

“ a yêu em k
a hết money roi
hôm qua đi đâu, trời mưa nhiều quá
oke

Oke ilove you
e không cần tyêu of anh
Why
em cần anh
sorry…”

Đọc xong những dòng thơ này nhiều người tự hỏi, phải chăng tác giả của nó có vấn đề về thần kinh. Tuy nhiên theo tôi biết thì những người này thần kinh và tinh thần hoàn toàn bình thường.

Phong cách nghệ thuật mới được các “quái thi” này thực hiện là sự tự do về ngôn từ, lộn xộn về câu chữ, tắc tị về ý nghĩa. Nhóm người này đã sử dụng ngôn ngữ một cách man dại. Họ ngắt nhịp, xuống dòng, viết hoa, chấm phẩy không theo một quy luật ngữ nghĩa nào. Họ tận dụng tối đa những khoảng trắng trong thơ. Khoảng trắng biến thành công cụ để họ biểu lộ sự dằn vặt, sự bất bình sự khủng hoảng, sự hụt hẫng và sự điên loạn.

Thế nhưng họ vẫn lập nhóm, vẫn mở diễn đàn tranh cãi rất xôm tụm. Một trong những nhóm nổi đình nổi đám là nhóm “Mở miệng” với sự góp mặt đầy đủ của các “tác gia” này .

Vấn đề cách tân thi pháp để theo kịp trào lưu, khuynh hướng thơ trên thế giới là một việc làm cần thiết và đáng hoan nghênh. Nhưng các quái thi này lại lợi dụng hai từ cách tân để “phá phách” ngôn ngữ thơ ca. Để rồi kết quả là sự ra đời của hàng loạt “đứa con tinh thần bị quái thai”.

Chua xót cho những thi sĩ kiệt… sức

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự định hướng nền văn học nước nhà, văn thơ phải hỗ trợ cho việc xây dựng một nền văn hoá “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Xin các “quái thi” đừng lao mình vào các trào lưu thơ mới trên thế giới mà quên đi tính dân tộc của đất nước mình.

Nhóm “nhà thơ” này quay cuồng trong câu chữ mà chẳng biết viết ra để làm gì. Nhiều người gọi cách biểu hiện này là sự cuồng tín.Theo Đại văn hào Hemingway: “Trong tất cả các tội lỗi ghê gớm làm ô nhục thế gian này, cái tai hại nhất, nguy hiểm nhất, cố nhiên đó là sự cuồng tín… Sự cuồng tín thể hiện ở chỗ con người thường xuyên và khăng khăng giữ rịt lấy ý kiến của mình. Kẻ quen phê phán tất cả thực chất đó là kẻ quấy phá…”.

Nhà thơ nhà phê bình Trần Mạnh Hảo cũng từng day dứt về thực trạng thơ hiện nay: “Thơ chỉ còn là những gói mì ăn liền rởm… đó là thứ thơ hè vè”. Đúng là những “Bài thơ kiệt… sức” này nặng “mùi” lai căng và truỵ hoá.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng từng chua xót với hiện tượng này: “Có nhiều tác phẩm người ta vẫn phải đọc mặc dù ai nấy đều có cảm giác là nó thối tha”.

“Thơ là con chữ nhưng còn là nhân tình thế sự” (Phong Lê). Thơ không chỉ chuyển tải nỗi lòng người viết mà còn chuyển tải nhân tình thế thái, là bộ mặt, là hơi thở của thời đại. Còn các “nhà thơ lập dị” này thì thơ đã trở thành phương tiện của sự nổi loạn, là để chuyển tải những sở thích quái gở, lập dị, phi nhân tính, phản nhân văn của mình.

M. Gorki từng nói “Văn học là nhân học”. Đối với những “nhà thơ” lập dị này, văn học là gì đây? Những câu chứ chồng chéo sặc mùi cống rãnh kia có thể gọi là thơ sao?

Vậy mà nó vẫn được in thành tập, photo và phát tán với nhiều hình thức khác nhau. Cách phổ biến nhất là biếu và tặng. Hiện nay, không ít giới trẻ đã có trong tay những tập thơ độc hại này. Nếu loại thơ “vô ngôn, vô nghĩa, vô đạo đức…” này không được ngăn chặn kịp thời thì không biết sẽ còn có bao người bị “ngộ độc thơ ca”? Tác hại của nó thật vô lường (!?).

(Theo CA TP.HCM)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *