CLB được thành lập theo Quyết định số 131/QĐ-UBND, ngày 18.5.1994 của UBND thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương). Hội viên CLB luôn nêu cao ý thức góp tiếng thơ làm phong phú đời sống văn hóa ở làng, khu dân cư.
Từ những sáng tác của hội viên, Ban chủ nhiệm đã tuyển chọn, ra mắt độc giả 4 tập thơ mang tên: “Thành Đông tình đất tình người” với số lượng hơn hai ngàn quyển. Kỷ niệm 200 năm và 205 năm khởi lập thành Đông (nay là thành phố Hải Dương), CLB xây dựng 2 chương trình thơ phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh.
Nghe chúng tôi kể về Câu lạc bộ thơ thành phố Hải Dương (CLB), có bạn nêu câu hỏi về mục đích, ý nghĩa hoạt động của CLB với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, về kết nạp hội viên.
Mang câu hỏi này tới chủ nhiệm CLB thơ, ông Nguyễn Minh Thoa cho biết: CLB thành lập theo Quyết định số 131, ngày 18.5.1994 của UBND thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), ban đầu có 23 hội viên, nay là 40. Hội viên chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức đã nghỉ hưu thuộc địa bàn thành phố Hải Dương. Một số đến từ các huyện: Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng, Kinh Môn. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ vào chiều ngày 24 hàng tháng. Hội viên CLB luôn nêu cao ý thức góp tiếng thơ làm phong phú đời sống văn hóa cơ sở.
Những việc làm thiết thực
Mỗi buổi sinh hoạt, thường có các nội dung: hội viên đọc thơ mới sáng tác, thông báo của ban chuyên môn về thơ của hội viên được đăng tải trên báo. Có buổi tổ chức bình bài thơ hay. Lời bình đôi khi là bài viết, hoặc cảm nghĩ về nội dung phản ánh, nghệ thuật thể hiện, về một từ, một ý hay, một ý tưởng lạ. Đạo diễn chương trình bố trí hài hòa thời lượng đọc lời bình, lời phát biểu và giọng ngâm thơ trên nền nhạc. Hàng quý, CLB ra tập san thơ, đến nay đã xuất bản, lưu hành nội bộ 30 tập san thơ với gần 1.700 bài thơ, bài bình thơ. Điều khá đặc biệt là trong CLB có tổ văn nghệ, hội tụ những giọng ca hay, những tài năng sử dụng được nhiều nhạc cụ như: sáo, đàn, trống. Thành viên của tổ văn nghệ thường xuyên được mời tham gia các lễ kỷ niệm, các hội nghị của thành phố và các ban ngành đoàn thể, lĩnh vực giao lưu vì thế phong phú hơn.
Từ những sáng tác mới của hội viên, Ban chủ nhiệm đã tuyển chọn, ra mắt độc giả 4 tập thơ mang tên: “Thành Đông tình đất tình người” với số lượng hơn hai ngàn quyển. Kỷ niệm 200 năm và 205 năm khởi lập thành Đông (nay là thành phố Hải Dương), CLB xây dựng 2 chương trình thơ phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh, thời lượng 35 phút/chương trình. Trong số gần bốn trăm bài thơ tuyển chọn, nổi lên hình thức thể hiện ở 2 thể loại: thơ lục bát và thơ tự do. Nội dung thể hiện khá phong phú nhưng chủ đề chính vẫn là tình cảm kính yêu Đảng, Bác, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, gia đình, bạn bè, hoài niệm về cuộc chiến tranh lâu dài gian khổ mà chính tác giả và người thân của họ đã nếm trải.
Cùng với năm tháng và sự trải nghiệm, chất lượng sáng tác của hội viên CLB từng bước được nâng cao. Cuối năm 2004, mới có thơ của số ít hội viên được in trên báo địa phương, nay hàng chục hội viên có thơ in trên báo Trung ương và nhiều báo địa phương như: Vũ Ngọc Thư, Phạm Ràm, Vũ Ngọc Thoa, Bùi Thị Ngọc Kim v,v …. Bài thơ “Con tem Bưu chính” của hội viên Bùi Thanh Nhị được Bộ Bưu chính Viễn Thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) mua bản quyền, nhạc sỹ Nguyễn Đức Thực phổ nhạc, trở thành bài hát truyền thống của ngành. Đời cầm bút nghiệp dư, có tác phẩm để đời như hội viên Bùi Thanh Nhị cũng không nhiều. Hội viên có tập thơ in riêng, do một số nhà xuất bản ở trung ương ấn hành. Chỉ điểm về số lượng cũng đáng nể: Vũ Minh Thoa 5 tập, Vũ Ngọc Thư 3 tập; các tác giả: Phạm Ràm, Lê Xuân Thọ, Lê Quý Văn, Đào Văn Huân, Nguyễn Trọng Sưởng, Nguyễn Thế Minh, Trần Tiến Toản, Thanh Nhị, mỗi người 1 tập.
40 hội viên CLB mà có đến 8 hội viên có tập thơ riêng. Chắc không ít người cho rằng sáng tác và in thơ cũng dễ. Song “Thơ là rượu của nhân gian”. Để có thứ rượu làm say lòng người, “để đời nhớ được đôi câu” đôi khi người viết phải bạc đầu, phải có những rung cảm để mà động lòng trắc ẩn trước cảnh đời, tình người. Trong những hoàn cảnh ấy, nhiều hội viên CLB thơ đã bộc bạch cảm xúc thành chữ, thành câu. Nguyễn Trọng Sưởng nói với người quét thóc rơi:
Những người đi quét thóc rơi
Như là quét giọt mồ hôi đem về.
Có gì liên hệ giữa hạt thóc rơi và giọt mồ hôi?
Câu thơ lục bát gợi ký ức về nỗi vất vả của người cày ruộng, một công đoạn để làm được hạt thóc không hề thảnh thơi. Câu thơ làm ta gợi nhớ đến câu ca dao nổi tiếng: Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Giọt mồ hôi trong thơ Nguyễn Trọng Sưởng mang chất của ca dao nhưng đầy tâm tư, như nhắc nhớ đức tính tiết kiệm, nói lời chia sẻ với người làm công việc bình dị nhưng đáng trân trọng.
Thơ về tình yêu đôi lứa có nhớ thương, hờn dỗi. Đôi lúc, tình tan vỡ, nhưng với Vũ Ngọc Thư là tiếng đàn bất chợt:
Em ngồi tát nước ra sông
Anh be bờ mãi vẫn không khỏi tràn
Trời mưa gặp trận mưa ngàn
Đành thôi, tay gảy tiếng đàn ru mưa
Câu thơ nói về người tát nước, người be bờ chống tràn do “anh và em” thực hiện. Nước vẫn tát, kiên nhẫn be bờ mà không ngăn được nước. Thời gian trôi, hiệu quả chưa đến mà cả hai người đều không hay, vẫn không muốn chuyển việc. Đó là nghĩa của câu, chữ hiện hữu. Nhưng cảnh ấy việc ấy thì không còn là nghĩa ở từng chữ mà là nghĩa ở giữa những dòng chữ. Tình huống còn éo le hơn khi “trời đổ mưa gần lại cả mưa xa”. Mưa tận trên ngàn, nơi xa lắc thế mà đành thôi, rồi “gảy tiếng đàn ru mưa” thì mưa ấy là mưa tình, mưa ở con tim đang thổn thức. Mưa trong tình ái là nước mắt khi tình tan vỡ, là khúc nhạc trầm. Tiếng đàn ru mưa ở đây là khúc nhạc vui của người có tinh thần lạc quan. Vũ Ngọc Thư đã nói hộ bao người cùng cảnh và gieo vào họ lẽ sống lạc quan, lòng nhân ái khi chịu cảnh ngộ. Trong chủ đề về tình yêu quê hương của các tác giả, có thơ “không khen, không rung động” về lối sống vị kỷ, thói hư, tật xấu. Đó là cách yêu bằng cảnh báo “cho roi vọt” cá nhân mang tư tưởng chưa, hoặc không lành mạnh, khó chấp nhận trong đời sống cộng đồng.
Những tập thơ của câu lạc bộ
Người cầm trịch
Nói về CLB thơ mà không nhắc đến Ban chủ nhiệm, đến cơ quan đỡ đầu CLB thơ sẽ là phiến diện. Ông Trần Trọng Tấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố Hải Dương (Trung tâm) cho biết: Trung tâm tạo điều kiện thuận lợi để CLB thơ hoạt động như: tài trợ toàn bộ kinh phí in 4 tập thơ “Thành Đông tình đất tình người”, bố trí nơi sinh hoạt, ủng hộ một phần kinh phí những chương trình khác. Trung tâm phân công cán bộ phụ trách mảng câu lạc bộ. Ban chủ nhiệm CLB thơ luôn thể hiện tinh thần vì hội viên, đồng hành cùng hội viên. Tổ chức nội dung cho Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn hàng tháng, tạo điều kiện để hội viên thể hiện tác phẩm, tổ chức chương trình bình thơ, chương trình đưa thơ của CLB lên sóng Đài PT-TH tỉnh, tạo thuận lợi để hội viên giao lưu với CLB bạn. Làm được từng ấy công việc của một tổ chức tự nguyện, hoạt động vì niềm yêu thích riêng có tác động tốt cho cộng đồng dân cư là việc không dễ. Ban chủ nhiệm CLB thơ hay nói thân mật là ” người thổi tù và” là những người có tâm, gương mẫu trong công việc, trong ứng xử và đôi lúc là cánh chim đầu đàn trong chuyên môn.
Tuấn Thành