Home > Contend > Tác giả tác phẩm > Trương Minh Phố: “Tôi viết bằng cảm xúc hơn là kỹ thuật câu chữ”

Trương Minh Phố: “Tôi viết bằng cảm xúc hơn là kỹ thuật câu chữ”

Tình cờ tôi đọc được tập thơ “Dòng sông và thời gian” của Trương Minh Phố mà ông tặng cho một người đồng nghiệp. Tôi bắt gặp một hồn thơ mộc mạc, chân thực với cuộc sống, với tình yêu và trong lao động. Rồi lại được sự giới thiệu của nhà thơ Bình Nguyên, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình:con người đó là “bập bùng ngọn lửa thơ”… Một chút tò mò về người kỹ sư khảo sát vốn được coi là khô khan mà lại nồng nàn trước văn thơ đã thôi thúc tôi tìm gặp ông.

Khi trò chuyện với chúng tôi về “duyên nợ” của mình với thơ ca, Trương Minh Phố đã thực thà:

“Yêu thơ từ thuở nhỏ nhưng cơm áo vốn “không đùa với khách thơ” đã “ngăn” tôi đến với văn chương”. Ông sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo tỉnh Hải Dương.

Ông cho biết: “Tôi rất thích đọc thơ, đặc biệt là thơ Tố Hữu, Nguyễn Bính, Xuân Diệu… và các tiểu thuyết của Trung Quốc như: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng… Nhưng khi lớn lên, gia cảnh, quê hương nghèo khó khiến tôi không thể theo nghiệp văn chương. Tôi đã quyết định đi học Trung cấp Thuỷ lợi T.Ư. Tốt nghiệp, tôi được về làm việc tại Uỷ ban trị thuỷ Sông Hồng (Bộ Thuỷ Lợi). Rồi “cái duyên” đưa đẩy, năm 1969, tôi được cử về làm Tổ trưởng khảo sát 1 (Viện Quy hoạch Thuỷ lợi) và gắn bó với Tam Điệp – Ninh Bình từ đó đến nay”.

 

39 năm trong nghề, kỹ sư Trương Minh Phố luôn là người làm việc cần mẫn và sáng tạo, được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp ngành. Đặc biệt, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2000)…Trương Minh Phố hiện là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn khảo sát và xây dựng số 2. Trong sự nghiệp, Trương Minh Phố được coi là người thành đạt, còn với thi ca, ông là “ngọn lửa bập bùng thơ”.

Với Trương Minh Phố, quê hương, bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những năm tháng làm nghề khảo sát thuỷ lợi được ông phản ánh trong thơ mình dưới nhiều góc độ khác nhau. Cái làng An Thư, nơi ông sinh ra, lớn lên chỉ là: “Vườn quê hoa bưởi, hoa chanh/Nép trong kẽ lá hương lành ngát đưa”, so với bao cảnh đẹp say lòng khách lạ ở khắp nơi trên đất nước thì quả thực là nghèo. Thế nhưng lúc nào ông cũng đau đáu một nỗi nhớ quê: “Dẫu đi cuối đất cùng trời/Lòng không nguôi nỗi nhớ bồi hồi lối quê”.

Trương Minh Phố tâm sự: Ly quê, qua khắp mọi miền tổ quốc, tôi mới thấy thấm nỗi nhớ thương. Thế nên mỗi lần về quê thể nào tôi cũng ra bến sông Thưa, nơi tuổi thơ tôi gắn bó. Ngồi bên bến sông Thưa, những ký ức buồn – vui lại ăm ắp đổ đầy. Hồn tôi lại như những cây sậy, cây lau, dầm chân trong nước như là chưa có ngày xưa và trái tim bỗng gọi về nỗi niềm của đứa con xa xứ, bằng những lời thơ giản dị: “Mỗi lần tôi trở về quê/Vẫn rưng rưng cỏ ven đê thuở nào”… Quê hương đã là niềm cảm xúc, thôi thúc tôi “nối lại con đường thơ”.

Cùng với nỗi niềm về nơi chôn nhau, cắt rốn, Trương Minh Phố còn làm thơ về những miền đất ông đã đi qua. Đặc biệt là Tam Điệp, quê hương thứ 2 của ông. Tam Điệp trong thơ ông thật đẹp và giàu sức sống: “Thị xã như một chàng trai trẻ/Tuổi hai mươi vươn cánh tay trần”; “Tam Điệp chiều nay đẹp như cổ tích/Lửa chín hồng, gạch rực màu men”.

Trương Minh Phố đã từng có những tháng năm đi công tác tại nơi rừng sâu, núi thẳm: “Những miền rừng xưa đạn bom thù làm cho trơ trụi”; “Ta đã đi qua miền khô khát/Đất ba ran tung bụi đỏ mịt mờ/Cây héo úa, mắt lá nhìn ngơ ngác/Bát nước cuối cùng bầy trẻ chia nhau”… những hình ảnh chân thực như được “lọc” qua con mắt nhà thơ bằng những câu thơ mộc mạc.

Nhà thơ Bình Nguyên từng nhận xét về thơ Trương Minh Phố: “Thơ anh chất phác, hồn nhiên như con người anh vậy, nhưng từ cái chất phác, hồn nhiên ấy mà có những độ ngân riêng lan toả, ấm áp nghĩa tình”. Nhìn người quê lam lũ, vất vả mà ông không khỏi chạnh lòng: “Rạ rơm rối bước chân đi/Lưng cơm đã dẻo người quê vẫn gầy”; “Hạt lúa quê mình cũng hình giọt mồ hôi”…

Thơ Trương Minh Phố cứ thủ thỉ, thì thầm, như nói với ai mà hoá ra nói với mình, không dám khuyên can ai mà như tự vấn mình qua mỗi bước chân trầy trật đường đời. Trong sự xô bồ của kinh tế thị trường, mỗi cá nhân như bị nhấn chìm vào dòng đục-trong vô định, nhưng với Trương Minh Phố thì: “Trong cuộc sống nên có nhiều khoảng lặng/Một phút thôi để ta chính là ta”…

Trương Minh Phố đã ra được 2 tập thơ (“Cỏ ven đường”, Dòng sông và thời gian”) với trên 100 bài. Hiện ông đang chuẩn bị ra mắt công chúng tập thơ thứ 3 với tựa đề “Đi về phía mặt trời”. Tôi đã đọc 2 tập thơ đầu của ông và cuối cùng, ấn tượng nhất vẫn là những câu thơ kết: “Vươn mình đỡ bước chân trần/Sẻ chia lam lũ đỡ đần người qua” (Cỏ ven đường); “Em trẻ trung mà đá thì già cỗi/Chiều thu này lòng đá chợt hồi xuân” (Chiều thu hồ Yên Thắng)… Tôi nghĩ, nếu Trương Minh Phố dày công hơn cho những câu thơ kết, ông sẽ tạo cho mình một phong cách riêng.

Thơ Trương Minh Phố mới đọc thoáng qua ta có cảm giác thô ráp nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì mới phát hiện ra càng ngày Trương Minh Phố viết càng cô chắt, sự kìm nén càng bình tĩnh, tự nhiên. Tác giả tâm sự: “Tôi viết bằng cảm xúc hơn là kỹ thuật câu chữ”. Thực vậy. Thơ của ông không mới về thi pháp nhưng tràn đầy cảm xúc và nó neo lại trong lòng người đọc chính là ở cảm xúc nồng nàn đó. Xin chúc cho “ngọn lửa thơ” Trương Minh Phố không bao giờ tắt và ngày càng toả sáng.

Đức Nghĩa

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *