Home > Contend > Trang văn > Tùy bút > Đền cối Xuyên – Chùa Nghiêm Quang

Đền cối Xuyên – Chùa Nghiêm Quang

 Đền cối Xuyên – nơi thờ An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa
 
Đền Cối Xuyên thờ An Nghĩa đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa trên nền dinh Đức Phong xưa
Tháng bảy! gió heo may đầu mùa se lạnh dễ gợi người ta nhớ về ký ức, nhớ những gì gắn với nguồn cội. Và trên con đường tìm về ký ức ấy,
âm hưởng của đôi câu đối ” Cối Xuyên tú khí sinh lương tướng/ Kiêu Kỵ trung linh hóa phúc thần”

như có sức mạnh huyền diệu kéo chúng tôi tìm về với mảnh đất Cối Xuyên ( thôn Đức Đại – thị trấn Gia Lộc – Tỉnh Hải Dương) – Ngôi làng cổ nằm bên đường 17 nhiều thần tích.
– Thanh bình như bao làng quê Bắc Bộ, mảnh đất bình dị này là nơi cất tiếng khóc chào đời của An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa – Một trong những tên tuổi nổi danh nhất triều Trần, con người văn võ kiêm tài, có công giúp Trần Hưng Đạo đánh thắng giặc Nguyên Mông, bảo vệ bờ cõi, được vua Trần phong Vương, gả công chúa Ngọc Hoa. Vốn là người không chuộng Vương quyền, sau khi giúp vua ổn định triều chính, Nguyễn Chế Nghĩa trở về quê dựng Dinh Đức Phong, mở trường luyện võ trân đất Cối Xuyên. Và khi tạ thế nhân dân đã dựng đền thờ tên cổ là Cối Miếu để phụng thờ ngay trên nền dinh cũ.
 
Con đường nhỏ trôi giữa bao nếp nhà như dải lụa nâu dẫn vào đền. Trong cái nắng hanh vàng dịu dàng của tháng bảy, chúng tôi lần lần dạo bước. Dấu cũ còn đây: Sắc rêu xanh ẩn hiện trên những viên đá cổ còn lại của nền cũ dinh xưa: Lớp lớp dòng chữ mờ tỏ nơi tấm bia đá cũ: mặt nước rập rờn trên khuôn ao nhỏ tương truyền là ao chiêm tinh – nơi Ngài thường xem sao tính thời khắc, tiên đoán công việc; dấu vết cây cầu đá xanh cổ kính mà theo truyền thuyết Ngài đã dừng thần lực chuyển đá từ Thanh Hóa về lát đường xây cầu cho dân… Dẫu chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến dấu ấn về vị tướng lừng lẫy này sống mãi trong lòng người dân trang Cối Xuyên xưa và thôn Đức Đại thị trấn Gia Lộc ngày nay. Trở thành điểm tựa cho con cháu đương thời dựng lại ngôi đền mới trên nền cũa để phụng thờ Ngài ngay trên nền dinh Đức Phong xưa. 
Giọng kể của người bạn đi cùng về thuật “thu mặt trời trong lòng bàn tay” để kịp giờ lên kinh đô của Nguyễn Chế Nghĩa cùng bao truyền thuyết khác về người anh hùng này khiến chúng tôi trôi giữa dòng chãy thực hư. Dấu tích còn đây, truyền thuyết vẫn đó, phải chăng anh linh người anh hùng đang dõi theo chúng tôi.
 
Chạm tay vào tam quan ba cổng, ba tầng với chuông khánh của đền chúng tôi ngỡ ngàng. Tất cả nét trần tục dường như gửi lại phía ngoài. Hương đại đỏ ngào ngạt bọc cài quyện với hoa cau thoang thoảng dẫn dụ con người trôi về miền cổ tích. Dạo bước trên sân đền lát gạch thân quen, ngắm ngôi đền vừa được phục dựng bởi tấm lòng của những con người thơm thảo, mái ngói nâu đỏ , những đôi câu đối sơn son thiếp vàng, hàng cột vững chãi sẫm màu thời gian… tất cả làm nên một khu thở tự trầm mặc trong khuôn viên tĩnh tại giữa dòng chảy ồn ào bộn bề của cuộc sống. 
 
Chính sử Việt Nam chép về Nguyễn Chế Nghĩa không nhiều. Nhưng chút ít về đức Ngài ẩn trong những tài liệu quý còn lại cũng đủ khẳng định: Đôi khi phẩm chất đức độ của bậc hiền nhân quân tử có sức trường tồn gấp vô vvàn những pho sử sách. Trường hợp An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa là thế. Sử sách ghi chép về ngài còn lại đôi dòng, nhưng sức sống huyền thoại trong nhân gian về ngài vẫn muôn đời sống mãi. 
 
Đã trải gần bảy trăm năm, nhưng tất cả những gì liên quan đến Đức Thánh, đến công chúa Ngọc Hoa và người con hiếu thảo là Hoàng Tử Sùng Phúc vẫn còn đó, tất cả vẫn sống động qua sự ngợi ca của đời sau gửi gắm trong đôi câu đối ” Lê quan thắng tích truyền Nam Bắc/ Cối địa linh từ tự cổ kim” của tiến sĩ Nguyễn Trạch Dân – thế kỷ 15, rồi ” Hải Đông Cối trạch trung linh địa/ Ải Bắc Lê quan trấn kiệt nhân” của hương cống Nguyễn Trọng Tân học hiệu Sơn – Hưng – Tuyên ( Sơn Tây – Hưng Hóa – Tuyên Quang) thế kỷ 17; đến hai vế đối của tiến sĩ Đỗ Quang, Hoàng Trang thế kỷ 18 và cả đôi câu đối do bô lão Kiêu Kỵ cung tiến thời Khải Định năm 1918 đã nêu bật tài năng, tấm lòng trung quân ái quốc, khí phách kiên cường của vị danh tướng tiên phong lừng lẫy một thời. 
 
Theo bản dịch ” Ngọc Phả” cuốn sách chép về ngài đầy đủ nhất thì Nguyễn Chế Nghĩa chính là đức thành hoàng trang Cối Xuyên, nay là hai xã Hội Xuyên và Phương Điếm huyện Gia Lộc. Ngôi đền cối xuyên nơi chúng tôi đang đứng đây là nơi ngài đặt dinh thự của mình khi đang giữ chức Thái Tể phò mã, đại tướng quân đứng đầu văn võ triều Trần. Không chỉ có công lớn trong việc giúp vua Trần chống giặc Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi vào năm 1285, ông là một trong những trung thần góp sức phò tá qua bốn đời vua Trần: Trần Nhân Tôn, Trần Anh Tôn, Trần Minh Tôn, Trần Hiến Tôn. Nguyễn Chế Nghĩa đã trở thành cánh tay đắc lực, giúp các vua Trần trong việc triều chính, phủ dụ thần dân, an bang đất nước, kể cả việc khai hoang mở rộng nghề nông, đê điều và tầm tang canh cửi. Sau khi Ngài mất Vua Trần đã sắc phong Ngài là An Nghĩa Đại Vương. Thời gian trôi chảy, bãi biển nương dâu đã khắc ghi dấu ấn gần bẩy trăm năm lịch sử của ngôi đền cổ kính xưa trên mảnh đất này. 
Trò chuyện cùng các bậc cao niên trong làng, chúng tôi được biết, trong khối quần thể di tích thờ Nguyễn Chế Nghĩa trên địa bàn thôn Đức Đại – thị trấn Gia Lộc gồm Cối Miếu – Ngôi đền cổ kính là di tích có tầm quan trọng bậc nhất gắn với cây cầu đá xanh, ao chiêm tinh… thì Chu Cung ( Cung vàng điện ngọc) còn gọi là chùa Nghiêm Quang ( Hay chùa Phật Tích) do hoàng tử Sùng Phúc, con trai Nguyễn Chế Nghĩa khởi dựng cũng là những dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí dân làng. Và sẽ là thiếu sót nếu ta tìm hiểu về đền Cối Xuyên, về An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa mà không thấu về Nghiêm Quang Tự xưa. Thần tích còn chép lại: Tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn ba mẫu bắc bộ, đền thờ An Nghĩa Đại Vương gắn với di tích chùa Nghiêm Quang, ngôi chùa cổ khi mới xây dựng có tên Phật Tích. Tương truyền Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa cùng nguyệt Hoa công chúa phu nhân của ngài rất tôn sùng đạo Phật, ngoài ra còn một lý do riêng khiến ngài cho dựng ngôi chùa ngay trong tư dinh của mình ( dinh Đức Phong) để hàng ngày tụng kinh niệm Phật, nghiên cứu các giáo lý, tu dưỡng lòng nhân, cầu nguyện cho gia đình và quê hương được thanh bình, thịnh vượng. Sau khi ngài hóa tại Kiêu Kỵ – Gia Lâm, nhân dân suốt một dải từ Kiêu Kỵ đến Gia Lộc khi đó là Cối Xuyên – Tràng Tân vô cùng thương xót đã cùng với Hoàng Tử Sùng Phúc lập Cối Miếu quanh năm hương khói phụng thờ và tu tạo thêm ngôi chùa tại tư dinh Đức Phong, đổi tên từ Phật Tích sang Nghiêm Quang để tưởng nhớ vị danh tướng một thời.
 
Trải bao biến thiên dâu bể, đền Cối Xuyên và chùa Nghiêm Quang liên tiếp được trùng tu. Hiện tại trong khuôn viên của đền, chùa còn giữ được năm ngôi tháp cổ, trong đó có hai tháp còn đọc được đã ghi rõ niên đại các sư tổ trụ trì ngôi chùa này. Loại trừ bia số 2, số 4, số 5 chữ mơ không còn đọc được, những con chữ nối tiếp nhau hiện lên sau từng mảng rêu phong thời gian: 
 
” Sư tổ trụ trì pháp danh Sinh Dương Thích, sinh năm Ất mão (1255) trụ trì năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Hưng thứ 14, tịch ngày 30 tháng 2 năm Tân Dậu ( 1321) – (Trên tháp bia số 1) và ” Sư tổ trụ trì pháp tự Hải Hương, sinh năm Nhâm Tý ( 1312), Trụ trì năm Nhâm Thìn (1352) tịch ngay 7 tháng 4 năm Canh Thân ( 1380) niên hiệu Xương Phù thứ 6 ( trên bia số 3) cùng những tư liệu lưu giữ tại chùa Quán Sứ, tại trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt nam đã giúp chúng tôi vẽ nên trong trí óc của mình hình dáng một ngôi chùa cổ có mái cong uốn lượn kiểu kiến trúc Lý – Trần, trong chùa có nhiều tượng Phật như Cửu Long chân châu to rộng, tượng Quan Âm Bồ Tát và nhiều tượng La Hán giống như chùa Tây Phương. Vẫn đọng lại trong tâm trí của nhiều bậc cao niên trong làng, ngoài cổng chùa còn có tam quan 3 cổng cao rộng trên có treo một chuông lớn cao trên 2 mét nặng khoảng 500 kg, gác một có treo khánh cao trên một mét nặng khoảng 200kg. Và đến khi Pháp chiếm đóng xây bốt Phương Điếm, Nghiêm Quang tự mới bị chúng phá hủy, lấy gạch đá lát đường 17 cho xe chạy. 
 
Dừng chân dưới bóng những cây bồ đề quấn quýt quanh năm ngôi bảo tháp, ngửa mặt đón tia nắng lọt qua kẽ lá chiếu xuống khoảng đất phủ kín rêu xanh, trong tôi chợt bật lên câu hỏi: Chẳng biết những cây bồ đề này có tự bao giờ, nguồn sống nào khiến tán lá kia quanh năm xanh tốt đến thế? Có lẽ những cây bồ đề ấy không chỉ tồn tại phát triển như bao loài cây vẫn thấy quanhmình, trong đó còn có cả sự nâng đỡ, chở che của đức tin. Gió vẫn vi vu reo trên những tán lá bồ đề xanh ngút ngát. Nắng vẫn đùa rỡn trên cao. Tất cả dường như hòa nhịp đưa chúng tôi lạc về với miền đất Phật, nơi có đức Thích Ca Mầu Ni tu hành đắc đạo dưới bóng cây bồ đề cổ thụmà bao năm nay những bước chân hành hương của triệu triệu tín đồ từ khắp nơi trên hành tinh vẫn tìm về trong vô vàn thành kính 
 
Và tôi chợt hiểu ra sức mạnh sâu xa ẩn trong mười hai chữ Thánh Hiền” Cối Xuyên tú khí sinh lương tướng/ Kiêu kỵ trung linh hóa phúc thần” Mảnh đất ” Tú Khí” này đã sinh ra Nguyễn Chế Nghĩa và cũng chính mảnh đất này dung dưỡng Ngài suốt cả cuộc đời cho đến những ngày cuối cùng. Cái chết của ngài trên đất Kiêu Kỵ và cả những câu chuyện về tài năng đức độ của ngài, thực đấy mà đã thành huyền thoại trong lòng mỗi người dân trên mảnh đất này. Hàng ngày dòng chảy huyền thoại ấy là một trong những niềm tin, níu giữ, gắn kết họ với mảnh đất quê hương, và dù đi đâu, ở đâu đến ngày giỗ Đức Ngài (26,27,28 tháng 8 âm lịch) con cháu cũng gắng trở về tắm mình trong làn mưa thu dịu nhẹ, trong hương trầm thoang thoảng và trong cả niềm tin vô bờ vào huyền thoại và truyền thống của làng quê 
 
Tạp chí hội văn học nghệ thuật
Hải Dương tháng 8/ 2009
 
Tác Giả Trương Thị Thương Huyền 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *