Home > Contend > Trang văn > Tản văn > Bồng bềnh Tam Đảo trời mây

Bồng bềnh Tam Đảo trời mây

Đường lên Tam Đảo hôm nay cũng chằng khác mấy với so với năm năm về trước, từ thị xã Vĩnh Yên men theo sườn núi con đường quanh co uốn lượn như dải lụa mềm, dọc hai bên đường ngút ngàn màu xanh của những cánh rừng nguyên sinh.

Càng lên cao đường càng dốc với những khúc cua vặn mình khiến cho tôi thỏa chí với sự kỳ vĩ của dãy Tam Đảo bồng bềnh mây bay, vách đá dựng đứng chon von với những nhành hoa lan dại bám mình mơ màng trong gió, dưới kia là thị xã Vĩnh Yên với những con đường ngoằm nghèo dưới đám mây trắng lững lờ trôi càng tôn thêm vẻ đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên đã dành dụm ban tặng cho mảnh đất nơi này, Cách Hà Nội 80 km Tam Đảo là khu nghỉ dưỡng cao cấp nằm lọt trong thung lung Máng Chi với độ cao 1000m. Gọi là Tam Đảo vì ở đây có ba ngọn núi nhô lên biển mây huyền ảo vừa u tịch vừa kỳ bí đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ với ngọn cao nhất có độ cao hơn 1500m, Dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam dài khoảng 80km với chiều cao tương đối dốc đứng nên Tam đảo có hệ thực vật đa dạng và phong phú với nhiều loại rau quả ôn đới được trồng ở nơi đây, Cũng bởi độ dốc nên Tam Đảo có nhiều suối thác như thác bạc nước chảy tung bọt trắng quanh năm. Chiếc xe trở đoàn dã ngoại của hai lớp quản lý và lãnh đạo điều dưỡng 13, 14 phải tắt điều hòa và mở tung hết cửa để lấy đà lên dốc, Bác tài căng mình với những khúc quẹo gấp, có những chỗ hai xe tránh nhau xe chúng tôi bám mình bên bờ vực sâu thăm thẳm, một số bạn nữ đang cười nói vui tươi cũng bặt hơi nín thở, càng lên cao không khí càng loãng khiến nhiều người nôn nao, Cánh đàn ông chúng tôi thì chẳng thấy hề hấn gì với ba cái trò cảm giác mạnh nên vẫn thoải mái trêu đùa. Đi được khoảng hai tiếng đồng hồ chúng tôi đã lên đến gần tới thị trấn tam đảo, thấp thó ven núi một vài ngôi nhà mái ngói đỏ au và bạt ngàn màu xanh của những giàn Su su mơn mởn, thi thoảng bác tài cua gấp tránh những chiếc xe từ đỉnh núi lao xuống, hai bên sườn non chốc chốc lại gặp một vài quán hàng loi phoi với một ít sản vật núi rừng, vài chiếc xe máy líu nhíu đằng sau với dăm buồng chuối rừng, vài quả mít, kể cũng lạ lên cao trên núi đường dốc ngược quanh co mà mấy bác lái hun đa cứ lao vun vúi như không có hề hấn gì, có lẽ đó là con đường quen thuộc ngày nào họ cũng chở hàng lên phục vụ nhu yếu phẩm cho cái thị trấn nhỏ bé này chăng. Mây vấn vít trên núi, mây bảng lảng bên xe, chúng tôi cảm giác có thể thò tay là túm được cả mây trời. Đâu đây tiếng thác nước rì rào chắc không nhầm thì đó là tiếng nước đổ xuống từ dòng Thác Bạc. Tam Đảo 1km, trước mặt chúng tôi những tòa nhà nằm rải rác chênh vênh trên sườn núi, các khách sạn nhà nghỉ lô nhô quanh một thung lũng nhỏ, xe trở chúng tôi lắt léo đi vào thị trấn và dừng lại tại nhà sáng tác Tam Đảo. Cậu hướng dẫn viên mời cả đoàn xuống xe vào nhà nghỉ để chuẩn bị thủ tục nhận phòng, Không khí nơi đây thật trong lành ai cũng háo hức hít căng lồng ngực. Ngôi nhà sáng tác được xây dựng khá đẹp và yên tĩnh, Đây chính là nhà sáng tác dành cho các văn nghệ sĩ mà tôi cũng là một thành viên, cái nơi mà bọn tôi thường trêu đùa là “Trại”, mới năm ngoái đây thôi tôi đã phải bỏ nỡ cơ hội 15 ngày dự trại sáng tác Tam Đảo theo giấy mời của ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học Việt Nam bởi tuy là hội viên hội văn học, nhưng nghề chính của tôi lại là nghề y nên cơ quan đâu thể hàng năm trả lương để tôi tham gia các trại sáng tác vài chục ngày chéo ngạch, thôi đành cám ơn lãnh đạo hội và nhường xuất đi của mình dành cho người khác. Tôi và Oánh ở chung một phòng, bên cạnh phòng tôi là chị Xuân bệnh viện Lạng Sơn và Phương bệnh viện Nam Định. Kể cũng lạ chẳng hiểu sao cái mẹ Hoàng Xuân dân Lạng Sơn vốn nổi tiếng với quanh co đèo núi vậy mà hôm nay cũng say xe vật vã, nhận phòng xong là lăn quay bất tỉnh. Chúng tôi nghỉ ngơi tắm rửa qua quáy cho sạch chút bụi đường, Nhà nghỉ hầu hết không có điều hòa, chắc bởi nhiệt độ không khí nơi đây thường khoảng 15 đến 25 độ vốn dĩ mát mẻ và trong lành, phòng nghỉ có hai chiếc giường ga đệm sạch sẽ, một bộ bàn ghế uống nước và không thể thiếu một cái bàn dành cho người sáng tác. căn phòng khá đẹp, nhưng vẫn thoang thoảng chút mùi ẩm mốc, có lẽ cũng bởi Tam Đảo vốn dĩ là thị trấn quanh năm mây phủ. Con nhà Oánh tắm xong sảng khoái vật ra giường tranh thủ khò giấc lúc chờ cơm, Tôi ra lan can ngắm phong cảnh kỳ thú của núi non hùng vĩ, Tam Đảo trưa ấy nắng to bầu trời trong xanh ngăn ngắt, thi thoảng vài đám mây trắng mỏng tang lững lờ trôi, vắt ngang bầu trời một dòng mây trắng tuyệt đẹp, xung quanh khu nhà sáng tác là lô nhô với cơ man nhà nghỉ chon von trên sườn núi và nhiều nhất một màu xanh ngút ngát của rau Su su, Su su trồng thành dàn, xung ở quanh nhà, Su su trồng men các vách núi, những ngọn rau non xanh mơn mởn đúng là một thứ đặc sản mà chỉ có nơi này là ngon nhất. Buổi trưa hôm đấy chúng tôi được ăn những món ăn của núi rừng, và có lẽ món rau Su su xào tỏi vẫn là món chủ đạo, chắc do mệt và đói nên mọi người cảm thấy món nào cũng thật ngon, dung xong bữa trưa chị Liên thay mặt ban tổ chức thông báo tối nay thầy Mục sẽ cùng phu nhân lên với lớp tất cả vỗ tay phấn khởi bởi sự hiện diện của thầy cô là một niềm vui cho cả đoàn. Sau đó chúng tôi tranh thủ về phòng nghỉ và hẹn nhau 14 giờ cả hai lớp đi chơi Thác Bạc và khám phá thị trấn của mây. Đúng giờ hẹn mọi người lục tục gọi nhau dậy ra xe ô tô, chiếc xe ngoằn nghèo chạy quanh thị trấn đâu đó vẫn còn những bửng tường cổ được người Pháp xây từ những năm đấu thế kỷ 19 đến những năm 1940 khi đó Tam Đảo đã là một khu nghỉ dưỡng cao cấp có khoảng 145 tòa nhà, biệt thự đẹp lộng lẫy, nay thành phế tích đổ nát theo thời gian cỏ rêu che phủ, bâng khuâng hoài niệm về một thời hoàng kim xưa nay đã thành dĩ vãng xe đỗ trước tấm biển “Thác Bạc” lúc nào không hay, cả đoàn lần lần theo các bậc dốc ngược xuống thác, hai bên đường la liệt các hàng quán bán đủ các mặt hàng phục vụ khách du lịch, từ những đồ lưu niệm chạm khắc gỗ tinh sảo xinh xinh cho đến các quán bán đồ ăn, nước uống nhiều nhất là trứng nướng, khoai, ngô… rồi gà nướng, cheo cheo rừng, các chủ hàng líu lo mời khách, chúng tôi chả có bụng dạ nào để ăn với uống chỉ muốn nhanh chân xuống với dòng thác có cái tên thật đẹp “Thác Bạc” cao hơn 50m đang ầm ầm trắng xóa, tôi thì đã đến đây một lần nhưng đại đa số thì chưa đến nên tiếng thác ầm ào như níu gọi khách viễn du. Đi chừng vài chục phút Thác Bạc hiện ra, trước mắt mọi người dòng thác hùng vĩ đang từ trên cao đổ xuống vách núi thẳng đứng bụi nước bay mờ mờ mát lạnh, mọi người trong đoàn thích thú với cảnh quan kỳ thú nơi này ùa nhau xuống chân thác, đua nhau chụp hình làm kỉ niệm, dòng nước trong veo mát lạnh chờn vờn quanh chân chúng tôi, một cảm giác đê mê khó tả, chụp hình chán cả đám quay ra lô đùa mà đầu têu là con nhà Oánh, thằng quỷ nhè lúc mọi người đang mải mê ngắm thác chụp hình ào xuống té nước tứ tung, mọi người giật mình vì bất ngờ dính nước lạnh, mấy chị em gái cũng chẳng vừa, Oanh, Thúy và cả tôi, Tuân rồi vợ chồng nhà Huyền Sướng cũng như đám trẻ trâu nhảy bừa xuống dòng nước té thằng quỷ ướt sũng phải bỏ chạy mới thôi, tiếng cười đùa tan ròn hòa cũng tiếng thác khiến cho cái u tịch của núi rừng cũng vỡ òa bởi đám du khách chúng tôi, chơi chán chê cả lũ ướt lướt thướt dắt nhau níu vịn lan can hút hơi trèo mấy trăm bậc để lên xe về còn thay quần áo không chết cảm. dọc đường lên chúng tôi ngỡ ngàng với những khóm hoa loa kèn lộn ngược, những đám hoa dại mọc khắp lối mòn, khiến chị em phụ nữ thành phố mê mải ngắm cái thứ hoang sơ mà ở thành phố được coi là của hiếm, thôi thì mấy khi được dịp trổ tài bấm máy, chớp lại những gì mộc mạc, chân chất của núi rừng hoang sơ mang về thành phố làm quà.

Tam Đảo đang nắng chang chang nhìn trên sườn non mây lững lờ nhởn nhơ bỗng chốc mây cuồn từ sau núi, mây lan tỏa không gian, mây à à suống thấp từ từ giăng mắc khắp mọi nơi, mây phủ kín các con đường, các tòa nhà, các giàn Su su và hoa, mây vấn vít quanh tôi không gian bỗng chốc mịt mờ hư ảo tôi như lạc trong khu vườn địa đàng, tất cả núi non hùng vĩ bỗng chốc cuộn trong mây, tôi thấy mình lâng lâng tan hòa, giờ chắc không phải ngửng mặt lên mà ngắm mây bay, mà ước ao có ngày nào đó được như tôn hành giả dùng phép cân đẩu vân để cỡi mây đạp gió bay tới ngàn trùng, tôi ngửa hai bàn tay, những giọt nước nhỏ li ti mát lạnh chờn vờn luồn qua kẽ ngón, cõi mộng là đây, tiên cảnh là đây, hư thực thực hư trong màn mây giăng mắc. Mây Tam Đảo đến nhanh và đi cũng nhanh, mới đấy mà chỉ trong phút chốc mây tan dần chầm chậm lùi tan ngay trước mắt mình. Chẳng biết mọi người thấy Tam Đảo có gì đẹp nhưng với tôi một người có chút tâm hồn lãng đãng thì thấy chẳng nơi đâu mây đẹp như mây Tam Đảo. 16 giờ chiều đoàn chúng tôi đi khám phá thị trấn, Oánh rủ chúng tôi ra thăm nhà thờ, tôi biết Oánh là người theo đạo, với em ngoài sự nhiệt tình và kiến thức chuyên môn tốt em còn là một người có đức tin vào đấng cứu thế với những giáo lý dạy cho con người hướng thiện, Cả đoàn rồng rắn dắt nhau đi ngắm phố, gọi là phố nhưng Tam Đảo không sầm uất như Hà Nội, Sài Gòn, vốn là khu nghỉ dưỡng nên chỉ có khách bộ hành lang thang vãn cảnh, thi thoảng mới có một chiếc ô tô, xe điện, vài chiếc xe máy chạy qua tạo nên sự đặc biệt của thị trấn phố núi. Chỉ mấy câu chuyện với chút bước chân trước mặt chúng tôi là nhà thờ Tam Đảo, ngôi nhà thờ nằm chênh vênh trên sườn núi, đây là một điểm tham quan lý thú bởi nhà thờ có lẽ là nơi duy nhất được bảo tồn nguyên vẹn gần trăm năm. Được xây dựng từ năm 1937 nhưng ngôi thánh đường vẫn đẹp như ngày nào, những viên đá được những người thợ tài ba chắp ghép thành những cuốn vòm bao quanh tháp chuông cao vài chục mét, ngôi nhà thờ dài khoảng hơn hai chục mét có bàn thờ phủ hoa, trên kia là cây thánh giá và tượng chúa đóng đinh câu rỉ máu như một sự hiến thân cho vạn thế luân hồi, tôi và Oánh dắt nhau vào giáo đường, em giảng cho tôi rất nhiều về đạo giáo, về đức chúa, đức mẹ và cả ba vị thánh đệ tử của đấng tối cao, về những nghi thức hành lễ của các tín đồ, tôi càng hiểu thêm về những điều tốt đẹp mà các vĩ nhân ngay từ thời xa xưa đã dăn dạy con người những điều tốt đẹp, càng củng cố vững chắc niềm tin của sự hướng thiện và tôi hiểu rằng chẳng có thứ sức mạnh nào mạnh hơn những điều tốt đẹp, nó mãi mãi trường tồn trong lòng mọi người, làm cho ta sống thiện hơn, tốt hơn. Ngoài sân chị em tranh thủ chụp hình, chị Hoàng Xuân mới lúc nào say xe chẳng biết gì vậy mà cứ loáng cái tỉnh sáo tha hồ tạo dáng, Oanh, Thúy, Vân, Huyền và các chi em cũng tranh thủ chớp lấy những góc hình đẹp của buổi chiều buông Tam Đảo.

 

Chị Liên báo cho tôi và mọi người là thầy Mục và cô đã lên đến nơi chị phải về trước. chúng tôi cũng lững thững rủ nhau chuẩn bị ra về, vừa bước xuống bậc lên xuống nhà thờ gặp ngay đoàn cán bộ lãnh đạo viện tôi do bác sĩ Lúy phó giám đốc cùng bác sĩ Cường trưởng khoa cấp cứu ban đầu, Tạo trưởng khoa nội ba, Thắng phó khoa hồi sức chống độc đi dự hội thảo về tim mạch đang ngồi uống nước ở quán bên đường, tôi dẫn anh chị em qua chào và giới thiệu mọi người làm quen nhau, anh em chuyện trò vui vẻ rồi chúng tôi xin phép về trước để tiếp thầy. Bữa cơm tối hôm đó thật vui vẻ, thầy Mục mang theo một chai XO để khao đãi mọi người, thầy thấy học viên hai lớp đều vui vẻ phấn khởi thầy rất mừng, thầy trò chúc rượu nhau chuyện vui rôm rả, thầy truyền cho chúng tôi tình yêu với nghề điều dưỡng, những khó khăn cũng như nghệ thuật và nghị lực sống, đặc biệt thầy rất thích bức tranh mà tôi và Oánh đội mưa đi chọn mua tặng thầy nhân buổi bế giảng tại Hà Nội, thầy kể đây là bức tranh thứ hai gây ấn tượng mạnh, một bức thầy được bạn bè tặng bên Hà Lan cũng nói về nghệ thuật của màu sắc và ánh sáng, còn bức này thầy thích hơn bởi nó là tấm chân tình của những đứa học trò những thế hệ đàn em đi sau gửi gắm những thông điệp về tình yêu và sự lan tỏa bất tận của ánh sáng tri thức mà thầy một người thầy, một người anh cả của ngành điều dưỡng Việt Nam với bao say mê cống hiến truyền lửa cho tương lai. Xong bữa thầy trò chúng tôi cùng đi uống nước, hát karaoke, hôm đó tôi bị mất tiếng chắc do gặp lạnh và không chịu được cái ngột ngạt của căn phòng nên ra ngoài trước. Ngoài trời không khí mát lạnh tôi cảm thấy thật khoan khoái và dễ chịu, đang mải ngắm cảnh thơ mộng của Tam Đảo về đêm bỗng một bàn tay ấm nóng nắm lấy tay tôi, không cần nhìn tôi cũng biết là em, chẳng nói câu nào, chúng tôi tản bộ trên những con đường thị trấn, rồi cùng nhau ra ngắm cổng trời. Gọi là cổng trời thực ra đó là đoạn đầu con đường đèo vào thị trấn, phía dưới thị xã Vĩnh Yên rực sáng ánh đèn như ngàn vạn vì sao, những con đường cuồn cuộn xe chạy như một dòng sông của ánh sáng, gió thốc lên từ thung lũng, tiếng rì rào của thác xen lẫn tiếng gió của núi rừng chắc em lạnh nên run run đứng nép bên tôi. Dõi mắt nhìn con đường xa xa dưới dốc hình như có đôi tình nhân nào đó đang hò hẹn bên đường, tôi thì thào cho em nghe, chợt một chiếc xe máy từ thị trấn rọi pha lao đến, té ra cái cột mốc bên đường cả hai chúng tôi nhìn nhau rồi phá lên cười. Càng về đêm cổng trời càng lạnh chúng tôi tạm chia tay để lên thị trấn, mùi phố đêm quện mùi thơm chợ nướng khiến chúng tôi thấy ấm hơn, đang đi dần về phía chợ thì gặp Oánh cùng nhóm bạn từ quán karaoke đi ra, chúng tôi dắt nhau quay lại cổng trời cho mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ trên cao của thị xã về đêm, Oanh, Thúy Hiệu đều òa lên suýt xoa khen đẹp, cả đám lại dắt nhau lên xem nhà thờ về đêm, không gian nơi đây thật thanh tịch, Oánh đề nghị xuống làm chút chút gì đó của chợ nướng. Gọi là chợ cho oách chứ chẳng có quán lá, hai ba quán hàng bày bán đồ nướng, chúng tôi chọn một quán bên đường, tiếng mời chào của hai cô chủ nhiệt tình hiếu khách, Hiệu gọi trứng gà, ngô và hai con gà nướng, nhìn qua quán bên nhóm các bác sĩ trẻ lãnh đạo các khoa viện tôi, Cường, Tạo Thắng, bác Sĩ lái xe và mấy anh em mang chai rượu nếp cái hoa vàng trong suốt to tướng cũng ra góp vui, hai bên qua lại chào nhau, bữa tiệc nướng chợ đêm Tam Đảo thật ấm cúng, Tuân, Oanh, Thúy, vợ chồng Huyền Sướng, Hùng cùng mấy anh em chúng tôi làm veo cái hết, 11 giờ đêm ăn no thanh toán tạm chia tay chợ đêm để về phòng nghỉ tiếp tục cho cuộc hành trình của ngày hôm sau, Sáng Tam Đảo mưa bay lất phất, tôi choàng tỉnh giấc cứ nghĩ là vẫn còn sớm, nhìn ra ngoài trời thấy mọi người đã đi chợ từ lúc nào, hai anh em vệ sinh rồi đi ăn sáng, qua phòng ăn gặp Hiệu, Hương, Hạnh cũng ở đó, chúng tôi gọi phở gà, quả là gà đồi gà núi ở đây ngon thật, thịt chắc thơm và ngọt cả đám vừa ăn vừa ngắm ra ngoài, gần bếp cô phục vụ chắc khoảng 20 tuổi đang nhồi lòng lợn phục vụ bữa trưa, chả là thầy Mục bảo trưa nay gọi con lợn mán liên hoan khao quân, cô phục vụ mải mê làm không biết bên trong có chục con mắt đang dõi theo từng động tác, cái phễu và chiếc đũa dùng để nhồi nhân từng được em vất xuống nền sân bẩn, cô bé nhồi xong hồn nhiên đưa cả bàn chân đi dép vào cái nồi chứa lòng rồi xả nước rửa, tất cả chúng tôi mồm chữ o, mắt chữ a kinh ngạc bởi sự hồn nhiên đến vậy cái máu săm soi nổi lên, Hiệu bật cửa ra ngoài bảo sao em lại làm mất vệ sinh đến vậy, em bình thản trả lời, anh yên tâm tý em rửa sạch xong nồi là không sao đâu, cả đám chúng tôi chỉ biết nhìn nhau lắc đầu. Ăn sáng xong bọn tôi rủ nhau đi chợ, đang đi tôi gặp chị Liên chân sáo run run vừa đi vừa nhảy suýt xoa kêu lạnh, nhìn thấy tôi chị cười hồn nhiên, chết dở, chị có cái bệnh nhận đường kém, sáng nay đi chợ có tý đoạn đường mà không nhớ nổi nối về may quá có cái các địa chỉ nhà nghỉ, chị cứ chìa ra hỏi, người chỉ đi lối này, được đoạn lại chả nhớ lại chìa ra hỏi, người chỉ quẹo lối kia, mãi cũng đến được cái bậc lối lên, chị rét quá cứ hồn nhiên nhẩy cò cò cho đỡ rét, hai tay giơ ra hứng mưa đoán còn sớm chả có ai, bỗng nhìn lên thấy chiếc ô tô bên cạnh ngồi đầy người, nhìn mọi người cười ồ mình mới biết là họ đang cười mình, chắc họ nghĩ chị bị làm sao, thôi kệ chị cũng cười xòa thế rồi chị cười lắc lẻ. Chợ Tam Đảo cũng không rộng chỉ có khoảng hơn chục hàng quán, Vân, Oanh, Thúy sà vào hàng vài thổ cẩm mua vài tấm làm kỷ niệm, Vân mua tặng cho Oanh và Thúy hai chiếc khăn quàng làm quà miền bắc. Mua sắm chán nhìn đồng hồ 8 giờ sáng chúng tôi về để chuẩn bị hành quân lên thăm Đền bà chúa Thượng Ngàn và tháp truyền hình Tam Đảo. Leo gần 200 bậc đá qua một rừng trúc tuyệt đẹp chúng tôi chạm được vào ngôi đền tuyệt đẹp trên sườn núi, chắp tay thành kính hành lễ xong qua viếng ngôi chùa Tây Thiên ba tầng với kiến trúc độc đáo, tầng dưới thờ ngọc hoàng đại đế, tầng hai thờ pho tượng phật thích ca đang trong dáng nằm thiền định nhập niết bàn, tầng ba thờ phật thích ca màu ni trong tòa cửu phẩm. Trời bỗng đổ cơn mưa, mưa mỗi lúc một nặng hạt, chúng tôi phân vân không biết có thể leo 1400 bậc đá lên đỉnh Thiên Nhị ngắm tháp cao hơn 100m hay không? Oánh và một số bạn trẻ quyết tâm đội mưa đi, Thầy Mục phân vân chưa quyết tôi đứng cạnh thầy nói vui, thầy ạ, trời mưa ngày một to, đường lên dốc đứng, thôi thì thuận thiên thừa vận, thầy bật cười nói thế thì ta tạm lùi một bước để tiến vài bước em nhỉ, chúng tôi che ô ra xe về phòng, mưa nặng hạt, ở nhà điện lên mưa cũng rất to, chả là hôm đó bão đổ bộ vào Hải Phòng Quảng Ninh nên chuyến dã ngoại Hải Phòng chuyển về Tam Đảo, Gần 12 giờ trưa đám thanh niên chinh phục tháp truyền hình cũng về đến nơi, chúng tôi dùng bữa cơm cuối cùng chia tay Tam Đảo để trở về thành phố. Cảm giác buồn vui lẫn lộn, vậy là thời gian học tập cũng đã trôi qua, giờ khắc xuống núi tạm biệt thành phố của mây, tạm biệt bạn bè mong ngày tái ngộ. Có lẽ cuộc đời của mỗi con người có biết bao cuộc chia tay và chẳng có cuộc chia tay nào giống cuộc chia tay nào, bàn tay tôi nắm chặt tay em, chiếc xe từ từ đội mưa xuống núi.

Tam Đảo tháng 6 năm 2014

Nguyễn Đình Vinh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *