Lệ thường, ngày nào cũng vậy, lão Ban lại ra biển. Không nhìn thấy biển là lão cảm thấy sao sao ấy. Lão dễ nổi cáu với vợ. Chỉ cần nhìn thấy biển, nhìn ra ngoài khơi xa là lão mới dịu đi những cáu ghét của cuộc đời.
Lão đi biển không phải để nhìn thiên hạ tắm, không phải tập thể dục dưỡng sinh, cũng không phải bông lơn chọc ghẹo những mụ hồi xuân. Lão nhìn biển như thể cho vơi bớt nỗi lòng của mình, khi chẳng biết tỏ cùng ai. Thường là lão đi một mình. Nhưng lần này lại khác. Lão cùng thằng cháu nội ra biển chơi.Nhìn thằng cháu đang lượm những vỏ ốc, vỏ sò, những con sao biển, lão thấy hồn mình như nhập vào sóng biển. Vẫn tiếng sóng vỗ bờ, vẫn tiếng rì rào của đại dương, của hồn biển Đông muôn thuở. Vẫn đâu đây từ cõi sơ khai nước mặn, trời nồng. Bỗng thằng Phong – thằng cháu nội của lão – lên tiếng :
– Nội ơi ! Nội coi nè ! Vỏ ốc này đẹp quá, nội ơi ! – Vừa nói, nó vừa chạy tới khoe lão.
– Ừ ! Đẹp quá !- Lão khẽ nói.
Nhìn vỏ ốc trên tay thằng Phong, lão lại nhớ cái vỏ ốc mà lão đã tặng cho Vũ – ba của thằng Phong. Quá khứ ấy như hiện ra trước mắt …
Lão làm sao quên được cái ngày lão được nghỉ phép về thăm gia đình ở Đà Nẵng. Được trở về đất liền, được thăm vợ, thăm con – thăm cái thằng con trai, cái thằng con mà lão chưa biết mặt, lão cảm thấy sao quá tuyệt vời. Nằm thao thức, nghe sóng, gió mang vị mặn trong đêm, lão không ngủ được. Ngày mai là có tàu vào đất liền. Mừng thật ! Vui thật ! Nghĩ đến vợ con, lão lục tìm trong đầu nên tặng vợ, tặng con những gì ? Ở trên quần đảo này có gì ngoài phân chim, cát vàng, san hô, ốc biển…Tặng gì đây cho vợ, cho con ?
Vừa về đến nhà, lão chào mọi người. Vợ lão ôm chặt lão, khóc : “Sao anh không ở ngoài đó ? Anh về làm gì ?”. Lão biết vợ quá thương mình nên nói vậy thôi. Chính vợ lão đã khuyên lão ra đảo nhận công tác khí tượng kia mà.
Nhìn thằng Vũ nằm trên nôi, lão giơ hai tay ra, vừa vỗ vỗ vừa kêu lên : “Ba đây con ! Cho ba bồng tí !”. Thằng Vũ nằm trong nôi khóc ré lên. Thương con, lão muốn bồng con, ôm con. Nhưng mỗi lần lão bồng nó thì nó không chịu. Một bữa, vợ lão lo sắm sửa một ít đồ dùng để lão ra lại đảo, bèn giao con cho lão. Thằng Vũ cứ khóc, không chịu cho lão bồng. Lão lấy những thứ đồ chơi bằng nhựa cho nó chơi, nhưng nó vẫn không chịu nín. Cực chẳng đã, lão bồng con và dỗ. Lão kêu kêu, cười cừời ; lão làm đủ trò ; nhưng thằng bé vẫn cứ khóc. Khóc miết rồi cũng mệt. Mệt nên nó nín. Rồi nó đưa mắt nhìn lão, nhìn khắp phòng. Lão thấy mắt thằng bé nhìn các thứ để ở trong tủ gương như muốn khám phá điều gì đấy. Nhìn con, lão lấy làm lạ. Những thứ trong tủ có gì lạ đâu. Toàn san hô, ốc biển…, những thứ lão mang từ đảo về. Lão bồng con đứng trước tủ. Thằng bé cười – lần đầu nó nhoẽn miệng cười. Lão lấy mấy thứ nhỏ xinh cho thằng bé chơi, nhưng nghĩ lại, lão sợ thằng bé chơi, rồi nuốt bậy, nên lão cất. Thằng bé lại khóc. Cuối cùng, lão chọn cho con một con ốc to bằng nắm tay. Đây là con ốc lão lượm trên đảo đúng vào lúc nghe tin vợ ở nhà sinh thằng Vũ. Thằng bé cầm con ốc, ngậm vào miệng ra chiều thích thú.
Kể cũng lạ ! Từ khi chơi với con ốc, thằng bé lại muốn lão bồng, lão bế. Chỉ trừ lúc nó thèm sữa, còn thì nó đòi lão bồng chơi cùng con ốc cho bằng được. Nó cũng thích lão hát cho nó nghe, nó cũng thèm lão hôn nó…
…Lão vẫn nặng nợ với đảo. Đảo là nhà, là phần cuộc sống của lão. Những lúc thương con, nhớ vợ, lão chỉ biết ngồi trên bãi san hô nhìn vào đất liền. Làm sao lão quên được những hoàng hôn. Màu sắc kỳ ảo vàng đỏ tím xanh cả biển. Mặt trời lặn dần xuống biển như thể thiên nhiên đang cất giấu viên ngọc hồng vào trong rương vũ trụ. Chỉ còn thứ ánh sáng diệu kỳ trên biển. Và trong lão sáng lên thứ ánh sáng của đêm, thứ ánh sáng gia đình, quê hương…Lão thèm được nhìn vợ, nhìn con, nhìn những gì thân thương của mình. Lão quên sao được những lần đem thư của con ra đọc. Ngó thế mà thằng Vũ cũng đã lớn rồi. Học lớp 11.Thư gửi cho lão, lúc nào nó cũng nhắc đến con ốc mà lão cho nó. Cũng từng ấy câu chữ, nó cứ viết vào những lá thư gửi cho lão : “Ba biết không ? Bạn bè con, đứa nào cũng trầm trồ vì con có con ốc đẹp. Con đã từng khoe với bọn chúng là con ốc mang cả hình hài của quần đảo Hoàng Sa. Bọn chúng không tin. Nhưng con tin là thế !”.
Lão cũng tin là thế ! Lão tin quần đảo Hoàng Sa là máu thịt của quê hương. Làm sao lão quên được có lần lão đã dắt thằng Vũ về quê ở tận Quảng Ngãi. Trong lần giỗ chạp, ông tộc trưởng họ Đặng của lão đã từng nhắc rằng lão là kẻ hậu sinh đang kế nghiệp tiền nhân. Mở gia phả, lão rưng rưng đọc những dòng chữ ghi công tích của họ Đặng. Vua triều Nguyễn đã từng phái dòng tộc lão vượt đại dương trấn giữ Hoàng Sa. Lão cảm thấy như máu tiền nhân đang chảy trong cơ thể, tăng thêm nghị lực, tăng thêm tình yêu cho lão trên đảo Cát Vàng. Làm sao lão quên được lúc cúng tế, bà con tộc họ đã bỏ thức ăn, sau khi xong lễ, vào một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối, thả xuống biển. Mũi thuyền hướng về Hoàng Sa như thể rằng Hoàng Sa không thể quên trong hồn người đã khuất. Trong tâm tưởng lão, lúc nào chiếc thuyền bẹ chuối ấy cũng lớn như những chiếc thuyền của dòng tộc họ Đặng, họ Trần, họ Lê…ở quê lão vâng lệnh triều đình, tiến thẳng Hoàng Sa…Trong lão như trỗi dậy những bài văn tế các thủy binh thời ấy. Nhận lệnh vua, nặng nợ nước nhà, buổi ra đi đâu dễ dàng. Sóng gió trùng khơi, thủy quái dẫy đầy, đến Hoàng Sa đâu dễ. Các thủy binh được tế sống lúc lên đường như thể rằng quê hương vẫn nặng nợ với những người con. Lão bùi ngùi, run rẩy như có ai đang bóp nghẹt trái tim. Lão khóc…
Và lão đã khóc rất nhiều khi nghe tin thằng Vũ hy sinh trên Trường Sa năm 1988. Lão không ngờ như vậy. Kỷ vật cuối cùng của con lão là quyển nhật ký. Lão đã đọc đi, đọc lại hoài. Những dòng cuối cùng lão như thuộc lòng : “Ba ơi ! Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu. Dẫu có hy sinh, con vẫn không hối tiếc điều gì vì đã thực hiện theo lời ba dạy.”. Đến giờ, lão vẫn không biết mình dạy con điều gì. Lão chỉ nhớ những việc làm, những tình cảm gắn bó với Hoàng Sa. Không biết có phải những điều ấy là lời lão dạy với con ? Có lần thằng Vũ cầm con ốc đố lão – lúc nó vừa thi xong tú tài : “Đố ba, trên mình con ốc này có gì ?”. Lão ngạc nhiên sao con lão đố như vậy. Nhìn con ốc, lão cười đáp : “Thì chỉ những chấm, những chấm màu vàng nâu”. Thằng Vũ cũng cười, nói : “Rứa con đố làm gì !”. Rồi nó chỉ từng cái chấm, hỏi lão có giống những đảo mà lão đã từng ở không, nhiều chấm có phải là quần đảo không…Và rồi nó kết luận : “Trên mình ốc có in hình quần đảo Hoàng Sa”. Kể cũng hay hay. Từ đó, nó để con ốc vào chỗ trang trọng nhất. Khi nhập ngũ, đi bộ đội hải quân, nó xung phong đi Trường Sa. Lão không gàn con. Nó cũng có tình yêu đảo như lão kia mà !
Kể từ ngày thằng Vũ mất, lão như mất hồn. Cứ những đêm rằm, mồng một, lão lại ra biển. Dù nắng, dù mưa, lão vẫn ra biển thắp ba cây nhang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa mà vái. Ngoài kia, những con thuyền thả lưới, những chiếc tàu đánh bắt cá sáng rực những ánh đèn như thành phố nổi trên biển. Trước mắt lão hiển hiện những ngư dân cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó chịu thương. Trước mắt lão hiện lên những chàng trai giữ đảo, có cả hồn của những người như con trai lão cùng tiền nhân giong thuyền xuôi ngược biển Đông. Nhiều lúc lão lẩm bẩm một mình như đọc thơ về Hoàng Sa…
Và rồi thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Lòng lão trỗi dậy thứ tình yêu biển đảo mà bấy lâu nay ẩn trong tiềm thức. Người họ Đặng hôm nay lại nối tiếp họ Đặng, họ Trần, họ Lê… ở quê lão, như cái thuở cha ông vâng lệnh triều đình ra đảo, gánh trách nhiệm với Hoàng Sa. Lão thấy mình như trẻ lại, khỏe lại và vui hơn. Không vui sao được khi đất đảo quê hương được nhắc đến ? Không vui sao được khi có người dám nhận trách nhiệm nặng mang ? Lời thằng Vũ trong nhật ký sáng rực trong tâm trí lão : “Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu…”.
Tiếng thằng Phong như đánh thức lão :
– Nội ơi ! Mai con phải vào thành phố Hồ Chí Minh.
– Ở thêm ít ngày, được không ? – Lão hỏi như trách .
– Con phải vào để thầy hướng dẫn làm luận văn .
– Thế thì phải vào thôi ! Mà này, con làm đề tài gì ?
– Dạ ! Con làm đề tài về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong mối quan hệ với biển Đông.
Trầm ngâm một lúc, lão lên tiếng :
– Gay đó con ! Nhưng phải gắng thôi.
– Dạ ! Con nghe lời nội.
Hai ông cháu cùng dắt tay xuống tắm. Nước biển tắm mát cơ thể lão, cơ thể cháu lão. Nước biển Mỹ Khê giống như nước biển Hoàng Sa. Lão nghe mằn mặn bờ môi. Lão đứng lên. Mặc từng cơn sóng đổ trên người, lão nhìn ra xa khơi. Đau đáu là Hoàng Sa trong nỗi nhớ…
Phan Trang Hy