Tác giả: Nguyễn Đình Vinh
Nghề y là một nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý mang trên mình thiên chức thiêng liêng và vô cùng đạo đức đó là chữa bệnh cứu người, song càng ngày chúng ta thấy áp lực dồn lên ngành y tế càng nhiều. Những nhu cầu và đòi hỏi của xã hội ngày một cao hơn, công luận tốn không ít giấy mực cho chủ đề này, khiến lãnh đạo bộ y tế luôn luôn phải ngồi trên ghế nóng gồng mình chống đỡ.
Nào là đạo đức ngành y xuống cấp nghiêm trọng, thầy thuốc thờ ơ trước sinh mạng người bệnh, văn hóa phong bì, bệnh nhân phải xếp hàng chờ khám, rồi việc nằm đôi, nằm ghép, bác sĩ mặt lạnh như tiền…thôi thì đủ chẳng thiếu gì chủ đề để các báo khai thác và giật tít.
Một câu hỏi được đặt ra liệu có phải đạo đức y tế xuống cấp nghiêm trọng đến vậy hay không? Chẳng nhẽ cán bộ y tế lại có nhiều điểm xấu đến thế, nhưng có một điều tin chắc rằng chẳng có một thầy thuốc nào lại muốn làm hại bệnh nhân của mình cả. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường những sinh viên y tế đã xác định được trách nhiệm học tập để sau này ra trường cống hiến cho nhân dân và bản thân họ cũng đã biết để làm được một nhân viên y tế tốt thì ngay từ khi học hành dẫu về mặt thời gian cũng lâu hơn, học cũng khó khăn vất vả hơn các ngành khác. Để tốt nghiệp đại học các ngành kinh tế hoặc các ngành khác thời gian dài nhất là 4,5 năm, nhưng để có một tấm bằng đại học y, dược thời gian phải mất tới 6 năm.
Nhưng đấy mới chỉ là đường cày bừa vỡ ban đầu, sau khi ra trường nếu thi được vào các cơ sở điều trị y tế, ngoài thời gian tập sự học việc mất hơn một năm rồi còn phải đi học chuyên sâu ngắn thì một năm, mà dài thì vài năm rồi khi về đơn vị sau rất nhiều ngày miệt mài học tập phụ giúp mới được xét có làm được chính hay không, đó là bác sĩ nội khoa, còn bác sĩ ngoại khoa thì thời gian để được đứng cầm dao mổ chính còn lâu dài và khó khăn hơn nữa.
Trong khi những chuyên ngành khác khi ra trường sau một thời gian thử việc là đã được làm chính ngay với đồng lương cao ngất ngưởng (Các ngành kinh doanh) Vậy thì tại sao ngành y lại phải học dài và gian nan vất vả đến như thế, cũng chính bởi tại ngành y là ngành liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, do đó đòi hỏi ngay từ khi học các sinh viên ngành y đã học dài và vất vả hơn nhiều so với các ngành khác và mới chỉ nhìn vào đó chúng ta đã hiểu được sự dấn thân chấp nhận hy sinh của những cán bộ công tác trong ngành y tế.
Đấy là chưa kể thời gian làm việc, ngoài những ngày làm việc hành chính, có khi nhân viên y tế phải làm việc kéo dài ra cả ngoài giờ nhà nước quy định, khi mà một ca mổ, ca cấp cứu đang dở dang thì cán bộ y tế không thể làm dở rồi bỏ đấy đến ngày hôm sau làm tiếp để về, mà phải bám ca cho đến khi xong, bệnh nhân an toàn mới được rời công sở, nhiều ca mổ phức tạp kéo dài 14 -18 tiếng đồng hồ cùng với vài chục con người làm việc miệt mài và cẩn trọng từng đường kim mũi chỉ, từng thông số chỉ số sinh tồn. Những nhân viên y tế làm trong các khoa, các bệnh viện truyền nhiễm có thể bị phơi nhiễm các loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm, khi có dịch nguy hiểm phải cách ly ở trong bệnh viện thời gian dài không được về với gia đình, nhiều nhân viên y tế đã hy sinh cả sinh mạng mà chẳng mảy may đòi hỏi chế độ chính sách cho mình.
Nếu không tâm huyết yêu nghề, không có lương tâm, trách nhiệm và tình thương yêu vô bờ bến làm sao người thầy thuốc có thể đứng vững trước những áp lực của nghề nghiệp và vòng quay của nền kinh tế thị trường. Rồi những đêm thức trắng căng thẳng cứu chữa người bệnh, mà điều này gắn liền với họ suốt cả cuộc đời.
Lòng yêu nghề hết lòng vì người bệnh
Nhưng tại sao xã hội và công luận lại khắt khe với họ đến thế, xã hội có biết bao nhiêu tiêu cực, có biết bao vấn đề nóng nhưng khi có một vấn đề liên quan đến y tế thì dường như sự việc được thổi nóng lên hơn lúc nào hết. Thầy thuốc cũng là con người như biết bao con người bình thường khác, họ cũng có những vui, buồn, hờn giận họ không phải các vị thánh nhân để mà toàn diện, mà các vị thánh, thần, Phật cũng chẳng ai là toàn diện, tất cả đều có những điểm khuyết nhất định.
Nhưng một thầy cúng cúng sai chẳng ai chết, có khi con nhang đệ tử vẫn sụp lạy vạn bái và tiền rút ra chẳng tiếc bởi thầy đã hết lòng giúp mình và gia đình giải được tai qua nạn ách, một cô đồng, cậu đồng lên một giá hầu tới tiền tỷ, nhưng những đệ tử sẵn sàng chi hàng mâm tiền và hầu hạ phục dịch suốt đêm ngày. Còn người thầy thuốc chỉ một sơ xuất nhỏ, qua lời ăn tiếng nói, qua phong cách phục vụ thế là có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, đó là sự bức xúc của người bệnh và của người nhà người bệnh, nhẹ thì mắng mỏ, nặng hơn thì chửi bới và có khi là hành hung.
Những sự việc đau lòng đã diễn ra và ngày càng diễn ra nhiều hơn, có thầy thuốc bị người nhà rút dao đâm chết, bị đánh, bị tạt nước sôi, bị bệnh nhân tạt xăng đốt chết, bị chửi bới lăng mạ đe dọa diễn ra như cơm bữa và xét cho tới cùng với cái lý người bệnh là khách hàng, mà đã là khách hàng thì khách hàng luôn đúng.
Với người bệnh đã đến bệnh viện bỏ tiền ra chữa bệnh là phải khỏi, nhưng họ đâu hiểu rằng nhiều những loại bệnh vô phương cứu chữa và khả năng của y học cũng như thầy thuốc không phải bệnh nào cũng chữa khỏi, không phải bệnh nào cũng cứu được. Có những người già 80 -90 tuổi ở nhà chẳng tiêm gì tự dưng kêu mệt rồi chết, có những em bé sơ sinh tự dưng chết ngay trên tay cha mẹ, khi đó gia đình nói rằng âu nó là cái số, hay các cụ nhà mình thế mà chết tiên, còn trẻ con thì nó không có duyên ở với nhà mình. Nhưng ở bệnh viện chỉ cần sau khi rút mũi tiêm bệnh nhân mất thế là tất tần tật đều do lỗi của nhân viên y tế, gia đình kiện tụng đòi bồi thường với lý lẽ rằng nếu cô ấy, cậu ấy không tiêm thì ông tôi, cụ tôi không chết, mà cụ tôi là trụ cột của gia đình, công an, viện kiểm sát vào cuộc, báo chí rùm beng quy chụp đủ mọi vấn đề với những cái tít kêu keng keng như chuông vàng khánh ngọc. Còn nhân viên y tế và bệnh viện dẫu đã cố gắng hết sức cấp cứu với các phác đồ và phương pháp đúng nhất vẫn trở thành kẻ chịu trận khó bề chống đỡ.
Để khắc phục những nhược điểm này lãnh đạo ngành y tế đã đề ra rất nhiều giải pháp, như mở rất nhiều các lớp tập huấn, các buổi hội thảo khoa học, chuyển giao công nghệ, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, thuộc và thành thạo trong sử lý sock phản vệ, xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện, rồi cán bộ y tế học tập 12 điều y đức, đặt đường dây nóng để người bệnh và người nhà có thể phản ánh những bức xúc, thắc mắc tới các cấp từ cấp bệnh viện, tới cấp sở và cao hơn là cấp bộ, lãnh đạo các cơ quan sẽ trực tiếp tiếp thu ý kiến phân tích và có những biện pháp giải quyết kịp thời. Gần đây nhất đồng chí bộ trưởng bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu trên truyền hình về quyết tâm của bộ đổi mới phong cách phục vụ của nhân viên y tế với “Ba xin” “Xin chào, xin lỗi, xin phép”, các bệnh viện tuyến trung ương quyết tâm không để bệnh nhân nằm đôi nằm ghép, rồi áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho bệnh nhân tránh phải chờ lâu vvv và vvv… Nhưng phải chăng những điều đó sẽ giải quyết được những bức xúc của người bệnh.
Truyền cho bệnh nhân niềm vui và tình yêu với cuộc sống
Cán bộ y tế đều hiểu rằng trị bệnh bệnh phải trị tận gốc, mà cái gốc gác của vấn đề lại không phải do ngành y tế quyết định, ngàng y tế chỉ là ngành giải quyết hậu quả của xã hội mang đến. Người thầy thuốc có giỏi đến mấy thì cũng chỉ chữa được bệnh nhưng không thể chữa được mệnh của con người. Bệnh tật không phải do ngành y tế tạo ra, cái quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử” vốn dĩ là quy luật của vạn vật trong vòng luân hồi, với một xã hội phát triển con người ngày càng đông, cơ hội kiếm một việc làm ngày càng khó khăn, nhiều thanh niên học xong các trường chuyên nghiệp xếp hàng dài chờ việc, nhưng cánh cửa vào trường đại học khó một thì cánh cửa có công ăn việc làm khó gấp trăm. Thất nghiệp tăng cao cuộc sống khó khăn nảy sinh ra biết bao tiêu cực, cứ cái gì kiếm được tiền dễ nhất là người ta làm, thôi thì rau củ quả, lợn gà cá… làm cách nào để có siêu lợi nhuận là sẵn sàng làm, rau củ quả với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, lợn gà cá… dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng nhiều hơn bình thường hàng vài chục lần là chuyện bình thường. Chưa kể tất cả sau khi thu hoạch, giết mổ được tắm trong hóa chất độc hại biến thịt cá thối thành thịt cá tươi, rau củ quả để vài năm không thối, các loại rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc giả nhan nhản trên thị trường và có lẽ đến con người cũng giả nốt thế là cùng. Rồi tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hậu quả di chứng của chiến tranh, tiêm chích ma túy, ma túy đá, căng thẳng học đường thi cử…các vụ ngộ độc tập thể càng nhiều… khiến cho lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngày càng tăng cao, ngân sách nhà nước đầu tư cơ bản cho y tế không theo kịp được với bệnh tật dẫn đến quá tải và càng ngày càng quá tải.
Người bệnh có bệnh thì phải đến viện, bệnh viện thì không thể tự cơi nới thêm được, người người chen chúc, ai cũng muốn được khám nhanh, chữa nhanh. Cán bộ y tế một ngày phải khám cho hàng trăm lượt bệnh nhân cũng không sao giải thích hết được cặn kẽ cho người bệnh và người nhà người bệnh, mà nhiều khi giải thích xong người bệnh và người nhà cũng chẳng nghe, mà có nghe cũng chẳng nhớ, bởi cái họ quan tâm là sự lo lắng cho bệnh tật, cái họ cần là nhanh chỗ này để qua chỗ khác, thành thử việc hỏi đi hỏi lại cùng một vấn đề nhiều lần dẫn đến quá sức với y bác sĩ và cái bài toán luẩn quẩn của sự bức xúc không hài lòng khó mà hết được. Dẫu biết rằng ngành y tế đã hết sức lỗ lực tìm mọi biện pháp để tháo gỡ bài toán nan giải, nhưng có lẽ cũng chỉ là giải pháp làm dịu đi phần nào sự bức xúc.
Nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề quá tải bệnh viện đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, nhà nước, chính phủ, các bộ, ban ngành, phải có những chế tài nghiêm khắc ngăn chặn những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn học đường…, kích cầu nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Quyết liệt chống quốc nạn, tham ô tham nhũng lãng phí, dành phần tiền thất thoát ấy đầu tư cơ sở hạ tầng máy móc trang thiết bị tốt nhất cho ngành y tế. Có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng với cán bộ y tế, để họ không phải phân tâm lo nghĩ làm trong chữa ngoài, dành hết tâm huyết cho người bệnh.
Các cơ quan ngôn luận truyền thông, các nhà báo với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng không chỉ phản ánh nóng việc tai biến này, đạo đức kia. Mà phải làm sao dùng ngòi bút của mình có nhiều bài viết hay tuyên truyền những chủ chương chính sách của đảng, nhà nước, chính phủ để người dân hiểu biết hơn trong vấn đề an toàn trong sản xuất và kinh doanh cho xã hội và cho chính bản thân họ, đấu tranh không khoan nhượng với các tệ nạn, đó mới là mấu chốt để giải quyết vấn nạn phát sinh của bệnh tật và bức xúc, có như vậy dần dần mới tháo gỡ được tận gốc mớ rối cho ngành y tế. Hãy để những người thầy thuốc chuyên tâm hơn vào việc chữa bệnh cứu người, hãy chia xẻ và dành cho họ những cảm thông để họ có nghị lực và niềm tin, đem hết tâm huyết tình yêu cho cái nghề vất vả mà cao quý “ Chữa bệnh cứu người”.
Nguyễn Đình Vinh