Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Giải mã những ồn ào của làng văn: Đi tìm giá trị đích thực

Giải mã những ồn ào của làng văn: Đi tìm giá trị đích thực

Đừng khoác lên mình những chiếc áo quá rộng, đừng PR quá lố mặc dù việc truyền thông quảng bá là cần thiết. Cần đề cao trách nhiệm của người viết nếu muốn tìm lại những giá trị đích thực từ những cuốn sách

Một sự kiện cũng khá ồn ào trong làng văn thời gian qua là sô trình diễn thơ của Vi Thùy Linh tại Nhà hát Lớn Hà Nội hồi tháng 12-2012. Điều chưa từng xảy ra trong làng thơ Việt Nam và cũng chưa có một nhà thơ nào ở Việt Nam dám nghĩ đến.

Những “chiếc áo” quá rộng

Vi Thùy Linh dù được “xưng tụng” là “nàng thơ đã tận hiến” với cuộc trình diễn lớn nhất về thơ khi mang thơ vào Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng sau đó cũng làm dấy lên những luồng thông tin gay gắt về chuyện: Ai PR cho thơ Vi Thùy Linh?

Vi Thùy Linh có khá nhiều “đất” để diễn với thơ, không chỉ trên sân khấu nhà hát lớn với “live show” thơ mà trong từng lần xuất bản, nhà thơ nữ này đều có những “chiêu trò” khác nhau để thu hút giới truyền thông; kiểu như thông tin đến báo giới rằng cô đã đổ cả gia tài vào tập thơ, bìa tập sách được dát bằng vàng lá cán mỏng…

Vi Thùy Linh trình diễn thơ trên sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội Ảnh: BAOMOI.COM

Thơ dát vàng cuối cùng vẫn ế ẩm. Hỏi chuyện tất cả những người bán sách ở phố Đinh Lễ – khu phố sách nổi tiếng với lượng tiêu thụ sách lớn nhất Hà Nội – về sức hút của tập thơ dát vàng, tất cả đều lắc đầu. “Thơ á? Bán cho ai? Sinh viên yêu thơ nhưng chỉ đủ tiền mua sách tham khảo, còn những người đã có tiền rồi thì chẳng ai mơ mộng đến mức bỏ mấy trăm ngàn ra để mua thơ đâu, cho dù có dát vàng đi chăng nữa”.

Một trường hợp khác, rất buồn cười là trong khi ấn phẩm chưa thể gọi là tác phẩm – bởi thứ văn chương nhảm nhí, bị gọi là “dâm thư” đã bị cấm phát hành – nhưng người viết vẫn cứ ra sức dùng chiêu PR hâm nóng tên tuổi. Đặc biệt là diễn biến mới nhất hồi tháng 7-2013, tác giả của cuốn sách này rêu rao lên rằng mình đi kiện “ông lớn” Apple vì đã bán cuốn sách bị cấm (bản điện tử). Tác giả một mực khẳng định không cần dùng vụ kiện đó như một “chiêu PR” nhưng nhiều người đặt câu hỏi tại sao Apple đã vi phạm bản quyền ngay khi cô vừa công bố cuốn sách từ hai năm trước (2010) mà đến nay lúc cuốn sách và cả danh tiếng của người viết đã “chìm nghỉm” theo sự nhảm nhí của nó, cô mới đòi lôi sự việc ra ánh sáng?

Về lý, tác giả có quyền kiện nhưng thời điểm công bố việc kiện và mức giá đòi bồi thường lên đến 2 tỉ đồng là một sự tính toán. Nhiều ý kiến nhận định đây đích thực là một chiêu PR lộ liễu. Có ý kiến còn phân tích cụ thể hơn khi cho rằng tác giả của cuốn sách được gọi là “dâm thư” này đang chuẩn bị cho ra đời cuốn sách thứ hai của mình nên cần đến những thông tin PR này.

Cho dù vô tình hay cố ý sử dụng biện pháp truyền thông, tất cả những hình thức như live show thơ, thơ dát vàng hay vụ kiện bản quyền 2 tỉ đồng đều là những chiếc áo quá rộng đối với giá trị mà các tác giả sở hữu. “Tất nhiên, người sáng tác có quyền PR cho tác phẩm và hình ảnh của mình. Nhưng, đã sáng tạo văn học thì xin các tác giả hãy mang tinh thần khiêm tốn và tinh túy đúng như chữ nghĩa. Đừng khoác lên mình những chiếc áo quá rộng, tác phẩm thì lọt thỏm ở giữa mà công nghệ truyền thông quảng bá thì được thổi phồng lên, rồi cứ bám vào cái bong bóng ấy mà bay lên tận mây xanh” – nhà thơ Vũ Quần Phương nói.

Lương tri của người viết

Những ấn phẩm vàng thau còn lẫn lộn thì lại nổi phềnh lên trong số hàng vạn, thậm chí hàng triệu cuốn sách đã xuất bản trên thị trường, còn những tác phẩm nghiêm túc – những công trình thực sự, có tầm vóc lịch sử, có giá trị văn học, phản ánh chiều sâu văn hóa – thì lại chìm lấp giữa biển thông tin.

Mặc dù đã có một trang web phát triển khá tốt, tư vấn người đọc những đầu sách được lựa chọn cẩn thận nhưng Giải thưởng Sách hay sau khi công bố vẫn bị nhiều độc giả kêu là “thông tin chìm lấp quá, rất khó tìm sách”. Nhà văn Nguyên Ngọc (thành viên Hội đồng Trao giải Sách hay) cũng buồn vì công tác truyền thông của giải thưởng chưa tốt nên chưa thực sự trở thành kênh tư vấn hiệu quả để sách hay tới tay người đọc.

Giải thưởng Phan Chu Trinh cũng bị “phàn nàn” tương tự, thông tin về giải thưởng tới bạn đọc còn ít hơn nữa. Giải thưởng Hội Nhà văn được trao thường niên thì lại hay xảy ra những lùm xùm. Những năm gần đây, “làn sóng” các tác giả từ chối giải thưởng của hội liên tiếp dội vào công chúng, thật giả lẫn lộn, chẳng thể nào trở thành kênh thông tin tư vấn mà chỉ khiến người viết lẫn người đọc đều thấy… đau đầu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, từng đoạt Giải Mai Vàng Nhà văn được yêu thích nhất (tác giả các tiểu thuyết: Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn…), khẳng định: “Rất nên giới thiệu tác phẩm bởi nếu không thì độc giả không biết về tác phẩm giữa rừng sách nhưng đừng có “lố”. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào lương tri của người viết và cả giới truyền thông. Về giá trị tác phẩm thì hãy để hữu xạ tự nhiên hương thôi, độc giả sẽ đánh giá”.

Đại diện NXB Trẻ, một trong những đơn vị đẩy mạnh truyền thông hướng tới giới trẻ, cũng kêu gọi lương tri của người viết và cho biết đang mơ về một ngày mai tươi sáng hơn khi mà giới trẻ được đắp bồi kiến thức qua nhiều năm, nhiều lứa sẽ có được nền tảng văn hóa vững chắc. Khi đó, việc định hướng từ hôm nay sẽ đến lúc đơm hoa kết trái, thật sự giúp người đọc tìm được và lưu giữ những giá trị đích thực.

 

Minh Tuệ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *