Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Chung khảo Văn học tuổi 20: Truyện dài áp đảo truyện ngắn

Chung khảo Văn học tuổi 20: Truyện dài áp đảo truyện ngắn

Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 (VHT20) vừa có kết quả 18 tác phẩm vào vòng chung khảo. Những thông tin từ cuộc thi cho thấy lần thứ năm giải văn học dành cho tuổi trẻ hứa hẹn một mùa thu hoạch khấm khá…

Tín hiệu mới nhất ghi nhận được là các cây bút VHT20 lần này bộc lộ thiên hướng sáng tác truyện dài và tiểu thuyết. Trong 18 tác phẩm chung khảo, có đến 12 truyện dài, gấp đôi số lượng sáu tập truyện ngắn. Ðây cũng có thể là một ý hướng tích cực, khi địa hạt tiểu thuyết trong dòng văn học đương đại của chúng ta lâu nay còn ít người khai thác, những cây bút trẻ cũng không mạnh dạn bước vào. Trong khi đó, tiểu thuyết mới chính là nội lực của văn nghiệp mỗi nhà văn, và của cả nền văn học. Các giải thưởng văn học danh giá ở tầm châu lục và quốc tế cũng nhắm đến trước hết là tiểu thuyết. Không chỉ vì dung lượng tác phẩm đòi hỏi cách làm việc chuyên nghiệp, nội dung của thể loại này từng được nhà văn Milan Kundera phát biểu rất hay: “Tiểu thuyết là cuộc chiêm nghiệm đời sống con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành”.

VHT20 không đặt kỳ vọng tìm kiếm các cây bút tiểu thuyết, nhưng sự mạnh dạn khai thác lĩnh vực truyện dài, tiểu thuyết của những cây bút viết cho tuổi hai mươi hôm nay, có thể gợi một niềm tin vào tình hình tiểu thuyết trong tương lai.

Mặc dù sau ngày 5-8 mới có danh sách chính thức các tác phẩm vào chung khảo, nhưng theo ban giám khảo, đề tài tác phẩm của lần thi này thật sự phong phú: đó là những trang viết về chiến tranh, hậu chiến và chủ yếu là những lát cắt về cuộc sống của người trẻ (Cơ bản là buồn). Những tác phẩm xoay quanh cuộc sống hiện đại của người trẻ ở thành thị, đối diện với quá nhiều lựa chọn, mâu thuẫn (Sống, Chuyện người ngủ thuê, Những người bạn của mặt trời). Lại có trang viết về người trẻ ở miền núi, mang đậm hơi thở văn hóa độc đáo của vùng dân tộc Raglai (Charao mùa trăng); vừa có không gian sống ở vùng sông nước Nam bộ, chân chất mộc mạc nhưng chứa đựng bên trong nó những mâu thuẫn nội tại gay gắt (Lý Hàng Khơi, Gia tộc ăn đất). Ngoài ra còn có những trải nghiệm từ cuộc sống của người trẻ VN ở nước ngoài với trái tim luôn hướng về quê nhà (Chộn rộn xứ người, Những đêm không ngủ ở Toronto).

Sau bốn lần VHT20 tổ chức thi theo hình thức ẩn danh, lần này ban tổ chức “phá lệ” cho hiển danh các thí sinh dự thi. Nên đến giờ này có thể bắt gặp những “tên tuổi” quen thuộc của làng văn đã vào chung khảo: Nguyễn Ngọc Thuần, La Nguyễn Quốc Vinh, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Dương Quỳnh, Trần Ðức Tĩnh… Bên cạnh đó là một số gương mặt hoàn toàn mới như Phạm Bá Diệp, Nhật Phi…

Tất cả tác giả cũ – mới ấy đang cùng góp nên nhiều giọng văn đa dạng cho VHT20 lần này. Ban tổ chức cho biết có nhiều tác phẩm “mang đậm phương ngữ Nam bộ và Bắc bộ”. Và về thể loại, các tác giả cũng mạnh dạn thử nghiệm những thủ pháp mới trong mặt bằng văn học VN: truyện giả tưởng huyền ảo (Urem – người đang mơ), hiện thực và hoang đường (Ðối cực), nhân hóa (Thư tình trong hang chuột)…

Và cuộc thi sắp khép lại với những tín hiệu vừa đáng mừng vừa sinh động như vậy.

* Cuộc vận động sáng tác VHT20 lần 5 do báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức, được khởi động từ tháng 9-2012, dự kiến công bố giải vào ngày 2-9-2014. Các thành viên ban chung khảo gồm: nhà văn Ðoàn Thạch Biền, nhà văn Nguyễn Ðông Thức, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà giáo Nguyễn Thành Thi, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn.

* Ngoài 19 tác phẩm VHT20 lần 5 được NXB Trẻ chọn in, phát hành trong ba đợt trước, sắp tới sẽ có năm tác phẩm tiếp theo được in, gồm: Lý Hàng Khơi (của Ðoàn Phương Nam), Mất hút bên kia đồi (tác giả D.), Cát nổi, khói vẫn bay (Phạm Tử Văn), Charao mùa trăng (Nguyễn Thị Khánh Liên), Ðuôi trắng (Hồ Thúy An).

* Các tác phẩm đã in gồm: Anh đã đợi em, từng ngày (Nguyễn Thị Thanh Bình), Hạt hòa bình (Minh Moon), ngôi nhà không cửa sổ (Khiêm Nhu), Ở trọ Sài Gòn (Nguyễn Hoàng Vũ), Urem – người đang mơ (Phạm Bá Diệp), Những người bạn của mặt trời (Lanka), Rưng rưng lòng (Tịch), Bình yên tạm bợ (Trần Lãng Diệp), Thị trấn của chúng ta (Nguyễn Dương Quỳnh), Chộn rộn xứ người (Mai Thanh Nga), Nhiệt đới buồn (Phương Rong), Sống (Ðường), Những đêm không ngủ ở Toronto (Nguyễn Thu Hoài), Cơ bản là buồn (Nguyễn Ngọc Thuần), Không biết đâu mà lần (Văn Thành Lê), Người ngủ thuê (Nhật Phi), Ðối cực (Trần Ðức Tĩnh), Gia tộc ăn đất (Lê Minh Nhựt), Ê- Ðen xa vời (La Nguyễn Quốc Vinh).

LAM ĐIỀN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *