Người ta hay gọi các loại sách nhái, sao chép, vi phạm bản quyền… bằng một từ chung là “sách lậu”. Thế nhưng trong số các loại sách lậu có loại sách được ưu ái gọi bằng tên riêng:
“sách luộc”. Cách gọi này nói đến một loại sách lậu phức tạp nhất hiện nay, phức tạp cả về cách làm cũng như khả năng phát hiện.
Tinh vi và phức tạp
Các loại sách lậu hiện nay được thực hiện rất tinh vi, bìa sách và nội dung được sao chụp, sau đó sử dụng công nghệ in ấn hiện đại hoàn thiện. Chính vì thế rất khó để phân biệt sách lậu với sách thật khi chất lượng thể hiện đôi khi không chênh nhau nhiều, thậm chí giới làm sách lậu hiện này còn có khả năng làm giả cả tem chống giả, nên việc phân biệt càng khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế việc khó phân biệt này chỉ là xét dưới góc độ người tiêu dùng, khi có kiểm tra, sách lậu sẽ ngay lập tức lộ diện do thiếu các giấy tờ liên quan đến xuất bản. Chính vì thế, sách lậu chủ yếu chỉ len lỏi ở các cửa hàng nhỏ, các tiệm sách quy mô không lớn… Sách lậu kiểu này rất khó để lọt vào hệ thống các nhà phát hành lớn vốn có khâu kiểm tra chuyên nghiệp và nghiêm khắc.
Thế nhưng sách luộc thì lại khác, xét về mặt pháp luật đây là loại sách không hợp pháp nhưng nó lại có đầy đủ các loại giấy tờ xuất bản hợp pháp. Chính vì thế, các khâu hậu kiểm, kiểm tra ở các đơn vị phát hành đều không thể phát hiện ra. Chỉ cách duy nhất để phát hiện là thông qua bạn đọc hay các đơn vị xuất bản khác.
Rất khó cho bạn đọc để phân biệt đâu là sách thật đâu là sách luộc trên kệ sách.
Lấy ví dụ cuốn sách Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm của cố GS Trần Quốc Vượng do NXB Văn học xuất bản lần đầu năm 2003. Năm 2014 cuốn sách này được NXB Thời Đại liên kết với Tạp chí Văn hóa nghệ thuật tái bản có chỉnh sửa với tên mới là Văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, việc tái bản này không được sự đồng ý của gia đình GS Trần Quốc Vượng, những người đang giữ bản quyền cuốn sách. Bên cạnh đó, việc tự ý chỉnh sửa nguyên tác cũng không có sự cho phép của chủ sở hữu cuốn sách. Như vậy, theo luật xuất bản đây là một cuốn sách vi phạm bản quyền nghiêm trọng, một cuốn “sách lậu”, thế nhưng cuốn sách này lại được cấp phép của một NXB hợp pháp (NXB Thời Đại).
Đây không phải trường hợp hiếm hoi, NXB Trẻ cũng từng khốn đốn vì một trong những bộ sách ăn khách nhất của mình là Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi bị một NXB khác cho xuất bản với nội dung hoàn toàn giống nhau, chỉ có nhan đề sách thay đổi. Vụ việc gây ồn ào một thời gian rồi cũng hòa giải với những án phạt không đáng kể.
Nỗi đau ngành sách
Sách lậu được xem là căn bệnh nan y chưa có thuốc trị của ngành sách Việt Nam hiện nay. Căn bệnh này đang tàn phá, gây suy yếu nghiêm trọng ngành xuất bản trong nước. Và trong căn bệnh đó, sách luộc lại được xem là nỗi đau riêng của toàn ngành. Nếu sách lậu do các đầu nậu in sách thực hiện, nghĩa là có “kẻ xấu” rõ ràng thì với sách luộc, vai trò “kẻ xấu” lại chính là những đồng nghiệp, bạn bè.
Giám đốc một NXB lớn đã từng cảm thán khi sách của NXB mình lại bị luộc bởi chính những người đàn anh trong nghề đang là giám đốc các NXB khác mà mình rất quen biết. Có trường hợp chính họ cũng không biết cuốn sách đó là “luộc” của đơn vị bạn, chẳng qua do cấp phép xuất bản cho đối tác mà không kiểm tra lại, thế nhưng cũng có lúc chính họ lại chủ động trong việc thực hiện và cấp phép. Vị giám đốc này than thở những lúc như thế rất khó để làm lớn chuyện do các mối quan hệ chằng chịt trong giới, đành phải giải quyết bằng cách thương lượng riêng với nhau.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Thái Hà Books, tại cuộc họp giao ban xuất bản ở TPHCM đã cho biết, tình trạng một số NXB cấp giấy phép cho sách nhái, sách không bản quyền đang là thực trạng khiến giới làm sách vô cùng lo lắng. Với sách lậu chỉ cần đối chiếu sổ sách, giấy tờ có thể chỉ ra ngay nhưng với sách luộc để chứng minh đòi hỏi rất nhiều công sức, thậm chí đôi khi còn cần có cả hội đồng chuyên môn.
Trông chờ vào hiệp hội
Trong khi sách lậu vốn dễ bị phát hiện mà còn chưa có biện pháp ngăn chặn thì việc ngăn ngừa sách luộc còn khó khăn hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chi phí làm sách, quảng bá rất cao, nên các đơn vị làm sách khó lòng cáng đáng thêm chi phí để đi chứng minh đâu là sách thật, đâu là sách luộc khi việc này đòi hỏi rất nhiều công sức. Chính vì thế, biện pháp dùng pháp luật thông qua tòa án được cho là ít có hiệu quả nhất khi nhiều vụ kiện tục liên quan đến sách lậu còn chưa được giải quyết rốt ráo.
Tuy nhiên, sách luộc cũng có một hướng giải quyết được cho là khá hiệu quả. Nếu sách lậu do những đầu nậu, nằm ngoài tầm quản lý và phải trông chờ vào cơ quan pháp luật thì sách luộc lại liên quan đến các NXB, những người nằm trong một hiệp hội có tên gọi Hội Xuất bản Việt Nam. Cũng chính vì thế, khi ra mắt văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản, ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch HXB, đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hội là đóng vai trò trung gian trong việc xử lý các vấn đề phát sinh giữa các đơn vị xuất bản. Nếu HXB có thể làm tốt việc này, tình trạng sách luộc vốn như chuyện dài không hồi kết được hy vọng sẽ có kết thúc có hậu, tránh những trường hợp gây dư luận xấu như vừa qua.
TƯỜNG VY