Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Tự Lực Văn Đoàn: Ngôi sao trên bầu trời văn học

Tự Lực Văn Đoàn: Ngôi sao trên bầu trời văn học

Những năm Ba mươi thế kỷ XX xuất hiện nhóm văn học Tự Lực văn đoàn (TLVĐ). Văn chương của họ đã thể hiện tư tưởng tiến bộ trong đấu tranh chống phong kiến, thực dân, phổ biến quan niệm nhân quyền, dân quyền, quan điểm tiến bộ về cá nhân, về gia đình, xã hội.
Thành viên chính của TLVĐ gồm Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, Thế Lữ, Tú Mỡ, Trần Tiêu và Xuân Diệu.
Xã hội Việt Nam những năm 1930-1945 trải qua một thời kỳ biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế và văn hoá. Chỉ nói riêng về văn hoá , thời kỳ này các loại sách báo hải ngoại du nhập vào Việt Nam. Hàng loạt học sinh từ Pháp trở về nước mang tư tưởng tân tiến, mới lạ đã có ảnh hưởng tới đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp học sinh tiểu tư sản trí thức. Cùng với thương mại, công nghệ, kỹ thuật phát triển, các tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam phát triển theo. Các trường tư thục mọc lên dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Không chỉ con nhà giàu, mà cả con em ở nông thôn cũng tìm về đô thị học tập. Báo chí nở rộ khắp ba kỳ. Có thời điểm cùng tồn tại tới 130 tờ báo và tạp chí.

Trong bối cảnh ấy, đầu tháng 3-1933, nhóm TLVĐ ra đời. Việc này nhà thơ Tú Mỡ đã kể trên Tạp chí Văn Học số 5 tháng 6-1988: Năm 1932, tờ Phong Hóa phát hành hằng tuần vào ngày thứ Năm của anh Phạm Hữu Ninh quản trị, anh Nguyễn Xuân Mai, giám đốc chính trị, loại báo vô thưởng vô phạt, đang sống dở chết dở vì không ai buồn đọc, sắp sửa phải đình bản. Anh Tam (tức nhà văn Nhất Linh – KHL chú) đề nghị nhượng lại tờ báo cho mình làm chủ bút, còn hai anh vẫn đứng tên quản trị và giám đốc chính trị làm vì, mỗi tháng lĩnh mấy chục bạc lương (tức là tiền cho thuê báo). Tất cả đều hỉ hả: anh Ninh và anh Mai trút được gánh nặng mà khỏi đình bản.
Từ Báo Phong Hoá, Ngày Nay…
Số báo Phong Hoá đầu tiên (do Nhất Linh chủ bút) ra ngày 22-9-1932, đã hăng hái ủng hộ cho phong trào thơ mới qua bài viết của Nhất Linh: “Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng..”
Toà soạn và trị sự của báo ban đầu ở góc đường Quán Thánh và Hàng Bún (về sau ở số 80 phố Quán Thánh- Hà Nội). Báo có nội dung mới mẻ là duy tân cấp tiến, đả phá hủ tục, khuyến khích vươn tới cái văn minh. Ngày ấy báo Phong Hoá in tranh khôi hài nhạo báng không chừa một ai, cốt là vui cười. Từ ông Lý toét, Xã xệ đến nhà thơ Tản Đà, luật sư Lê Thăng, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố… đều bị phơi lên mặt báo với ý ngầm muốn phá cũ, lập cái mới. Báo Phong Hoá giá bán 7 xu, bán chạy và hấp dẫn bạn đọc từ thường dân đến trí thức. Sau khi Phong Hoá ra được hai mươi tám tháng, Nhất Linh cho ra tiếp tờ Ngày Nay.
Tờ Ngày Nay số 1 bìa chụp hình thiếu nữ mặc áo mùa xuân. Ngay trang đầu đã phi lộ: Ngày Nay là tờ báo thứ hai của TLVĐ… Chúng tôi đưa các bạn từ rừng ra bể, từ thành thị đến thôn quê xem các trạng thái hiện có trong xã hội. Chúng tôi sẽ đi nhận xét thấy sự thật, nói lại để các bạn hay và sẽ chụp nhiều ảnh in xen vào bài để các bài này được rõ hơn…Quả thật, báo đã in những phóng sự, những bức ảnh đẹp mang hơi thở muôn mặt của đời sống dân quê. Ngoài các chuyên mục, còn thấy truyện tranh liên hoàn Trong Rừng Sâu, do Thế Lữ viết truyện, tranh vẽ của Cát Tường. Tuy không còn mục trào phúng, nhưng Ngày Nay thêm “phóng sự điều tra” rất sinh động (như nạn trộm cướp ở làng quê, về không khí ngày tết, nạn khốn cùng dân quê…), đặc biệt có nhiều ảnh mỹ thuật choáng cả trang bìa rất bắt mắt. Nhưng ít lâu sau tờ Ngày Nay không ra hàng tuần, mà mỗi tháng một kỳ, thành từng tập dầy. Cuối cùng, Ngày Nay tự rút lại chỉ còn tờ Phong Hoá. Năm 1936 khi loạt bài giáng quá mạnh vào nhà cầm quyền, Phong Hoá bị đóng cửa vĩnh viễn. Nhất Linh đã cho tục bản tờ Ngày Nay thay thế.
Sau 3 năm ra đời, báo Phong Hoá đã ảnh hưởng to lớn trong xã hội. Trong đời sống tinh thần dường như có luồng gió mới thổi vào cái xã hội trì trệ từ trước 1932, và đặc biệt tiếng cười của Phong Hoá đã góp phần làm đảo lộn trật tự một phần đời sống
…Đến sự ra đời Tự Lực văn đoàn
Lại nói, khoảng tháng 3 năm 1933, sau số báo xuân Quý Dậu phát hành, Nhất Linh tính về lâu dài, nên quyết định thành lập TLVĐ.
Đoàn viên nòng cốt của Tự Lực Văn Đoàn là những nhà văn trong tòa soạn báo Phong Hóa. Sau mấy lần bổ sung, cuối cùng thêm Xuân Diệu là 8 người.
TLVĐ có một biểu trưng riêng in trên báo Phong Hoá làm dấu hiệu của văn đoàn. Đó là một hình tròn, đóng khung hai chữ T.L xếp thành chữ triện hình chim đại bàng tung cánh bay trên sóng (1933).
TLVĐ có tôn chỉ , đăng trên báo Phong Hoá số 87 ngày 2 tháng 3 năm 1933(*) với 10 điều cụ thể như sau:
1-Tự mình làm ra những sách có giá trị văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu sách này chỉ có tính cách văn chương thôi, mục đích để làm giàu văn sản trong nước.
2- Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho người và xã hội ngày càng hay hơn.
3- Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4- Dùng một lối văn dễ hiểu ít chữ Nho, một lối văn thật sự có tính An Nam.
5- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6- Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước nhà với tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có cách trưởng giả quý phái.
7-Tôn trọng tự do cá nhân.
8- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9- Đem phương pháp khoa học Tây ứng dụng vào văn chương An Nam.
10- Theo một trong 9 điều trên đây cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
Tự Lực văn đoàn cũng xác định rõ những vấn đề cần đả phá:
1. Bài trừ nạn mê tín dị đoan.
2. Bác bỏ những phong tục hủ lậu như tranh chấp hư vị, tranh giành xôi thịt ở hương thôn.
3. Chống lại chế độ bất công trong gia đình như: ép duyên, tìm môn đăng hộ đối, cảnh mẹ chồng nàng dâu.
4. Lên án gắt gao những bọn cường hào, ác bá, chế độ quan lại phong kiến.
TLVĐ có cơ quan ngôn luận là báo Phong Hoá, Ngày Nay và Nhà xuất bản Đời Nay để in ấn tác phẩm của nhóm. TLVĐ là tổ chức văn chương độc lập, với khuynh hướng nghệ thuật riêng: “Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu ít chữ Nho, một lối văn thật sự có tính cách An Nam, …lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ”. Vì thế báo Phong Hoá đả kích kịch liệt bất kỳ ai đi ngược xu hướng đó. Báo có bài chê ông phó bảng Hoàng Tăng Bí, viết báo Trung Bắc tân văn là văn khó tiêu như trứng vịt, hoặc Việt Sinh châm biếm loại văn chương chỉ biết “khóc, khóc một giọng rên ư ử từ ngàn xưa”. Phong Hóa còn tấn công vào thứ văn chương lai căng. Trong bài “Hai cái thái cực” Nhất Linh đã hài hước nhại một câu văn tầu cổ lỗ:
“Bỉ nhân trầm tư mặc tưởng nghiên cứu thục lự về cái thâm ý đại nghĩa của nhân thế sau khi đã biện phục… vào những lý thuyết của các triết học thì phải phục nhận rằng nhân thế là một gang tay là bạch câu quá khích vậy”.
Và nhái tiếp một câu đặc quánh văn Tây:
“Cảm tình ta như nôn nao như xoáy tận đáy cõi lòng, tư tưởng ta như nẩy phăng ra ngoài óc, tim ta hồi hộp muốn phá tan lồng ngực nhảy ra ngoài”…
Sau 12 tháng làm việc, Nhà xuất bản Đời Nay đã in và phát hành hàng vạn bản. Nhất Linh từng học nghề xuất bản tại Pháp, có tài năng quản lý tổ chức, các nhà xuất bản khác ghen tỵ mà không sao được.
“Nhà xuất bản Đời Nay mở kỷ nguyên cho cuốn sách trong lịch sử văn học Việt Nam.” (Phạm Thế Ngũ).
Trước, văn chương thường tả sự chán đời, khóc than uỷ mị, con người thì dường như bất lực trước cuộc sống, trai gái thất tình tìm cách tự tử để giải thoát. Kể từ khi ra đời, TLVĐ đã thổi vào nền văn học nước nhà một sinh khí ấm áp hơn. Số phận con người trong mỗi truyện tuy gặp trắc trở, có đau buồn, tình yêu ngang trái nhưng họ đều quý muốn vươn lên, muốn đoạn tuyệt hiện tại để tìm cuộc sống mới ở phía trước.
TLVĐ còn là cái nôi đỡ cho những tài năng văn học nước nhà. Họ đặt ra Giải thưởng văn chương hai năm xét và trao giải một lần. Những tác giả và tác phẩm được trao từ năm 1935 đến năm 1939 là: Kim tiền của Vi Huyền Đắc, Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng (mỗi giải 50 đồng); Làm lẽ của Mạnh Phú Tư, Cái nhà gạch của Kim Hà (Mỗi giải 100 đồng); Nỗi lòng tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Mẫn được giải thưởng 30 đồng; Rạng đông của Trần Mai Ninh, Bức tranh quê của Anh Thơ và Nghẹn ngào của Tế Hanh… Riêng Tâm hồn tôi của Nguyễn Bính được Hội đồng đặc biệt khuyến khích… Có thể nói rằng nhiều tác giả từng lọt vào mắt xanh của TLVĐ thời kỳ ấy, đã thành nhà thơ, nhà văn nổi tiếng sau này.
TLVĐ là nhóm người có tài năng, tâm huyết, có cùng chí hướng trong sự nghiệp đổi mới cách tân văn chương. TLVĐ đã nói lên khát vọng dân tộc dân chủ của quần chúng; đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, đòi tự do hôn nhân, quyền sống của phụ nữ và chống lại lễ giáo phong kiến trói buộc. TLVĐ chủ trương cải cách xã hội, đồng cảm nỗi khổ của người lao động và đả kích gay gắt bọn tham quan ôm chân Pháp. Họ đề cao tinh thần dân tộc, có hoài bão về một nền văn hoá dân tộc, trên cơ sở kết hợp truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây… Đồng thời họ chống lai căng, phủ nhận xã hội thối nát đương thời.
TLVĐ có quan điểm, tư tưởng tiến bộ trong văn chương. Nó thể hiện trong 10 điều tôn chỉ khi thành lập: trẻ trung, yêu đời, tin ở sự tiến bộ. Họ dùng các loại hình nghệ thuật như văn, thơ, hí họa, ảnh thời sự, truyện cười… để đả phá tàn dư lạc hậu trong xã hội, thúc đẩy xây dựng đời sống mới.
Ảnh hưởng của văn chương TLVĐ trong nền văn học nước nhà
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà phê bình cả hai miền Nam Bắc đã bỏ công sức tìm hiểu, đánh giá về phong trào văn học này với nhiều khía cạnh khác nhau. Chỉ nói về “Dấu ấn của một văn đoàn” đã có 6 chuyên luận (Phạm Thế Ngũ, Trương Chính, Phan Cự Đệ, Lê Thị Đức Hạnh, Trịnh Hồ Khoa, Tú Mỡ). Chỉ một chân dung của Nhất Linh có tới 10 tác giả khảo luận của Vũ Ngọc Phan, Bùi Xuân Bài, Bạch Năng Thi, Thế Phong, Thế Uyên, Vũ Hạnh, Tường Hùng, Nguyễn Mạnh Côn…
Chỉ nói đến Khái Hưng trong cuốn sách “Khái Hưng nhà tiểu thuyết xuất sắc” có tới ba chục bài của gần ba chục tác giả: Vũ Ngọc Phan, Trần Khánh Triệu, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Vu Gia, Nguyễn Vỹ,…
Chỉ một Thạch Lam, mà 13 tác giả tên tuổi như Nguyễn Tuân, Phạm Văn Phúc, Phong Lê, Hà Văn Đức, Hồ Dzếnh, Thế Lữ, Đỗ Đức Thu, Đinh Hùng v.v… để tâm nghiên cứu.
Hoàng Xuân Hãn, trên Tạp chí Sông Hương số 37- tháng 4/1989 phát biểu: “Tôi nghĩ rằng những nhà văn học, sử gia sẽ phải thừa nhận giá trị của thành viên trong nhóm TLVĐ và phải bắt đầu lại việc xem xét nghiên cứu các tác phẩm của họ… TLVĐ là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại”.
Phan Cự Đệ trong cuốn “TLVĐ con người và văn chương – NXB Văn Học-1990” nhận xét: Thành công của TLVĐ trong xây dựng nội tâm nhân vật tinh tế hơn so với nhiều tiểu thuyết trước đó, kết cấu hiện đại hơn theo quy luật tâm lý, không theo chương hồi. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng giàu khả năng diễn đạt, gần gũi tâm hồn dân tộc.
Các nhà nghiên cứu dễ nhất trí khi nói về tiểu thuyết TLVĐ, rằng họ có công lớn trong việc đổi mới nền văn học, đổi mới từ quan niệm xã hội cho đến việc đẩy nhanh các thể loại văn học làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng và giàu có hơn.
“Các tác phẩm của TLVĐ thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục. Cùng với ý thức đả kích những kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội là tinh thần cảm thông với những nỗi khổ cực, sự lam lũ bần cùng của người lao động; tinh thần đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo, bình đẳng bác ái, của thời kỳ Mặt trận Dân chủ” (Viện văn học – Văn chương TLVĐ- tập 1, NXB GD, 1999).
TLVĐ đã lùi vào lịch sử, nhưng ảnh hưởng của văn chương và giá trị nhân văn vẫn còn sống mãi và ngày càng được bạn đọc cả nước ngưỡng mộ. Nhiều chương trình văn học ở các cấp được giới thiệu, và giảng dạy. Gần đây 8 tập Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945 dày hơn ba nghìn trang, nhưng chỉ mấy nhà văn trong TLVĐ cũng đóng góp gần một nửa. Bộ sách đồ sộ Văn Chương TLVĐ do NXB GD ấn hành năm 2001, được Bộ trưởng VHTT tặng bằng khen, được xếp vào loại A cuộc thi Sách đẹp mùa Xuân. Năm 2004 Nhà xuất bản Hội nhà văn ra Tuyển tập TLVĐ tập 1, tập 2, tập 3 có hàng nghìn trang sách để giới thiệu với công chúng. Thế hệ trẻ Việt Nam khi nhắc tới TLVĐ không còn ngơ ngác như bước vào chuyện cổ tích như trước đây nữa.
Trên báo Khoa học và Tổ quốc số Xuân Bính Tuất 2006, giáo sư Văn Tạo đã có ba ý kiến đề xuất biểu thị lòng trân trọng với tổ chức TLVĐ, trong đó có một ý rất sâu sắc: Ghi công TLVĐ bằng một nhà lưu niệm ở thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương nơi khai sinh ra tổ chức văn này, trên nền “Nhà khách văn chương” của gia đình Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam cạnh đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đã từng là nơi trao giải thưởng của TLVĐ.
Cần nhớ rằng từ năm 1996 UBND thị trấn Cẩm Giàng đặt tên một con đường mang tên Thạch Lam cũng là một việc làm mạnh dạn, là cách trân trọng văn chương hiếm thấy tại thời điểm lịch sử bấy giờ.
(*) Giáo sư Văn Tạo trong tạp chí Khoa học và Tổ Quốc, số xuân Bính Tuất , cho rằng tôn chỉ đăng trên Phong Hoá số 101, ngày 8-6-1934.
Khúc Hà Linh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *