Home > Contend > Trang văn > Tùy bút > Vu lan mùa báo hiếu – Chùa Nghiêm Quang – Đền Cối Xuyên

Vu lan mùa báo hiếu – Chùa Nghiêm Quang – Đền Cối Xuyên

Gió cuốn mùa, cái nắng thu vàng dịu dàng tãi trên vòm lá, chút ngu ngơ se lạnh của gió heo may đầu mùa gợi cho ta nhớ về mùa báo hiếu.

Hàng năm cứ mùa rằm tháng bảy mỗi người con dù đang làm gì, dù đang ở nơi đâu đều không thể quên được công cù lao sinh dưỡng của các đấng sinh thành. Những người con mất cha mẹ thường cài lên ngực một bông hồng trắng để tỏ lòng thành kính như một dải khăn trắng con đeo và thật hạnh phúc biết bao khi những ai vẫn còn cả cha lẫn mẹ, một bông hồng nhung thắm đỏ như một niềm tự hào về dòng máu ta mang và tự hào hơn khi còn cha mẹ để báo hiếu.

Đền Cối Xuyên – Chùa nghiêm Quang

Cứ độ trăng tròn tháng bảy là ngày lễ Vu Lan lại về. hầu hết các gia đình Việt Nam truyền thống thường mua sắm lễ vật hoa quả tiền vàng để cúng lễ tổ tiên ông bà, cha mẹ… Phóng sinh những con chim con cá và các loài vật như một sự hướng thiện, một nét đẹp của truyền thống Ngàn đời.

Chùa Nghiêm Quang – Đền Cối Xuyên nằm ẩn mình sau những khu nhà cao tầng của nhân dân thị trấn Gia Lộc. Ngôi đền có lịch sử gần bảy trăm năm, được xây dựng ngay trên nền dinh Đức Phong xưa, đây chính là nơi đã sản sinh cho dân tộc Việt Nam một vị danh tướng tiên phong Nguyễn Chế Nghĩa với bao chiến công lừng lẫy tham gia hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (lần hai và lần ba) Được vua trần phong Vương và gả công chúa Ngọc Hoa, một tiền lệ hiếm có của triều Trần. Người có công vun đắp xây dựng nên một triều đại nhà Trần hiển hách trong công cuộc vệ quốc vĩ đại bảo vệ đất nước. Con người đã đi vào huyền thoại trong lòng dân tộc và nhân dân.

Đêm Nghiêm Quang huyền diệu bởi ánh đèn nến lung linh. Từ cổng các bà, các mẹ, các chị mặc áo nâu sòng đứng hai hàng chắp tay thành tâm đón khách. Trong sân một khán đài nhỏ được dựng lên với hình ảnh đức phật tổ hiền từ đứng trên tòa cửu phẩm, tay trái cầm tịnh bình, tay phải cầm cành dương liễu như muốn ban phát cho tất cả chúng sinh những người con hiếu thảo về dự lễ đêm nay. Hai bên khán đài, hai hàng ghế trang nghiêm giành cho các vị đại đức, ni sư về dự lễ cầu siêu. Tuy còn sớm nhưng sân đền đã chật kín dân làng. Đền Cối Xuyên đêm nay bừng sáng bởi những ngọn đèn lồng đỏ treo cao trước hiên, phía trong, phần ngoài hậu cung trên gian tam bảo, các pho tượng phật mọi khi trầm mặc là thế nhưng hôm nay dường như sinh động lung linh hơn bởi ánh sáng của đèn và nến, của sắc vàng hắt ra từ những bức hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, từ những mâm hoa quả cúng giàng thành kính. Thoang thoảng đâu đây mùi hương trầm ngào ngạt hòa quyện với hương cau hương đại ngoài sân làm cho những ai đến đây đều cảm thấy như lâng lâng thoát tục và có lẽ ở trên cao kia linh hồn của tổ tiên ông bà cũng đang được siêu thoát về đây dự lễ vu lan cùng con cháu. Câu chuyện mùa báo hiếu chợt lại trở về trong tôi.

Kinh Vu Lan kể rằng, Có một người tên là Mục Kiều Liên từ biệt mẹ gìa theo thầy tu hành. Sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh. Bồ Tát Mục Kiều Liên muốn quay trở về tìm mẹ là bà Thanh Đề. Nhưng ôi thôi sau ba năm tu hành xóm làng đổi thay, ông không sao tìm thấy nền cũ nhà xưa, hỏi nhân dân quanh vùng cũng không ai biết bà Thanh Đề là ai ông chợt giật mình hối hận hiểu ra một năm trên thiên giới bằng trăm năm dưới cõi trần gian, ngậm ngùi sót thương và vô cùng ăn năn vì những ngày cuối cùng ông không kịp về báo hiếu, nhớ những khi trái gió trở trời mẹ thường thức cả đêm canh giấc ngủ cho mình, những hôm mưa gió mái nhà tranh nhỏ dột ướt mẹ cầm nón che mưa cho ông ăn mà lệ ứa bờ mi, muốn tìm mẹ nhưng sau bao năm biến đổi biết tìm nơi nao. Ngài bèn dùng phép thần thông nhìn khắp trời đất để tìm. Cuối cùng thấy mẹ bị giam cầm trong cõi u minh dưới chín tầng địa ngục vì kiếp trước gây nhiều nghiệp ác mà sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở vô cùng, ông đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ, nhưng do nhịn đói lâu ngày nên mẹ của ông đã dùng một tay che bát cơm, một tay bốc ăn, tránh không cho các cô hồn khác tranh cướp. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên cơm đưa vào mồm biến thành than hồng không sao ăn được. Kiều Liên vô cùng thương sót mà không biết làm sao cứu mẹ. Bèn trở về thưa với Phật xin ngài từ bi chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ. Phật dạy rằng ” Dù ông có phép thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày giằm tháng bảy, tức là ngày lễ Tự Tứ của chư tăng, sau ba tháng an cư kết hạ thanh tịnh, hãy sắm lễ vật và thỉnh chúng tăng để cúng dường, nhờ sự chú nguyện của chúng Tăng thì mẹ ngài sẽ được giải thoát. Mục Kiều Liên vâng theo lời Phật dạy, thỉnh chúng chư tăng chú nguyện và nhờ đó mẹ Ngài được giải thoát đã được sinh về cõi trời. Phật cũng dạy rằng, chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp) từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Đúng 20 giờ bản nhạc vang lên hòa quyện cùng lời hát ngọt ngào của các diễn viên không chuyên trong làng, những bài hát về tình cha, tình mẹ làm mọi người từ già đến trẻ đều lặng đi, có lẽ tất cả đều giành tâm linh của mình thành kính hướng về các đấng sinh thành. Đoàn các đại đức, ni sư áo vàng hai hàng lặng lẽ đi từ nhà tổ tiến ra sân đền, tiếng chiêng nhỏ đều đều vang lên, ni sư đi đầu hai tay bưng bông hoa sen cắm ngọn lến nhỏ, ánh sáng nhỏ nhoi chao nghiêng trước gió làm cho bước chân các nhà sư như chậm dãi hơn để tránh làm tắt nến, tắt đi những gì thiêng liêng nhất đêm nay.

Sau khi an tọa, dưới gốc cây đại đỏ hoa nở rực rỡ, một vị ni sư trong đoàn giới thiệu chương trình của buổi lễ, sư thầy Thích Đàm Tiếp, thầy dạy của ni sư trụ trì chùa Nghiêm Quang – đền Cối Xuyên Thích Diệu Dẫn lên đọc ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Giọng bà nghẹn ngào xúc động khi nhắc đến công ơn trời biển của cha, của mẹ. Những câu chuyện của mùa báo hiếu hòa quyện trong nước mắt của những người con. Mọi lời ca ngợi, những từ tốt đẹp nhất đều giành cho cha cho mẹ, công ơn sinh thành dưỡng dục hơn núi cao, biển rộng có lẽ chẳng thứ gì trên thế gian này có thể so sánh nổi, bên cạnh tôi có một vài tiếng sụt sịt, tôi cũng cảm thấy sống mũi mình cay cay và lòng như thầm hứa phải sống tốt hơn để tránh làm phiền lòng cha mẹ.

Một đoàn các em nhỏ thành kính từ cuối sân tiến vào khán đài trên đôi tay bé nhỏ của các em bưng những lẵng hoa tươi, những giỏ quả ngon đặt lên trên bàn lễ tổ, những tấm lòng thơm thảo của các em đã lay động lòng tôi và những ai dự buổi đại lễ hôm ấy, có lẽ với các em cả cuộc đời sẽ không bao giờ quên được những ngày này và sự hướng thiện hướng tới những điều cao quý sẽ ghi khắc trong lòng các em như những bài học để rồi hành trình suốt cuộc đời sau này. Điều làm tôi xúc động nhất là phần ni sư trụ trì nhỏ thó trong tà áo cà xa thành kính chắp tay nghe lời giáo dẫn của một vị đại đức, sau đó sư trụ trì mời ông đại diện hội người cao tuổi thôn lên để trao phần quà nhỏ của chùa cho một số cha, mẹ cao tuổi trong thôn gặp khó khăn và những phần quà nhỏ cho các cụ ông cụ bà đến dự buổi đại lễ Vu Lan. Tôi không biết trong những hộp quà nhỏ ấy chứa đựng gì nhưng có lẽ với tôi bài học lớn nhất là tấm lòng thơm thảo của một vị ni sư dù đã xa lánh bụi trần, khoác tấm áo nâu sòng nương nhờ nơi cửa Phật vẫn không quên đi những thực tại đời thường, sự quan tâm đến những người khó khăn cơ nhỡ, đến những bậc cao niên trong ngày báo hiếu còn hơn cả ngàn vạn câu kinh kệ, và tôi chợt hiểu ra rằng tại sao những năm gần đây văn hóa làng quê thay đổi nhiều đến thế, những lời ăn tiếng nói của bà con cũng khác xưa, ít còn nghe thấy các cuộc cãi vã to tiếng , bà con mải mê làm ăn và thành tâm hướng Phật, làng xóm đoàn kết, những buổi sáng, buổi chiều các cụ ông cụ bà vui vẻ chơi cầu lông, tập diễn văn nghệ, phải chăng cũng một phần xuất phát từ con người nhỏ bé, trong tấm áo nâu sòng ấy ẩn chứa biết bao những điều lớn lao, câu hỏi mà tôi không sao lý giải nổi.

Càng về khuya không khí đền Cối Xuyên chùa Nghiêm Quang càng trở nên u tịch huyền ảo khi những chú chim câu được thả tung cánh bay trên bầu trời, những chú chim hòa bình mang thông điệp của tất cả những người con hiếu thảo giành cho cha mẹ trong mùa báo hiếu. Trên mặt ao chiêm tinh hàng trăm ngọn hoa đăng được thả xuống ánh nến hòa lẫn ánh trăng rằm gợn sóng càng làm cho buổi cầu siêu như lung linh huyền diệu hơn. Tôi tin rằng tất cả những người dự đại lễ hôm nay đều như thấy tâm hồn mình được thanh thản và có lẽ mọi người đều cảm thấy mình đã làm được một điều gì đó, buổi lễ như làm thức dậy trong mỗi chúng ta, hãy làm nhiều việc thiện, lánh xa cái ác, giành nhiều hơn những gì thơm thảo nhất cho các đấng sinh thành và trong tôi lại ngân nên mấy câu thơ:

 

Công cha nghĩa mẹ ơn dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc vô bờ

Trưởng thành phải nhớ kính thờ mẹ cha.

Mùa vu lan báo hiếu 2013 

Chùa Nghiêm Quang – Đền Cối Xuyên

Thị trấn Gia Lộc – Tỉnh Hải Dương

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Vinh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *