Có thể nói, khi văn học nghệ thuật xuất hiện cũng là lúc lý luận phê bình (LLPB) ra đời, tất nhiên khi đó mới chỉ là những khen chê theo cảm nhận đơn thuần riêng của mỗi cá nhân. Thời gian trôi, theo dòng chảy của văn học, LLPB cũng đã có những phát triển đáng kể. Nhưng vài chục năm trở lại đây, sự nhìn nhận đánh giá về vai trò, vị trí của LLPB trong quá trình phát triển của văn học chưa thật đúng mực, nhất là trong sự hoà nhập mạnh mẽ của VHNT vào cơ chế thị trường
, khi văn học nghệ thuạt cũng trở thành hàng hoá – một thứ hàng hoá đặc biệt thì hiện tượng, phê bình đánh giá các tác phẩm chạy theo cảm hứng xảy ra. Và khi người ta dần dần không còn quan tâm tới tác phẩm mà quan tâm nhiều tới tác giả, tới ai là người làm ra tác phẩm ấy thì việc đánh giá đúng vai trò của LLPB càng trở nên xa vời.
Công bằng mà nói, cũng không thể chỉ trách cứ giới VHNT và người đọc khi chính những người làm công tác LLPB chưa thực sự quan tâm đúng mực tới công việc của mình. Chính hiện tượng “yêu” tác giả nào thì khen lên tới mây xanh và ghét ai thì vùi xuống đáy bùn đã khiến độc giả nói chung và giới VHNT nói riêng có những cái nhìn thiếu chuẩn xác về vai trò và vị trí đích thực của LLPB VHNT trong tiến trình phát triển chung của VHNT. Hiện thực này đã khiến đội ngũ những người làm công tác LLPB ngày một thu hẹp bởi chẳng ai muốn mình là kẻ ngốc ghếch khi giữa dòng chảy cuồn cuộn của cơ chế thị trường lại “dại dột” đi “chê” tác phẩm của một ai đó. Điều đó dẫn tới hiện tượng tác phẩm của bất cứ tác giả nào đều được đánh giá bằng những cụm từ hết sức mơ hồ, chung chung là “có chất lượng”, “có giá trị nhân văn” và bất kỳ người sáng tác nào cũng có thể trở thành “nhà” mặc dù có thể chính những người sáng tác đó không hề thích các “danh hiệu không tưởng” ấy. Hàng ngày, chúng ta vẫn gặp trên rất nhiều báo những bài viết kiểu “bình nhiều” “phê ít”, thậm chí chỉ “bình’ không có “chê” khiến người đọc không thể định hướng được đâu là tác phẩm có giá trị thực, đâu là tác giả thực. Nói cách khác, thời gian vừa qua, LLPB góp phần tạo nên một mặt bằng các tác phẩm “làng nhàng” không hay thực mà cũng không dở thực, nói tóm lại là những tác phẩm mà khi nó ra đời thì chẳng chết ai nhưng cũng không có đóng góp gì vào sự phát triển của VHNT.
Mặc dù cũng nằm trong “xu hướng” chung ấy của toàn quốc, nhưng có thể nói, với một nền VHNT “hiền lành” như của Hải Dương, LLPB VHNT Hải Dương những năm qua đã từng bước định hình được gương mặt của mình trong sự phát triển chung của VHNT tỉnh nhà. Với đội ngũ những người viết LLPB hầu hết đều từng kinh qua ở những vị trí có liên quan đến những lĩnh vực này như giảng dạy LLPB tại các trường Cao đẳng sư phạm, các trường THPT… Họ khá chắc chắn về Lí Luận và thực tiễn; từ đó có cái nhìn khá chuẩn xác về mỗi tác giả, tác phẩm.Trong 5 năm qua, thành tựu mà LLPB Hải Dương đạt được dù mỏng cũng đã khẳng định điều đó. Thành tựu này không chỉ thể hiện ở việc các tác giả là hội viên Ban nghiên cứu LLPB liên tục xuất bản sách (tác giả Trần Thanh – xuất bản cuốn “Văn học – Những nẻo đường tiếp nhận”; Ba tác giả Nguyễn Thị Lan, Hồ Trọng Xán, Nguyễn Đình Kế cho ra mắt bạn đọc tập tiểu luận phê bình Duyên mùa thu tập hợp những bài viết tiêu biểu nhất trong suốt chặng đường nghiên cứu VHNT của mỗi người; Tác giả Nguyễn Văn Đức xuất bản liên tục các ấn phẩm: Với Hương đồng cỏ nội; Nhớ mưa rừng và võng đôi… thể hiện sức làm việc liên tục bền bỉ với công tác nghiên cứu LLPB…. Bên cạnh đó các tác giả viết LLPB của Hải Dương tham gia rất nhiệt tình nếu không muốn nói là đội quân chủ lực trong các cuộc hội thảo về VHNT do Hội VHNT tỉnh tổ chức, trong chuyên mục Giới thiệu sách, chuyên mục Văn học với nhà trường trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương như Việt Nga, Thương Huyền, Văn Duy… với nhiều bài viết có tính nghiên cứu chuyên sâu và khá chững chạc. Chính những đóng góp này đã góp phần thúc đẩy, giúp cả người sáng tác và người đọc phần nào cảm nhận được những thành công và hạn chế, góp phần định hướng trong cảm nhận của độc giả đối với các tác phẩm VHNT của Hải Dương.
Nhưng dù đã có những biến chuyển, đã có bước phát triển vẫn phải thừa nhận, những thành tựu mà LLPB của Hải Dương làm được còn quá khiêm tốn. Điều đó thể hiện ở đội ngũ tác giả chuyên làm công tác LLPB còn rất mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm trong khi những công việc chính chiếm quá nhiều thời gian, nên việc dành thời gian cho NCLLPB rất ít. Hầu hết các tác giả viết LLPB mới chỉ dừng ở làm việc theo cảm hứng: Gặp một tác phẩm nào đó mình đọc, cảm thấy thích, thì viết. Việc viết bài LLPB phần nhiều cũng chỉ dừng ở việc “khen”, thiên về cổ vũ, chưa mạnh dạn chỉ ra những yếu điểm trong sáng tác cụ thể hay nhiều sáng tác của cùng một tác giả. Điều này cũng dễ hiểu bởi những người làm công tác LLPB bao giờ cũng hiểu “Mỗi tác phẩm đều là đứa con tinh thần của các tác giả. Vậy dù nó hay hay dở thì đều được các tác giả trân trọng, nâng niu, không ai lại muốn đứa con tinh thần của mình bị chê bai, bới móc. Hơn nữa, viết để khen thường dễ hơn là viết để chê. Bởi khi đã chê, lại cần xem xét chê thế nào để người bị chê tâm phục khẩu phục. Mà với văn học nghệ thuật, xưa nay, chuyện tâm phục khẩu phục giữa chính những người trong giới với nhau thường quá ít. Tranh luận để dẫn tới những nhận thức mới về học thuật, để phát triển lành mạnh là mong mỏi của rất nhiều người làm văn học nghệ thuật, nhưng đáng tiếc, nhiều cuộc bút chiến và khẩu chiến gần đây trên các báo, tạp chí lại thường kết thúc bằng một cái nhìn quy chụp, hạ bệ, xúc xiểm nhau càng đẩy người đọc và cả những người viết tránh né LLPB. Điều này gần đây chưa xảy ra tại Hải Dương nhưng xuất hiện khá nhiều trên văn đàn kể cả trung ương và các địa phương khác. Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm một điều, VHNT của Hải Dương chưa có những tác phẩm thực sự gây được tiếng vang trên văn đàn khiến những người làm công tác LLPB phải tập trung tâm trí của mình vào “cày xới”, phê bình, thẩm định giá trị của những tác phẩm đó.
Nằm trong tình hình chung của cả nước, ở Hải Dương, chúng tôi phải thừa nhận mảng LLPB cho nghệ thuật còn ít. Lâu, rất lâu trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương mới thấy có bài viết về nghệ thuật Nhiếp ảnh của tác giả Trầm Quang Thông, bài biết về tranh biếm họa của Chu Đức Tiến của hoạ sĩ Hà Huy Chương… Những mảng còn lại như Kiến Trúc, Sân khấu, âm nhạc… hầu như vắng bóng. Hiện thực này vẫn biết là khó chấp nhận nhưng chúng ta thực sự chưa tìm ra lời giải.
Thời gian qua, hiện trạng của LLPB Hải Dương với những thành công và hạn chế đã được đúc rút, tổng kết. Trong thời gian tới, hy vọng với sự đổi mới chung trong sự nhìn nhận đánh giá về vị trí, vai trò của LLPB trong tiến trình phát triển chung của VHNT thể hiện ở việc thành lập Hội đồng Lý luận trung ương thì LLPB của Hải Dương sẽ có những bước tiến mới. Muốn làm được điều đó trước hết rất cần có con người. Hiện tại đội ngũ làm LLPB của Hải Dương đang được trẻ hoá, có sự kế thừa và phát triển. Nhiều tác giả Hải Dương đã có những bài viết được đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương, bước đầu gây được sự chú ý của độc giả. Hoạt động LLPB của Hải Dương đang dần từng bước bám sát cuộc sống, phục vụ cho việc chuyển tải các tác phẩm VHNT đến với công chúng. Chúng tôi đang tiến hành tập hợp, biên soạn những bài viết đánh giá, thẩm bình các tác phẩm VHNT của tác giả Hải Dương nhằm phục vụ cho chương trình giơi thiệu về Văn học địa phương hiện đang có trong chương trình giảng dạy Văn tại các trường CĐSP, THPT và THSC. Hy vọng cuốn sách ra đời sẽ khắc phục tình trạng cứ đến chương trình giới thiệu văn học địa phương, các thầy cô giáo các em học sinh chẳng biết ở quê hương mình có những tác phẩm văn chương nào của những tác giả nào và văn học Hải Dương đang nằm ở khúc quanh nào trong dòng chảy của văn học cả nước. Ban LLPB của Hội VHNT Hải Dương cũng đang mạnh dạn phối hợp với các Ban chuyên môn khác mở nhiều cuộc sinh hoạt chuyên đề để bàn định, đánh giá một cách công bằng, khách quan nhất về những tác phẩm cụ thể hoặc nhóm các tác phẩm của một tác giả, sinh hoạt chuyên đề về các tác phẩm đang gây tiếng vang trên văn đàn cả nước thậm chí cả những tác phẩm trái chiều. Hy vọng điều này sẽ giúp những người sáng tác tại Hải Dương tìm ra hướng đi đúng nhất cho những tác phẩm họ đang thai nghén. Bên cạnh đó, để từng bước phát triển mảng LLPB, Hải Dương đang tích cực vận động sự cộng tác thường xuyên, tích cực của các tác giả đang hoạt động sáng tác ở tất cả các loại hình VHNT bởi không ai là người thẩm định, phê bình tốt nhất bằng chính các tác giả khi họ là người sáng tác ra tác phẩm của mình cũng như không ai hiểu con mình bằng chính ông bố, bà mẹ đã sinh ra chúng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp để có được những bài viết của những người đang trực tiếp làm công tác giảng dạy tại các trường phổ thông, những độc giả thực sự tâm huyết với nền VHNT tỉnh nhà. Với tư cách là những độc giả có trách nhiệm, chắc chắn những ý kiến đóng góp của họ cùng với hoạt động LLPB của Hải Dương sẽ có những đóng góp giúp cho độc giả có sự nhìn nhận đúng đắn về thành công và hạn chế của VHNT Hải Dương trong tiến trình phát triển chung của văn học nghệ thuật cả nước. Làm được những điều đó, trong tương lai, LLPB VHNT sẽ thực sự trở thành “đòn xeo” trong sự phát triển chung của VHNT Hải Dương.
Trương Thị Thương Huyền