Thưa quý vị và các bạn!Người ta thường nói, “Thơ đến tự lòng người, thơ nở hoa giữa đất trời”, phải chăng thơ chính là chất men được chắt ra từ những gì tinh túy nhất trong sự rung động của con tim biết yêu, biết thương biết khát khao với cuộc sống.
Tạo thành những nhịp cầu duyên gắn nối, để rồi nó được tôn vinh là một thú chơi dành cho những người tao nhã, một lãnh điạ mà không phải ai cũng có thể với tới được. Thơ vốn là cung bậc của cảm xúc, tình cảm, chính vì điều này để đánh giá một tác giả, một tác phẩm thơ không phải là một điều đơn giản.
tác giả Nguyễn Hữu Thịnh
Cầm trên tay bản gốc tập thơ “Hoài khúc tương Thi” của tác giả Nguyễn Hữu Thịnh với lời mời tham gia giới thiệu sách của tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Việt Nga chủ tịch HVHNT tỉnh Hải Dương tôi cảm thấy bối rối, không biết mình có nên nhận lời không? Mà nhận lời thì sẽ phải giới thiệu cuốn sách này thế nào đây? cái khó không phải bởi thơ, cái khó không phải ở mình mà cái khó lại chính là tác giả, bởi tác giả của “ Hoài khúc tương thi” Là một người vô cùng đặc biệt đó là một người khuyết tật níu vịn vào thơ như một phần nguồn sống. Sinh ra tại một vùng quê thuần nông thuộc làng Mậu Duyệt – Xã cẩm Hưng – Huyện Cẩm Giàng – Tỉnh Hải Dương, là con thứ hai của gia đình với bốn anh chị em. Lúc sinh ra Thịnh là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, Thịnh học rất giỏi viết chữ đẹp và em vốn là niềm tự hào của gia đình, những tưởng những ngày tháng êm đềm sẽ đi theo Thịnh suốt cả cuộc đời, nhưng chẳng ai đoán được sự ngờ, cuối năm học lớp 2 Thịnh mắc căn bệnh lạ quái ác, căn bệnh bại liệt và sự tàn phá thân thể do di chứng của chất độc da cam mà chiến tranh để lại khi người cha của em nhiễm phải trong những năm chiến đấu khốc liệt ở chiến trường miền nam vậy là cánh cửa đến trường vui vẻ hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa của thịnh bị khép lại. Trong suy nghĩ non nớt của một cậu bé lớp hai Thịnh không thể hiểu được rằng con đường phía trước của cậu đã được định mệnh điền bằng một dấu chấm lửng.
Thương con cha mẹ đã mua rất nhiều loại sách báo để cho Thịnh đọc và những cuốn sách đã hút hồn cậu bé tật nguyền để rồi từ đó mở ra một chân trời rộng lớn chắp cánh cho em có động lực để sống, và có nghị lực chống chọi với căn quái bệnh. Dù như vậy nhưng Thịnh không bi quan, em đến với thơ và coi thơ là nguồn sáng của cuộc đời, Thịnh trải mình với những vần thơ, những câu thơ non nớt thắp lên trong em ngọn lửa giúp em có nghị lực để vượt qua gian nan vững tin vào cuộc sống và thơ cũng như một nhịp cầu, một sợi dây nối gắn kết Thịnh với bạn bè gần xa, năm 2010 nhờ sự giúp sức của bạn bè em đã xuất bản tập thơ đầu tay “Thương lắm mai sau” do nhà xuất bản công an nhân dân ấn hành dẫu tập thơ chưa được chau chuốt nhiều, những câu thơ còn mộc mạc nhưng nó đã chuyển tải được biết bao tâm tư tình cảm tình yêu quê hương, cha mẹ, bạn bè với những cung bậc cảm xúc, những lời tri ân của tác giả với cuộc đời. “Dạo qua cái lối tuổi thơ/ Sáng mùa xuân nở mưa tơ đầy trời” để rồi chắp cánh cho Thịnh ra mắt tập thứ hai “Hoài khúc tương thi” Với 49 bài thơ được viết theo nhiều dạng thức, nhưng dù dưới dạng thức nào thì xuyên suốt tập thơ chính là tấm lòng của tác giả với nơi em sinh ra và nuôi em lớn lên, cùng những nhọc nhằn của cha mẹ, chất chứa trong từng câu chữ với bao da diết nỗi nhớ niềm thương, thẳm sâu trong Thịnh đó là sự khát khao, khát khao sống, khát khao thương, khát khao yêu, khát khao cháy hết mình với tất cả cuộc đời này.
“Sương khói nhà ai chiều tráng bạc/ Phố làng dìu dặt dáng thơ ngây” (bài Thôn Mậu Duyệt) chỉ với mấy câu thơ dản dị Thịnh đã dẫn ngươi đọc đến với cái làng quê thanh bình nơi em đang sinh sống, với góc nhìn lung linh huyền diệu của một thi sĩ chân quê. Để rồi “ Chân làng thiêu cả đường mây/Nẻo đồng rặng lúa ngậm đầy hoàng hôn” hay “ Chiều nay nắng nhốt quê nhà/nhớ thương trọn một khúc ca chiêm nồng” (bài Chiêm nồng) đọc những câu thơ này tự nhiên tôi thấy rưng rưng, phải chăng với Thịnh tình yêu quê hương đã thấm đẫm tâm hồn để rồi những câu em viết về quê đẹp như một bức trạnh thủy mặc, nó chạm khắc, ám ảnh người đọc, khiến người đọc không thể không suy ngẫm, làm sao một người bại liệt, khó khăn như em gánh trên mình căn bệnh quái ác, di chứng kể về tội ác của chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã để lại cho em và biết bao thế hệ Việt Nam vô tội mắc phải vậy mà làm thế nào em lại có nghị lực vượt qua số phận để sống, để viết ra những vần thơ đẹp lạ lùng đến thế.
Dưới góc nhìn và sự cảm thông của người cùng cảnh Thịnh chia sẻ những sót xa với thi nhân tài hoa mà bạc mệnh Hàn Mặc Tử “Đêm nguyên thơ trở tình về Vĩ Dạ/ Thương người xưa lỗi hẹn một đêm trăng” Nhìn mẹ cha vất vả tảo tần, gánh nặng đôi vai như chùng xuống bởi tình thương đứa con thiệt thòi, em thấu hiểu, em xót xa bởi gánh nặng cuộc đời mà cha mẹ em đang gồng gánh, thì phần nặng nhất là em. “ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” để rồi em viết “ Ước chi lòng được bình yên/Bữa cơm lành bát canh ..hiền mẹ yêu” với cha “Thương cha trông nỗi u hoài/Đăm chiêu vẩn tiếng thở dài canh khuya” (Bài Bữa cơm trưa hè), em yêu quê hương yêu chút khói lam chiều, yêu một thoáng bình yên, yêu cái nồng nồng ngái ngái của cánh đồng quê mùa ngập gặt “Hương thơm quá ai nướng chiều ngoài ruộng/Mùi khoai thôi đến xém cả cạnh chiều/ Nghe nôn nao bếp quê làn khói mỏng/ Phố quê nghèo góc chợ hoàng hôn reo” Đôi khi Thịnh thầm hỏi sao mình lại sinh ra ở trên cõi đời này, có phải đó là cái duyên cái mệnh hay:
“Không không sắc sắc ru mầu/ Thì ru ơn phước niệm cầu sâm si/Ru ta muôn ngã từ bi/ru từ con chữ cũng vì trầm luân” (bài Ru ta)
Bên cạnh chủ đề về quê hương cha mẹ và những gì thân thương da diết, người đọc dễ dàng nhận ra nhiều bài viết của Thịnh chất chứa thế thái nhân tình, ẩn sau những khuôn chữ là sự nồng nàn, đau đáu, là sự khắc khoải hoài mong “Ta vùi cơn mơ thánh thiện phía mùa em/Cho ngày thắp nụ xuân trăng ngần mười sáu/Tiếng chuông già lời kinh cầu bóng mẹ/Em mắt tròn kỷ niệm trổ mầm sương” (Bài Tuổi mình khói bay) Hay “ Rặng chiều nắng ngả chân làng/Ngã vào quê nắng trĩu vàng đồng xa” (Bài Chiều hạ) Là một người khuyết tật khả năng đi lại và giao tiếp vô cùng khó khăn nhưng không vì thế mà Nguyễn Hữu Thịnh buông xuôi, em không hề bi lụy, hơn ai hết em thấu hiểu cuộc sống này đáng trân quý làm sao để rồi như con tằm rút ruột nhả ra những sợi tơ vàng óng dệt nên những vần thơ dâng tặng cho đời “Mây đan sợi gió chia ngang/Thuyền trăng ai đậu bến làng chờ ai” (bài Xuân lỡ).
Thơ vốn là tiếng lòng, là sự rung ngân của con tim biết thổn thức trước thế sự vô thường. Một người bình thường muốn có một câu thơ hay vốn không hề dễ vậy mà với một người khó khăn như Thịnh làm sao để em có được những vần thơ, phải chăng thơ với em chính là nguồn sống, được thắp lên từ ngọn lửa lòng. Thịnh từng tâm sự em chẳng có gì ngoài thơ, nhờ có thơ bắc cho em nhịp cầu nối với thế giới bên ngoài, và cũng nhờ thơ mà em có thêm nhiều người bạn, em chính là người “níu vịn vào thơ để sống” Quả là bất công nếu như Thịnh không còn thơ. Nhưng con tạo vốn dĩ công bằng chẳng cho không ai cái gì và cũng không lấy đi mất hết tất cả của ai, trời không cho em được khỏe mạnh như người bình thường, thì lại cho em những cái mà nhiều người ao ước, đó là những vần thơ, thứ tài sản vô giá chẳng có gì sánh nổi.
Mượn mấy câu thơ của Thịnh để khép lại tập thơ:
Bầu trời đêm ánh sao đêm
Níu tay anh – Níu tay em hai đầu
Và ta… gộp cả tinh cầu
Nghe trăng sao bực … càu nhàu mình tham
– Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc gần xa!
Tác giả Nguyễn Đình Vinh
Hải Dương Ngày 28/7/2015