Home > Contend > Tin tức - Tin văn học > Văn hóa mời nước mời trầu sao biến thành “ Quan họ ngửa nón xin tiền”

Văn hóa mời nước mời trầu sao biến thành “ Quan họ ngửa nón xin tiền”

Nói đến văn hóa dân gian không thể không nhắc đến di sản văn hóa của người quan họ, có thể gọi quan họ là sự tổng hòa của rất nhiều thành tố,

người ta tìm về với quan họ không chỉ để thưởng thức những làn điệu giao duyên mặn mà tình tứ của các liền anh liền chị, với áo the khăn xếp, nón quai thao áo mớ ba mớ bảy, mà còn tìm về quan họ bởi sự nền nã với nét duyên dáng ẩn chứa trong cái tinh tế của việc hiếu khách. Nó được thể hiện ngay từ lời ăn tiếng nói, cho đến văn hóa mời nước, mời trầu, mời rượu, như những phần không thể tách rời trong cái lề lối, “Cách chơi” tinh tế của người quan họ. Chẳng biết tự bao giờ tục mời nước, mời trầu, mời rượu ăn sâu trong tiềm thức của những ai một lần được về Kinh Bắc, nghe canh hát trao duyên thắm mặn nghĩa cau trầu. Những lời mời đã trở thành di sản, cái di sản ấy không chỉ nằm trong câu hát lời ca mà còn nằm trong cả những lời mời, câu chào nó không phải là những câu mời chào bình thường mà nó được nâng nên trở thành nét đẹp không thể thiếu trong tổng hòa quan họ “Giờ đây xum họp trúc mai/Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”. Người Việt nói chung thường coi trọng việc mời trầu bởi miếng trầu là đầu câu chuyện, nhưng với người quan họ việc mời trầu đã được nâng lên một tầm văn hóa “Gặp đây ăn một miếng trầu/ Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng/Trầu này trầu tính trầu tình/ Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta/ Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần” hay “Lá trầu xanh thắm tình duyên phận/ Lại đây nào ta nhận ra nhau/ Thuyền rồng đậu bến sông sâu/ Liền anh liền chị hát câu ân tình” Với tục mời nước “Mấy khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/Trà này thơm lắm người ơi/ Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng” Hay “Hai tay nâng chén em mời/ Trà thơm thơm lựng cả mười ngón tay” Còn tục mời rượu “Tay tiên chuốc chén rượu đào/ Đổ đi thời tiếc uống vào thời say”, Cũng bởi chót yêu lời ca, chót say cái tình của người quan họ mà dành rất nhiều tình cảm đậm sâu.

Đây không phải là nón quai thao

Gần đây đọc một số bài báo viết về việc các liền anh liền chị quan họ ngửa nón xin tiền, bản thân cảm thấy trong lòng như có điều gì nhức nhối, bởi nét văn hóa tinh tế được bao thế hệ quan họ ngàn năm gìn giữ sao bỗng chốc lại bị vất bỏ bởi một chút vật chất tầm thường và cái từ “Ngửa nón xin tiền” của các nhà báo gán cho quan họ sao nó nặng nề đến vậy, có thực như thế hay không? Sau nhiều lần dùng dằng trước lời mời của anh hai Hữu Duy và Nguyễn Tuấn Long diễn viên nhà hát quan họ Bắc Ninh tôi quyết định tìm về với miền quan họ đúng ngày hội lim 13 tháng giêng năm Bính Thân 2016, nơi tôi và anh bạn đồng hành tìm đến không phải là đồi Lim với dòng người tấp lập từ khắp nơi trẩy hội để nghe các liền anh liền chị từ các làng quan họ trong vùng trao duyên, điểm đến là thành phố Bắc Ninh, đón chúng tôi là nghệ sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Long, Long mở lời: 

– Em làm các anh phải chờ lâu, chả là em vừa ở nhà cô Khánh Hạ, cô là nghệ sĩ ưu tú thầy dạy em và anh Hữu Duy, nhà cô hôm nay có khách ở Hà Nội về, cô bảo em ở lại tiếp khách, tiếp một lúc thì có điện của anh, em xin phép cô có bạn từ Hải Dương qua. À hôm nay anh Duy đang đi hát thuyền theo chươn trình của nhà hát tại Từ Sơn, còn em thì sáng mai anh ạ.
– Hữu Duy đã điện hẹn anh khoảng 12 giờ trưa  sẽ về.
– Mình đi đâu bây giờ anh.
Tôi mỉm cười:
– Cái này do em chứ,  cũng 11 giờ 30 mình tìm chỗ nào rồi đợi Hữu Duy cùng về một thể
 Được một lúc Hữu Duy đi mấy chục km ở điểm diễn Từ Sơn trở về, vừa đến thành phố là Duy đi xe máy ra ngay, anh em tay bắt mặt mừng, sau khi giới thiệu sơ qua cho Vũ Hùng để anh em làm quen.  Những câu chuyện xoay quanh quan họ được Hữu Duy giảng giải làm chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều về nét đẹp tinh tế của người quan họ, tôi ngỏ lời muốn được nghe hai bạn hát cho một làn điệu quan họ cổ mà tôi chưa bao giờ được nghe, biết tôi tuy là người Hải Dương qua những bài thơ, bài báo và cũng biết được chút khả năng hát quan họ của anh hai không chuyên, Hữu Duy cười bảo em và Long sẽ hát tặng các anh bài hát “ Ngũ cung” đây là một bài hát rất khó mà không phải người quan họ nào cũng biết và hát được, bởi các cụ mình ngày xưa rất giỏi và tài tình đã đặt lời bài hát nhưng nó khó bởi phải chuyển năm giọng, Duy bắt nhịp và rồi hai anh hai quan họ như tan hòa cùng câu hát, cái giọng trong vắt cùng những luyến láy vô cùng tinh tế khiến tôi như nuốt lấy từng câu, từng lời. Hát xong Duy nhìn vẻ ngưỡng mộ của tôi em hỏi.
– Có điều gì không anh.
Tôi lắc đầu:
– Thật là may mắn cho anh và anh Hùng hôm nay về Kinh Bắc lại được các em đón tiếp nồng hậu, đồng thời giúp cho anh hiểu thêm về chiều sâu của quan họ, nhưng anh vẫn không hiểu nổi tại sao người ta lại có thể viết những bài báo với những cái tít “ Quan họ ngửa nón xin tiền” em nghĩ sao Hữu Duy
– Em cũng rất bức xúc về điều này, bởi quan họ chúng em không bao giờ ngửa nón xin tiền, với người quan họ cái nón tượng trưng cho cái duyên dáng, nét tinh tế nền nã của người con gái Kinh Bắc,  các thi nhân đã từng viết “ Ai làm chiếc nón quai thao/Để cho anh thấy cô nào cũng xinh/ Em là con gái Bắc Ninh/Tay nâng vành nón mái đình nghiêng theo” cái nón quai thao được người quan họ vô cùng quý trọng, không chỉ để làm duyên mà nó còn như một thứ linh vật, họ coi nón như chính bản thân mình, sao có thể ngửa nón để xin tiền được, hình như bây giờ người ta lạm dụng cái từ nhà báo để phóng bút viết bừa, nếu nói quan họ xin tiền thì phải có lời nói là quý khách cho tôi xin tiền chứ, đằng này có ai nghe thấy bất kể một liền anh liền chị nào nói với khách thưởng thức câu xin tiền đâu mà lại nói rằng “Quan họ ngửa nón xin tiền” Văn hóa của người quan họ coi trọng câu mời câu chào và thường khi hát mời trầu, các liền chị hai tay bưng cơi đựng những miếng trầu têm cánh phượng mời trầu du khách gần xa, cũng bởi vì yêu lời ca tiếng hát mà khi nhận miếng trầu quý khách đã không quên bỏ vào đó mấy đồng cũng coi như phần thưởng cho sự ngọt ngào của những lời ca tiếng hát đồng thời cũng như một sự đáp lại tấm thịnh tình của người quan họ, nếu hiểu cao hơn thì nó là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, sao có thể nói rằng “ Quan họ ngửa nón xin tiền”

Những liền chị quan họ mời nước mời trầu du khách

Cũng là một người từng đi hát ở các lễ hội đình chùa phục vụ bà con cô bác, bản thân tôi cũng chứng kiến việc thưởng tiền của khách thập phương khi các liền chị mời trầu, có người bỏ vào cơi 5 ngàn, 10 ngàn, 100 ngàn và có khi nhiều hơn nữa, nhưng đó là xuất phát từ cái tâm của người nghe, nên tôi thấu hiểu nỗi buồn của các liền anh, liền chị quan họ chân chính, phải yêu lắm say lắm họ mới cố gắng giữ gìn những giá trị văn hóa từ ngàn đời truyền lại bởi họ hiểu rằng nó chính là hồn cốt của dân tộc cần phải gìn giữ và lưu truyền, vẫn biết rằng chẳng ai đi hát dân gian mà giàu được vì nghề, không như những ca sĩ hát nhạc pop, rock, nhạc nhẹ với những khối tài sản hàng trăm tỉ, nhưng sinh nghề tử nghệ mà gắng dành hết tâm huyết đem lời ca tiếng hát dâng tặng cho đời. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, người nghệ sĩ dân gian bây giờ ngoài việc hy sinh cháy hết mình cho nghệ thuật họ cũng còn phải mưu sinh cho cuộc sống bình thường, nhưng không vì thế mà họ đánh mất đi những gì thuộc về vốn sống lẽ đời và tình người. Các phóng viên hãy dùng ngòi bút của mình với cái tâm, cái tầm của người cầm bút làm sao để tôn vinh những nét đẹp của văn hóa, thứ tài sản vô giá của cha ông để lại đang được lớp lớp các thế hệ con cháu ngày đêm giữ gìn, đừng vì sự hiểu biết kém cỏi, hẹp hòi, mới chỉ nhìn qua một vài hiện tượng ở chỗ này nơi kia mà  hạ bút với cái tiêu đề ” Quan họ ngửa nón xin tiền” nhằm mục đích giật tít cho thỏa sở thích của mình, bởi cái sự tùy tiện thiếu trách nhiệm ấy sẽ làm ố bẩn và có thể giết chết một dòng văn hóa quý của dân tộc Việt Nam đang được cả thế giới tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hải Dương ngày 14 tháng giêng năm Bính Thân 2016
Tác Giả: Nguyễn Đình Vinh

Hội viên HVHNT tỉnh Hải Dương

Làn điệu mời nước mời trầu của người quan họ

{youtube}nevuqQX9LG0?list{/youtube}

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *