Trên con đường ngoằn nghèo dẫn tới lãnh địa của dân nghiện chích là dày đặc cỏ dại, bơm kim tiêm và vỏ ống nước cất. Trong vai người phát bơm kim tiêm và bao cao su miễn phí, tôi thâm nhập vào xóm liều dưới chân cầu Niệm Nghĩa- Hải Phòng.
Lòng rưng rức đau khi chứng kiến những đứa trẻ ngày ngày mưu sinh nhờ ma túy. Chúng không hề ý thức hiểm họa có thể đổ ập xuống đầu chúng bất cứ lúc nào.
Chơi với…thần chết.
Như sợ tôi tranh mất mối làm ăn của bọn trẻ, nên khi thấy tôi đến cùng bọc hàng trên tay, một đứa bé gái gầy còm, đen nhẻm khoảng 12 tuổi chạy lại gần: “Chú đi chỗ khác bán đi, chỗ này bọn cháu đã đứng bán từ lâu rồi mà ”. Tôi chìa đống kim tiêm cho con bé: “Chú không bán, chú đi phát kim tiêm miễn phí thôi”. Con bé vơ vội đống kim tiêm trên tay tôi rồi vất vào rổ kim tiêm và nước cất của nó. Sau đó nó quay lại: “Để đó cháu bán, cháu còn kiếm được tiền. Chú phát cho người ta, còn ai cháu bán nữa. Hì hì”. Con bé nhăn răng cười. Tôi mỉm cười thông cảm với nó. Chưa đầy 30 giây sau, gần chục đứa trẻ đã bu quanh tôi và chìa tay ra. Hiểu ý, tôi vất hết đống kim tiêm và nước cất cho chúng. Chúng chia nhau rồi mang về chỗ ngồi của mình. Tôi lân la hỏi chuyện đứa bé gái khi nãy. Nó có cái tên khá đẹp- Nhung. Bố nó đã mất do một lần chích bị sốc thuốc. Mẹ nó đã bỏ đi biệt tích ba năm nay. Hiện nay, nó đang sống với bà nội. Bà ốm yếu nên nó phải đi bán cái này để kiếm sống. Đang nói chuyện, bỗng có hai thanh niên đi xe máy đến. Con bé nhanh nhảu đứng lên, chạy lại: “Xi, nước cất này chú, 3000 một cái thôi. Cháu bóc luôn cho chú nhé”. Hai người thanh niên rút tiền đưa cho Nhung rồi rồ ga xe phóng mất hút sau bụi cỏ dại. Nhung hí hửng quay lại với tờ 10000 trong tay. Theo Nhung, khách chỉ tấp nập khoảng 9h sáng. Sau đó các con nghiện sẽ tản mát ra các nơi hoặc ra các bụi cỏ dại gần đó để chích và phê thuốc. Khi vắng khách, bọn trẻ sẽ bắt đầu trò chơi quen thuộc của chúng. Tôi tò mò hỏi là trò gì, Nhung bảo: “Đợi lát nữa, chú sẽ biết ”. Không cần đợi lâu, ngay sau đó lũ trẻ nhốn nháo gọi nhau chơi. Và tôi đã phải giật mình trước trò chơi của chúng. Chúng nhặt những ống xilanh đã dùng, có những cái còn đỏ loe máu, giả làm phi tiêu cắm phập xuống đất hoặc phi vào thân cây. Sau mỗi lần phi trúng, chúng lại hò hét thích thú. Chơi chán, chúng đi nhặt lại những mũi ống xilanh ấy và…dùng tay bẻ gẫy mũi tiêm, lấy phần nhựa để bán ve chai. Nhìn những nụ cười hồn nhiên, tôi không thể nghĩ là chúng lại có thể vô tư đến vậy. Tôi hỏi: “Sao bọn cháu lại nghịch dại thế . Xi còn nguyên máu, bao nhiêu là bệnh tật trong đó. Các cháu không biết sao ”. Một thằng bé lên tiếng: “Chú ơi, chúng cháu quen rồi. Với lại, bọn cháu còn đồ chơi nào khác ngoài cái này đâu ”.
Đường chúng cháu tới trường còn heo hút lắm chú ơi…
Đó là câu trả lời của Nhung khi tôi hỏi: “Các cháu có được đi học không?”. Nhung còn kể, trong lũ trẻ ở đây, đứa nào học cao nhất cũng chỉ đến hết lớp 5. Còn nó đang học đến lớp 4, bố mất nên phải nghỉ học. Nhung chỉ tay về phía đứa bé gái đang nhặt xilanh dưới gốc cây trứng cá: “Cái Thùy kia, nó đang học lớp 3. Nhưng không biết nó có được học tiếp nữa không. Vì bố mẹ nó đều nghiện hút. Đi bán thế này, về nó phải đưa hết tiền cho bố nó mua thuốc. Có hôm nó bị bố nó đánh cho no đòn vì cả ngày không bán được cái nào. Nó thường xuyên phải nhịn đói nữa. Nó là đứa tội nhất trong lũ cháu”.
Nhung bày tỏ: “Bọn cháu, đứa nào cũng muốn được học tiếp. Chiều chiều, đứng dưới chân cầu Niệm nhìn lên, thấy các bạn đi học về, chúng cháu rất thèm muốn. Nhưng…”. Con bé ngập ngừng không nói nữa. Nó xa xăm nhìn ra xa. Trông gương mặt con bé lúc này thật già dặn. Tôi hỏi: “Bây giờ cháu mong ước gì nhất?”. Sau phút suy nghĩ, con bé buồn buồn trả lời: “Cháu muốn có nhiều tiền để chữa khỏi bệnh cho bà. Cháu còn mỗi mình bà là người thân. Bà bỏ cháu đi như bố nữa, cháu buồn lắm”.
Nhìn tụi trẻ đang lai lưng kiếm sống bằng cái nghề vô cùng nguy hại, tôi thấy xót xa cho tương lai của các em. Liệu số phận có quá khắt khe với chúng…? Cầu xin cho các em một chút bình an trong những bão bùng cuộc sống.
Phạm Tử Văn