Truyện ngắn của Trương Thị Thương Huyền
Ánh nắng vàng hoe cứ cuộn tròn cái se lạnh ngày Một chạp. Chỉ hơn một tháng nữa là Tết. Trong dòng người xe như mắc cửi, không khí Tết đã thấp thoáng sau những ô cửa bán hoa cảnh, lịch treo với dòng chữ Chúc mừng năm mới đỏ gắt giữa cái se lạnh cuối ngày. Chiều lửng lơ buông. Tiếng còi xe vừa như giục đêm xuống nhanh,
vừa như níu bước chân của người đàn bà đang gò lưng trên chiếc xe trẹo trọ.
Dãy nhà trọ dài nằm kề liền nhau bắt đầu nhốn nháo tiếng người. Mỗi căn phòng rộng chừng 4 m2 kê tấm phản được ghép từ những tấm gỗ nhỏ, nhập nhoà trong ánh đèn tuýp hai đầu đã đen lại. Ánh sáng nhạt nhoà, trắng như sáp, nhìn như da bệnh người ốm nặng. Mai dựa cái xe đạp cà khổ vào mảng tường lỗ chỗ vết rỗ như da mặt người bị di chứng đậu mùa.
Chị vừa thở dài, vừa hạ hai chiếc sọt tre xuống. Uể oải nhấc mấy mớ rau cải héo rũ rượi, một bọc giấy báo bốc lên mùi cá ươn tanh lợm, Mai mệt mỏi đẩy tấm gỗ làm cửa bước vào.
– Về muộn thế? Hôm nay đắt hay ế? Giọng đàn bà ồ ồ như đàn ông từ căn phòng bên cạnh vọng sang.
– Ế chị ạ. Còn đến hai con nục, ba mớ rau với hai cân củ cải… Mai đáp, giọng chị như bị ai níu xuống.
– Khổ. Ngày nào cũng ế sưng ế sỉa lên thế thì đến bán sọt mất thôi. Bỏ con nục với nửa cân củ cải qua đây, lấy mấy ngàn tao trả. Nấu nướng, tắm rửa nhoáng nhoàng đi, ăn rồi ngủ, mai còn đi sớm đấy.
Mai rũ người. Chị chỉ muốn nằm vật xuống. Ngày nào cũng thế, mưa cũng như nắng. Sáng dậy từ 3 giờ đi cất hàng, rong ruổi suốt ngày trên quãng đường dài bán lẻ, về nhà trọ khi trời đã tối, bao nhiêu mệt mỏi trong ngày dồn đến khiến chị như dính xuống tấm phản gỗ. Nhắm mắt lại tưởng sẽ không còn trở dậy được nữa. Vậy mà khi tiếng chuông đồng hồ nhà bên điểm ba tiếng, chị lại như người nhập đồng, lại vùng dậy, lại vớ xe, níu sọt, lại lên đường. Bỏ sao được. Chặng đường nhọc nhằn ấy là miếng cơm, manh áo, là nét chữ đến trường của những đứa con chị dứt ruột thương yêu. Tết lại sắp về. Ánh mắt thằng con út háo hức nhìn chiếc áo in hình siêu nhân hôm đưa nó đi chợ cứa vào ruột chị.
Cả dãy nhà trọ rẻ tiền này đều những người chung cảnh ngộ như chị. Họ đến từ rất nhiều miền quê khác nhau. Cũng như Mai, học hết cấp II, chiến tranh biên giới bùng nổ, các chị lên đường. Ai dám bảo thanh niên xung phong thời chiến tranh phía Bắc không vất vả? Cũng những con đường vắt ngang lưng chừng núi. Cũng vẫn những cánh rừng bạt ngàn thâm u…Rong ruổi bao ngày tải lương, cõng đạn… Tiếng súng ngừng, họ bắt tay vào gây dựng lại những lâm trường. Chao ôi, cuộc sống, nhìn quanh quẩn chỉ thấy toàn đàn bà con gái. Nỗi khổ lớn nhất là sự cô đơn. Về lại quê, các chị ngỡ ngàng, lạ lẫm ngay giữa nơi đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn. Phải mất đến mấy năm, vóc dáng Mai mới trở lại. Gặp người lỡ dở, rổ rá cạp lại, chị thấy mình vẫn quá may mắn so với đồng đội khi còn tìm được hạnh phúc riêng dẫu có muộn mằn. Những tưởng số phận các con chị sẽ khá, ai ngờ, chị nghèo lấy đâu dư dật cho con. Nhưng không thể ngồi nhìn các con lại lâm vào cảnh như mình, Mai lên đường. Không dành dật sự sống với đạn bom, chị dành dụm kiếm miếng cơm cho con trong xô bồ phố chợ. Bàn chân từng rong ruổi trên những cung đường, dọc ngang những cánh rừng một thời, giờ nặng nề lê bước trên những con phố hào nhoáng nơi đô thị. Những giọt mồ hôi đổ ra, những đồng tiền lẻ cóp lại chắt chiu gửi về quê. Con chị không phải bỏ học. Nghĩ đến cảnh con cái được no đủ, vui cười bên bạn bè, Mai thở mạnh. Bao mệt mỏi trong lòng như trút ra theo tiếng thở dồn.
Ánh sáng từ chiếc bếp dầu lom dom, lập loè xanh, hắt bóng Mai trầm tư bên vách liếp. Âm thanh lúc búc từ nồi cơm đang sôi trên bếp không át được tiếng long tong nhỏ vào chậu nhựa của những giọt nước đang rỉ ra từ cái máy nước han rỉ ngoài thềm. Những con số cộng trừ chưa đến trăm nghìn nhảy nhót trong đầu Mai. Gần tuần nay rồi, tiền lãi chỉ đủ chị trang trải tiền nhà trọ. Cũng đã ba ngày chị nhịn ăn sáng dù đó chỉ là một nghìn xôi ngô của bà cụ già đầu ngõ.
– Ngủ chưa? Tiếng gọi từ ngoài cửa vọng vào. Ai như tiếng bà Hà chủ nhà trọ.
– Chị Hà ạ? – Mai hỏi với ra – Em chưa?
– Cô lên nghe điện, nhà quê gọi lên đấy.
Ruột gan Mai như nháo nhào. Hàng nghìn hàng vạn con kiến lửa đang cắn đốt trong ruột chị. Mặc nồi cơm đang sôi, chị tắt phụt cái bếp dầu. Không kịp khép cửa, Mai chạy lao lên căn nhà bà chủ.
Úp cái ống nghe xuống. Bàn tay Mai rã ra. Gương mặt chị trắng nhợt, đờ đẫn như người mất hồn.
– Sao thế? Nhà có chuyện gì à?
Bà Hà phải hỏi đến lần thứ hai, Mai mới nghe ra. Chị gật đầu, giọng như người bị trúng gió làm méo miệng:
– Thằng cu nhà em ốm gần tuần nay. Ngày mai đưa đi viện. Mai chị cho em gửi nhà…
– Thế định về mấy ngày? Rõ khổ…
– Em về với cháu, nó đỡ em lại lên. Cảnh nhà thế, biết làm thế nào bây giờ… Chị đừng cho ai thuê phòng, em… Mai ngập ngừng.
– Thôi được rồi, cô cứ về xem thằng bé thế nào, tôi sẽ giữ phòng cho, không tính thêm tiền những ngày cô không ở đâu mà sợ. Thôi thì khốn khó cũng chỉ giúp nhau lúc này…
– Vâng, em cám ơn chị!
Mai dật dờ đi xuống phòng trọ. Những khớp xương khắp người chị như nhão ra. Chồng cũng đi làm phu hồ mãi tận trong Nam công việc phập phù, tháng không tháng có. Hai đứa con gửi cả ông bà ngoại gần bảy mươi. Chắc cùng đường, u chị mới phải nhắn điện. “Mẹ ơi” – Tiếng trẻ con gọi mẹ từ căn nhà ba tầng đối diện làm tim chị thắt lại. Nước mắt trào ra. Ngọn điện nhỏ nhoi trên trần nhà nhoà đi. Giờ này, con trai chị…
Đã cố nén mà tiếng nấc ghìm của Mai vẫn làm hai người đàn bà phòng bên thức giấc. Họ cũng cùng cảnh chạy chợ kiếm tiền cho con ăn học như chị. Đàn bà dễ mủi lòng. Đẩy cánh cửa, nhìn Mai thu lu trên tấm phản gỗ, nghe câu chuyện qua tiếng được tiếng mất đầy nước mắt của Mai, họ thừ người.
– Tiền nong thế nào, còn ít nào để mai về với thằng bé không? Người có dáng cao gầy, lòng khòng hỏi.
Mai xoè bàn tay. Những đồng tiền lẻ nhãu nhĩ, cáu bẩn mồ hôi, xỉn đen vì ghét xoà ra. Chưa đầy trăm ngàn. Gia tài chị chỉ có thế. Hai người phụ nữ lần lưng quần:
– Hôm qua tao mới gửi về quê cho thằng lớn đóng tiền học phí, chỉ còn ngần này…
Ba mái đầu đỏ quạch vì nắng gió xúm lại. Vuốt nếp, săm soi, chỉ chưa đầy trăm ngàn nữa. Ba khung ngực đàn bà lép kẹp như xẹp thêm xuống.
– Hay đi vay… Người đàn bà thấp đậm cùng phòng bên ngập ngừng…
– Vay ai? Đều cảnh áo ngắn khố đen với nhau… Người kia thở dài…
– Lần trước, em thấy cái Lan đầu dãy cần tiền, vay tạm được của bà Bảo ngoài ngõ. Nó bảo bà ấy cũng không lấy lãi…
– Cái bà vàng đeo đầy người, má phấn môi son suốt ngày ấy á? Nhưng bọn mình, ai người ta tin mà cho vay?
– Thì mình nhờ cái Lan, với lại cứ đưa cái chứng minh cho bà ấy. Tên tuổi, quê quán hẳn hoi…
– Nhưng cái Lan dạo này đi giúp việc gì ấy, có chạy chợ nữa đâu. Giờ nó vẫn chưa về. Thôi, chờ nó vậy.
Có tiếng lạch xạch xích xe. Cả ba người đàn bà lao ra. Căn nhà bà Bảo vẫn sáng đèn. Lan dẫn Mai vào. Cầm ba trăm ngàn vừa vay được trong tay, Mai không ngờ, thế gian này vẫn có người tốt như bà Bảo.
* *
*
Mai vừa mở cửa, mấy chị các phòng bên đã ùa sang. Họ rối rít hỏi thăm thằng bé. Tiếng thở nhẹ nhõm thoát ra từ lồng ngực lép kẹp.
– Dễ mày phải nghỉ chợ có đến gần tuần đấy nhỉ? Tiếng một người
– Năm ngày rồi – Người khác đế vào – Thôi, chúng tao về cho mày nghỉ, mai mà đi sớm. Nghỉ lâu mất hết mối thì bán cho ma, Tết nhất đến nơi rồi.– Họ kéo tay nhau đứng lên – Mà tao chúa là ghét Tết!
– Vâng, mai các chị gọi em với nhá. Em lên lần này cũng cố để còn trả nợ mấy trăm của bác Bảo…
– Ấy… Đã bước ra đến cửa, người đàn bà gầy nhẳng quay lại – Suýt tao quên. Bà Bảo nhắn, khi nào mày lên thì sang ngay bà ấy.
– Thế ạ – Mai đứng dậy, te tái bước ra ngõ.
* *
*
Không biết bà bảo nói với Mai chuyện gì, chỉ thấy chị chân thấp chân cao về phòng, hồn vía như bay đi đâu mất. Mấy người trọ phòng bên nhìn nhau. Điện chưa kịp tắt, đã thấy cái bóng lừng lững của bà Bảo xách quần tránh nền đất ướt lép nhép tiến đến cửa phòng Mai ở. Cái giọng rin rít của bà cất lên:
– Đã rách như tổ đỉa lại còn làm cao. Làm chỗ ấy thì làm sao mà không nhận, chả hơn chán vạn cái cảnh sọt thồ bán rau rong hay sao. Tao nói thật, ối đứa mơ còn chưa được, chẳng qua tao thấy mày còn tươm tươm con mắt mới bảo. Vào đấy vài ngày có khi đuổi cũng chẳng ra ấy chứ. Mày không nhận lời thì nhanh nhanh mai mốt trả tiền cho tao. Năm hết Tết đến, nhà tao đâu phải nhà phát chẩn.
Chờ cho cái bóng bà Bảo khuất ngoài đầu ngõ, hai người đàn bà phòng bên chạy sang. Mai ngồi câm lặng, nước mắt chị nhoà trên khuôn mặt hốc hác. Chị ngước lên. Ánh mắt hai người đàn bà kia như dò hỏi:
– Bà ấy bảo em vào làm cho nhà hàng của em bà ấy. Trừ ăn đi rồi lương tháng năm trăm…
– Sao cô không nhận?
– Mình người nông thôn lên đây, khổ thế nào em cũng chịu, đồng tiền thì ai chả quý, nhưng em chỉ e…
– Ừ, mày cũng chẳng trẻ trung gì nhưng còn ưa nhìn chán, vào làm trong nhà hàng thì biết thế nào. Giờ người ta bảo mình vào làm chân quét dọn, ai biết đâu lúc nào ấy. Ăn tiền của người ta rồi như con cá mắc câu, gỡ thế nào để về được với con… Người đàn bà gầy nhẳng thở dài.
– Vì các con, khổ thế nào em cũng chịu được, chỉ sợ nhất các con quên mất mặt mình! Vào đấy, tô son vẽ phấn… Sợ nhất các con quên mất mặt mình! Mai lặp lại như cái máy vô hồn.
– Thôi! Vào ngủ, mai còn đi chợ. Từ tối nay dồn cả vào một phòng cho đỡ tiền nhà.
Hơi thở của hai người đàn bà nằm bên thoảng đi. Trước mặt Mai, nụ cười của những đứa con vây quanh nồi bánh chưng, nồng nàn toả khói./.