Họ là những cây bút trẻ, tạo được nhiều dấu ấn trong lòng độc giả trong năm 2014. Cùng lắng nghe họ chia sẻ về công việc sáng tác, nghiên cứu và những dự định trong năm mới.
Trần Quang Đức
Trần Quang Đức bắt đầu được biết đến từ năm 2013, khi cho ra mắt cuốn “Ngàn năm áo mũ”. Năm 2014, anh tiếp tục gây chú ý với tập một trong bộ bốn quyển “Sử ký” của Tư Mã Thiên và làm cố vấn lịch sử cho bộ truyện tranh “Long thần tướng”.
Trần Quang Đức đã từng chia sẻ khi ra mắt “Ngàn năm áo mũ”, thật ra nghiên cứu về áo mũ chỉ là một phần. Đằng sau đó, anh muốn nói về lịch sử, tư tưởng, văn hóa của người Việt. Đặc biệt, muốn đặt Việt Nam trong vùng Đông Á, để biết chúng ta ảnh hưởng văn hóa từ nước khác chỗ nào, chỗ nào giống, chỗ nào khác, đối chiếu với Nhật, Hàn để biết sự giao thoa trong lịch sử đến đâu. Không chỉ cuốn sách này mà những cuốn sách anh dự kiến làm cũng sẽ theo hướng đó.
Nhận mình “hâm hâm”, từ lớp 7, Trần Quang Đức đã tự mua sách về học tiếng Hán. 12 tuổi, Đức học xong Tam Tự Kinh. Lên lớp 8 học tiếng Hán hiện đại, lớp 10 học xong chương trình C rồi đến khi tốt nghiệp phổ thông, anh tiếp tục học tiếng Hán tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất, Đức đạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới và giành học bổng toàn phần tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Vốn yêu thích Hán Nôm, lại được đào tạo một cách có hệ thống đã là điều kiện thuận lợi cho Trần Quang Đức khi tìm kiếm các nguồn tư liệu quý giá bằng nhiều ngôn ngữ như Hán cổ, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc. Lợi thế này đã giúp cho anh trở thành một trong số ít những người tiếp cận được với những tư liệu lịch sử vượt qua biên giới Việt Nam.
Theo anh, đã nghiên cứu văn hóa cổ mà không hiểu ngôn ngữ cổ thì khó có thể hiểu nổi nó. Hiện nay, sách dịch ra tiếng Việt rất hạn chế chưa kể còn dịch sai, dịch thiếu. Hơn 300 cuốn sách, Đức trích dẫn trong đó là từ nguồn sách cổ của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kho sách được công khai trên mạng nên để tìm kiếm nó không quá khó nhưng để đọc, dịch và tra cứu thông tin trong đó thì quả không dễ dàng. Có khi đọc đến vài bộ mới tìm được 2 dòng nói về Việt Nam.
Trong năm mới, Trần Quang Đức hứa hẹn với độc giả bản dịch trọn vẹn bốn tập bộ “Sử ký” của Tư Mã Thiên.
Nguyễn Đình Tú
Năm 2014 Nguyễn Đình Tú cho ra mắt hai tác phẩm mới là “Ba nàng lính ngự lâm” và “Xác phàm”. Anh được chú ý hơn sau khi tiểu thuyết “Phiên bản” được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh “Hương ga”, với sự tham gia của hai diễn viên Trương Ngọc Ánh và Kim Lý và tạo thành “cơn sốt phòng vé” trên khắp Việt Nam.
Nguyễn Đình Tú đã vượt qua sự thường tình của những cuốn “sách hình sự”, “sách vụ án” để viết nên những cuốn tiểu thuyết tội phạm học rất đáng được chú ý. Anh đã có những ý tưởng mới mẻ sâu sắc hơn những dòng lý luận khô khan, cố gắng thông qua ngôn ngữ và hệ thống hình tượng để lý giải quá trình hình thành nhân cách của một con người cũng như quá trình tha hoá một nhân cách.
Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú thường lôi kéo người đọc bằng hàng loạt tiểu tiết mộng, ảo, kỳ bí, dựa trên những huyền sử về một vài tộc người đã từng tồn tại, và rồi đã dần mất tích trên mặt đất. Để rồi lại “dựng” người đọc “tỉnh” lại bằng hiện thực – một góc hiện thực quá hiếm hoi trong văn học Việt.
Nguyễn Đình Tú chia sẻ, trở ngại lớn nhất của nhà văn là làm sao viết cho hay. Vốn sống quan trọng nhưng không phải là cái quyết định làm nên nhà văn. Khả năng hư cấu và trí tưởng tượng sẽ giải quyết được vấn đề đã trải qua hay chưa trải qua một hiện thực cụ thể nào đó và đó là thứ lao động đặc thù của người viết tiểu thuyết.
Nhật Phi
Khoảnh khắc “Người ngủ thuê” được công bố là tác phẩm đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V năm 2014, cây bút trẻ Nhật Phi (tên thật Đỗ Minh Quân) gần như muốn khóc. Ngay cả khi lên nhận giải, phát biểu rồi trở về bàn ký tên tặng sách cho đông đảo độc giả hâm mộ, cây bút sinh năm 1991 này vẫn còn run cầm cập.
“Người ngủ thuê” là tập truyện đầu tay của anh. Ý tưởng viết tập truyện chỉ từ câu nói của một người anh luôn bận rộn ước có ai đó ngủ giùm. Qua đó đã thể hiện thực tế xã hội hiện nay, khi rất nhiều người trẻ hoang mang không biết phải làm gì với cuộc đời mình… Rải rác trong tác phẩm có một phần cuộc đời, suy nghĩ trở trăn của chính Nhật Phi. Còn những nhân vật khác anh góp nhặt từ cuộc sống.
Anh chia sẻ rằng mình thấy giới trẻ hiện nay đang sống trong sự hoang mang, chán chường, không biết bản thân sẽ làm được gì cho cuộc đời mình, không định hướng được mục đích sống. Có lúc chính anh cũng vậy, học kinh tế (Nhật Phi học Đại học Ngoại thương) nhưng nhiều khi không định hình được ra trường mình sẽ làm gì với tấm bằng đó. Và anh đã tìm thấy câu trả lời cho nhân vật của mình, cũng như cho chính mình trong “Người ngủ thuê”.
Năm lớp 6 Nhật Phi đã thử viết văn và gắn chặt với cây bút viết từ đó đến sau này. Anh thú thật, “Trước đây có người nói tôi chỉ mới mon men ngoài rìa văn chương thôi, còn nếu muốn đi sâu phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Văn chương là một con đường dài rất vất vả. Thật sự tôi cũng không biết khả năng của mình ở mức nào, sân chơi văn học tuổi 20 là nơi tôi gửi gắm tác phẩm để được những nhà văn đi trước có uy tín thẩm định và đánh giá. Tôi muốn biết mình đang ở đâu”.
Giải thưởng Văn học tuổi 20 là một dấu mốc đầy áp lực với Nhật Phi. Anh vẫn giữ niềm đam mê văn chương của mình ở thời điểm này và sẽ tiếp tục sáng tác. Anh đã nhìn thấy được thế mạnh của mình. Vấn đề là sẽ phải viết tiếp như thế nào, làm sao để xứng đáng với giải thưởng mình đang có.
An Chi