Khi ngòi bút chạm được vào nỗi đau của người nông dân
Làng quê Bắc Bộ vốn đã được rất nhiều nhà văn cày xới nhưng qua mỗi một cây bút
tài năng, nó lại mang một dáng vẻ khác nhau. Trong tiểu thuyết Đất thức, Trương Thị Thương Huyền đã không canh tác lại các “thửa ruộng ba bờ bằng bàn tay, cày chẳng nổi, bừa chẳng xong”. Tác giả đã đổi mới hiện thực văn chương theo sự đổi mới của hiện thực quê mình từ khi có chủ trương “dồn ô, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”. Những trang viết nóng hổi tính thời sự đã lôi cuốn bạn đọc suốt 257 trang sách.
Đất thức là câu chuyện đổi đời ở một làng quê Hải Dương trong những năm gần đây. Khanh, một chàng kỹ sư trẻ, đã không bằng lòng với lối làm ăn nhỏ từ bao đời nay trên những mảnh ruộng manh mún.
Anh dám nhận thầu cánh đầm hoang đầy cỏ lác, bất chấp dư luận xóm làng và kẻ xấu phá hoại. Vụ thu hoạch đầu bị lỗ, chưa trả hết nợ ngân hàng thì dịch cúm gia cầm lại ập đến. “Nhìn hình ảnh những người nông dân sạm đen mếu máo, bất lực nhìn đống tài sản của mình giãy giụa giữa hố đất sâu mà ruột gan Khanh thắt lại”. Rồi ruột gan bạn đọc cũng thắt lại khi đến đoạn gần 500 con vịt khỏe mạnh của Khanh cũng sắp xuống hố chôn (theo lệnh tiêu hủy đồng loạt) để lại cho chủ nó hai bàn tay trắng như lúc bắt đầu khởi nghiệp. Qua câu chuyện đàn vịt, người ta thấy lộ ra bức tranh tương phản: trong lúc người nuôi vịt đau buồn thì chủ nhiệm Quán hí hửng vì được dịp ăn xén bớt tiền trợ cấp cho dân. Và hàng loạt những bất ngờ khác xâu chuỗi, lần lượt hiện ra khiến cho người đọc chưng hửng, căm giận, băn khoăn…
Cùng với chuyện làm ăn kinh tế, tác giả lồng ghép vào câu chuyện tình yêu lãng mạn và trắc trở của Khanh và Giang. Giang bị cha mẹ ép duyên lấy người khác. Đêm cuối cùng gặp Khanh, cô đã nói chuyện dâng hiến: “Anh! Chúng mình phải có con. Em muốn tình yêu của chúng mình phải được đền đáp – Giang lại vươn người – Em sẽ nuôi con. Khi nó lớn, em sẽ cho biết bố nó là ai…- Giang nức nở. Khanh vỗ về, bàn tay anh từ từ khép vạt áo Giang lại (…) Giang bật dậy. Cô luống cuống sửa lại quần áo rồi lao bắn ra ngoài”. Đó là câu chuyện tình đầy trắc trở và hồi hộp. Trong ngày cưới, Giang trốn đi biệt tích để lại một mớ bòng bong trong gia đình ông Cẩm và nỗi buồn đè nặng lên Khanh. Giang đã đi đâu? Sống như thế nào? Liệu họ có còn gặp nhau? Món tiền hai chục triệu kia là của ai gửi cho Khanh? Mọi câu hỏi đều bỏ ngỏ.
Trong Đất thức có nhiều nhân vật có cá tính rõ nét, như lão Tỉnh. Lão tên Tỉnh nhưng lúc nào cũng say, mặc dù say nhưng lại rất tỉnh. Lão sống ngang tàng, ăn nói bạt mạng, sống không giúp ích cho ai nhưng khi chết lại giúp ích cho rất nhiều người. Cái chết do ăn phải vịt cúm của lão đã làm mọi người tỉnh ngộ. Câu chuyện từ chỗ phê phán lệnh tiêu diệt hàng loạt gia cầm đã chuyển sang ủng hộ chủ trương này. Như vậy, đừng xếp lão Tỉnh vào loại “nhân vật vứt đi”, rất tội cho lão!
Tác phẩm đã kết hợp hài hòa giữa cái bi và cái hài, trong cảnh bi phẫn nhất vẫn có cái hài chen vào. Cái hài được thể hiện qua hành động, tình huống truyện và cả trong ngôn ngữ nhân vật. Tác giả đã chuyển tải rất hay cái linh hồn của ngôn ngữ tiếng Việt qua lời ăn tiếng nói của người dân quê: “Chúng tôi dân cày dân cuốc, vô tác gác mỏ… Họp với chả hẹp”. Trung thành với lời ăn tiếng nói của bình dân, tác giả đưa vào cả những câu nói “tục” nhất của họ: “Đéo mẹ ! Lùng nhùng thế kia thì còn đào xới chó gì. Làm như gãi ghẻ thì đến bao giờ mới đến đáy hố chỗ gà vịt. Quần áo thế, có ngủ với vợ thì cởi được ra cũng hết cha nó thích/ – Cái nhà bà này, rõ động rồ, có để yên cho chúng nó đào không. Cứ há hốc cái mõm ra, con vi rút nó mà chui tọt vào thì lão Thềm nhà mụ có cơ tậu được nái mới, tha hồ vớ bở”.
Trương Thị Thương Huyền có kỹ thuật viết khá tốt, chuyển tải sinh động hiện thực gai góc, những vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra hiện nay. Người ta thường nói, báo chí là chuyện thật, văn chương là chuyện bịa. Nhưng đọc tiểu thuyết Đất thức, ta sẽ thấy nhiều chi tiết còn thật hơn những điều báo chí phản ánh!
Điều cuối cùng, xin ghi nhận tấm lòng của những nhà văn trong Nhóm văn chương Hồn Việt, do nhà văn Triệu Xuân sáng lập và là Chủ tịch. Từ khi thành lập đầu mùa Xuân 2007 đến nay, Nhóm Văn chương HồnViệt đã giúp các nhà văn xuất bản được hơn năm chục đầu sách, và gửi tặng sách Văn học cho hàng trăm thư viện trong toàn quốc, với số tiền trị giá theo giá bìa hơn ba trăm triệu đồng. Tiểu thuyết Đất thức, tiểu thuyết Đoạn kết một chuyện tình của Hoàng Tuấn… được xuất bản với đối tác liên kết chính là Nhóm Văn chương Hồn Việt. Ngày 29-7-2008 vừa qua, Nhóm VCHV cùng với Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất thành công. Dư luận đã và đang đánh giá cao tấm lòng của những nhà văn trong nhóm Văn chương Hồn Việt. Hy vọng rằng Nhóm VCHV sẽ giúp được nhiều nhà văn có tác phẩm tốt mà chưa có điều kiện in ấn!
PHẠM NGỌC HIỀN