Home > Contend > Trang văn > Tản văn > Hóc búa “Bài toán làm sao để thoát được nghèo – Có thể hay là điều không tưởng”

Hóc búa “Bài toán làm sao để thoát được nghèo – Có thể hay là điều không tưởng”

Tác giả: Nguyễn Đình Vinh

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế đang khởi sắc thì chúng ta có thể vui mừng vì tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam trong những năm gần đây ngày một giảm nhanh chóng. Với mục tiêu đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ giảm thêm 2% (từ 9,6% xuống còn 7,6%) tức là với hơn 90 triệu dân thì chúng ta có khoảng 6.840.000 người nghèo và cứ theo đà giảm 2% năm thì đến năm 2015 tỷ lệ người nghèo của chúng ta sẽ còn 3.6% tương đương với 3.240.000 người.

Với tiêu chuẩn hộ nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/ tháng. Hộ nghèo thành thị có mức thu nhập bình quân là 500.000 đồng/ người/ tháng ( áp dụng từ năm 2011 – 2015) Như vậy cứ theo cách thống kê giảm dần thì chỉ một thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ thực hiện hoàn thành được chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo. Điều này có phải là sự lạc quan quá mức hay không? Bởi nhìn rộng ra trên toàn cầu thì có biết bao quốc gia thuộc tốp dẫn đầu về phát triển kinh tế cũng chưa dám khẳng định mình làm nổi điều đó, thiển nghĩ ai nói rằng giải quyết được vấn đề xóa hết đói giảm hết nghèo chắc chắn chỉ là điều không tưởng. Để chứng minh cho bạn đọc có thể viện dẫn một vài lý do sau:


Một lớp học của các em học sinh vùng cao

1: Ảnh hưởng của thiên nhiên, môi trường và con người

a- Thiên nhiên và môi trường

Việt nam là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3200 km có các vùng biển và thềm lục địa trên một triệu Km vuông và gần 3000 hòn đảo lớn nhỏ có lẽ đây cũng là một thế mạnh để chúng ta khai thác nhiều nguồn lợi về du lịch và khai thác các nguồn tài nguyên khác của biển như phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản, dầu mỏ, cùng các cảng biển nhất là cảng biển nước sâu mà biển đông lại là con đường vận chuyển của 45/90% vận tải của thế giới. Tuy nhiên với sự nóng lên và biến đổi khí hậu toàn cầu và biển Thái Bình Dương được coi là vùng biển nhiều bão nhất thế giới, hàng năm có vài chục cơn bão hoành hành tại vùng biển này và Việt Nam chúng ta cũng không sao tránh khỏi sự tác động của biết bao cơn bão. Cách đây vài chục năm cấp độ bão cao nhất cũng chỉ cấp 12 hoặc giật trên cấp 12, 13, nhưng vài năm trở lại đây chúng ta đã chứng kiến những siêu bão như siêu bão Haiyan tràn qua Philippin quét dọc bờ biển Việt Nam với sức gió trên 300km/giờ giật trên cấp 17 và sự tàn phá của cơn bão với những vùng nó đi qua là vô cùng khủng khiếp. Những vùng bị ảnh hưởng bởi các cơn bão cũng vô cùng nặng nề, mưa to trên diện rộng với mực nước mưa kỷ lục đã dẫn đến lũ ống lũ quét gây sạt nở cuốn trôi không biết bao làng mạc nhấn chìm biết bao phố phường, nhà cửa và tài sản, bão chồng bão, lũ chồng lũ tác động tới đời sống của hàng triệu con người.

Hiện tượng EL Nino và LaNina ngày một phức tạp khiến cho hết bão lũ lại đến hạn hán ngày càng khốc liệt, Năm 2015 nhiều tỉnh miền trung Việt Nam 6 -8 tháng không một giọt mưa khiến cho đồng đất khô nẻ, hồ chứa cạn kiệt, cây trồng khô héo, gia súc chẳng còn nguồn thức ăn, hàng triệu con người rơi vào cảnh chẳng có lương thực và nước để dùng, chưa kịp hết mùa hạn thì lại đến mùa bão lũ thế thì cái vòng luẩn quẩn của đói của nghèo cứ mãi cứ đeo đẳng. Khí hậu thế giới ngày một nóng lên khiến cho băng tan ở Bắc và Nam cực và Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu và dâng cao của nước biển. Nếu nước biển dâng cao 1m sẽ làm mất đi 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số ( Khoảng 17 triệu người) Riêng đồng bằng sông cửu long dự báo vào năm 2030 khoảng 43% của khu vực này nhiễm mặn cục bộ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Do đó có thể thấy rõ nét càng ngày sự tác động của khí hậu tới cuộc sống của biết bao con người và thiên nhiên chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo khó mà khắc phục.

b- Yếu tố con người:

Hành tinh được coi là ngôi nhà chung của muôn loài, đất đai thì không những không tăng mà ngày càng có xu hướng giảm bởi sự xa mạc hóa và thu hẹp diện tích đất canh tác do sự nóng lên và sự dâng cao của nước biển. Sự gia tăng dân số một cách chóng mặt chỉ trong một thời gian không dài thế giới đã vượt ngưỡng hơn 6 tỷ người, số người tăng cao kèm theo đó với biết bao nhu cầu cho cuộc sống và dẫn tới biết bao hệ lụy của sự khai thác đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên rừng. Sự phát triển kinh tế nóng khiến cho môi trường sống bị hủy hoại, lượng chất thải, khí thải công nghiệp tăng cao không những gây ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của chính con người, mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn là hiệu ứng nhà kính và nhiều chất thải khí làm thủng tầng Ozonne khiến cho trái đất bị nóng lên làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một diễn biến phức tạp khôn lường. Thói quen canh tác manh mún, nhỏ lẻ mạnh ai nấy làm không có quy hoạch, liên kết giữa bốn nhà trong sản xuất khá lỏng lẻo, khiến nông dân luôn là người thiệt thòi nhất, cái cảnh được mùa mất giá diễn ra là chuyện bình thường, những việc như Thanh Long ở Bình Thuận, Dưa hấu ở các tỉnh miền trung, hay hành đỏ trồng ra bán chẳng ai mua, giá mía trong nước cao hơn nước ngoài, nông dân Đà Lạt phải đổ bỏ hàng ngàn tấn hành tây… Gà, cá lợn… nuôi ra không xuất bán được vì giá thành cao không cạnh tranh được với giá cả mặt hàng cùng loại nhập khẩu của nước ngoài, sữa bò đem ra đổ sông, nhiều người gọi đùa là dòng sông sữa, nhiều rừng cao su, cà phê, hồ tiêu …trồng lên không bán được phải chặt bỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam với máy mọc và công nghệ lạc hậu, trình độ lao động thấp khiến giá thành sản phẩm cao không cạnh tranh nổi với hàng hóa của nước ngoài bị thua ngay tại sân nhà. Cán cân xuất nhập khẩu không cân đối và nhập siêu tăng cao, tình hình biến động của kinh tế chính trị thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng đến vấn đề mất cân bằng thu chi của ngân sách. Tất cả những vấn đề đó đều tác động không nhỏ trực tiếp đến đời sống của nhân dân nhất là những người có thu nhập thấp, như vậy thì đến bao giờ sẽ hết đói nghèo?

2: Bệnh tật và đói nghèo.

Trong một buổi học được nghe GS- TS Phạm Mạnh Hùng nguyên thứ trưởng thường trực bộ y tế, nguyên phó trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương giảng bài thầy có nói rằng chúng ta khó có thể xóa đói giảm nghèo được bền vững bởi tỷ lệ các mặt bệnh tăng cao. Mà bệnh tật thì luôn gắn liền với nghèo đói, một người mất đi khả năng lao động phải nhập viện thì kèm theo sau nó là biết bao vấn đề của chi phí một gánh nặng cho người thân và gia đình.

Để trả lời cho bài giảng của thầy đành loay hoay tìm các tài liệu liên quan đến vấn đề nan giải này: Gần đây nhất theo PGS –TS Trần Văn Thuấn giám đốc viện K, viện trưởng viện nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết mỗi năm Việt Nam số bệnh nhân mắc ung thư mới là 150.000 người và có 75.000 người tử vong. Cộng với số bệnh nhân đã mắc tính đến thời điểm hiện tại của năm 2013 cả nước có 240.000 đến 250.000 người mắc bệnh đang sống chung với ung thư. Theo ông Lê Văn Khánh phó cục trưởng cục phòng chống tệ nạn xã hội ( BLĐTB& XH) công bố sáng 30/6/2015, đến năm 2015 tổng số người nghện ma túy tăng lên khoảng 204.400 người, trong đó 19% nghiện ma túy tổng hợp. Theo VTC News chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2014 số người chết do tai nạn giao thông cao hơn số người chết trong các cuộc đẫm máu ở Ukraine. Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải trong 10 tháng đầu năm 2014 cả nước xảy ra 20.801 vụ tai nạn giao thông làm 7.475 người chết, làm bị thương 19.973 người. Theo số liệu thống kê của cục phòng chống HIV/ AIDS Bộ y tế, tính đến hết 6 tháng 2013 cả nước có trên 214.796 người nhiễm HIV trong đó có 63.922 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Năm 2014 các bệnh viện trên cả nước đã khám cho hơn 140 triệu lượt người bệnh, số lượt người nhập viện điều trị nội trú năm 2014 là 13,49 triệu lượt. Một số bệnh dịch mới nổi như Ebola, cúm A H7N9, H5N6, MERS –COV.. và các bệnh dịch quay trở lại như Sởi, Dịch hạch… tại Việt Nam, năm 2014 cả nước ghi nhận 80.685 trường hợp mắc và 8 trường hợp tử vong do chân tay miệng, 37.149 trường hợp mắc và 20 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, 36.478 trường hợp sốt phát ban nghi sởi trong đó 5.817 trường hợp dương tính với sởi và 147 trường hợp tử vong. Nhìn vào những con số khô khan này mọi người sẽ thầm hỏi cái này liên quan gì đến nghèo đói, chúng ta hãy thử nhẩm tính nếu mỗi ca nhập viện phải chi trả mất 1.000.000 đồng/ một lượt khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng x 140 triệu và 10.000.000 đồng/ lượt điều trị nội trú x 13.49 triệu lượt và số tiền hàng chục người thân của bệnh nhân phải thay nhau phục dịch bỏ công bỏ việc, cộng tiền ăn uống chi tiêu thử hỏi con số ấy sẽ là bao nhiêu? Chưa kể khả năng suy giảm và mất đi vĩnh viễn sức lao động của biết bao nhiêu con người trong cả cuộc đời, chắc hẳn chúng ta không khỏi giật mình với một con số khổng lồ. Một người bị bệnh cả nhà phải lao đao, một người nghiện hút nhiều nhà phải khuynh gia bại sản, Những người tai nạn giao thông, tai nạn lao động hầu hết ở độ tuổi lao động và đa số là lao động chính của gia đình, những người tử vong mất đi kéo theo nó với biết bao hệ lụy, những người may mắn sống sót nhẹ thì giảm sức lao động, nặng thì mất vĩnh viễn mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, đấy mới là con số của 1 năm vậy cứ theo đà lũy tiến về bệnh tật và tai nạn của nhiều năm dồn lại chúng ta thử làm phép tính cả nước có bao người mất vĩnh viễn khả năng lao động. (Người viết chưa tính số thương binh và các nạn nhân chất độc da cam mà chiến tranh để lại) Như vậy ngoài bản thân họ đã trở thành một gánh nặng, liệu chúng ta có thể biến họ thoát được nghèo không? Quả là một bài toán khá hóc búa gây đau đầu cho các nhà quản lý.

Lừa đảo, tham nhũng lãng phí ngày một gia tăng: 

Càng ngày chúng ta càng chứng kiến các tệ nạn cờ bạc, cá độ càng nở rộ, những trò lừa đảo tinh vi, những siêu công ty lừa đa cấp, những đường dây lừa chạy người đi nước ngoài, những tệ nạn cho vay nặng lãi vv và vv đã khiến cho biết bao gia đình trở thành bần cùng hóa. Xã hội ngày một phát triển, tỷ lệ người giàu tăng nhanh, nhưng kèm theo đó là hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn. Tệ tham nhũng là một vấn nạn nhức nhối được xác định là quốc nạn, các chính sách chống tham nhũng được đưa ra ngày một quyết liệt nhưng càng chống càng tham, càng chống càng nhũng, những vụ tham nhũng không còn dừng lại ở con số vài tỷ, vài trăm tỷ, mà lên tới hàng ngàn tỷ. Chỉ một vụ Huỳnh Thị Huyền Như cỏn con mà con số thất thoát đã lên đến 4000 tỷ đồng. Vụ án Vinashin nhà nước chưa thể thu hồi được hơn 1000 tỷ đồng thất thoát. Qua vụ án tham nhũng của tập đoàn Vinalines quá trình điều tra vụ án cơ quan cảnh sát điều tra đã phát hiện hồ sơ thanh toán 9 triệu USD hợp đồng mua ụ nổi 83M thông qua giao dich chuyển tiền của ngân hàng Citibank với công ty AP dẫn tới số tiền 9 triệu USD thất thoát của nhà nước. Đó mới chỉ là một vài trong số hàng trăm hàng ngàn vụ việc nằm trong số các vụ việc được và chưa được phanh phui với biết bao bản án tử hình dành cho những kẻ tham nhũng, người chết thì đã chết, nhưng số tiền mà nhà nước thu lại được so với số thực mất là bao nhiêu? theo những báo cáo gần đây nhất của thanh tra nhà nước được công bố rộng rãi trước quốc hội và các phương tiện truyền thông thì con số thu hồi còn ở quá mức vô cùng khiêm tốn.

Cảnh xử án vụ lừa đảo 4000 tỷ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như

Gần đây dư luận lại bùng lên những phản ứng dử dội về phong trào xây siêu bảo tàng, siêu tượng đài ở khắp nơi ví như Sơn La vốn là một tỉnh gần như nghèo nhất cả nước cũng quyết tâm xây dựng quần thể tượng đài Bác Hồ với nhân dân tây bắc với giá 1400 tỷ, với những câu phát ngôn thật buồn cười của ông chủ tịch tỉnh “Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi, rồi xây khu tượng đài 1.400 tỷ “ Không nên đặt vấn đề đắt rẻ”. Nghe đến đây chắc hẳn những ai có lương tri cũng thật buồn lòng, với 1.400 tỷ của một tình nghèo vậy mà lãnh đạo nói ngon ơ là thiệt thòi, với số tiền ấy sẽ đưa được bao hộ dân thoát nghèo, đầu tư được bao trường học siêu dột nát cho các cháu học sinh vùng cao, hay xây được mấy cái bệnh viện để chữa bệnh cho đồng bào. 

Mô hình quần thể tượng đài 1400 tỷ Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc của tỉnh Sơn La.

Gần đây được đọc cuộc phỏng vấn của VietNamNet với nhà sử học Lê Văn Lan:

Phóng viên:

“Với dự án bảo tàng lịch sử quốc gia được đầu tư lên tới 11.277 tỷ đồng sắp được khởi công đang được dư luận đặc biệt quan tâm chính vì độ hoành tráng và tốn kém của nó. Đứng ở góc độ một nhà sử học theo ông có nên xây dựng một bảo tàng lớn như vậy vào thời điểm này”
GS Lê Văn Lan:

“Có và phải xây ngay nếu không thì muộn rồi. Chúng ta đã bị thất thoát số tiền còn nhiều hơn rất nhiều so với tiền xây bảo tàng này, thế thì phải đối xử một cách công bằng. Không thể vì bọn phá hoại làm mất rất nhiều tiền gây ra suy thoái kinh tế mà lại không cho xây bảo tàng.
Tôi nghĩ phải dùng việc xây bảo tàng này để chữa lại suy thoái kinh tế kia… Vấn đề lúc này là phải tập trung lo bày biện vận hành cái bảo tàng to ấy như thế nào”… Và “Việc trưng bày thế nào là cả 1 vấn đề lớn…, cho nên lo cho việc xây nhà 1, thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng lo cho việc trưng bày ở trong đó gấp 3″…

Mô hình siêu bảo tàng hơn 11 ngàn tỷ đồng
Không hiểu GS nghĩ gì khi trả lời câu phỏng vấn hay đến vậy. Theo ông không xây là muộn bởi không xây bảo tàng thì bọn tham nhũng sẽ rút ruột nền kinh tế đất nước và việc xây bảo tàng 1 thì việc trưng bày phải gấp ba tức là theo ông thì cái ruột của bảo tàng phải là 33.831 tỷ cộng cả vỏ lẫn ruột thì số tiền ước tính thành tiền khoảng 45.108 tỷ đồng. Nhưng qua một cuộc phỏng vấn của chuyển động 24 giờ của VTV phát sóng ngày 11/7/2015 với các em học trò khiến chúng ta giật mình không biết nên khóc hay nên cười với những câu trả lời ngây ngô của các em “ Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung” Hay “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em”. Đáng buồn hơn trong kỳ thi chung 2 trong 1 ngày 4/7/2015 vừa rồi các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa ( Nghệ An) do hội đồng thi của Sở giáo dục Nghệ An chủ trì có 66 cán bộ phục vụ 1 thí sinh thi môn lịch sử. Các nhà quản lý nghĩ gì, GS sử học Lê Văn Lan nghĩ gì khi học trò của chúng ta lại dốt và sợ môn lịch sử đến vậy, phải chăng do chúng ta thiếu các siêu bảo tàng để chưng bày hiện vật nên không khơi dậy được lòng yêu nước và theo lời của vị GS đáng kính kia thì với số tiền mà ông cho là cần thiết hơn bốn chục ngàn tỷ ấy sẽ giúp được bao nhiêu người thoát nghèo. Với cái bồ kiến thức nhét trong đầu sao các vị không động não vì đâu học trò lại dốt đến vậy lỗi tại các em hay tại thầy của chúng không ra gì, với cách suy nghĩ ấy có thể khẳng định cái này thuộc vế thứ hai. Hiếng mắt dòm qua ông bạn láng giềng Trung Hoa tự đấm ngực cho mình là to lớn và giàu có đang hung hăng liếm trọn biển Hoa Đông và biển Đông và ôm mộng bá chủ thế giới. Nhưng từ thời Nghiêu Nghiêu, Thuấn Thuấn đến thời cầm quyền của Tập Cận Bình, thì sử sách chép lại ngoài nội chiến tự đánh lộn nhau Trung Quốc đã đánh nổi nước nào, ngay cả ngàn đời nay bao lần bị Việt Nam nhỏ bé đánh cho bét nhè. Làm gì có những chiến công vang dội như Việt Nam, chúng ta từng đánh thắng biết bao kẻ thù được coi là mạnh nhất thế giới từ cổ chí kim. Nhưng sao sử họ viết hay đến vậy, phim lịch sử họ trình chiếu hút hồn đến thế, làm cho đến đứa bé lên ba của chúng ta cũng thuộc lòng bao nhân vật của họ. Thưa các nhà sử học sao các vị không vỗ trán nghĩ đến việc xây những phim trường hiện đại, viết các kịch bản thật hay cho ra đời những bộ phim cực kỳ hoành tráng kể về chiến công hiển hách của tổ tiên, cha anh chúng ta, làm như vậy vừa thu được thật nhiều tiền vừa làm cho dân ta và cả thế giới nhanh thuộc sử Việt. Biến những buổi học lịch sử theo kiểu sáo rỗng giáo điều khiến học trò thành những con vẹt kinh sợ học sử thì tốt gấp vạn lần cái phong trào xây dựng siêu tượng đài, siêu bảo tàng gây tốn kém lãng phí tiền của của nhân dân. Gần ngay cạnh chúng ta là một nước Sinhgapore siêu nhỏ bé, nhưng cũng siêu giàu có song cả nước họ duy nhất chỉ có một tượng đài bé tý tị tì ti ở giữa quảng trường trung tâm tạc người khai phá tìm ra đảo quốc sư tử, sao ta không học vì đâu mà họ lại giầu đến thế.

Tượng đài duy nhất người Anh tìm ra đảo quốc sư tử Sinhgapore

Bác Hồ kính yêu đã từng dạy “ Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” Khi sinh thời cả cuộc đời Bác luôn sống dản dị thanh bạch, giữa thủ đô Hà Nội Bác từ chối mọi sự vinh hoa để ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ, nhưng có ai là người Việt Nam yêu nước không biết và tự hào về bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của Bác, rồi những điều di nguyện viết trong di chúc trước khi mất Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chẳng lẽ GS không nhớ. Bác sẽ buồn biết bao khi các bậc thầy của chúng ta lại nói và làm ngược với di nguyện của người và buồn hơn nữa là các em lại thuộc sử Tàu, sử Tây mà không thuộc sử Việt vậy thì xây siêu bảo tàng cần thiết ở chỗ nào? Việc thống kê xóa đói giảm nghèo theo kiểu giảm dần như thế có lý hay chỉ là bệnh thành tích mãn tính mà thôi? Chúng ta đang là nước mới được thế giới công nhận là nước thoát nghèo được xếp vào hàng các nước phát triển trung bình, thiết nghĩ điều cần làm bây giờ chính là làm thế nào để đẩy mạnh phát triển kinh tế, không khoan nhượng với các tệ nạn, nhất là quốc nạn tham nhũng, hãy dành những phần tiền chi cho những việc không cần thiết tập trung vào việc cấp bách hơn đó là tăng cường cho chính sách xóa đói giảm nghèo. Dân có giàu thì nước mới mạnh, có như vậy thì chúng ta mới có thể đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới hướng tới xã hội “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

(Để chứng minh cho một vấn đề quá lớn và quá khó, tác giả bài viết phải viện dẫn rất nhiều điều, mong bạn đọc thông cảm mà bỏ qua cho kẻ lắm nhời này)

Nguyễn Đình Vinh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *