Ngày 19.9 vừa qua, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các đại biểu tiếp tục đặt vấn đề nhằm thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK)
giáo dục phổ thông. Xung quanh câu chuyện đổi mới SGK đã nảy ra vấn đề cũ tồn tại hàng chục năm nay, đó là những tác giả có tác phẩm được in trong SGK hầu như không được nhận tiền bản quyền, hoặc nhuận bút, trong khi NXB Giáo dục mỗi năm in hàng triệu cuốn và chuyện kinh doanh SGK được cho là siêu lợi nhuận.
Quyền tác giả: Không thể dùng… chùa
Nhà giáo Đặng Hiển – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – có một bài thơ rất giản dị và được nhiều thế hệ học sinh khi lớn lên vẫn nhớ. Đó là bài “Mẹ vắng nhà ngày bão”. Bài thơ này ban đầu được in trong SGK lớp 4 từ năm 1981, sau đó được chuyển xuống in trong SGK lớp 3. Sau nhiều lần sửa đổi SGK, bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” vẫn còn trong sách, đó là niềm vinh dự đối với nhà giáo Đặng Hiển.
Thế nhưng khi được hỏi về việc NXB có trả tiền bản quyền hay nhuận bút cho ông trong suốt 30 năm qua, ông chỉ cười: “Được in trong SGK là vinh dự rồi, còn đòi hỏi gì”. Rồi ông nhớ lại: “Hồi đó, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có chọn bài thơ của tôi, in vào SGK xong thì NXB cũng biếu tôi 1 cuốn cùng 50 đồng gọi là tiền nhuận bút. Sau này, cách đây chục năm gì đó, sau khi soạn lại SGK tôi cũng được tặng thêm 1 cuốn nữa và 100.000 đồng, bằng nhuận bút một bài thơ đăng báo. Tính ra 10 năm cũng được… 3 bát phở”.
Ảnh (từ trên xuống) các nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Trần Đăng Khoa – những tác giả có tác phẩm được dùng trong sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhưng không được trả tiền tác quyền.
Cũng theo nhà giáo Đặng Hiển: “Thật ra tôi cũng không nghĩ về chuyện tiền bản quyền hay nhuận bút cho lắm. Cách đây cũng khá lâu, tôi tình cờ phát hiện một bài thơ của mình đăng trong sách dạy bổ túc văn hóa. Người ta chọn tác phẩm của mình in còn chả nhớ mà biếu sách thì hy vọng gì.
Tôi nghĩ các tác giả có tác phẩm in sách cũng nghĩ như tôi thôi, không đòi hỏi gì. Nhưng về mặt luật mà nói thì chúng tôi có quyền đòi hỏi. NXB mỗi năm in cả triệu bản, bán cho học sinh, vậy mà các tác giả lại chẳng được ngó ngàng đến là điều bất cập. Như bài thơ của tôi, tính ra tiền còn ít nhưng những tác giả lớn như cụ Tô Hoài có nhiều tác phẩm được in, trích vào sách như “Vợ chồng A Phủ”, “Dế mèn phiêu lưu ký”… lẽ ra phải trả tiền bản quyền hoặc nhuận bút thật lớn cho cụ hoặc gia đình cụ.
Tôi nghĩ đây là điều phải thay đổi, không chỉ là để tôn trọng tác giả được chọn, mà đã là SGK là phải tuân thủ đúng luật pháp, trong đó có liên quan đến quyền tác giả. Không thể cứ dùng “chùa”, hoặc trả nhuận bút chiếu lệ mãi được”.
Cuốn Tiếng Việt lớp 3 đã tái bản lần thứ 10, mà số tiền tác giả nhận được… chỉ hơn 100.000 đồng tiền nhuận bút.
“Nấu cháo” trên lưng các tác giả?
Nhà giáo Đặng Hiển còn may mắn với khoản nhuận bút giá trị tương đương 3 bát phở. Còn rất nhiều tác giả khác thì họ chẳng nhận được một đồng. Nhà thơ Nguyễn Duy – tác giả của các bài thơ rất nổi tiếng “Tre Việt Nam” (SGK lớp 4), “Ánh Trăng” (SGK lớp 9), “Đò Lèn” (SGK lớp 12) – cũng tỏ ra rất bức xúc khi nói tới vấn đề này.
Ông cho rằng: “Được đưa tác phẩm vào SGK là một vinh dự của tác giả, vì tác phẩm của mình được giảng dạy trong nhà trường. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu SGK là tài liệu phát cho học sinh thì không trả tiền tác quyền là hợp lý. Nhưng nếu NXB Giáo dục kinh doanh, thu lợi nhuận thì phải trả tiền tác quyền mới đúng luật. Tôi nghĩ chính ngành giáo dục phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, cụ thể là trong lĩnh vực bản quyền khi in, xuất bản SGK.
NXB Giáo dục có một lần trả tiền tác quyền độ 900.000 đồng cho tập “Thơ với tuổi thơ”, in các bài thơ của tôi, do nhà thơ Trần Đăng Khoa biên tập và viết lời giới thiệu. Nhưng đó là một tập thơ riêng, không phải SGK. Một số nơi in thơ tôi, có gửi thư xin phép, kèm theo ý kiến xin được miễn tiền tác quyền, chỉ gửi sách biếu. Tôi đồng ý và rất vui. Nhưng cái thư mời, thư cảm ơn là sự thể hiện tôn trọng tác giả, có cam kết về tác quyền. Nhưng NXB Giáo dục chưa làm được như vậy.
Trong khi đó, nhà thơ Đỗ Trung Quân lại đề cập tới một vấn đề khác: “Bài thơ “Quê hương” của tôi in trong SGK lớp 3 chừng 20 năm nay. Nhưng tôi không hề nhận được một thư mời, thư cảm ơn, nói chi đến tiền tác quyền. Thậm chí, bài thơ “Quê hương” in trong sách Tiếng Việt 1, có câu sai “Quê hương là con diều biếc, chiều chiều con thả trên đồng” (nguyên bản là: Tuổi thơ con thả trên đồng), nhưng NXB Giáo dục không hề xin phép biên tập, khi bị phản ứng thì không nhận sai, vì có lẽ họ sợ phải thu hồi hàng triệu bản sách sẽ mất đi lợi nhuận.
Kinh doanh sách giáo khoa được cho là siêu lợi nhuận trong khi những tác giả có tác phẩm được in trong SGK hầu như không được nhận tiền bản quyền, hoặc nhuận bút.
Tôi cũng như các tác giả khác, có niềm vui vì tác phẩm của mình được giảng dạy trong nhà trường, nhưng cũng đòi NXB Giáo dục thực hiện đúng quy định về tác quyền, dù chỉ bằng một cam kết có sự đồng ý của tác giả và không nhận tiền, bởi vì đã là pháp luật thì phải chấp hành. Tôi cũng như các nhà thơ, nhà văn khác thường lơ đãng, tự trọng, không muốn kiện cáo đòi nợ cho nên quên đi chuyện tác quyền đối với các tác phẩm in trong SGK. Nhưng Báo Lao Động nói thay cho các tác giả thì cá nhân tôi rất cảm ơn.
Tôi nói hài hước thôi, nếu như mỗi học sinh từ bao thế hệ nay, người nào có học bài thơ “Quê hương”, trả cho tác giả 1.000 đồng, thì nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng đủ sống không vất vả (cười). Nhân đây tôi cũng xin nói rõ, vấn đề đang bàn là tác quyền bài thơ, còn tác quyền bản nhạc “Quê hương” (trong đó có phần thơ) tôi đã ủy quyền cho nhạc sĩ Giáp Văn Thạch nhận toàn bộ tiền tác quyền”.
Theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí – xuất bản được áp dụng từ 1.6.2014 có quy định rất cụ thể về cách tính nhuận bút cho các tác giả có tên trong SGK. Song, theo Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học – thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, tới đây sẽ phải đòi NXB Giáo dục một khoản tiền lên tới cả chục tỉ đồng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – người có rất nhiều tác phẩm thơ được đăng trong SGK bậc tiểu học: “Càng vinh dự càng cần được tôn trọng”
“Là tác giả của khá nhiều tác phẩm được đưa vào SGK, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được một đồng nhuận bút nào từ đó. Và tôi cũng chưa bao giờ lên tiếng về việc này, vì có lẽ tôi quá quen với chuyện bản quyền luộm thuộm ở ta trước nay.
Điển hình như tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của tôi được nhiều nhà sách tái bản không biết bao nhiêu lần, mà bản thân tôi cũng không thể nào kiểm soát nổi, nên nói chung chữ “bản quyền” thường gây cho tôi cảm giác chán nản, mệt mỏi.
Vi phạm bản quyền tác phẩm văn học lưu hành trong SGK, theo tôi, lại càng gây thất vọng hơn. Vì đây là một NXB lớn, nắm độc quyền trong việc in SGK, lại in với số lượng cực lớn một sản phẩm dành để giáo dục học sinh, tái bản liên tục trong nhiều năm… mà lại thờ ơ với câu chuyện này thì quả là sự lạ.
NXB Giáo dục xưa nay theo như tôi biết vốn làm ăn rất nghiêm túc, đàng hoàng, vì họ đâu thiếu tiền, không biết sao lại không lưu tâm đến việc thiết yếu này. Hay là mắc mớ ở một khâu nào đó chăng, cái đó cần phải xem lại! Rồi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả văn học thành lập cả 10 năm nay, nhưng cũng gần như chưa có được tiếng nói đáng kể của mình trong chuyện này.
Một nguyên nhân nữa, theo tôi, có thể còn là: Bản thân người làm sách cũng như nhiều tác giả có tác phẩm được đưa vào SGK coi đó là một vinh dự nên coi nhẹ việc bản quyền. Nhưng theo tôi, việc gì ra việc nấy. Đâu phải vì người ta coi đó là vinh dự mà mình nhân thể ngó lơ chuyện tác quyền. Và càng là vinh dự thì càng nên tôn trọng những người thụ hưởng nó, bắt đầu từ việc tôn trọng chất xám, sức lao động của họ”.
THIÊN AN (thực hiện)