Home > Contend > Văn học nước ngoài > Thất bại tại Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn chìm đắm trong giấc mộng

Thất bại tại Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn chìm đắm trong giấc mộng

Về khía cạnh chiến lược, chính sách ngoại giao, quan hệ quốc tế và truyền thông trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã hoàn toàn bại trận.

Dường như không một quốc gia nào ủng hộ lập trường cũng như lối hành xử của nước này. Bài viết của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, Trịnh Vĩnh Niên trên Liên hợp Buổi sáng phân tích về nguyên nhân thất bại cũng như đối sách cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Thời gian gần đây, mọi người đều vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, đã bao nhiêu năm nay, song song với sự trỗi dậy của Trung Quốc là chuỗi “liên hoàn bại trận” của chính nước này trong các vấn đề về Biển. Đặc biệt bắt đầu từ năm ngoái, xu hướng này ngày càng hiện ra rõ ràng hơn.

Trung Quốc đã nỗ lực theo đuổi chiến lược “Trỗi dậy hòa bình” (Phát triển hòa bình) ngay sau công cuộc cải cách mở cửa. Trên rất nhiều phương diện, Trung Quốc đã từ bỏ chính sách chủ nghĩa đơn phương vốn đã tuân thủ từ rất lâu trước đó, đồng thời phát triển quan hệ hữu nghị đa phương với các nước ASEAN. Khu vực tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN cũng đã bắt đầu có hiệu lực. Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đã đề xuất chủ trương “Gác tranh chấp chủ quyền, cùng khai thác chung”. Những biện pháp này xét từ góc độ lý thuyết đến thực tiễn áp dụng đã hình thành nên sách lược và kim chỉ nam ngoại giao “Giấu mình chờ thời” của Trung Quốc suốt từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay. Thế nhưng rất nhiều người đã cảm nhận ra rằng, trên rất nhiều vấn đề có liên quan, nếu như Trung Quốc không thể trực diện đối mặt thì sẽ góp phần đẩy chính sách của họ đi theo hướng ngược hẳn lại.

Sự quan tâm chú ý của toàn bộ khu vực Châu Á và cộng đồng quốc tế cho tới thời điểm này đều tập trung vào vấn đề Biển Đông, Biển Đông đột nhiên lại thêm một lần nữa trở thành điểm nóng của thế giới. Chính quyền Trung Quốc dường như lại không hiểu rõ tình trạng hiện nay. Đối với Trung Quốc mà nói, chính sách Biển Đông về bản chất không hề có bất cứ một thay đổi nào, chỉ là các nước có liên quan tiến hành một loạt các hành động không có lợi cho Trung Quốc, và phản ứng của Trung Quốc theo đó cũng chỉ tương đương với hình thức “cứu hỏa” mà thôi.

Trên thực tế, từ rất nhiều năm trở lại đây, chính bởi vì nguyên do Trung Quốc luôn áp dụng các biện pháp bị động đối phó lại khiến cho vấn đề Biển Đông ngày một tích tụ chồng chất lại, và rồi dẫn đến cục diện như ngày hôm nay. Không quan tâm Trung Quốc có muốn hay không, có nắm rõ tình hình hay không, thì Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong vấn đề Biển Đông này.

Thứ nhất, Trung Quốc sớm đã hoàn toàn thất bại tại cuộc chiến công luận quốc tế.

Trong nhiều năm qua, khi Trung Quốc vẫn còn đắm chìm trong thuyết “Trỗi dậy hòa bình” do chính họ tạo dựng nên, thì các quốc gia có liên quan đã nỗ lực với tinh thần cao nhất và chuẩn bị đầy đủ trên trường quốc tế để chờ đợi vấn đề Biển Đông sẽ nổi lên như trong dự tính đã có sẵn. Xét trên hệ thống kiến thức (luật pháp), Trung Quốc hiện nay thật khó khăn để tìm ra được bất kỳ một lực lượng hỗ trợ có hiệu quả nào cho họ. Về xu hướng các giới truyền thông báo chí không đứng về phía Trung Quốc đã hình thành như hiện nay thì Trung Quốc cũng không có quyền phát biểu tại đây. Các nhà bình luận cho rằng dùng “Chính sách cứng rắn” để mô tả thái độ của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông là chưa đầy đủ, chính xác phải gọi đó là “mang tính chất tranh cướp” mới đúng. Trên thực tế, cách nhận thức tương tự như vậy của Trung Quốc đã trở nên khá phổ biến trong cộng đồng quốc tế. Bản thân Trung Quốc lại quả quyết cho rằng họ không làm gì mà lại bị đối xử “oan uổng” như vậy, đây chính là căn nguyên khiến Trung Quốc bị mất quyền phát biểu trong cuộc chiến công luận quốc tế này.

Thứ hai, Trung Quốc cũng thua trận trong cuộc chiến chiến lược.

Các nước liên quan đều có những chiến lược khá rõ ràng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, cụ thể bao gồm các chiến lược như chủ nghĩa đa phương tại khu vực, quốc tế hóa, chính trị hóa đại quốc. Thế nhưng chiến lược của Trung Quốc nếu không dám đối mặt với sự thực thì sẽ là nhập nhằng không rõ ràng. Trung Quốc từ chối chi tiết hóa vấn đề, sử dụng khái niệm “phản đối quốc tế hóa” vô cùng vĩ mô này nhằm che lấp vấn đề cụ thể. Trên thực tế, tranh chấp Biển Đông đã được đa phương hóa, quốc tế hóa từ rất lâu rồi, hơn nữa sẽ rất nhanh tiến đến giai đoạn “chính trị hóa đại quốc” trong thời gian tới. Trung Quốc chỉ là không dám thừa nhận sự thực hiển hiện ra trước mắt này mà thôi.

Thứ ba, nếu tình hình vẫn tiếp diễn như vậy, Trung Quốc sẽ bị ràng buộc để cuối cùng rơi vào tình trạng mất chủ quyền trong cuộc chiến.

Như đã đề cập ở phần trên, từ năm ngoái cho đến năm nay, chính sách Biển Đông của Trung Quốc về bản chất không hề có bất cứ một thay đổi nào, mà chủ yếu chỉ là một số hành động mang tính chất phản ứng lại. Thế nhưng cho đến thời điểm này, bất cứ nước nào cũng đều cho rằng Trung Quốc chính là nguyên nhân phát sinh của mọi vấn đề. Tình hình thực tế là, các nước khác có liên quan vẫn đang xúc tiến các hoạt động và hành động trong khu vực tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là trong việc phát triển nguồn năng lượng.

Trung Quốc chìm đắm trong “giấc mộng”.

Đã nhiều năm nay, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông (cũng như trong nhiều vấn đề khác), Trung Quốc dường như luôn sống trong “giấc mộng” mà chính bản thân họ tự vạch ra. Nhìn từ góc độ chiến lược, Trung Quốc không phải là không có cơ hội để chiếm ưu thế trong vấn đề Biển Đông này, mà thay vào đó lại tự động vứt bỏ những ưu thế đáng lẽ họ chiếm được … Điều đáng tiếc là, những hành động của TQ không những không chiếm được sự đồng cảm của các nước liên quan đến tranh chấp mà cuối cùng dẫn đến kết quả hoàn toàn ngược lại, gây tổn hại cho chính lợi ích quốc gia của mình.

Vậy thì, kết quả cuối cùng sẽ như thế nào đây? Trung Quốc liệu sẽ từ bỏ chăng? Trong giới báo chí truyền thông vô cùng phát triển như ngày hôm nay, phạm vi xu hướng thỏa hiệp mà các nhà cầm quyền có thể áp dụng được ngày một nhỏ,càng không cần nói đến chuyện từ bỏ. Nếu tình hình này vẫn cứ tiếp diễn thì cuối cùng chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc xung đột xảy ra.Tuy nhiên xung đột trong thời gian này sẽ vô cùng bất lợi đối với Trung Quốc.

Vấn đề đã xuất hiện rồi, thì phái có cách đối phó lại. Nhiệm vụ đầu tiên cần phải làm là tìm hiểu rõ tại sao lại xuất hiện tình trạng như vậy? Ngoài các vấn đề xuất phát từ chính bản thân Trung Quốc thì còn có một số nguyên nhân quan trọng khác nữa. Đối với các nước có liên quan mà nói thì đây là sản phẩm phát sinh từ “môi trường quốc tế” và “môi trường nội bộ”.

Đầu tiên đề cập đến môi trường quốc tế. Đối với các quốc gia có liên quan thì nhân tố quan trọng nhất trong môi trường quốc tế không thể không nhắc đến sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc và kéo théo sau đó là hiện đại hóa nền quốc phòng, quân sự cũng như từ đó tác động đến cục diện địa chính trị của toàn bộ khu vực Châu Á. Các quốc gia có liên quan đã bắt đầu cảm thấy rằng thời gian không còn đứng về phía họ nữa. Mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh về sự “trỗi dậy hòa bình” của mình, thế nhưng họ lại bị coi là đã áp dụng chính sách chậm trễ kéo dài thời gian trong vấn đề Biển Đông nhằm chờ thời cơ cho đến khi tình hình quốc tế thuận lợi sẽ ra tay giải quyết tranh chấp. Do vậy, đối với các quốc gia có liên quan thì vấn đề Biển Đông bắt buộc phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ trước khi Trung Quốc thực sự trỗi dậy, nếu không, đợi cho đến khi Trung Quốc đã trỗi dậy rồi, tia hy vọng sẽ trở nên vô cùng mong manh. Cũng chính vì thế, bắt buộc phải thông qua bất cứ biện pháp nào để đẩy mạnh hành động, hối thúc phát triển theo khuynh hướng có lợi cho bản thân họ.

Đối với Trung Quốc mà nói, môi trường các nước lớn chủ yếu đề cập đến những biến đổi chính trị trong phạm vi giữa các nước này, đặc biệt là biến đổi trong mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ. Trong vấn đề Biển Đông, không quản có muốn hay không thì Trung Quốc chắc chắn vẫn phải đối mặt với Mỹ. Thế nhưng trong quan hệ hai nước Trung-Mỹ thì dù Trung Quốc đã hao tâm tổn trí rất nhiều nhưng vẫn không biết nên làm như thế nào để có thể hòa nhập được cùng Mỹ, đặc biệt là mối quan hệ với Mỹ trong khu vực Châu Á. Rất nhiều người đã từng nghĩ rằng mục tiêu chủ yếu của Mỹ trong sự hiện diện tại Châu Á này là nhằm đối phó với Trung Quốc, thế nhưng trên thực tế lại không hề đơn giản như vậy. Lý do Mỹ tồn tại ở khu vực Châu Á không chỉ để đối phó với riêng một Trung Quốc, mà còn liên quan đến vấn đề địa chính trị khác. Ví dụ, nếu không có nhân tố Trung Quốc thì Mỹ vẫn đương nhiên tìm ra được lý do để tạo ra không gian sinh tồn tại Châu Á. Bất luận là khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á hay Nam Á, mối quan hệ phức tạp đan xen giữa các nước đều cần có sự hỗ trợ sức mạnh của Mỹ để cân bằng lực lượng.

Trung Quốc không tạo dựng không gian cho Mỹ.

Rất nhiều các quốc gia Châu Á đều cần sự hiện diện của Mỹ chính là do kết quả không hành động của Trung Quốc. Ví dụ, trong vấn đề Triều Tiên thì ngoài Triều Tiên ra, hầu hết tất cả các nước Châu Á đều bất mãn với cách hành xử của Trung Quốc. Tất nhiên là cũng có những điểm khó xử riêng nhưng không thể vì thế mà chứng minh rằng cách hành xử của Trung Quốc là hợp lý được. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên liệt vào trạng thái căng thẳng. Hiện nay cùng với sự trỗi dậy của Ấn Độ thì mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng hàm chứa rất nhiều những nhân tố không xác định. Mặc dù Trung Quốc và các nước khu vực Châu Á luôn có các lĩnh vực hợp tác chung, thế nhưng những cuộc xung đột dường như phát sinh ngày một phức tạp hơn. Dù thế nào đi chăng nữa, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực Châu Á thì Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất đã từng nhiều lần thông qua các cuộc trải nghiệm, hơn nữa, tính quan trọng của nhân tố Trung Quốc mặc dù ngày một tăng lên nhưng chưa hề thông qua bất kỳ một cuộc trải nghiệm nào cả. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ vẫn chính là môt quốc gia đạt mức độ tin tưởng và được dựa dẫm cao nhất. Điều này cũng được thể hiện trong vấn đề Biển Đông, những nước có liên quan hy vọng có sự can thiệp của Mỹ tại khu vực xảy ra tranh chấp này, nhằm nâng cao tính chắc chắn của họ trong vấn đề Biển Đông. Chính vì thế mà dẫn tới xu thế “chính trị hóa đại quốc”…

Ở đây còn có môi trường nội bộ của chính bản thân Trung Quốc. Phiên họp Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ mười tám sẽ được tổ chức vào năm sau. Trong thời gian này, nhiệm vụ chính của chính quyền Trung Quốc là giải quyết công việc nội bộ, sự ổn định sẽ trấn áp tất cả mọi vấn đề khác. Có một số quốc gia phán đoán rằng trong thời kỳ này thì Trung Quốc sẽ không thể đưa ra những điều chỉnh lớn nào về chính sách đối ngoại được cả. Điều này cũng có nghĩa rằng, trước khi một thế hệ lãnh đạo mới được thành lập, Trung Quốc sẽ không thể có chính sách mới và quan trọng nào trong lĩnh vực ngoại giao, hay nói rằng phần lớn các chính sách đối ngoại được đưa ra tất nhiên đều mang tính chất phản ứng là chủ yếu. Cách phán đoán này khiến cho các nước có liên quan đến tranh chấp sẽ nhận thấy rằng đây là cơ hội để tiến hành áp dụng những phương pháp triệt để hơn cho họ.

Trung Quốc sẽ làm gì khi đối mặt với tình thế hiện tại này? Được coi là một quốc gia lớn đang trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề về khu vực. Tình thế tại Biển Đông đối với Trung Quốc mà nói, mặc dù “ngày thế giới tận thế” vẫn còn cách xa vô cùng, nhưng họ bắt buộc phải thay đổi tính bị động đã tồn tại cho đến thời điểm hiện tại này để chuyển sang tính chủ động hơn. Điều đặc biệt quan trọng phải nói đến rằng, vấn đề hiện nay của Trung Quốc không phải là vấn đề về nguồn tài nguyên, mà là chiến lược, chính sách và cách huy động nguồn lực. Đơn giản mà nói chính là vấn đề về đường lối tư duy của Trung Quốc. Trong tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông), Trung Quốc phải có một đường lối tư duy rõ ràng, minh bạch.

Cần phải suy ngẫm lại đường lối tư duy đã cũ của Trung Quốc.

Khi đề cập đến đường lối tư duy mới thì cần phải suy ngẫm lại đường lối tư duy đã cũ của Trung Quốc. Vấn đề cốt lõi trong đường lối tư duy truyền thống của Trung Quốc chính là phản đối “quốc tế hóa” trong trannh chấp Biển Đông. Xét trên cơ sở lý thuyết, điều này đương nhiên là không sai. Nhưng vấn đề phát sinh nằm ở chỗ khái niệm đưa ra này không những không miêu tả được tình huống khách quan của quá trình tranh chấp Biển Đông mà lại càng khó khăn hơn khi áp dụng đường lối tư duy này để có thể tìm ra được biện pháp giải quyết. Điều này liên quan đến nhiều cấp độ bên trong các vấn đề chính.

Thứ nhất là chủ nghĩa song phương. Trung Quốc yêu sách gác tranh chấp chủ quyền cùng khai thác chung. Thế nhưng cho đến nay chính sách này vẫn chỉ dừng lại ở trạng thái khẩu hiệu, lý thuyết suông. Để có được mối quan hệ với các nước ASEAN, bản thân Trung Quốc không hề có kế hoạch khai thác Biển Đông nào cả, mà ngược lại chính là các nước có liên quan trong những năm gần đây tiến hành tăng cường khai thác. Thế nhưng Trung Quốc không phải đề xuất ra chủ trương cùng khai thác chung, mà chính xác phải nói là chủ trương khai thác đơn phương. Trong vấn đề cùng khai thác chung, các quốc gia có liên quan hoặc là không tự nguyện hoặc là tinh thần tự nguyện không cao. Hay nói toạc ra thì Trung Quốc không có đủ sức mạnh cũng như cơ chế quyền lực để thúc đẩy các quốc gia có liên quan công nhận và đi đến chấp nhận yêu sách cùng khai thác chung mà Trung Quốc đã đề xuất.

Thứ hai là chủ nghĩa đa phương, chính là mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASAEN. Vấn đề tranh chấp Biển Đông chủ yếu biểu hiện trong “Tuyên bố ứng xửtrên Biển Đông” mà Trung Quốc cũng đã ký kết. Thế nhưng văn bản này lại không mang bất cứ tính chất ràng buộc pháp lý nào. Văn bản tuy đã được ký kết rất nhiều năm qua nhưng không có bất cứ một quốc gia nào đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy cho văn bản trở thành một tài liệu mang tính ràng buộc pháp lý được. Nên nói rằng chính bản thân Trung Quốc cũng không nỗ lực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình trong đó. Điều quan trọng của vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc vẫn tuân thủ chủ nghĩa song phương và phản đối đa phương hóa trong tranh chấp Biển Đông. Thế nhưng bản chất thực sự của rất nhiều vấn đề trong tranh chấp Biển Đông lại là đa phương, cho nên việc phản đối chính sách đa phương hóa đã thể hiện rõ thái độ của Trung Quốc không dám đối mặt với sự thực này.

Thứ ba là quốc tế hóa. Các quốc gia có liên quan đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông giao phó cho Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế. Trung Quốc tỏ ý không chấp nhận cho lắm, bởi vì nếu cầu cứu đến Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế thì khả năng bại trận của Trung Quốc sẽ lớn hơn cơ hội chiến thắng rất rất nhiều lần. Như đã thảo luận trong phần trên, Trung Quốc đã thua trận trong cuộc chiến công luận quốc tế rồi, sẽ không còn bao nhiêu người có thể thông cảm cho lập trường của Trung Quốc được nữa.

Thứ tư là chính trị hóa đại quốc. Các quốc gia có liên quan trong khu vực Đông Nam Á hy vọng sẽ có sự can thiệp của Mỹ tại đây, điều này là dễ hiểu. Thế nhưng mức độ can thiệp của Mỹ sẽ sâu nông như thế nào thì còn phải xem lợi ích quốc gia của chính họ trong vấn đề này. Nhân tố Mỹ trong khu vực Đông Nam Á đã luôn tồn tại từ trước tới nay, hay nói cách khác Mỹ đã luôn là một bộ phận cấu thành trong cấu trúc khu vực này. Trên thực tế, lợi ích của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á này còn thâm căn cố đế hơn nhiều so với lợi ích của Trung Quốc. Ngay từ thời kỳ khi mới bắt đầu chiến tranh lạnh thì Mỹ đã không ngừng thiết lập mối quan hệ với các nước trong khối ASEAN, còn Trung Quốc chỉ mãi cho đến sau thời kỳ cải cách giải phóng đất nước mới bắt đầu xây dựng mối quan hệ mang tính thực chất với các nước này. Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á là toàn diện trên các lĩnh vực còn Trung Quốc thì chủ yếu chỉ dựa trên lĩnh vực kinh tế, còn những lĩnh vực khác mới đang thuộc thời kỳ sơ khai. Do vậy, việc chính quyền Trung Quốc phản đối “chính trị hóa đại quốc” cũng chính là nguyên do khiến cho nước này không nhận ra bản chất thật của vấn đề tranh chấp.

Khi suy ngẫm đến các nhân tố đã được nêu ở phần trên, mọi người sẽ thật dễ dàng để trả lời câu hỏi rằng “Trung Quốc nên đi những bước tiếp theo như thế nào đây?”, cũng có thể xem xét đánh giá từ nhiều góc độ như sau.

Trước tiên, Trung Quốc cần đặt mình đứng từ góc độ của các quốc gia láng giềng hoặc các nước có liên quan đến tranh chấp trong vấn đề Biển Đông để suy xét vấn đề. Trong suốt thời gian dài đến nay, chính quyền Trung Quốc luôn tuyên truyền lập trường với những nguyện vọng tốt đẹp của họ ra thế giới trong và ngoài nước, ví dụ như những khái niệm gọi là “trỗi dậy hòa bình”, “phát triển hòa bình” và “láng giềng tốt”, v.v… Những điều này rất quan trọng nhưng không bao giờ có thể coi là đủ được cả, bởi vì chính Trung Quốc đã coi nhẹ cách nhìn nhận của các nước xung quanh đối với sự trỗi dậy của họ như thế nào, hay mối quan tâm của các nước đó ra sao trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chỉ cho đến khi thấu hiểu được mối lo lắng của các nước láng giềng này rồi, thì Trung Quốc mới hoạch định ra những chính sách thiết thực có hiệu quả được. Nếu không, không quan tâm nguyện vọng của Trung Quốc có như thế nào đi chăng nữa, hay đại loại giống như những khái niệm gọi tương tự như là “sự trỗi dậy hòa bình” v.v… thì cuối cùng vẫn biến thành những lời Trung Quốc tự nói và tự nghe.

Thứ hai, Trung Quốc bắt buộc phải phân định rõ ràng giữa vấn đề an ninh hàng hải và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đặc biệt là Mỹ nói riêng chính là vấn đề an ninh hàng hải, việc Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông cũng chính xuất phát từ căn nguyên này ra. Đối với vấn đề này, Trung Quốc cần căn cứ vào tình hình thực tế, thừa nhận và nhấn mạnh rằng an ninh hàng hải là mối quan tâm của tất cả các bên tham gia, đồng thời cũng là trách nhiệm của tất cả các bên. Trung Quốc phải tình nguyện gánh vác trách nhiệm này cùng với các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay các quốc gia ASEAN. Trên thực tế, vấn đề an ninh hàng hải quốc tế vẫn luôn do Mỹ đảm nhiệm từ trước tới nay. Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu có năng lực và sức mạnh trong vấn đề này, thế nhưng khả năng gánh vác được trách nhiệm thì vẫn còn quá là xa vời đối với chính họ, cho dù chỉ là vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải trong khu vực mà thôi. Trong lĩnh vực này, hai nước Trung, Mỹ có không gian để có thể hợp tác cùng với nhau rất lớn, mà sự hợp tác như vậy cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của chính bản thân Trung Quốc. (Đương nhiên ở đây đề cập đến một vấn đề còn cơ bản hơn, đó là việc Trung-Mỹ sẽ hợp tác như thế nào để xây dựng nên hệ thống an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mà điều này đòi hỏi thể hiện trong một bài lập luận khác biệt nữa).

Quản lý và kiểm soát sẽ chính là các lựa chọn.

Thứ ba, một cấp bậc tiếp theo nữa là mối quan hệ giữa Trung Quốc và tổng thể khối ASEAN. Việt Nam, Philippin, Malaysia và Bruney là những nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ đối với một số đảo trên Biển Đông. Điều này quyết định đến sự cân nhắc của Trung Quốc về lợi ích tổng thể của khối ASEAN cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và tổng thể ASEAN. Mặc dù cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa đa phương, thế nhưng cuối cùng thì họ bất đắc dĩ cũng phải thừa nhận, hơn nữa sự chấp nhận này càng sớm bao nhiêu thì sẽ càng có lợi cho Trung Quốc bấy nhiêu. Hãy giả thiết một chút rằng, nếu như “Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông” ngay từ những năm trước đã có tính ràng buộc pháp lý rồi thì cục diện Biển Đông sẽ không đến nỗi phát triển như thời điểm hiện tại thế này. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Trung Quốc chấp nhận chủ nghĩa đa phương, thì “Tuyên bố ứng xửtrên Biển Đông” sẽ vẫn là một lối vào đầy thuận tiện.

Thứ tư, một cấp bậc cuối cùng là nên đối diện với vấn đề tranh chấp chủ quyền như thế nào. Đây là vấn đề vô cùng thiết yếu, Trung Quốc nên từ bỏ chủ nghĩa song phương truyền thống và chấp nhận chủ nghĩa song phương mới, cũng có nghĩa là một chủ nghĩa song phương mới nằm trong cấu trúc của chủ nghĩa đa phương. Điều này nói lên rằng, Trung Quốc và các nước có liên quan đến tranh chấp sẽ có thể tiến hành các cuộc họp thảo luận song phương dưới hình thức cấu trúc đa phương giữa Trung Quốc và ASEAN khi bàn bạc nghiên cứu về vấn đề Biển Đông. Dưới hình thức cấu trúc đa phương như vậy, các quốc gia không liên quan đến tranh chấp Biển Đông sẽ không tỏ rõ thái độ ủng hộ đối với bất cứ một bên nào, lập trường trung lập sẽ là lợi ích lớn nhất của tất cả các bên. Đồng thời khuôn khổ này cũng tạo động lực lớn giúp cho các nước có liên quan đến tranh chấp có thể tiến hành thương lượng thảo luận với Trung Quốc.

Vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp gay gắt. Muốn một bước giải quyết nhanh gọn vấn đề này là không điều không thể xảy ra được. Nếu không giải quyết được vấn đề tồn tại, thì phương án quản lý và kiểm soát sẽ trở thành những cách lựa chọn hợp lý. Nhưng muốn quản lý và kiểm soát được vấn đề tranh chấp Biển Đông thì cần bắt buộc phát triển một loạt các cơ chế pháp lý. Mặc dù Trung Quốc hiện nay đang nằm trong tình thế bị động, thế nhưng không gian mà Trung Quốc có thể hoạt động được lại vô cùng lớn. Là một quốc gia lớn có trách nhiệm thì Trung Quốc cũng nên tìm kiếm các giải pháp để quản lý và kiểm soát vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bắt đầu ngay từ trong bối cảnh khu vực thậm chí mở rộng ra quốc tế. Nếu Trung Quốc không thể thay đổi đường lối tư duy truyền thống một cách có hiệu quả thì không gian hoạt động của Trung Quốc trong vấn đề này sẽ ngày càng bị thu hẹp nhỏ lại.

Bản gốc tiếng Trung “中国活在梦中 南海早已彻底输掉”

Theo Liên hợp Buổi sáng

Đinh Thị Thu (dịch)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *